Boulder là thành phố đại học xinh đẹp của bang Colorado. Sắc hoa ở đây tươi tắn lạ thường. Mùa hè, rừng thông xanh bao phủ xen lẫn những ngôi nhà xây kiểu gạch đỏ thời xa xưa khiến cho thành phố có vẻ như trong truyện cổ tích. Ở đây, con người và thiên nhiên hòa hợp. Các giáo sư đại học thường dành thời gian rảnh rỗi để trồng các loại hoa hay rau đậu để tiêu khiển. Nai rừng, sóc chạy lạc trong phố rất phổ biến. Mùa thu cây lá ngả vàng. Những ngày mùa đông, tuyến phủ có khi cao tận nửa mét. Những lúc như thế, cảnh vật chìm trong màu trắng của tuyết.
Tháng 5 năm 1994, ngày đầu tiên đến Viện Kinh tế ở thành phố Boulder, bang Colorado, Tuấn và các học viên được đưa tới ngân hàng để mở tài khoản. Hàng tháng, một tấm chi phiếu được Viện Giáo dục Quốc tế gửi bằng đường bưu điện đến Viện Kinh tế cho từng học viên. Tấm séc này phải được nộp vào tài khoản cá nhân mở ở ngân hàng mới có thể chi tiêu. Khi mở tài khoản, vài ngày sau ngân hàng cấp cho người mở tài khoản giao dịch các quyển sec để chi tiêu và cả nếu trả phí khoảng 25 đô la, sẽ được cấp một thẻ nợ để tiến hành giao dịch ngân hàng điện tử.
Là một người ở xứ nghèo đến và lại có hoàn cảnh một vợ hai con neo đơn ở quê nhà, quyết định đầu tiên của Tuấn là phải để dành tiền gửi về cho gia đình. Để tiết kiệm 25 đô la, Tuấn quyết định không làm thẻ nợ. Về sau, anh phải trả giá cho sai lầm của mình.
Một hôm chiếc máy tính của Tuấn bị hỏng, anh gọi 1800 cho hãng IBM để xin sửa chữa miễn phí vì máy còn trong hạn bảo hành. Đầu kia, một cô gái trực điện đài tận ở bang North Carolina yêu cầu anh làm theo chỉ dẫn để xác định mức độ hư hỏng. Sau khi xác định đúng tình hình, cô yêu cầu anh đọc số của thẻ nợ hoặc thẻ tín dụng. Do không có thẻ, Tuấn phải đưa máy ra bưu điện vào sáng hôm sau để gửi và chịu chi phí vận chuyển. Vì nếu có thẻ, hãng IBM sẽ yêu cầu bưu điện đến tận nhà nhận máy đưa về trạm bảo hành.
Một lần khác, do chân bé hơn cỡ chân của hầu hết người Mỹ, Tuấn phải vất vả gần nửa buổi sáng mới tìm ra một đôi giày đi bộ để mua. Khi thanh toán, anh đưa tờ 100 đô la và bị cô thu ngân từ chối. Cô nói, “Cửa hàng chúng tôi không nhận tiền mặt!” Về sau, khi học các môn học về tài chính và kế toán, Tuấn hiểu được những hệ lụy của một nền kinh tế sử dụng tiền mặt. Đây cũng là một trong những lý do anh quyết định xin vào làm việc Ngân hàng ACB khi trở về Việt Nam năm 1997.
Ở Viện Kinh tế Colorado, Tuấn quyết định đăng ký sống trong cư xá. Nhiều học viên Việt Nam khác thuê nhà chung để ở vừa tiết kiệm tiền vừa nấu nướng các món ăn Việt cho tiện. Tuấn muốn tách rời khỏi các thành viên Việt khác để sống trong cư xá để có điều kiện sử dụng tiếng Anh thường xuyên hơn. Để bù lại chi phí thuê nhà trong cư xá khá cao, Tuấn xin làm trợ lý quản lý an ninh của tòa nhà.
Công việc bảo vệ tòa nhà khá đơn giản. Mỗi tối, khoảng 10 giờ đêm, Tuấn bật mã số để khóa các cửa vào ra tòa nhà. Sáng hôm sau, 5 giờ sáng, anh giải mã. Khi tòa nhà bị đột nhập, chuông chống trộm vang lên, đồng thời tín hiệu truyền về sở cảnh sát. Một hôm vào giữa khuya, Tuấn nghe tiếng chuông cửa, anh bước xuống tầng trệt tòa nhà để mở cửa cho khách. Tuy nhiên, khi Tuấn yêu cầu trưởng đoàn cho xem giấy cho phép vào tòa nhà, vị trưởng đoàn lắc đầu. Tuấn từ chối mở cửa. Cả đoàn phải kéo nhau ra khách sạn để nghỉ. Không ngờ hôm sau anh phát hiện người bị anh từ chối là giáo sư toán cao cấp và nhóm sinh viên kia đến từ Indonesia. Càng bất ngờ hơn, tháng đó, anh còn được khen là đã làm đúng nguyên tắc an ninh cư xá.
