Friday, October 20, 2017

Bạn vs Đối tác?

Tôi đã mất một tuần để xem hết bộ phim tư liệu nhiều tập: “The Vietnam War” do PBS mới phát hành năm 2017. Tôi đã phải ngưng việc xem phim sau khi hết tập 7 và trải qua một đêm thức trắng. Tôi có ý định bỏ, không tiếp tục xem thêm các tập sau vì nghĩ rằng mình đã trải nghiệm qua thời kỳ này. Thế nhưng, tôi vẫn bị thôi thúc xem tiếp ba tập còn lại và đã thở phào nhẹ nhỏm khi xem xong.

Tôi muốn viết những dòng này để tri ân nhóm làm phim và những ai đã đóng góp cho việc hoàn tất bộ phim lịch sử này. Tôi rất vui và tự hào vì gặp lại những người bạn, những khuôn mặt, những cái tên thân quen trong suốt 20 năm qua.

Anh Hồ Đăng Hòa nhiều năm trước đây đã tâm sự với tôi: “Mình đang tham gia làm phim kể chuyện về chiến tranh Việt Nam và phải làm gấp vì những người tham gia trong cuộc chiến nay đã già, nếu họ không tham gia thì chẳng còn ai mà kể lại.”  Lúc đó, tôi rất đồng tình vì từ lâu tôi đã có ý định ghi lại những câu chuyện về thời chiến tranh xãy ra trong cuộc sống quanh mình.

Tôi thật bất ngờ khi gặp lại những khuôn mặt quen thuộc tham gia kể chuyện như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Huy Đức, người bạn cũng là ân nhân của chương trình Fulbright Tom Vallely…

Bộ phim đã giúp tôi giải mã vấn đề quan hệ Việt Mỹ, chuyện đã ám ảnh tôi nhiều năm và một thời tôi đã dấn thân muốn tìm giải pháp.

Tôi trở lại Việt Nam năm 1997. Sau hơn 10 năm làm việc cho đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, tôi đã nói với một số bạn bè thân tín rằng vị trí của Việt Nam trong quan hệ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc như chiếc cầu thang trong tòa nhà cao tầng. Nghĩa là, tòa nhà đã được trang bị thang máy nhưng vẫn phải xây cầu thang bộ phòng khi hỏa hoạn hay mất điện.
Tôi nhìn thấy một cách ngẫu nhiên sự giống nhau trong nhận thức về tình bạn của lãnh đạo hai miền Nam Bắc. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi từ chức đã cay đắng nói: “ Làm kẻ thù với Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ khó lắm thay!”

Năm 1994, lúc đến chào tướng Võ Quang Hồ để sang Mỹ du học theo học bổng của chương trình Fulbright, ông cũng đã nói: “Chú được đi học, tôi mừng cho sự nghiệp của chú, nhưng chú hãy nhớ lời tôi, người Mỹ và Trung Quốc không bao giờ là bạn của dân mình.”

Nhiều nhân vật là người Mỹ trong phim cũng có cảm giác tội lỗi khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi.

Thế rồi, ở cuối đoạn phim tôi bị bất ngờ khi có sự xuất hiện của Tổng thống Barack Obama, ông nói: “ Mỹ và Việt Nam giờ đây là đối tác…”

Lời nói ấy hầu như đã giúp tôi gỡ bỏ gánh nặng, nỗi ám ảnh về quan hệ Việt Mỹ trong nhiều năm qua.

Thật vậy, từ nhỏ đi học ở trường, quan hệ cộng đồng, gia đình… chúng ta bị ảnh hưởng quá nặng tư tưởng Nho giáo. Từ những câu chuyện cổ nổi tiếng bên Tàu như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký…đến những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, ở đâu chúng ta cũng thấy nhân vật ứng xử với nhau theo nguyên lý trung thành trong quan hệ vua tôi, huynh đệ.

Nhận thức về đối tác trong quan hệ ngoại giao, thương mại quốc tế và ngay cả những mối quan hệ của các bên liên quan, thậm chí gia đình vợ chồng con cái…đòi hỏi mỗi bên đều phải có trách nhiệm thấu hiểu lẫn nhau và có trách nhiệm vun đắp hoặc làm ngược lại nếu không còn muốn giữ quan hệ đối tác với nhau nữa.

Nên chăng lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 về sau cần phải can đảm, trung thực chỉnh sửa để sau này con cháu chúng ta hiểu và cư xử với nhau tốt hơn.

Hỡi các bạn trẻ Việt Nam! Trong một thế giới mở trên nền tảng tri thức cùng công nghệ thông tin, chỉ có duy nhất hành trình học hỏi để trở thành đối tác mới có thể đưa dân tộc Việt Nam thực hiện được ước mơ Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc.


No comments:

Post a Comment