Saturday, July 23, 2011

Mối tình hoàng lan

Chuyến thực tập tốt nghiệp ở Đại học Tổng hợp Hà Nội để lại cho Tuấn nhiều cảm xúc và kỷ niệm đẹp. Năm 1981, Tuấn cùng một số sinh viên học giỏi được chọn làm đề án tốt nghiệp. Phần việc của anh là nghiên cứu quá trình địa hóa học diễn ra trong quá trình tạo núi của một rặng núi đá vôi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tuấn được cho phép làm việc ở phòng thí nghiệm của Đại học Tổng hợp Hà Nội vì nơi đây có máy chụp ảnh lát cắt để phát hiện cấu trúc khoáng vật trong đá, từ đó suy ngược lại các phản ứng hóa học diễn ra trong quá khứ, cách đây hàng trăm triệu năm. Việc chụp hình dưới kính hiển vi điện tử chỉ tốn vài chục tấm hình, nhưng anh được trường, khoa cấp một tập giấy ảnh OWRO của Đức. Thật bất ngờ, tập giấy này rất có giá trị. Đổi nguyên tập giấy cho một tiệm chụp hình đã giúp anh trang trải toàn bộ chi phí đi lại, sinh hoạt gần một tháng ở thủ đô Hà Nội.

Khi chiếc tàu lửa vượt vĩ tuyến 17, chạy lên phía Bắc sang phần bên kia của tổ quốc, ý tưởng đầu tiên của Tuấn là nhìn ra cửa sổ xem quang cảnh bên ngoài có gì khác biệt so với quê mình trong Nam. Chỉ trong một thoáng nhìn, anh đã có ngay ý nghĩ, thống nhất tổ quốc là lẽ tất yếu vì cây cỏ, vật nuôi, con người giống hệt nhau. Làm sao non sông liền một giải xinh tươi như thế này lại bị chia cắt thành hai quốc gia được. Cảnh vật hai bên đường tàu lướt qua ô cửa đều rất thân quen, những con bò vàng gặm cỏ trên đồng lúa xanh tươi, những dòng sông xanh biếc, những mái nhà tranh, những chiếc nón lá của nông dân trên đồng ruộng… mọi thứ đều rất quen thuộc trong Nam ngoài Bắc.

Thủ đô Hà Nội thời ấy còn sử dụng xe lửa điện. Cư xá sinh viên Đại học Tổng Hợp ở khu “cao-xà-lá” thuộc Hà Đông. Tờ mờ sáng thứ bảy, Tuấn cùng Minh nhảy theo xe điện chở rau về Hà Nội để tham quan thủ đô, đến chiều tối lại theo xe về cư xá. Vé chỉ có mấy hào. Có khi hai đứa bị nhỡ tàu đành phải đi xe buýt. Xe buýt không có ghế ngồi, hành khách đứng sát vào nhau chật như nêm. Tuy vậy, Tuấn không hề thấy nạn móc túi. Có lẽ, những người đi xe buýt phần lớn là sinh viên, học sinh hoặc công nhân, chẳng ai có vật dụng gì quý giá mang theo trong người.
Một buổi nọ Tuấn và Minh đón xe buýt chiều thứ bảy về Hà Nội thăm thầy giáo chủ nhiệm. Do xe quá chật và thời tiết nóng bức, cộng thêm vào đó là hơi nóng từ cơ thể mỗi hành khách, Minh ngất xỉu ngay trên xe buýt. Xe dừng lại ở bệnh viện Việt Nam Cu Ba trên đường Hai Bà Trưng để đưa Minh vào cấp cứu. Tuấn theo Minh vào bệnh viện làm thủ tục và chờ kết quả. Lạ thay, khoảng một giờ sau có một cô gái Hà Nội tìm đến hỏi thăm. Trên tay cô cầm một tách sứ đựng bột đậu xanh pha sẵn. Cô nói, “Hồi nãy em và mẹ đi chùa ở Hà Đông cùng về chung xe buýt. Biết hai anh người miền Nam không có người thân ở đây nên mẹ bảo em mang sữa đậu xanh đến cho anh bạn bị ngất uống cho khỏe và xem thử hai anh ra sao.” Rất xúc động, Tuấn đưa cô gái vào phòng hồi sức để gặp Minh và đưa quà cho bạn ấy. Minh đang được chuyền đạm và còn ngũ thiếp. Thấy cô đứng chờ lâu, Tuấn mời cô ta ra ghế đá đặt trước công viên hồ Ha-le (Hồ Thuyền Quang) uống nước và trò chuyện. Cô gái ấy tên Thanh Hương, nhà ở Phố Thợ Nhuộm, cha mẹ mua bán hàng nông sản ở chợ Đồng Xuân. Cô hiện đang theo học trung cấp kế hoạch và học xong có thể về nhận công tác ở Lào Cai. Trăng sáng vằng vặc, Tuấn và Hương mãi trò chuyện đến khuya. Chiếc xe đạp của cô dựng sau lưng ghế đá. Một người lạ có lẽ là một tay trộm vặt tưởng hai đứa là tình nhân. Hắn đi vòng quanh nhiều lần và định tiến lại lấy cắp chiếc xe đạp. Lúc đó Hương đứng phắt dậy, tay quấn tóc, miệng hét, “Mày muốn gì?” Tên trộm thấy thái độ mạnh mẽ, dứt khoát của Hương đành quay lưng bỏ đi.

