Năm 1993, lần đầu tiên được ra nước ngoài khiến Tuấn rất hồi hộp. Việc anh được cử đi công tác Đài Loan cũng khá vất vả. Những lần trước, các lời mời của đối tác dành cho công ty đều được vị giám đốc khéo léo bố trí cho lãnh đạo cấp trên của Tỉnh nhằm thu phục cảm tình của họ đối với công việc của công ty. Lần này, người đi công tác phải vừa làm phiên dịch, phải vừa hiểu biết về tài nguyên thiên nhiên Khánh Hòa để giới thiệu cho nhà đầu tư Đài Loan. Ngoài ra, Tuấn còn được giao nhiệm vụ thăm xưởng sản xuất cát khuôn đúc và nhà máy nghiền bột silic của một đối tác, công ty Chinching Silica Sand. Đồng thời, kết hợp xác minh tình hình chậm trả nợ của một công ty đối tác khác ở Đài Trung.
Năm 1993, đảo quốc Đài Loan đã phát triển công nghiệp rất mạnh mẽ. Sân bay Tưởng Giới Thạch được xây mới với kiến trúc rất hiện đại. Tòa tháp cao 500 mét đang xây gần xong. Cảng Đài Trung có bến cập cảng dài hàng cây số. Khu công nghiệp mọc san sát đan xen với ruộng lúa ở Hinshu. Về nông nghiệp, là một vùng đảo, đất đai khô cằn, vậy mà Đài Loan xuất khẩu dưa hấu, rong biển sang Mỹ.
Tận mắt thấy được một mô hình xã hội công nghiệp hiện đại với nhiều ứng dụng tự động hóa, Tuấn thật sự đau đáu trong lòng vì thấy quê hương mình quá thua thiệt. Anh dành tiến công tác phí mua một vài cuốn sách tiếng Anh để mang về tự dịch ra tiếng Việt để kết hợp học luôn từ vựng. Tuấn đã nuôi ý tưởng tìm cách ra nước ngoài để du học kể từ chuyến đi này.
Về nước, anh lao vào học Anh Văn ban đêm ở Cao đẳng Sư Phạm Nha Trang. Chính nhờ môi trường này, anh quen Hảo, Kim Anh, Anh Cường, Ngô Em. Họ kết nhóm với nhau để sinh hoạt câu lạc bộ đàm thoại Anh Ngữ lấy nhà Hảo làm nơi sinh hoạt.
Một hôm Hảo, giáo viên tại Đại học Thủy Sản Nha Trang, đến rủ Tuấn uống cà phê để phân trần một việc anh bực tức vì không được nhà trường lắng nghe ý kiến góp ý của mình. Hảo thấy tờ thông báo chiêu sinh của Viện Phát triển Quốc tế Đại học Harvard sử dụng có một từ ít thấy trong sách tiếng Anh, nhưng hay dùng ở Mỹ để nói về bậc đại học (undergraduate). Người phụ trách dịch thuật ở trường dịch là “sau đại học” vì có chữ under, có nghĩa là dưới, nhưng Hảo cho là phải dịch tốt nghiệp đại học mới đúng. Anh góp ý cho ban dịch thuật nhưng không được lắng nghe. Giận quá anh mang tờ giấy chiêu sinh đến phân trần với Tuấn.
Tra nghĩa trong một cuốn từ điển xuất bản ở Mỹ, Tuấn biết rằng Hảo đúng. Bỗng nhiên anh tự hỏi, “Sao mình không thử xin học bổng này nhỉ.” Nghĩ là làm ngay, Tuấn về nhà lấy giấy vở học trò viết bằng tay một bức thư tiếng Anh mang đến bưu điện Nha Trang trên đường Lê Thánh Tôn để gửi sang Mỹ xin học bổng.
