Sunday, September 17, 2017

Cây trứng cá ở công trường bệnh viện Tâm Trí, Nha Trang

Người ta thường nói, khi bạn sống lâu ở một nơi nào đó, bạn sẽ có cảm tình với nơi ấy. Vì thế, những người lập nghiệp ở nơi mới thường nói: “Xin chọn nơi này làm quê hương thứ hai.”

Nha Trang với tôi cũng như thế. Nơi đây tôi đã về công tác sau khi tốt nghiệp đại học, rồi lập gia đình, có con và đặc biệt đã để lại một đứa con trong lòng đất ở nghĩa trang Đồng Bò. Vì vậy, dù sau này chuyển vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi luôn ao ước được làm một việc gì đó cho Nha Trang để đền ơn vùng đất đã nuôi nấng gia đình mình thưở hàn vi.

Cơ hội đã đến lúc tôi cùng kỹ sư, giám đốc dự án Nguyễn Trung Kiên tham gia đàm phán với các chuyên viên dự án của Tập đoàn bệnh viện Tâm Trí để ký hợp đồng xây hai bệnh viện ở Đồng Tháp, và Nha Trang.

Thông thường, là một công ty xây dựng, Hòa Bình cũng như các nhà thầu khác, luôn đòi hỏi chủ đầu tư chứng minh có đầy đủ vốn và chứng từ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, phía Tập đoàn bệnh viện Tâm Trí cho biết họ chỉ có đủ vốn 60%. Phần còn lại 40% họ muốn Hòa Bình vay ngân hàng với điều kiện họ sẽ cung cấp bảo lãnh và phí lãi vay. Điều kiện này chưa từng có tiền lệ ở Hòa Bình. Tuy vậy, với kinh nghiệm làm việc ở ngân hàng trước đây, tôi đã thuyết phục Tổng Giám đốc đồng ý tiến hành ký hợp đồng thi công.

Ngày động thổ công trường, tôi gặp kỹ sư Nguyễn Đức Toại chỉ huy trưởng. Biết Toại là người ở Khánh Hòa, tôi rất mừng vì cảm nhận chúng tôi đã một thời sống ở vùng đất này, như vậy ắt Toại cũng có tình cảm với quê hương.

Trực giác này của tôi đã đúng. Rất nhiều cuộc họp Ban Điều hành, Cố vấn Lê Viết Hưng thường than thở một cách tế nhị: “Mấy công trình của Hòa Bình ở miền Trung chưa hiệu quả, trừ công trình của anh Toại.”

Tôi hiểu để có được lời khen này của anh Hưng, Ban chỉ huy công trường của Toại đã cật lực tiết kiệm trong điều kiện thi công ở đô thị. Chẳng hạn, anh nhường văn phòng của Ban chỉ huy cho một đối tác ở thành phố Hồ Chí Minh ra quản lý công trình. Khi nào họp với các bên anh mới vào văn phòng chung đặt ở trong một container, tiếp khách hay giải quyết công việc anh thường ngồi dước gốc cây trứng cá ở ngay cổng ra vào. Nhiều lần ghé thăm công trường chúng tôi đều ngồi dưới tàn lá dày đặc của cây trứng cá. Thỉnh thoảng, cả khách và chủ đứng dậy hái những quả chín mọng hồng thắm, bỏ vào miệng nhai một cách ngon lành.

Tôi còn phát hiện Ban chỉ huy đã khôn khéo để cho chủ đầu tư quảng bá Hòa Bình, thông qua hình ảnh marketing công trường trên những vách dựng hàng rào.

Không chỉ đối mặt với những đòi hỏi khắc khe từ phía chủ đầu tư, Ban chỉ huy công trường còn phải thỏa mãn yêu cầu về chất lượng từ phía lãnh đạo công ty. Một lần tôi cùng anh Trương Quang Nhật ghé thăm công trình, lúc đang vào giai đoạn hoàn thiện. Nhìn một bộ cửa nhôm mẫu mới lắp, anh Nhật đề nghị phải thay vì khung nhôm có bề dày mỏng. Như thế sẽ tăng chi phí cho công trường, nhưng đổi lại sẽ giữ được uy tín cho công ty khi công trình đi vào hoạt động.

Tôi chợt hiểu, làm nghề thi công xây dựng thật khó. Không chỉ: “Mồ hôi đổ xuống, công trình vươn cao.” Để tồn tại và phát triển như quy mô của công ty hiện nay, Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ kỹ thuật, quản lý phải có lòng yêu nghề sâu đậm mới vượt qua muôn vàn trở lực trong hoạt động hàng ngày.

Riêng đối với kỹ sư Nguyễn Đức Toại, ngoài lòng yêu nghề anh còn thể hiện trách nhiệm với công ty & một người con của quê hương Khánh Hòa. Vì thế, anh cùng anh em Ban chỉ huy công trường đã hy sinh những tiện ích để công trình không bị lỗ ở một thị trường xây dựng mà các anh là người khai phá.

Có lẽ kỹ sư Toại đã đồng cảm với lời nhắn nhủ của tôi lúc lần đầu gặp nhau. Sau này chúng ta sẽ già đi, một mai ghé thăm Nha Trang, chúng ta sẽ tự hào chỉ cho người thân, bạn bè và nói: “Công trình này là do Hòa Bình xây dựng đấy!”.

No comments:

Post a Comment