Từ lần gặp gỡ đó, Hương và Tuấn chỉ gặp nhau thêm một hay hai lần. Một lần anh nhớ đã hết sức sửng sốt khi Hương dẫn anh về Phố Thợ Nhuộm nơi gia đình cô sinh sống. Đấy không phải là một căn nhà mà chỉ là nơi giao hàng giữa những người buôn chuyến. Hàng hóa ở các nơi đưa về tạm thời chất đầy trong một không gian chật hẹp chỉ vài mét vuông. Sau đó, chúng được đóng gói lại và chuyển đến các nơi tiêu thụ ở Hà Nội và cả các tỉnh lân cận. Trong thời bao cấp, toàn bộ việc mua bán do ngành thương nghiệp của nhà nước quản lý, kinh doanh theo kiểu của gia đình Hương có thể nói là ngoài luồng và rất khó khăn vì chắc chắn lực lượng quản lý thị trường không để yên. Tuy vậy, công bằng mà nói, nếu không có các kênh phân phối hàng không chính thức kiểu ấy, đời sống của người dân thủ đô sẽ khó khăn hơn nhiều.
Hôm Tuấn và Minh rời Hà Nội, Hương tiễn hai bạn ra ga Hàng Cỏ. Cô gói cơm trắng nhồi chặt, cắt lát sẵn cùng với các gói chả Bắc, muối tiêu. Hương khéo léo chia thành từng khẩu phần cho cả hai cậu sinh viên miền Nam ăn cho đến khi tàu vào tận ga Huế. Hồi tưởng hình ảnh Hương đứng vẫy tay xa dần, Tuấn có cảm giác như cảnh người yêu, người vợ, tiễn chồng ra trận trong rất nhiều câu chuyện phim viết về chiến tranh. Dù một thoáng, hình ảnh ấy quả khó quên được trong đời. Vào Huế, Tuấn nhờ thầy Hòe, giáo viên hướng dẫn mang một chiếc nón bài thơ ra Hà Nội tặng cho Hương. Từ đó, hai người chỉ liên lạc thư từ chứ không hề gặp lại lần nữa. Một hôm anh nhận thư của Hương báo tin muốn vào Nam sinh sống. Tuấn đã viết thư trả lời rằng anh sẽ đi du học chứ chưa tính chuyện lâu dài. Anh khuyên Hương đừng bỏ Hà Nội mà đi và nên tìm một công việc ở thủ đô Hà Nội. Hương viết một lá thư thật dài, trong đó có một câu rất lãng mạn nhưng rất mạnh mẽ, “Dù ở đâu, anh cũng không thể trốn khỏi cuộc đời của em.” Cô chép tay cho Tuấn bài thơ “Thuyền và Biển” của Xuân Quỳnh. Bài thơ thật hay, diễn tả một tình yêu gắn bó, cả hai người luôn cần có nhau. Những câu kết rất buồn,
....
"Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố!"

