Tuesday, July 19, 2011

Những toan tính trẻ con


Nhà Tuấn cách thành phố Huế chỉ vài cây số nhưng không có điện. Tính ra từ ngày cấp sách đến trường cho đến khi rời trường đại học, anh phải ngồi học dưới ánh đèn dầu suốt 17 năm.  Sau 1975, đất nước dù được thống nhất về bờ cõi nhưng kinh tế chìm sâu trong cảnh nghèo đói vì cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam. Dầu thắp, vải, thịt và các loại nhu yếu phẩm được bán theo hạn mức và tất nhiên là một gia đình bình thường, mức cung của gia đình Tuấn là tối thiểu. Nhiều cơ sở phải cúp ánh sáng điện vào ban đêm, chỉ một vài nơi đặc biệt mới được ưu tiên sử dụng. Một trong những nơi như thế là phòng học của lớp chuyên toán của trường cấp 3 Quốc Học.

Năm học lớp 12, Phạm Anh Thu được bầu làm lớp trưởng,Tuấn được bầu làm lớp phó phụ trách học tập. Thu phát hiện lớp chuyên toán được phép mở đèn về đêm, anh đã rủ Tuấn trốn vào để học thi đại học.  Việc lẻn vào trường khá công phu vì phải qua mắt bảo vệ nhà trường.  Tuy nhiên, do khuôn viên trường rất rộng, vào khoảng cuối giờ buổi chiều, hai bạn ngồi sẵn trong ghế đá công viên của trường, chờ lúc tối trời lẻn vào lớp để học bằng ánh đèn điện. Cũng cần nói thêm, kiến trúc trường Quốc Học rất xưa, để chống nóng, lạnh, các kiến trúc sư thiết kế tường rất dày, cửa gỗ lá sách bên ngoài và cửa kính bên trong. Hành lang dọc theo các lớp học còn được dấu bên trong một lần tường và cửa. Vì thế, nếu đóng kín, ánh sáng khó hắt ra ngoài được.
Học suốt đêm trong phòng kín khiến Tuấn cảm thấy tù túng. Một hôm anh quyết định leo lên mái bằng của tòa nhà để hít thở không khí trong lành ban mai. Nhờ đó, Tuấn đã phát hiện ra một cảnh đẹp Sông Hương mà theo anh chưa một người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào có dịp thưởng ngoạn.
Từ trên cao, nhìn xuyên qua Sông Hương là cổng trường với cành phượng xơ xác sau những ngày hè khoe sắc. Làn sương mờ trên Sông Hương thỉnh thoảng xuất hiện một chiếc thuyền gỗ xuôi dòng. Xa xa là bức tường thành cổ của đại nội Huế vẫn còn chìm trong bóng mờ của buổi bình minh.
Việc học đêm của hai bạn Thu và Tuấn kéo dài hơn một tháng và phải chấm dứt vì bị phát hiện.  Một hôm, trời rạng sáng, Thu quấn trong mình một chiếc chăn mỏng màu lính, tay cầm quyển sách vừa đi vừa đọc trong khuôn viên sân trường.  Bác bảo về nhà trường ngạc nhiên chặn lại và truy hỏi.  Anh ta nói dối là nhà ở gần trường nên vào học rất sớm.  Tuy thế, Thu bàn với Tuấn và hai đứa quyết định không dám tiếp tục nữa vì anh đọc được ánh mắt ngờ vực của ông già bảo vệ nhà trường.

Một chuyện đáng nhớ giữa Thu và Tuấn là quyết định đổi hướng nghề nghiệp trước ngày thi vào đại học.  Cả Thu và Tuấn tuy học giỏi nhưng không có nhiều lợi thế so với những người khác nếu xét theo tiêu chuẩn tuyển sinh.  Vào thời đó, đối tượng tuyển sinh được chia thành nhiều diện. Ưu tiên nhất là những người bộ đội trở về sau chiến tranh. Kế đến là con em liệt sỹ cách mạng, những người có công với cách mạng… Tuấn và Thu đều là những học sinh thuộc diện bình thường. Vì thế, một đêm, Thu bàn với Tuấn đổi mục tiêu thi tuyển từ đại học y khoa sang đại học tổng hợp để bớt cạnh tranh.  Thu còn nói thêm, “Tao nghe nói Việt Nam sắp khai mỏ dầu hỏa. Tụi mình thi vào trường Tổng hợp, nếu đỗ, cũng dễ kiếm việc làm.”  Hai đứa rủ nhau lên văn phòng tuyển sinh thành phố năn nỉ xin rút hồ sơ đại học y khoa để nộp vào đại học tổng hợp.  Người cán bộ tuyển sinh giải thích rằng do hồ sơ đã đóng gói, hai đứa chỉ cần làm hai tờ đơn bổ sung, sau này nếu trúng tuyển sẽ được chuyển hồ sơ từ trường y sang trường tổng hợp.

Kết quả kỳ tuyển sinh năm 1977, Tuấn đỗ vào trường đại học tổng hợp Huế. Thu thi rớt đại học lần đầu. Anh điên tiết, quyết tâm học tập ngày đêm và năm sau đã thi đỗ vào trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh.

No comments:

Post a Comment