Khi được phân công về làm việc ở thành phố Nha Trang, tỉnh Phú Khánh, Tuấn lần đầu tiên sống xa nhà. Đồng lương kỹ sư của anh sau khi trừ tiền ăn ở đội, chỉ đủ sống đạm bạc qua ngày ở công trường và đãi bạn bè hai lần trong tháng mỗi khi về Nha Trang lĩnh lương hay làm hồ sơ kỹ thuật.
Chán nản vì bế tắc trong việc cải thiện đời sống gia đình sau gần chín năm gắn bó với công việc khảo sát thiết kế cầu đường, Tuấn đã muốn xin chuyển công tác. Trước đó, vị giám đốc xí nghiệp, ông Hải, vì muốn sử dụng chuyên môn của Tuấn, nên ông đã tìm mọi cách ngăn cản. Lúc Tuấn được chuyển sang đơn vị khác cũng là lúc xí nghiệp cũ gặp rất nhiều khó khăn và ông Hải cũng đã chuyển công tác.
Năm 1988-1989, nhà nước Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới mở cửa giao thương với các nước để thoát khỏi kinh tế bế tắc vì cấm vận của Mỹ. Nhiều doanh nghiệp nhà nước bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh để trao đổi hàng hóa với thị trường. Nhiều hộ kinh doanh tư nhân tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa trên thị trường làm cho nền kinh tế bắt đầu khởi sắc.
Trong luồng gió kinh tế thời mở cửa, cũng như mọi người, Tuấn cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, làm gì để có thêm thu nhập, thoát nghèo là mong ước của Tuấn và hầu hết mọi người Việt Nam hồi đó. Anh làm bột láng cho đồ gỗ, bột trét cho đồ sắt cung cấp cho thợ mộc, thợ sơn lấy nguyên liệu thiên nhiên ở Phú Yên và Khánh Hòa.
Một hôm anh ghé thăm cửa hàng của một công ty vật tư nhà nước. Quan sát hàng hóa trưng bày, Tuấn phát hiện nhiều bao bột oxid sắt màu nâu đỏ. Kiến thức về hóa học khiến anh linh cảm đây là một loại bột màu công nghiệp. Anh quyết định lấy một mẫu nhỏ mang thẳng đến Chợ Đầm và được đồng ý mua hết với giá gấp ba, bốn lần giá niêm yết ở quày hàng. Kết thúc thương vụ này, anh sắm được chiếc xe máy cub 50 đầu tiên trong đời. Cũng cần phải nhắc đến công lớn trong việc này là Trúc, bà xã anh hiện nay. Vì không có tiền mặt trả cho cửa hàng vật tư, anh không thể đưa hàng ra khỏi cửa.
Thành công này còn khiến anh hứng chí tìm kiếm thêm nhiều nguồn vật tư mới để tham gia mua bán với các tư thương ở Chợ Đầm, Nha Trang. Chẳng hạn, tham khảo tài liệu khoa học, Tuấn đã một mình mang theo con dao găm của lính Mỹ đón xe ra Tuy An, Phú Yên tìm tảo diatomit. Anh đi bộ theo đường làng vào trong vùng núi tìm một loại đất trắng, nhẹ và khi khô có thể viết như phấn bảng. Đi từ sáng đến trưa vẫn không tìm thấy. Mệt và đói, Tuấn ghé vào một nhà dân bên đồi nhờ thổi cơm ăn. Trong lúc nằm trên võng chờ cơm, anh hỏi dò chủ nhà, “Bác có thấy ở đâu có loại đá trắng nhẹ có thể nổi trên mặt nước không?” Chủ nhà lắc đầu, nhưng thằng bé con chủ nhà nhanh nhẩu la lên, “Ô nhiều lắm, tụi cháu hay lấy về làm phấn đấy mà!”
Mừng quá, cơm nước xong, Tuấn xin chủ nhà cho thằng bé dẫn đường. Quả thật, bên một sườn núi, dòng suối khô lộ hẵn ra một vùng đất trắng. Tảo diatomit đây rồi! Tuấn dùng dao găm cạy từng mảng cho vào túi đựng gạo. Anh nhờ chủ nhà cho thuê ngựa để thồ các bao tải ra quốc lộ I để đón xe đưa về Nha Trang.