Từ đó, hai người thôi liên lạc với nhau nữa. Việc Tuấn đi du học về sau trở thành sự thật. Mặc dầu vậy, sau ba năm du học ở Mỹ, năm 1997, Tuấn về nước và đã ra thăm Hà Nội lần thứ hai để gặp công ty Petro Việt Nam, theo thư hướng dẫn của Chủ tịch công ty, giáo sư Hồ Sỹ Thoảng gửi cho Tuấn khi anh còn ở nước ngoài. Tuấn đã mua môt gói quà nhỏ đến tìm nơi ở cũ của Hương để thăm. Tuy nhiên, cảnh vật quá nhiều thay đổi, vả lại, hồi đó, anh đã đến nơi Hương ở vào ban đêm, nên không thể tìm ra chốn cũ. Hỏi han mãi mới có người nói, dường như Hương đã lấy chồng và chuyển sang sống ở phố Hàng Bún.

Cầu mong Hương hạnh phúc và con thuyền của Hương sẽ không gặp bão tố trên đời. Mối tình thoảng qua thơ ngây với người con gái Hà Nội khép lại, đẹp và đáng nhớ như một bài thơ tình thời tiền chiến. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mỗi khi đi hát karaoke, Tuấn chỉ hát bài, “Em ơi Hà nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang.
“Em ơi Hà nội phố.
Ta còn em mùi hoàng lan.
 Ta còn em mùi hoa sữa.”
Vâng, mối tình của Tuấn đã thoáng qua, nhưng vẫn còn thoang thoảng như hương hoàng lan hay hương hoa sữa nhè nhẹ chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp trên những con đường phố cổ Hà Nội.

Tuesday, July 19, 2011

Những toan tính trẻ con


Nhà Tuấn cách thành phố Huế chỉ vài cây số nhưng không có điện. Tính ra từ ngày cấp sách đến trường cho đến khi rời trường đại học, anh phải ngồi học dưới ánh đèn dầu suốt 17 năm.  Sau 1975, đất nước dù được thống nhất về bờ cõi nhưng kinh tế chìm sâu trong cảnh nghèo đói vì cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam. Dầu thắp, vải, thịt và các loại nhu yếu phẩm được bán theo hạn mức và tất nhiên là một gia đình bình thường, mức cung của gia đình Tuấn là tối thiểu. Nhiều cơ sở phải cúp ánh sáng điện vào ban đêm, chỉ một vài nơi đặc biệt mới được ưu tiên sử dụng. Một trong những nơi như thế là phòng học của lớp chuyên toán của trường cấp 3 Quốc Học.

Năm học lớp 12, Phạm Anh Thu được bầu làm lớp trưởng,Tuấn được bầu làm lớp phó phụ trách học tập. Thu phát hiện lớp chuyên toán được phép mở đèn về đêm, anh đã rủ Tuấn trốn vào để học thi đại học.  Việc lẻn vào trường khá công phu vì phải qua mắt bảo vệ nhà trường.  Tuy nhiên, do khuôn viên trường rất rộng, vào khoảng cuối giờ buổi chiều, hai bạn ngồi sẵn trong ghế đá công viên của trường, chờ lúc tối trời lẻn vào lớp để học bằng ánh đèn điện. Cũng cần nói thêm, kiến trúc trường Quốc Học rất xưa, để chống nóng, lạnh, các kiến trúc sư thiết kế tường rất dày, cửa gỗ lá sách bên ngoài và cửa kính bên trong. Hành lang dọc theo các lớp học còn được dấu bên trong một lần tường và cửa. Vì thế, nếu đóng kín, ánh sáng khó hắt ra ngoài được.
Học suốt đêm trong phòng kín khiến Tuấn cảm thấy tù túng. Một hôm anh quyết định leo lên mái bằng của tòa nhà để hít thở không khí trong lành ban mai. Nhờ đó, Tuấn đã phát hiện ra một cảnh đẹp Sông Hương mà theo anh chưa một người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào có dịp thưởng ngoạn.
Từ trên cao, nhìn xuyên qua Sông Hương là cổng trường với cành phượng xơ xác sau những ngày hè khoe sắc. Làn sương mờ trên Sông Hương thỉnh thoảng xuất hiện một chiếc thuyền gỗ xuôi dòng. Xa xa là bức tường thành cổ của đại nội Huế vẫn còn chìm trong bóng mờ của buổi bình minh.
Việc học đêm của hai bạn Thu và Tuấn kéo dài hơn một tháng và phải chấm dứt vì bị phát hiện.  Một hôm, trời rạng sáng, Thu quấn trong mình một chiếc chăn mỏng màu lính, tay cầm quyển sách vừa đi vừa đọc trong khuôn viên sân trường.  Bác bảo về nhà trường ngạc nhiên chặn lại và truy hỏi.  Anh ta nói dối là nhà ở gần trường nên vào học rất sớm.  Tuy thế, Thu bàn với Tuấn và hai đứa quyết định không dám tiếp tục nữa vì anh đọc được ánh mắt ngờ vực của ông già bảo vệ nhà trường.