Vài tháng sau, một hôm công tác ở Đầm Môn, huyện Vạn Ninh về, anh được Liễu, người phiên dịch của công ty thông báo có một người xưng là giáo sư đại học của Mỹ gọi điện hỏi thăm và mời anh vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp.
Tuấn thông báo cho giám đốc của mình, ông Hải sự việc. Mặt ông bổng biến sắc. “Chết thật, sao cậu không báo tôi trước. Giờ này mà lộ chuyện đi gặp người Mỹ là phức tạp lắm. Thôi cậu nghỉ phép mà đi, nhưng nhớ tuyệt đối không nói đi gặp giáo sư Mỹ đấy nhé.”
Tuấn mua vé tàu lửa lên đường vào thành phố. Sáng sớm, tàu vào sân ga, anh đi xe thồ đến khách sạn Rex chờ gặp các thành viên trong đoàn. Việc gặp gỡ gần như không chính thức, mọi người ngồi quanh một bàn nhỏ như đang uống cà phê. Tuấn không hiểu nhiều các câu hỏi của các giáo sư trừ giọng nói rõ nét từ tốn của cô Lucy Pullen. Lạ thật, cách giao tiếp của Lucy khiến Tuấn cảm thấy thật dễ chịu, bao nhiêu lo lắng, cách biệt gần như xóa hết trước mặt Tuấn khi đối diện với cô ấy.
Buổi chiều anh được sắp xếp kiểm tra tiếng Anh trước khi lên đường trở lại thành phố Nha Trang. Thấy mọi người nói tiếng Anh thật lưu loát đang vây quanh hai người phụ nữ Mỹ đến giám sát phòng thi, anh ngữa mặt lên trời than thở “quả là châu chấu đá xe rồi.” Thế nhưng, vài tuần sau anh nhận thư báo cho biết khả năng Anh ngữ của Tuấn vào loại khá, có thể được mời tham gia vòng tuyển sinh tiếp để theo học chương trình cao học ở Mỹ.
Tuấn được mời trở lại Sài Gòn vài tháng sáu đó. Anh được cho kiểm tra toán và nhận hồ sơ tiến hành thủ tục xin học bổng. Hồ sơ quy định khá phức tạp và thời gian chỉ cho phép hoàn tất 45 ngày. Ba bài luận văn ngắn và ba bức thư giới thiệu là phần khó nhất đối với Tuấn. Anh phải về Huế để xin thư giới thiệu của thầy dạy trực tiếp. Tuy nhiên, thầy Sau lại đề nghị thầy trưởng khoa ký thư. Có lẽ, thầy Sau cũng sợ liên lụy với Mỹ chăng? Thầy Thanh là người đã du học ở Nga. Sau khi nghe thầy Sau giới thiệu về Tuấn, ông đồng ý ký ngay, nhưng lại yêu cầu Tuấn tự thảo thư. Tuấn ra bờ tường Morin ngồi bên người thợ đánh máy chữ để đánh máy thư giới thiệu. Xong việc, anh đến xin chữ ký ngay trong lớp học lúc thầy đang giảng bài.
Thầy Thanh giới thiệu với cả lớp, “Đây là anh Tuấn, sinh viên khóa I của Trường. Hôm nay anh về đây xin tôi giới thiệu để làm hồ sơ xin học bổng của trường Harvard. Cả lớp ồ lên một tiếng. Từng con mắt sáng đổ dồn về Tuấn với vẻ thán phụ lẫn tự hào. Lúc Tuấn tặng thầy cây bút do công ty Sumitomo đã tặng anh trước đây, thầy cười đùa, “Cậu này còn biết hối lộ tôi nữa đấy!”
Rời trường đại học, anh đi thẳng ra Ga Huế để đi tàu về Nha Trang. Lòng tự nhủ, phải cố gắng hết sức hoàn thành nhanh chóng các thủ tục xin học bổng này để không phụ lòng mong đợi của quý thầy và bạn bè cùng những người đã giúp đỡ anh.
No comments:
Post a Comment