Một buổi chiều nọ anh phát hiện một chiếc máy chụp hình để quên bên sân bóng rỗ cạnh tòa nhà. Khi hỏi phải làm gì với chiếc máy này, người quản lý tòa nhà cho hay anh phải thông báo trên bảng tin công cộng của cư xá. Nếu trong vòng ba tháng, không có người đến xin lại, anh có thể mang sử dụng để tránh trường hợp chủ nhân phát hiện sẽ tố cáo anh là người lấy cắp.
Bảo vệ tòa nhà đôi khi còn phải dùng chìa khóa vạn năng để mở cửa cho một số sinh viên dập cửa nhưng vẫn để chìa khóa bên trong. Trường hợp này khá phổ biến đối với sinh viên châu Phi vào mùa thi cử.
Phải nói rằng sức chịu đựng của sinh viên châu Phi thua hẵn dân châu lục khác trong một môi trường sống áp lực cao. Vào những ngày thi cử, sinh viên châu Phi thường thiếu bình tĩnh, tinh thần không ổn định, dễ quên và cáu gắt. Là bảo vệ tòa nhà đôi khi Tuấn cũng bị rơi vào tình huống khó xử.
Toàn cư xá có một chiếc tivi lớn để ở phòng khách cho sinh viên giải trí. Khi thấy chiếc điều khiển tivi bị bong tróc bọc nylon bảo vệ, Tuấn định gỡ ra để thay bọc mới. Một sinh viên đến từ Cap Verde nổi nóng với Tuấn. Hai bên lời qua tiếng lại. Tuấn cũng không vừa, anh mời tay sinh viên kia ra khỏi tòa nhà nói chuyện. Hắn im bặt. Về sau, Tuấn mới biết rằng người Việt được sinh viên châu Phi cho là ai cũng có võ kungfu trong người. Bọn sinh viên châu Phi còn đồn rằng Tuấn có sức chịu đựng phi thường, anh có thể học suốt đêm không ngũ! Thực ra, do sống một mình, Tuấn thường bật tivi trong phòng suốt đêm và để đèn sáng, nhưng anh vẫn ngũ được trong tình trạng như thế.
Đi bộ là thói quen của hầu hết cư dân của Boulder. Tuấn nhanh chóng tìm mua giày đi bộ cũng vì lý do đấy. Đi bộ không chỉ khỏe người mà còn được ngắm thiên nhiên và cuộc sống đẹp như tranh vẽ của thành phố. Đi bộ còn mang lại cho Tuấn một niềm vui bất ngờ khi anh gặp một cựu binh Mỹ.
Một hôm đang đi trên đường, Tuấn gặp một người đàn ông đi ngược chiều. Hai bên tiếp tục vừa đi vừa chào nhau (Hello, How are you?). "Anh ở đâu đến." Tuấn nhanh nhẫu, "Từ Việt Nam". "Nhưng từ nơi đâu của Việt Nam?" Người đàn ông hỏi dồn. "Nha Trang". Nghe hai tiếng Nha Trang, người đàn ông bỗng chững lại. Anh chạy ngược về phía Tuấn. Vẻ mặt thảng thốt như tìm được một vật gì quý báu.
"Tôi đã đến Nha Trang. Tôi gia nhập quân đội và làm nghề vẽ bản đồ. Tôi sống gần sân bay Nha Trang..." Miệng anh lắp bắp vừa nói vừa thở hổn hển. Hai bên trao đổi một lúc và thế là Tuấn có thêm một người bạn mới, anh Richard Sindt.
Richard là người khá kỳ lạ. Sau khi giải ngũ anh tiếp tục làm nghề đo đạc, vẻ bản đồ cho một công ty của tư nhân ở thành phố Denver. Anh nghèo đến nỗi không mua được một chiếc ô tô để đi lại. Anh thường xuyên mượn xe của cha mình đến giúp đỡ người Việt mới sang định cư bằng cách dạy tiếng Anh và thu gom các đồ cũ đến tặng cho những người vừa chân ướt, chân ráo đến Mỹ. Richard gọi cuộc gặp của ông với Tuấn là serendipity, nghĩa là bất ngờ và may mắn. Về sau, khi Tuấn về Việt Nam, Richard cũng quay trở lại Việt Nam, làm thầy dạy tiếng Anh cho trẻ em đường phố ở khu phố Tây đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hồ Chí Minh.