Một chuyện đáng nhớ giữa Thu và Tuấn là quyết định đổi hướng nghề nghiệp trước ngày thi vào đại học.  Cả Thu và Tuấn tuy học giỏi nhưng không có nhiều lợi thế so với những người khác nếu xét theo tiêu chuẩn tuyển sinh.  Vào thời đó, đối tượng tuyển sinh được chia thành nhiều diện. Ưu tiên nhất là những người bộ đội trở về sau chiến tranh. Kế đến là con em liệt sỹ cách mạng, những người có công với cách mạng… Tuấn và Thu đều là những học sinh thuộc diện bình thường. Vì thế, một đêm, Thu bàn với Tuấn đổi mục tiêu thi tuyển từ đại học y khoa sang đại học tổng hợp để bớt cạnh tranh.  Thu còn nói thêm, “Tao nghe nói Việt Nam sắp khai mỏ dầu hỏa. Tụi mình thi vào trường Tổng hợp, nếu đỗ, cũng dễ kiếm việc làm.”  Hai đứa rủ nhau lên văn phòng tuyển sinh thành phố năn nỉ xin rút hồ sơ đại học y khoa để nộp vào đại học tổng hợp.  Người cán bộ tuyển sinh giải thích rằng do hồ sơ đã đóng gói, hai đứa chỉ cần làm hai tờ đơn bổ sung, sau này nếu trúng tuyển sẽ được chuyển hồ sơ từ trường y sang trường tổng hợp.

Kết quả kỳ tuyển sinh năm 1977, Tuấn đỗ vào trường đại học tổng hợp Huế. Thu thi rớt đại học lần đầu. Anh điên tiết, quyết tâm học tập ngày đêm và năm sau đã thi đỗ vào trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh.

Sunday, July 17, 2011

Mọi chuyện bắt đầu từ một ý tưởng

Năm 1993, lần đầu tiên được ra nước ngoài khiến Tuấn rất hồi hộp. Việc anh được cử đi công tác Đài Loan cũng khá vất vả. Những lần trước, các lời mời của đối tác dành cho công ty đều được vị giám đốc khéo léo bố trí cho lãnh đạo cấp trên của Tỉnh nhằm thu phục cảm tình của họ đối với công việc của công ty. Lần này, người đi công tác phải vừa làm phiên dịch, phải vừa hiểu biết về tài nguyên thiên nhiên Khánh Hòa để giới thiệu cho nhà đầu tư Đài Loan. Ngoài ra, Tuấn còn được giao nhiệm vụ thăm xưởng sản xuất cát khuôn đúc và nhà máy nghiền bột silic của một đối tác, công ty Chinching Silica Sand. Đồng thời, kết hợp xác minh tình hình chậm trả nợ của một công ty đối tác khác ở Đài Trung.

Năm 1993, đảo quốc Đài Loan đã phát triển công nghiệp rất mạnh mẽ. Sân bay Tưởng Giới Thạch được xây mới với kiến trúc rất hiện đại. Tòa tháp cao 500 mét đang xây gần xong. Cảng Đài Trung có bến cập cảng dài hàng cây số. Khu công nghiệp mọc san sát đan xen với ruộng lúa ở Hinshu. Về nông nghiệp, là một vùng đảo, đất đai khô cằn, vậy mà Đài Loan xuất khẩu dưa hấu, rong biển sang Mỹ.

Tận mắt thấy được một mô hình xã hội công nghiệp hiện đại với nhiều ứng dụng tự động hóa, Tuấn thật sự đau đáu trong lòng vì thấy quê hương mình quá thua thiệt. Anh dành tiến công tác phí mua một vài cuốn sách tiếng Anh để mang về tự dịch ra tiếng Việt để kết hợp học luôn từ vựng. Tuấn đã nuôi ý tưởng tìm cách ra nước ngoài để du học kể từ chuyến đi này.

