Hồi nhỏ, tôi được nghe chuyện Mạnh Tử lúc thiếu thời: Mẹ của
ông rất nghèo, nhưng muốn ông học hành để trờ thành một người tốt nên đã chuyển
nhà sống gần trường học. Về sau, Mạnh Tử trở thành một đại học giả lưu danh
muôn thuở ở Trung Hoa.
Lúc còn là một sinh viên, một hôm đang ngủ say, tôi nghe tiếng chị Thu gọi nhỏ, tay chị đụng vào người. Chị nói: ”Ba ơi! Có một người ngỏ ý muốn thương tau!”
Trời đã gần sáng, tôi nghĩ, có lẽ chị Thu đã trằn trọc suốt đêm, khi gần sáng mới dựng tôi dậy để vừa tâm sự vừa hỏi ý kiến. Chị cho biết, người ngỏ ý với chị là con trai của một bạn hàng mua trái cây ở các vườn nhà rồi bán lại cho chị. Tôi hỏi: ”Anh ấy ở đâu?” chị cho biết, nhà anh ở sau trường tiểu học Thế Dạ.
Lúc ấy, tôi liên tưởng đến câu chuyện Mạnh Tử liền im lặng không phản đối. Tôi còn nhớ lại chuyện hôn nhân của chị Vàng với anh Hoàng do bác họ tôi mai mối.
Bác họ tôi là một vị quan nhỏ của triều Nguyễn. Nghe nói, ông là bạn của cụ Phan Bội Châu. Hai người thường gặp nhau bàn về thời sự và hay dùng dịch lý Trạng Trình để nói về tương lai. Theo lời cha tôi, bác đã gieo quẻ để xem cho người con nuôi là anh Hoàng và đã thuyết phục cha tôi gả chị Vàng cho anh ấy.
Bác nói: “Không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời.”và giảng giải rằng không nên nhìn vào gia thế hiện tại để quyết định chuyện hôn nhân của con cái. Nghe lời, cha tôi đã “ép” chị Vàng lấy chồng. Ngay hôm đám cưới, chị ấy vẫn còn khóc tức tưởi.
Tiếp nối chuyện Mạnh Tử, vợ chồng chị Thu ngày nay vẫn sống sau trường Thế Dạ, vẫn tiếp tục mua bán trái cây, nhưng tất cả bốn đứa con đều học hành đàng hoàng. Tháng Sáu năm nay, đứa con út vừa tốt nghiệp đại học và có việc làm ngay.
Bạn có tin vào dịch lý không? Gia đình chị Vàng hiện nay rất vững vàng như lời phỏng đoán của bác họ tôi ngày trước. Mặc dầu anh chị vẫn bán khoai sắn và nuôi heo mỗi ngày nhưng con cái đều thành đạt, có đứa là bác sĩ, kỹ sư, thậm chí là tiến sĩ.
No comments:
Post a Comment