Chuyến thực tập tốt nghiệp ở Đại học Tổng hợp Hà Nội để lại cho Tuấn nhiều cảm xúc và kỷ niệm đẹp. Năm 1981, Tuấn cùng một số sinh viên học giỏi được chọn làm đề án tốt nghiệp. Phần việc của anh là nghiên cứu quá trình địa hóa học diễn ra trong quá trình tạo núi của một rặng núi đá vôi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tuấn được cho phép làm việc ở phòng thí nghiệm của Đại học Tổng hợp Hà Nội vì nơi đây có máy chụp ảnh lát cắt để phát hiện cấu trúc khoáng vật trong đá, từ đó suy ngược lại các phản ứng hóa học diễn ra trong quá khứ, cách đây hàng trăm triệu năm. Việc chụp hình dưới kính hiển vi điện tử chỉ tốn vài chục tấm hình, nhưng anh được trường, khoa cấp một tập giấy ảnh OWRO của Đức. Thật bất ngờ, tập giấy này rất có giá trị. Đổi nguyên tập giấy cho một tiệm chụp hình đã giúp anh trang trải toàn bộ chi phí đi lại, sinh hoạt gần một tháng ở thủ đô Hà Nội.
Khi chiếc tàu lửa vượt vĩ tuyến 17, chạy lên phía Bắc sang phần bên kia của tổ quốc, ý tưởng đầu tiên của Tuấn là nhìn ra cửa sổ xem quang cảnh bên ngoài có gì khác biệt so với quê mình trong Nam. Chỉ trong một thoáng nhìn, anh đã có ngay ý nghĩ, thống nhất tổ quốc là lẽ tất yếu vì cây cỏ, vật nuôi, con người giống hệt nhau. Làm sao non sông liền một giải xinh tươi như thế này lại bị chia cắt thành hai quốc gia được. Cảnh vật hai bên đường tàu lướt qua ô cửa đều rất thân quen, những con bò vàng gặm cỏ trên đồng lúa xanh tươi, những dòng sông xanh biếc, những mái nhà tranh, những chiếc nón lá của nông dân trên đồng ruộng… mọi thứ đều rất quen thuộc trong Nam ngoài Bắc.
Thủ đô Hà Nội thời ấy còn sử dụng xe lửa điện. Cư xá sinh viên Đại học Tổng Hợp ở khu “cao-xà-lá” thuộc Hà Đông. Tờ mờ sáng thứ bảy, Tuấn cùng Minh nhảy theo xe điện chở rau về Hà Nội để tham quan thủ đô, đến chiều tối lại theo xe về cư xá. Vé chỉ có mấy hào. Có khi hai đứa bị nhỡ tàu đành phải đi xe buýt. Xe buýt không có ghế ngồi, hành khách đứng sát vào nhau chật như nêm. Tuy vậy, Tuấn không hề thấy nạn móc túi. Có lẽ, những người đi xe buýt phần lớn là sinh viên, học sinh hoặc công nhân, chẳng ai có vật dụng gì quý giá mang theo trong người.
Một buổi nọ Tuấn và Minh đón xe buýt chiều thứ bảy về Hà Nội thăm thầy giáo chủ nhiệm. Do xe quá chật và thời tiết nóng bức, cộng thêm vào đó là hơi nóng từ cơ thể mỗi hành khách, Minh ngất xỉu ngay trên xe buýt. Xe dừng lại ở bệnh viện Việt Nam Cu Ba trên đường Hai Bà Trưng để đưa Minh vào cấp cứu. Tuấn theo Minh vào bệnh viện làm thủ tục và chờ kết quả. Lạ thay, khoảng một giờ sau có một cô gái Hà Nội tìm đến hỏi thăm. Trên tay cô cầm một tách sứ đựng bột đậu xanh pha sẵn. Cô nói, “Hồi nãy em và mẹ đi chùa ở Hà Đông cùng về chung xe buýt. Biết hai anh người miền Nam không có người thân ở đây nên mẹ bảo em mang sữa đậu xanh đến cho anh bạn bị ngất uống cho khỏe và xem thử hai anh ra sao.” Rất xúc động, Tuấn đưa cô gái vào phòng hồi sức để gặp Minh và đưa quà cho bạn ấy. Minh đang được chuyền đạm và còn ngũ thiếp. Thấy cô đứng chờ lâu, Tuấn mời cô ta ra ghế đá đặt trước công viên hồ Ha-le (Hồ Thuyền Quang) uống nước và trò chuyện. Cô gái ấy tên Thanh Hương, nhà ở Phố Thợ Nhuộm, cha mẹ mua bán hàng nông sản ở chợ Đồng Xuân. Cô hiện đang theo học trung cấp kế hoạch và học xong có thể về nhận công tác ở Lào Cai. Trăng sáng vằng vặc, Tuấn và Hương mãi trò chuyện đến khuya. Chiếc xe đạp của cô dựng sau lưng ghế đá. Một người lạ có lẽ là một tay trộm vặt tưởng hai đứa là tình nhân. Hắn đi vòng quanh nhiều lần và định tiến lại lấy cắp chiếc xe đạp. Lúc đó Hương đứng phắt dậy, tay quấn tóc, miệng hét, “Mày muốn gì?” Tên trộm thấy thái độ mạnh mẽ, dứt khoát của Hương đành quay lưng bỏ đi.