Về nước, anh lao vào học Anh Văn ban đêm ở Cao đẳng Sư Phạm Nha Trang. Chính nhờ môi trường này, anh quen Hảo, Kim Anh, Anh Cường, Ngô Em. Họ kết nhóm với nhau để sinh hoạt câu lạc bộ đàm thoại Anh Ngữ lấy nhà Hảo làm nơi sinh hoạt.

Một hôm Hảo, giáo viên tại Đại học Thủy Sản Nha Trang, đến rủ Tuấn uống cà phê để phân trần một việc anh bực tức vì không được nhà trường lắng nghe ý kiến góp ý của mình. Hảo thấy tờ thông báo chiêu sinh của Viện Phát triển Quốc tế Đại học Harvard sử dụng có một từ ít thấy trong sách tiếng Anh, nhưng hay dùng ở Mỹ để nói về bậc đại học (undergraduate). Người phụ trách dịch thuật ở trường dịch là “sau đại học” vì có chữ under, có nghĩa là dưới, nhưng Hảo cho là phải dịch tốt nghiệp đại học mới đúng. Anh góp ý cho ban dịch thuật nhưng không được lắng nghe. Giận quá anh mang tờ giấy chiêu sinh đến phân trần với Tuấn.

Tra nghĩa trong một cuốn từ điển xuất bản ở Mỹ, Tuấn biết rằng Hảo đúng. Bỗng nhiên anh tự hỏi, “Sao mình không thử xin học bổng này nhỉ.” Nghĩ là làm ngay, Tuấn về nhà lấy giấy vở học trò viết bằng tay một bức thư tiếng Anh mang đến bưu điện Nha Trang trên đường Lê Thánh Tôn để gửi sang Mỹ xin học bổng.

Vài tháng sau, một hôm công tác ở Đầm Môn, huyện Vạn Ninh về, anh được Liễu, người phiên dịch của công ty thông báo có một người xưng là giáo sư đại học của Mỹ gọi điện hỏi thăm và mời anh vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp.

Tuấn thông báo cho giám đốc của mình, ông Hải sự việc. Mặt ông bổng biến sắc. “Chết thật, sao cậu không báo tôi trước. Giờ này mà lộ chuyện đi gặp người Mỹ là phức tạp lắm. Thôi cậu nghỉ phép mà đi, nhưng nhớ tuyệt đối không nói đi gặp giáo sư Mỹ đấy nhé.”

Tuấn mua vé tàu lửa lên đường vào thành phố. Sáng sớm, tàu vào sân ga, anh đi xe thồ đến khách sạn Rex chờ gặp các thành viên trong đoàn. Việc gặp gỡ gần như không chính thức, mọi người ngồi quanh một bàn nhỏ như đang uống cà phê. Tuấn không hiểu nhiều các câu hỏi của các giáo sư trừ giọng nói rõ nét từ tốn của cô Lucy Pullen. Lạ thật, cách giao tiếp của Lucy khiến Tuấn cảm thấy thật dễ chịu, bao nhiêu lo lắng, cách biệt gần như xóa hết trước mặt Tuấn khi đối diện với cô ấy.

Buổi chiều anh được sắp xếp kiểm tra tiếng Anh trước khi lên đường trở lại thành phố Nha Trang. Thấy mọi người nói tiếng Anh thật lưu loát đang vây quanh hai người phụ nữ Mỹ đến giám sát phòng thi, anh ngữa mặt lên trời than thở “quả là châu chấu đá xe rồi.” Thế nhưng, vài tuần sau anh nhận thư báo cho biết khả năng Anh ngữ của Tuấn vào loại khá, có thể được mời tham gia vòng tuyển sinh tiếp để theo học chương trình cao học ở Mỹ.

