Friday, July 01, 2011

Những năm tháng bình yên và bão tố đầu đời

Tân binh
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tuấn được phân công về tỉnh Phú Khánh. Đối với nhiều người, đây là một đặc ân vì Phú Khánh có thành phố Nha Trang xinh đẹp và hiền hòa, khí hậu quanh năm mát mẻ.
Đến trình diện ở Sở Giao Thông Phú Khánh, người cán bộ tổ chức rất dễ chịu khi ông đề nghị với Tuấn, "Thôi, còn mấy ngày nữa là hết năm. Cậu muốn đi đâu chơi cho thoải mái để ngày đầu tiên của năm mới về nhận công tác cũng được." Được lời như mở tấm lòng, Tuấn đón xe đi Đơn Dương, Lâm Đồng thăm người bác và đón Noel lần đầu ở xa nhà. Đúng ngày hẹn, Tuấn đến nhận việc ở Xí nghiệp Khảo sát Thiết Kế Giao thông Phú Khánh. Tuy nhiên, chỉ lưu lại chưa đầy một tuần để làm quen, Tuấn được chuyển đi Phú Yên, tham gia đội khảo sát, đo đạc cầu đường.
Những ngày đầu công tác, dù tốt nghiệp đại học, Tuấn phải tham gia nhiều việc như một thành viên khác không kém phần vất vả như kiếm củi, thổi cơm, chặt cây rừng để đẽo cọc... Sau vài tuần thử lửa, Tuấn được phân công kéo thước, đóng cọc theo tim con đường dự kiến mở. Công việc "cao cấp" nhất của Tuấn có lẽ là chạy mia (thước đo độ cao) và đo mặt cắt tự nhiên của lề đường và sau đó vẽ lên giấy kẻ ly để tính khối lượng đào đắp.
Gần một năm trôi qua, một hôm vị giám đốc đến thăm, ông gọi Tuấn để kiểm tra công việc chuyên môn. Sau một hồi, ông kết luận, "Được đấy! Bây giờ cậu sẽ phải về văn phòng để thành lập riêng một đội làm đúng chuyên môn của mình." Đến đây, Tuấn mới hiểu cách huấn luyện nhân viên của người giám đốc này. Ông muốn Tuấn nắm rõ toàn cục công việc khảo sát thiết kế cầu đường để sau này phục vụ tốt hơn. Thực tình mà nói, một năm trải qua, Tuấn hầu như không sử dụng gì mấy kiến thức của mình ở trường, anh gần như học thêm một công việc mới. 
Ông Đội
Việc thành lập một đội khảo sát nền móng cầu đường tạo cho Tuấn được gọi bằng một tên mới, ông Đội.  Ở nông thôn, chức vụ này khá quen thuộc vì thời đó toàn bộ nông dân phải làm việc dưới hình thức hợp tác xã. Mỗi thôn được tổ chức thành một đội. Ông Đội, vì thế khá có uy dưới con mắt của dân làng. Câu chuyện liên quan ông Đội đã tạo ra những giai thoại rất ngộ nghĩnh nhưng cũng không ít cay đắng trong những năm đầu đời của Tuấn.
Đi ăn cỗ
Do tá túc ở nhà dân dọc theo các trục giao thông hoặc những nơi có công trình cầu, cống cần khảo sát, ông Đội thường được dân làng mời ăn cỗ.  Mỗi lần như thế cả đội thường bày mưu tính kế để được "ăn theo". Chẳng hạn, chờ cho Tuấn vào nhà trước, khi bắt đầu bữa tiệc, cả nhóm đứng ngoài cổng gọi vào.  Giữ phép lịch sự, chủ nhân mời cả nhóm vào nhà tiếp đãi trà nước, bánh trái và đôi khi được mời cùng ăn cỗ. Những chuyện như thế dưới con mắt thời nay thật buồn cười, nhưng khi ở trong thời bao cấp là chuyện toan tính có thật. Dù có chuẩn bị thực phẩm khi rời thành phố nhưng không bao giờ anh em trong đội có thể ăn no hoặc đầy đủ chất bổ dưỡng. Họ thật sự cần những bữa ăn có chất mà đồng lương công nhân không thể đãm bảo.
Chuồng cu dành cho Ông Đội
Mùa hè ở miền Trung rất nóng. Căn nhà giao cho cả đội tạm trú ở thành phố Tuy Hòa nằm sâu bên một mái dốc của quốc lộ 1A, chủ nhân căn nhà xây thêm một căn phòng nhỏ nhô cao hơn phần mái bằng để hóng gió mát, mọi người thường gọi là chuồng cu.  Một số thành viên trong đội nhường cho Tuấn phòng này để anh nghỉ ngơi. Nhưng sau này Tuấn mới hiểu ra là anh đã bị mắc bẫy.  Do những thành viên lớn tuổi trong đội có nhu cầu  quan hệ trai gái, họ chọn cho Tuấn vị trí xa và cách biệt nhất để dễ hành động. Mãi một hôm về Nha Trang làm hồ sơ thiết kế, Tuấn mới nghe được chuyện xầm xì. Sau này, một thành viên trong đội bị bệnh giang mai, lúc đó cả đội và đặc biệt là Tuấn bị nhiều tiếng xấu.
Món quà bất ngờ
Một hôm tiến hành khảo sát vị trí xây cầu ở xã Hòa Thắng, Tuấn tình cờ phát hiện một điểm có đất sét trắng làm nguyên liệu sành sứ. Anh quyết định mang đến Hợp tác xã sành sứ Thiên Thanh một bao đất để giới thiệu. Chủ nhiệm hợp tác xã nguyên là một thầy giáo rất vui mừng. Ông nói, "Tôi chưa biết vật liệu này có thể dùng được không, nhưng tôi quyết định thưởng cho anh vì lòng nhiệt tình của anh với HTX chúng tôi."
Khoản tiền thưởng này dù chỉ  đủ cho anh mua một chiếc quạt trần chống nóng mang về cho gia đình ở Nha Trang, nhưng là một kỷ niệm đẹp đầu đời. Nó thúc đẩy sự sáng tạo và lòng tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống và công việc hàng ngày.
Cũng tại vị trí khảo sát cầu Hòa Thắng, Tuấn nhận được nhiều lời khen của nhân dân trong vùng cũng như đơn vị thi công cầu đường của tỉnh nhờ sáng kiến dùng máy khoan để đóng cọc thi công móng cầu nông thôn.  Trước đó, do thiếu phương tiện và hiểu biết, một đơn vị hợp tác xã quyết định xây cầu vận chuyển lúa qua một con mương có khẩu độ chừng 8-10 mét. Khi đào hố móng, họ phát hiện ra sau tầng đất sét là bùn nhão. Công việc thi công tạm dừng. Hợp tác xã liên lạc Sở Giao Thông để giúp đỡ về kỹ thuật. Đội của Tuấn được điều đến để khảo sát và đề xuất giải pháp nền móng.
Sau khi có kết quả khảo sát, Tuấn đề nghị dùng luôn máy khoan để đóng cọc thi công móng, vừa đáp ứng tiến độ thi công, vừa tiết kiệm chi phí do phải vận chuyển máy móc xa cả trăm cây số nhưng chỉ xây một chiếc cầu nhỏ. Giải pháp được hợp tác xã và cấp Sở đồng ý.  Đội khảo sát cầu đường trở thành một đội thi công móng cọc bất đắc dĩ. Công việc thành công nên từ đó về sau, hễ có sự cố móng ở đâu, Tuấn đều được Sở giao thông mời đến khảo sát và đưa ra biện pháp xử lý nền móng.
 

No comments:

Post a Comment