Một hôm Tuấn gọi Richard để hỏi ý kiến về việc báo Tuổi Trẻ đăng bài do Tuấn dịch để sử dụng nội bộ cho cán bộ ngân hàng ACB nhưng không hỏi ý kiến dịch giả. Thật bất ngờ Richard bảo, "Đây là vận may của ông. Ông nên viết thư cảm ơn tòa soạn và không quên đưa bản dịch gốc để làm chứng cứ." Tuấn đã làm theo lời chỉ dẫn và không quên tặng thêm một bài khác cho báo. Thật bất ngờ, bài thứ hai do Tuấn gửi tặng cũng được đăng với nhuận bút khá cao. Về sau, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, anh Huỳnh Sơn Phước đến gặp Tuấn để chính thức mời cộng tác. Anh nói, “Tôi đọc bản dịch bài báo kinh tế của anh được chuyển ngữ với chất giọng văn học Việt Nam, tôi biết ngay anh là người chúng tôi đang cần.”
Ở cư xá sáu tháng, Tuấn phải rời Boulder để về trường đại học Vanderbilt, bang Tennessee. Tuy nhiên, Tuấn xin ở thêm sáu tháng để hoàn tất chương trình kinh tế học cao cấp, làm tiền đề cho việc học tiến sĩ sau này.
Cũng chính vì lý do này, anh đã gặp khá nhiều viên chức chính phủ Việt Nam sang bổ túc tiếng Anh ở Viện Kinh tế. Những người này nhận học bổng chính phủ theo tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Anh Nguyễn Xuân Phong, về sau làm Vụ trưởng Ngoại giao phụ trách Bắc Mỹ. Anh Đinh Nam Thắng, giám đốc công ty bảo hiễm Việt Nam Queensland. Cô Ngọc Huyền của đại học kinh tế thành phố HCM... Một tập hợp sinh viên Việt Nam học tập say sưa và đầy khí phách của những con người đến Mỹ để chinh phục đỉnh cao tri thức kinh tế. Tuy vậy, về mặt chính trị, anh em Việt Nam từ Hà Nội sang vẫn hết sức dè dặt vì sợ hiểu lầm từ phía nhiều con em người Việt di tản sang Mỹ sau 1975 đang theo học ở đại học Colorado.
Đâu đó giữa những người Việt chúng ta vẫn còn ngờ vực và ngăn cách sau cuộc chiến tương tàn. Là một người yêu quê hương, một người sống trong Nam đã có dịp ra Bắc, một người đã cọ xát với nhiều người nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Philippine, Úc...và thấy sự thua thiệt của dân tộc mình, Tuấn hầu như cảm thấy mình có trách nhiệm hàn gắn dân tộc.
Một ngày nọ, đại học Colorado tổ chức ngày sinh viên quốc tế. Tuấn tìm cách tập hợp mọi người lại để thể hiện văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, khi bàn đến việc tổ chức, Tuấn nhận thấy anh em đến từ Hà Nội có vẻ muốn lùi. Khi đem sự việc kể cho anh Đặng Kim Sơn, nay là Viện trưởng Viện Chính sách Nông Nghiệp, anh đề xuất ngay một sáng kiến. "Cậu đi ra Kroger mua cho tớ một con gà miền Tây. Chủ Nhật tới tớ nấu phở, cả bọn sẽ kéo đến cho mà coi. Lúc đó cậu hãy đem chuyện hát hò ra bàn.”
Quả đúng như thế! Nồi phở của anh Sơn đã quy tụ hầu hết đám sinh viên người Việt ở Viện Kinh Tế. Hai tiết mục được chọn sau khi cả đám bị gài ăn phở, hát tập thể Trống Cơm và đơn ca, "Tình ca mùa xuân." do Tuấn xung phong hát và Dũng Chicago đệm đàn ghi ta.
Để hát bài “Tình ca mùa xuân” của nhạc sĩ Trần Hoàn, Tuấn phải hồi tưởng lại giọng ca trầm ấm của Trương Văn Nhân hồi còn học chung ở đại học Huế. “Lãng Nhân” tham gia phong trào du ca và còn làm thơ tình rất mượt mà. Từng câu hát được chép ra giấy. Ca từ nào không nhớ, Tuấn thêm từ của mình tự sáng tác.
Bạn có bao giờ đứng trước hàng ngàn người chưa? Lần đầu tiên trong đời, Tuấn nhận ra đầu óc mình đã không điều khiển được đôi chân. Dù bặm môi đến rướm máu, đôi chân của Tuấn vẫn run bần bật. Tuy vậy, sau vài câu hát trôi qua, Tuấn đã lấy được bình tĩnh. Anh đã thực hiện được bài ca đầu tiên trong đời trước một cử tọa sinh viên quốc tế đến cả ngàn người. Sáng hôm sau đi bộ trong sân trường đại học, một sinh viên Mỹ nhận ra Tuấn, anh ta nói, “Tôi không biết tiếng của nước anh, nhưng nghe melody của anh cũng được đấy!”
Cũng cần nên nói thêm, tối đó, anh em sinh viên đến từ Hà Nội không tham dự với lý do bận đi Denver. Còn Tuấn, anh nhận ra mình đã quá liều khi đã dám ca một bài hát do bộ trưởng của một nước Việt Nam cọng sản sáng tác ngay trên đất Mỹ!
No comments:
Post a Comment