Tuấn được mời trở lại Sài Gòn vài tháng sáu đó. Anh được cho kiểm tra toán và nhận hồ sơ tiến hành thủ tục xin học bổng. Hồ sơ quy định khá phức tạp và thời gian chỉ cho phép hoàn tất 45 ngày. Ba bài luận văn ngắn và ba bức thư giới thiệu là phần khó nhất đối với Tuấn. Anh phải về Huế để xin thư giới thiệu của thầy dạy trực tiếp. Tuy nhiên, thầy Sau lại đề nghị thầy trưởng khoa ký thư. Có lẽ, thầy Sau cũng sợ liên lụy với Mỹ chăng? Thầy Thanh là người đã du học ở Nga. Sau khi nghe thầy Sau giới thiệu về Tuấn, ông đồng ý ký ngay, nhưng lại yêu cầu Tuấn tự thảo thư. Tuấn ra bờ tường Morin ngồi bên người thợ đánh máy chữ để đánh máy thư giới thiệu. Xong việc, anh đến xin chữ ký ngay trong lớp học lúc thầy đang giảng bài.

Thầy Thanh giới thiệu với cả lớp, “Đây là anh Tuấn, sinh viên khóa I của Trường. Hôm nay anh về đây xin tôi giới thiệu để làm hồ sơ xin học bổng của trường Harvard. Cả lớp ồ lên một tiếng. Từng con mắt sáng đổ dồn về Tuấn với vẻ thán phụ lẫn tự hào. Lúc Tuấn tặng thầy cây bút do công ty Sumitomo đã tặng anh trước đây, thầy cười đùa, “Cậu này còn biết hối lộ tôi nữa đấy!”

Rời trường đại học, anh đi thẳng ra Ga Huế để đi tàu về Nha Trang. Lòng tự nhủ, phải cố gắng hết sức hoàn thành nhanh chóng các thủ tục xin học bổng này để không phụ lòng mong đợi của quý thầy và bạn bè cùng những người đã giúp đỡ anh.

Tính cách tạo nên số phận

Khi được phân công về làm việc ở thành phố Nha Trang, tỉnh Phú Khánh, Tuấn lần đầu tiên sống xa nhà. Đồng lương kỹ sư của anh sau khi trừ tiền ăn ở đội, chỉ đủ sống đạm bạc qua ngày ở công trường và đãi bạn bè hai lần trong tháng mỗi khi về Nha Trang lĩnh lương hay làm hồ sơ kỹ thuật.

Chán nản vì bế tắc trong việc cải thiện đời sống gia đình sau gần chín năm gắn bó với công việc khảo sát thiết kế cầu đường, Tuấn đã muốn xin chuyển công tác. Trước đó, vị giám đốc xí nghiệp, ông Hải, vì muốn sử dụng chuyên môn của Tuấn, nên ông đã tìm mọi cách ngăn cản. Lúc Tuấn được chuyển sang đơn vị khác cũng là lúc xí nghiệp cũ gặp rất nhiều khó khăn và ông Hải cũng đã chuyển công tác.

Năm 1988-1989, nhà nước Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới mở cửa giao thương với các nước để thoát khỏi kinh tế bế tắc vì cấm vận của Mỹ. Nhiều doanh nghiệp nhà nước bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh để trao đổi hàng hóa với thị trường. Nhiều hộ kinh doanh tư nhân tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa trên thị trường làm cho nền kinh tế bắt đầu khởi sắc.

Trong luồng gió kinh tế thời mở cửa, cũng như mọi người, Tuấn cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, làm gì để có thêm thu nhập, thoát nghèo là mong ước của Tuấn và hầu hết mọi người Việt Nam hồi đó. Anh làm bột láng cho đồ gỗ, bột trét cho đồ sắt cung cấp cho thợ mộc, thợ sơn lấy nguyên liệu thiên nhiên ở Phú Yên và Khánh Hòa.

Một hôm anh ghé thăm cửa hàng của một công ty vật tư nhà nước. Quan sát hàng hóa trưng bày, Tuấn phát hiện nhiều bao bột oxid sắt màu nâu đỏ. Kiến thức về hóa học khiến anh linh cảm đây là một loại bột màu công nghiệp. Anh quyết định lấy một mẫu nhỏ mang thẳng đến Chợ Đầm và được đồng ý mua hết với giá gấp ba, bốn lần giá niêm yết ở quày hàng. Kết thúc thương vụ này, anh sắm được chiếc xe máy cub 50 đầu tiên trong đời. Cũng cần phải nhắc đến công lớn trong việc này là Trúc, bà xã anh hiện nay. Vì không có tiền mặt trả cho cửa hàng vật tư, anh không thể đưa hàng ra khỏi cửa.

