Sunday, September 24, 2017

VÕ TỘC CỬU QUANG

Theo lời anh họ Võ Quang Khương hiện sống ở Bảo Lộc - Lâm Đồng, Chúa Nguyễn khi vào Nam đã đặt ra một tiền lệ: Một làng thành lập mới phải có ít nhất ba họ. Làng Ngọc Anh của tôi có các họ: Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu và họ Võ. Ngoài ra, trong làng còn có họ Ngô, Nguyễn Xuân, Nguyễn Đình…đến cư ngụ sau. Các họ được phân ngôi thứ: nhất, nhì, ba, tư. Mỗi họ, khi làm lễ ở đình làng đều phải theo thứ tự này.

Mỗi họ được chia ra nhiều phái. Phái còn được chia nhỏ thành nhiều chi. Những người sống ở cùng thời với nhau gọi là một đời. Ví dụ, tôi thuộc phái ba, chi nhì, đời thứ mười bảy.

Cùng phái, bác họ tôi giữ một chức quan nhỏ triều Nguyễn. Ông ở nhà thờ phái, vì vậy, những ngày lễ lớn, đặc biệt mỗi năm đến ngày chạp, chúng tôi phải có mặt cùng vác cuốc lên núi để giẫy cỏ, thắp hương mộ tổ tiên rồi về nhà ông ăn cỗ.

Con cái của gia đình bác họ tôi đều học hành thành đạt và giàu có.  Anh Võ Quang Hồ là một vị tướng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hồi còn trẻ, nghe nói anh làm việc cùng với các lãnh đạo miền Bắc. Ở miền Nam, anh Võ Quang Hàm cũng là một quan chức thời Bảo Đại rồi trở thành một đại gia trong ngành khai thác gỗ thời kỳ Việt Nam Cộng hòa. Những người còn lại đều giàu có và thành đạt.

Thời kỳ chiến tranh, nhà cửa ruộng vườn của bác đều giao cho cha tôi canh tác để lo việc hương hỏa. Vì thế, sau 30/4/1975, một hôm tôi được yêu cầu mở cửa cho anh Hồ thắp hương bàn thờ phái.

Vừa gặp tôi, anh hỏi: “Con chú Yên phải không?” Tôi gật đầu. Thật lạ, cha tôi mất năm 1971, còn anh theo kháng chiến trước 1945 lúc đang học ở Hà Nội, vậy mà vẫn nhận ra.
Đó là lần gặp đầu tiên. Phải đến năm 1994, tôi mới gặp lại anh. Lúc đó, anh đã nghỉ hưu và sống gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Tôi đến chào anh và báo tin tôi sẽ sang Mỹ du học. Thật ngạc nhiên, lúc tiễn tôi ra cổng, vẻ mặt trầm tư, anh nói: “Chú được đi học, tôi mừng cho sự nghiệp của chú, nhưng chú hãy nhớ lời tôi người Mỹ và Trung Quốc không bao giờ là bạn của dân mình.”

Mỗi người có một cách nhìn về thế giới khác nhau. Tôi là người học và làm việc trong môi trường thương mại quốc tế. Tôi luôn tin rằng giao thương giúp người ta hiểu và có trách nhiệm vun đắp quan hệ, gìn giữ hòa bình.

Tết Đinh Dậu vừa rồi, tôi có dịp về thăm nhà thờ họ Võ làng Ngọc Anh. Bất giác nhìn lên trước cửa, tôi thấy một bức hoành phi mạ vàng trên đó khắc bốn chữ Việt: “Võ Tộc Cửu Quang”, có ghi người tặng là anh Võ Quang Hồ. Được biết anh vừa tạ thế tháng 3 năm 2016.

Tôi thầm nghĩ, cuộc đời vị tướng này đã trãi qua ba cuộc chiến tranh tàn khốc : Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Anh là một người yêu nước, yêu tiếng Việt nên bốn chữ anh để lại cho hậu thế được viết bằng chữ quốc ngữ, khác với nhiều đình chùa ở nước ta vẫn treo những câu đối, hoành phi bằng chữ Hán, mặc dầu chẳng còn mấy ai hiểu trên đó viết gì.

Nghĩ đến đây, tôi tìm thấy giữa anh và tôi có một điểm chung, đó là lòng yêu nước.

No comments:

Post a Comment