Saturday, July 16, 2011

Bí mật của Trí Nỗ

Trí Nỗ cùng sống với Tuấn ở Khu tập thể Sở Lương thực, 52 Yersin Nha Trang. Đây là một trung tâm truyền tin của quân đội Sài Gòn được tận dụng làm văn phòng của Sở Lương Thực. Về sau, khi di chuyển sang cơ sở mới xây trên đường Lê Thánh Tôn, nơi này được phân cho cán bộ nhân viên làm phòng ở.

Những cán bộ có công lớn với chế độ, có chức vụ,…được phân diện tích ở lớn. Trí Nỗ còn trẻ nhưng anh cũng được hưởng tiêu chuẩn như cán bộ cao cấp. Nghe nói vợ anh là con của một quan chức ngành ngân hàng. Bản thân Trí Nỗ cũng tham gia ngành lương thực. Hắn nỗi danh là Trí Nỗ vì ăn nói táo tợn và bốc. Kiểu giang hồ, dám chơi, dám chịu, dám nói, dám làm.

Vợ chồng Tuấn được phân một phòng khoảng 16 mét vuông. Anh thường đi công tác liên tục và do ở nhờ cơ quan vợ nên không có quyền đòi hỏi. Lúc vợ anh có con đầu, anh xin về văn phòng một thời gian để chăm sóc gia đình. Nhờ vậy, bắt chước Trí Nỗ, anh nuôi khoảng chục con gà công nghiệp trong khoảng đất sau phòng ở. Hàng đêm, Tuấn vừa học thêm vừa chăm cho gà ăn.

Tri Nỗ ở gần nhà Tuấn, hằng đêm hắn quan sát thấy Tuấn tay cầm sách hoặc mở băng cat-xét học tiếng Anh trong bếp, thấy thế hắn thầm nể nang và có cảm tình.

Ngày Tuấn nhận thư báo tin trúng tuyển học bổng, anh vừa mừng rỡ vừa bối rối vô cùng. Trước hết, về phía công ty, nhiều người bỗng dưng tránh tiếp xúc với anh. Tin đồn anh được học bổng của Mỹ khiến họ thắc mắc. Vì sao người Mỹ cho Tuấn học bổng? Tuân đã làm gì cho họ. Tại sao học bổng này không được phổ biến rộng rãi. Tại sao nhiều cơ quan chức năng của Tỉnh không biết mà Tuấn lại có thông tin…

Người giám đốc công ty, ông Hải, đứng trước sự phản ứng gay gắt của các đảng viên cọng sản trong cấp ủy. Tại sao ông không thông báo việc Tuấn xin học bổng cho chúng tôi biết trước? Họ thắc mắc và kết luận, nếu muốn đi du học anh phải xin nghỉ việc và tự làm hồ sơ để đi học.

Tuấn đứng trước những trở lực rất lớn. Muốn đi học anh phải có quyết định của Tỉnh để làm hồ sơ xuất ngoại. Phòng Tổ chức công ty từ chối làm hồ sơ cho anh vì đã nhận chỉ thị của cấp ủy. Nhiều lần, Tuấn đến Phòng Tổ chức tỉnh để xin quyết định của Ủy Ban Tỉnh. Anh nhận được câu trả lời, “Cậu về nói tổ chức công ty làm công văn lên đây. Cá nhân không thể tự xin quyết định của tỉnh mà phải được công ty giới thiệu.”

Đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, một hôm đứng tần ngần trước của Văn phòng Ủy ban Tỉnh Khánh Hòa, bỗng dưng Tuấn nghe tiếng hỏi, “Ông làm gì ở đây?” Tuấn chảy nước mắt trình bày hoàn cảnh của mình cho Trí Nỗ. Nghe xong hắn xẵng giọng, “Ông về đi. Tối qua nhà gặp tôi.”

Tối ấy, Tuấn qua nhà Trí Nỗ. Vừa bước vào nhà, hắn hất hàm, “Ông cầm bao nhiêu tiền đấy.” “Một trăm ba chục ngàn”, Tuấn trả lời rụt rè. “Chừng ấy làm sao uống bia cho đủ?” “Thôi được, ông leo lên đây tôi chở đi rồi tính.”

Trí Nỗ tính rất nhanh. Một chai ông già chống gậy, một tuýt 555. Phần tiền lẻ hắn mua một gói chả Bắc ở chợ Mới kèm một gói dưa cải chua và một gói thuốc lẻ. Cả hai đến nhà người cán bộ tổ chức tỉnh. Chủ nhà không có mặt. Trí Nỗ tự lấy chén bát, bày trên bàn một dĩa chả Bắc, một dĩa dưa cải và xin vợ chủ nhà một xi rượu thuốc ngâm hải mã. Cả hai ngồi chờ. Khoảng một tiếng sau, chủ nhà về tới. Ông ta cũng đã uống rượu ở đâu đó rồi. Trí Nỗ vào đề ngay, “Thằng này rất chịu khó. Hắn vừa nuôi gà vừa tự học. Nó nghèo nhưng sống rất mẫu mực ở khu tập thể, anh ráng giúp nó.”