Thành công này còn khiến anh hứng chí tìm kiếm thêm nhiều nguồn vật tư mới để tham gia mua bán với các tư thương ở Chợ Đầm, Nha Trang. Chẳng hạn, tham khảo tài liệu khoa học, Tuấn đã một mình mang theo con dao găm của lính Mỹ đón xe ra Tuy An, Phú Yên tìm tảo diatomit. Anh đi bộ theo đường làng vào trong vùng núi tìm một loại đất trắng, nhẹ và khi khô có thể viết như phấn bảng. Đi từ sáng đến trưa vẫn không tìm thấy. Mệt và đói, Tuấn ghé vào một nhà dân bên đồi nhờ thổi cơm ăn. Trong lúc nằm trên võng chờ cơm, anh hỏi dò chủ nhà, “Bác có thấy ở đâu có loại đá trắng nhẹ có thể nổi trên mặt nước không?” Chủ nhà lắc đầu, nhưng thằng bé con chủ nhà nhanh nhẩu la lên, “Ô nhiều lắm, tụi cháu hay lấy về làm phấn đấy mà!”

Mừng quá, cơm nước xong, Tuấn xin chủ nhà cho thằng bé dẫn đường. Quả thật, bên một sườn núi, dòng suối khô lộ hẵn ra một vùng đất trắng. Tảo diatomit đây rồi! Tuấn dùng dao găm cạy từng mảng cho vào túi đựng gạo. Anh nhờ chủ nhà cho thuê ngựa để thồ các bao tải ra quốc lộ I để đón xe đưa về Nha Trang.

Làm gì với các bao đất diatomit này? Theo tài liệu tham khảo ở thư viện khoa học và Viện Hải dương, diatomit được sử dụng khá nhiều trong xử lý nước, chất độn công nghiệp. Tuấn quyết định triển khai thí nghiệm theo hướng làm chất độn cho sơn. Anh đưa các bao đất đến tiệm xay sắn lát để thổi thành bột. Chủ tiệm hỏi đây là chất gì, Tuấn giải thích đây là thức ăn gia súc. Tuy vậy, anh cũng xin phép làm vệ sinh máy sạch sẽ trước khi xay để tránh tạp chất. Không có nhà máy sơn, anh quyết định đưa bột diatomit vào làm matit. Cho từng túi bột diatomit vào một túi ny lon lớn, anh đạp xe khắp các đường phố chính của thành phố Nha Trang, tìm các tiệm sơn để thử nghiệm. Vài tuần sau, anh quay lại xin kết quả, một vài tiệm bắt đầu hỏi mua. Tuấn có thêm một công việc mới. Về sau, do quãng đường xa và khai thác bất tiện, Tuấn sử dụng đất sét trắng ở Xuân Sôn, Vạn Ninh để thay thế, kết quả cũng rất tốt.

Cũng vì say mê nghiên cứu ứng dụng theo hướng này, anh đã quyết định chuyển công tác sang Xưởng chế biến bột màu titan do Viện Khoa học Việt Nam liên kết với tỉnh Phú Khánh thực hiện.

Xưởng chế biến bột màu titan do giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam xin tài trợ của UNIDO để thực hiện. Do cần một đơn vị địa phương chuẩn bị khâu vật liệu, ông đến Nha Trang xin lập văn phòng và được tỉnh chấp thuận cấp đất và tổ chức thực hiện. Xưởng sản xuất đặt ở Đường Đệ, Nha Trang, nhưng xưởng tuyển khoáng đặt ở Sông Cầu. Quặng titan được tuyển sạch đưa về xưởng để tinh lọc. Sau đó, chúng được ngâm với acit sulfuric. Quá trình phân hủy hóa học và cơ học tạo ra chất bột màu trắng tinh, nhẹ xốp, dùng làm nguyên liệu sơn, cao su và bột vẽ cho họa sĩ.