Làm gì với các bao đất diatomit này? Theo tài liệu tham khảo ở thư viện khoa học và Viện Hải dương, diatomit được sử dụng khá nhiều trong xử lý nước, chất độn công nghiệp. Tuấn quyết định triển khai thí nghiệm theo hướng làm chất độn cho sơn. Anh đưa các bao đất đến tiệm xay sắn lát để thổi thành bột. Chủ tiệm hỏi đây là chất gì, Tuấn giải thích đây là thức ăn gia súc. Tuy vậy, anh cũng xin phép làm vệ sinh máy sạch sẽ trước khi xay để tránh tạp chất. Không có nhà máy sơn, anh quyết định đưa bột diatomit vào làm matit. Cho từng túi bột diatomit vào một túi ny lon lớn, anh đạp xe khắp các đường phố chính của thành phố Nha Trang, tìm các tiệm sơn để thử nghiệm. Vài tuần sau, anh quay lại xin kết quả, một vài tiệm bắt đầu hỏi mua. Tuấn có thêm một công việc mới. Về sau, do quãng đường xa và khai thác bất tiện, Tuấn sử dụng đất sét trắng ở Xuân Sôn, Vạn Ninh để thay thế, kết quả cũng rất tốt.
Cũng vì say mê nghiên cứu ứng dụng theo hướng này, anh đã quyết định chuyển công tác sang Xưởng chế biến bột màu titan do Viện Khoa học Việt Nam liên kết với tỉnh Phú Khánh thực hiện.
Xưởng chế biến bột màu titan do giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam xin tài trợ của UNIDO để thực hiện. Do cần một đơn vị địa phương chuẩn bị khâu vật liệu, ông đến Nha Trang xin lập văn phòng và được tỉnh chấp thuận cấp đất và tổ chức thực hiện. Xưởng sản xuất đặt ở Đường Đệ, Nha Trang, nhưng xưởng tuyển khoáng đặt ở Sông Cầu. Quặng titan được tuyển sạch đưa về xưởng để tinh lọc. Sau đó, chúng được ngâm với acit sulfuric. Quá trình phân hủy hóa học và cơ học tạo ra chất bột màu trắng tinh, nhẹ xốp, dùng làm nguyên liệu sơn, cao su và bột vẽ cho họa sĩ.
Bây giờ nhìn lại thời ấy mới hiểu ra kiểu làm ăn thời kinh tế kế hoạch quả là duy ý chí. Xưởng bột màu chỉ biết sản xuất, chứ không hề tính toán, làm như thế sẽ cho ra giá thành một ký bột màu bao nhiêu và có thể cạnh tranh trên thị trường hay không. Về sau, chính sự tò mò của Tuấn đã khiến anh là người đã đưa bột màu titan ra chợ Đầm bán thử nghiệm. Anh cũng đã quyết định mua hết số bột màu sản xuất từ xưởng, khoảng vài chục kí lô để trong kho nhà máy cơ khí. Số lượng tiêu thụ quá ít, vì chỉ bán lại cho các họa sĩ tuồng cổ để họ pha màu vẽ tranh và kẻ mặt hóa trang thành các vai diễn trên sân khấu.
Chuyển sang Xưởng thí nghiệm sản xuất bột màu từ khoáng sản titan không bao lâu, nhà nước có chủ trương tách tỉnh. Phú Khánh là tên ghép của hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa được nhà Nguyễn thành lập và được Pháp, nước bảo hộ, duy trì từ xưa đến trước 1975. Sau khi thống nhất đất nước, nhiều tỉnh được ghép lại thành các đơn vị hành chính lớn. Giờ đây, nhà nước quyết định cho tách tỉnh như xưa. Đơn vị của Tuấn mới thành lập, do tách tỉnh nên mất vùng nguyên liệu, thị trường thu hẹp, có nguy cơ phải giải thể. Trước tình thế này Tuấn phải xoay xở, tìm cách mở thêm hướng sản xuất mặt hàng khác, đồng thời tìm cách sát nhập với đơn vị khác để tồn tại.