Chủ nhà sau khi nghe Trí Nỗ nói thế đã đổi giọng xưng hô với Tuấn, ông bày vẽ rất cặn kẽ cách làm thế nào để gặp trực tiếp chủ tịch tỉnh để xin phê duyệt vào đơn xin đi du học. Ông còn đưa số điện thoại thư ký riêng của chủ tịch và hứa sẽ báo cáo trước để sắp xếp cho Tuấn gặp chủ tịch xin ký đơn để cho anh du học.

Ông Nguyễn Thiết Hùng nguyên là giáo viên, hiệu trưởng ở Đại học Thủy sản Nha Trang. Ông được gởi sang Nga đào tạo với học vị phó tiến sĩ.  Do là người địa phương, ông chuyển công tac về tỉnh Khánh Hòa và được chọn là chủ tịch Tỉnh. Có được số điện thoại do vị trưởng phòng tổ chức tỉnh cung cấp, Tuấn liên lạc và gặp thư ký riêng của ông Hùng là anh Thắng để sắp xếp gặp chủ tịch.

Giờ đây, nhớ lại hoàn cảnh lúc đó, Tuấn thầm cảm ơn số phận vô cùng. Cả ông Hùng, anh Thắng là những người học thức làm chính trị.  Việc một người kỹ sư trong tỉnh nhận học bổng của Harvard là một điều cả hai ông ắt sẽ hãnh diện và trong lòng họ đã có thiện cảm với Tuấn.

Theo lịch hẹn, Tuấn hồi hộp bước vào phòng chủ tịch.  Ông Hùng nói ngay, “Tôi đã nghe báo cáo và đã cho kiểm tra ngoài trung ương. Đây là học bổng có thực theo thỏa thuận của Thủ tướng và Bộ ngoại giao với Mỹ. Bây giờ tôi hỏi anh ba câu hỏi, nếu anh trả lời được, tôi sẽ cấp quyết định cho anh đi du học.” 
Thứ nhất, hãy giới thiệu về anh, anh đã có bao năm làm việc ở Khánh Hòa và anh đã đóng góp những gì cho Tỉnh.  Vì sao anh biết được tin học bổng này mà tỉnh cũng không hề hay biết? Tại sao anh lại xin đi du học và vì sao lại Mỹ mà không phải là nước khác?

Tuấn lần lượt trả lời các câu hỏi. Anh hầu như thuyết phục được ông khi nói về thành tích lập luận chứng kinh tế kỹ thuật để xin quyền khai thác mỏ cát trắng Cam Ranh cho Khánh Hòa; tờ giấy chiêu sinh đến từ trường đại học nơi ông từng là hiệu trưởng. Tuy vậy giữa ông và Tuấn nảy sinh một tranh luận nhỏ khi Tuấn so sánh sự thành công của đảo quốc Đài Loan và tình trạng nghèo nàn của nền kinh tế Việt Nam. Khi nghe ông nói, “Mình nghèo là phải, mình nghèo là vì đất nước lâm vào hoàn cảnh chiến tranh.”, Tuấn đã phản bác.  Anh nói, “Thưa chủ tịch chiến tranh đã qua khá lâu, gần hai mươi năm rồi. Mình nghèo là do mình chưa biết cách làm giàu.  Tại sao một đảo quốc như Đài Loan, không có tài nguyên, họ sản xuất máy bán khắp thế giới.  Thiếu đất, phải đào đá để tạo mặt bằng làm nông, họ lại xuất dưa hấu sang Mỹ.”

Tuy có vẻ chưa chịu thua cách trả lời của Tuấn, ông vẫn giải thích rất cặn kẽ anh phải viết một đơn như thế nào để ông có thể phê ý kiến chấp thuận cho Tuấn làm thủ tục du học.

1 comment:

  1. Bác là một tấm gương không chịu khuất phục trước sự nghèo khó để vươn lên.

    Ngoài việc phải vượt qua trở ngại các thủ tục, cháu nghĩ còn có một trở ngại nữa về tinh thần là phải xa gia đình của mình vừa mới có thêm một thành viên nữa, khó có thể tập trung học tập... Nhưng rồi thực tế chứng minh là bác và gia đình đã vượt qua được trở ngại đó :)

    Chắc cháu sẽ lo xong việc học vấn, ổn định về sự nghiệp mới lập gia đình :)

    ReplyDelete