Từ lần gặp gỡ đó, Hương và Tuấn chỉ gặp nhau thêm một hay hai lần. Một lần anh nhớ đã hết sức sửng sốt khi Hương dẫn anh về Phố Thợ Nhuộm nơi gia đình cô sinh sống. Đấy không phải là một căn nhà mà chỉ là nơi giao hàng giữa những người buôn chuyến. Hàng hóa ở các nơi đưa về tạm thời chất đầy trong một không gian chật hẹp chỉ vài mét vuông. Sau đó, chúng được đóng gói lại và chuyển đến các nơi tiêu thụ ở Hà Nội và cả các tỉnh lân cận. Trong thời bao cấp, toàn bộ việc mua bán do ngành thương nghiệp của nhà nước quản lý, kinh doanh theo kiểu của gia đình Hương có thể nói là ngoài luồng và rất khó khăn vì chắc chắn lực lượng quản lý thị trường không để yên. Tuy vậy, công bằng mà nói, nếu không có các kênh phân phối hàng không chính thức kiểu ấy, đời sống của người dân thủ đô sẽ khó khăn hơn nhiều.
Từ lần gặp gỡ đó, Hương và Tuấn chỉ gặp nhau thêm một hay hai lần. Một lần anh nhớ đã hết sức sửng sốt khi Hương dẫn anh về Phố Thợ Nhuộm nơi gia đình cô sinh sống. Đấy không phải là một căn nhà mà chỉ là nơi giao hàng giữa những người buôn chuyến. Hàng hóa ở các nơi đưa về tạm thời chất đầy trong một không gian chật hẹp chỉ vài mét vuông. Sau đó, chúng được đóng gói lại và chuyển đến các nơi tiêu thụ ở Hà Nội và cả các tỉnh lân cận. Trong thời bao cấp, toàn bộ việc mua bán do ngành thương nghiệp của nhà nước quản lý, kinh doanh theo kiểu của gia đình Hương có thể nói là ngoài luồng và rất khó khăn vì chắc chắn lực lượng quản lý thị trường không để yên. Tuy vậy, công bằng mà nói, nếu không có các kênh phân phối hàng không chính thức kiểu ấy, đời sống của người dân thủ đô sẽ khó khăn hơn nhiều.
Hôm Tuấn và Minh rời Hà Nội, Hương tiễn hai bạn ra ga Hàng Cỏ. Cô gói cơm trắng nhồi chặt, cắt lát sẵn cùng với các gói chả Bắc, muối tiêu. Hương khéo léo chia thành từng khẩu phần cho cả hai cậu sinh viên miền Nam ăn cho đến khi tàu vào tận ga Huế. Hồi tưởng hình ảnh Hương đứng vẫy tay xa dần, Tuấn có cảm giác như cảnh người yêu, người vợ, tiễn chồng ra trận trong rất nhiều câu chuyện phim viết về chiến tranh. Dù một thoáng, hình ảnh ấy quả khó quên được trong đời. Vào Huế, Tuấn nhờ thầy Hòe, giáo viên hướng dẫn mang một chiếc nón bài thơ ra Hà Nội tặng cho Hương. Từ đó, hai người chỉ liên lạc thư từ chứ không hề gặp lại lần nữa. Một hôm anh nhận thư của Hương báo tin muốn vào Nam sinh sống. Tuấn đã viết thư trả lời rằng anh sẽ đi du học chứ chưa tính chuyện lâu dài. Anh khuyên Hương đừng bỏ Hà Nội mà đi và nên tìm một công việc ở thủ đô Hà Nội. Hương viết một lá thư thật dài, trong đó có một câu rất lãng mạn nhưng rất mạnh mẽ, “Dù ở đâu, anh cũng không thể trốn khỏi cuộc đời của em.” Cô chép tay cho Tuấn bài thơ “Thuyền và Biển” của Xuân Quỳnh. Bài thơ thật hay, diễn tả một tình yêu gắn bó, cả hai người luôn cần có nhau. Những câu kết rất buồn,
....
"Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố!"
Từ đó, hai người thôi liên lạc với nhau nữa. Việc Tuấn đi du học về sau trở thành sự thật. Mặc dầu vậy, sau ba năm du học ở Mỹ, năm 1997, Tuấn về nước và đã ra thăm Hà Nội lần thứ hai để gặp công ty Petro Việt Nam, theo thư hướng dẫn của Chủ tịch công ty, giáo sư Hồ Sỹ Thoảng gửi cho Tuấn khi anh còn ở nước ngoài. Tuấn đã mua môt gói quà nhỏ đến tìm nơi ở cũ của Hương để thăm. Tuy nhiên, cảnh vật quá nhiều thay đổi, vả lại, hồi đó, anh đã đến nơi Hương ở vào ban đêm, nên không thể tìm ra chốn cũ. Hỏi han mãi mới có người nói, dường như Hương đã lấy chồng và chuyển sang sống ở phố Hàng Bún.
Cầu mong Hương hạnh phúc và con thuyền của Hương sẽ không gặp bão tố trên đời. Mối tình thoảng qua thơ ngây với người con gái Hà Nội khép lại, đẹp và đáng nhớ như một bài thơ tình thời tiền chiến. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mỗi khi đi hát karaoke, Tuấn chỉ hát bài, “Em ơi Hà nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang.
Cầu mong Hương hạnh phúc và con thuyền của Hương sẽ không gặp bão tố trên đời. Mối tình thoảng qua thơ ngây với người con gái Hà Nội khép lại, đẹp và đáng nhớ như một bài thơ tình thời tiền chiến. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mỗi khi đi hát karaoke, Tuấn chỉ hát bài, “Em ơi Hà nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang.
“Em ơi Hà nội phố.
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.”
Vâng, mối tình của Tuấn đã thoáng qua, nhưng vẫn còn thoang thoảng như hương hoàng lan hay hương hoa sữa nhè nhẹ chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp trên những con đường phố cổ Hà Nội.
No comments:
Post a Comment