Tuấn có người bà con trong họ tham gia nhận thầu vận chuyển cát Cam Ranh xuất khẩu từ mỏ cát Thủy Triều về cảng Ba Ngòi. Do muốn tiết kiệm chi phí vận chuyển, đơn vị xuất khẩu đã xin phép quân đội cho làm con đường nối mỏ cát với khu quân sự Cam Ranh do Mỹ để lại và hiện đang bỏ trống phần phía Bắc của căn cứ. Nếu vận chuyển theo con đường mới, cự ly vận chuyển tiết kiệm hàng chục cây số sẽ tăng lợi nhuận cho việc xuất khẩu cát trắng.
Do biết Tuấn có kiến thức và kinh nghiệm trong ngành cầu đường, người chủ thầu vận chuyển cát giao Tuấn chỉ huy thiết kế thi công đoạn đường này. Chi phí do ông đầu tư và được phía công ty cát thanh toán dần khi xuất khẩu. Nhờ tham gia thi công đoạn đường này, Tuấn có dịp tham quan công trường khai thác cát trắng Cam Ranh. Anh phát hiện quy trình khai thác của các đơn vị trước đó (có lẽ là của các kỹ sư người Nhật) khá thú vị. Cát lẫn rể cây được nhân công chất đống rất cao. Một dòng chảy nằm giữa hai quả đồi có dạng chữ V tạo độ dốc để nước mặt thoát ra biển khi mưa. Nước chảy sẽ kéo theo chất hữu cơ và tích lại cát trắng. Qua nhiều năm, một lớp cát sạch, mịn sẽ hình thành, lúc đó, vùng cát thải trở thành mỏ cát sạch có thể khai thác trở lại. Quả là một giải pháp khai thác mỏ tiết kiệm và thân thiện với môi trường.
Tận mắt chứng kiến cách làm cẩu thả của các đơn vị khai thác cát xuất khẩu, Tuấn quyết định đến gặp Tổng giám đốc Công ty ISEI, ông Phan Xuân Ngọc, để báo cáo và trình bày giải pháp khai thác cát theo quy hoạch. Khi nghe Tuấn kết luận, “Người Nhật còn biết tiết kiệm tài nguyên của ta, tại sao chúng ta lại lãng phí tài nguyên của chính mình,” Ông Ngọc chỉ vào mặt Tuấn hỏi, “Cậu đang làm gì? Ở đâu? Cậu đã có quyết định về Tổng công ty chưa?"
Ngày hôm sau, ông gửi quyết định tiếp nhận Tuấn về ISEI. Chính đích thân người giám đốc Khảo sát Thiết kế Cầu Đường năm xưa, ông Hải lại đến gặp Tuấn tại nhà. Ông thừa hiểu Tuấn đã lọt vào tầm ngắm của Tổng giám đốc nên đến thuyết phục anh chuyển công tác sang Ban Xuất khẩu cát do ông làm trưởng ban.
Ròng rả ba tháng liền, Tuấn tham gia viết luận chứng khoa học kỷ thuật cùng với một đồng nghiệp, sau khi trình chính phủ, tỉnh Khánh Hòa được chia một nửa mỏ cát trắng Cam Ranh. au đó, bằng uy tín và cách thuyết phục có tình, có lý, toàn bộ xưởng chế biến titan nhỏ nhoi của Tuấn được sát nhập vào Ban Cát rồi sau này trở thành Công ty xuất khẩu khoáng sản Khánh Hòa.
Từ chỗ xuất khẩu thử nghiệm vài chuyến hàng sang Đài Loan, chỉ vài năm sau công ty có nhà máy tuyển rửa cát với hệ thống khai thác, vận tải cơ giới hoàn thiện với doanh số cả triệu đô la Mỹ, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho tỉnh Khánh Hòa. Cũng nhờ chuyến tham quan các nhà máy chế biến sản phẩm từ cát trắng ở Hinchu và tận mắt sự phát triển của đảo quốc Đài Loan, cuộc đời của Tuấn lật sang một trang mới.
No comments:
Post a Comment