Bây giờ nhìn lại thời ấy mới hiểu ra kiểu làm ăn thời kinh tế kế hoạch quả là duy ý chí. Xưởng bột màu chỉ biết sản xuất, chứ không hề tính toán, làm như thế sẽ cho ra giá thành một ký bột màu bao nhiêu và có thể cạnh tranh trên thị trường hay không. Về sau, chính sự tò mò của Tuấn đã khiến anh là người đã đưa bột màu titan ra chợ Đầm bán thử nghiệm. Anh cũng đã quyết định mua hết số bột màu sản xuất từ xưởng, khoảng vài chục kí lô để trong kho nhà máy cơ khí. Số lượng tiêu thụ quá ít, vì chỉ bán lại cho các họa sĩ tuồng cổ để họ pha màu vẽ tranh và kẻ mặt hóa trang thành các vai diễn trên sân khấu.

Chuyển sang Xưởng thí nghiệm sản xuất bột màu từ khoáng sản titan không bao lâu, nhà nước có chủ trương tách tỉnh. Phú Khánh là tên ghép của hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa được nhà Nguyễn thành lập và được Pháp, nước bảo hộ, duy trì từ xưa đến trước 1975. Sau khi thống nhất đất nước, nhiều tỉnh được ghép lại thành các đơn vị hành chính lớn. Giờ đây, nhà nước quyết định cho tách tỉnh như xưa. Đơn vị của Tuấn mới thành lập, do tách tỉnh nên mất vùng nguyên liệu, thị trường thu hẹp, có nguy cơ phải giải thể. Trước tình thế này Tuấn phải xoay xở, tìm cách mở thêm hướng sản xuất mặt hàng khác, đồng thời tìm cách sát nhập với đơn vị khác để tồn tại.

Tuấn có người bà con trong họ tham gia nhận thầu vận chuyển cát Cam Ranh xuất khẩu từ mỏ cát Thủy Triều về cảng Ba Ngòi. Do muốn tiết kiệm chi phí vận chuyển, đơn vị xuất khẩu đã xin phép quân đội cho làm con đường nối mỏ cát với khu quân sự Cam Ranh do Mỹ để lại và hiện đang bỏ trống phần phía Bắc của căn cứ. Nếu vận chuyển theo con đường mới, cự ly vận chuyển tiết kiệm hàng chục cây số sẽ tăng lợi nhuận cho việc xuất khẩu cát trắng.

Do biết Tuấn có kiến thức và kinh nghiệm trong ngành cầu đường, người chủ thầu vận chuyển cát giao Tuấn chỉ huy thiết kế thi công đoạn đường này. Chi phí do ông đầu tư và được phía công ty cát thanh toán dần khi xuất khẩu. Nhờ tham gia thi công đoạn đường này, Tuấn có dịp tham quan công trường khai thác cát trắng Cam Ranh. Anh phát hiện quy trình khai thác của các đơn vị trước đó (có lẽ là của các kỹ sư người Nhật) khá thú vị. Cát lẫn rể cây được nhân công chất đống rất cao. Một dòng chảy nằm giữa hai quả đồi có dạng chữ V tạo độ dốc để nước mặt thoát ra biển khi mưa. Nước chảy sẽ kéo theo chất hữu cơ và tích lại cát trắng. Qua nhiều năm, một lớp cát sạch, mịn sẽ hình thành, lúc đó, vùng cát thải trở thành mỏ cát sạch có thể khai thác trở lại. Quả là một giải pháp khai thác mỏ tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Tận mắt chứng kiến cách làm cẩu thả của các đơn vị khai thác cát xuất khẩu, Tuấn quyết định đến gặp Tổng giám đốc Công ty ISEI, ông Phan Xuân Ngọc, để báo cáo và trình bày giải pháp khai thác cát theo quy hoạch. Khi nghe Tuấn kết luận, “Người Nhật còn biết tiết kiệm tài nguyên của ta, tại sao chúng ta lại lãng phí tài nguyên của chính mình,” Ông Ngọc chỉ vào mặt Tuấn hỏi, “Cậu đang làm gì? Ở đâu? Cậu đã có quyết định về Tổng công ty chưa?"

Ngày hôm sau, ông gửi quyết định tiếp nhận Tuấn về ISEI. Chính đích thân người giám đốc Khảo sát Thiết kế Cầu Đường năm xưa, ông Hải lại đến gặp Tuấn tại nhà. Ông thừa hiểu Tuấn đã lọt vào tầm ngắm của Tổng giám đốc nên đến thuyết phục anh chuyển công tác sang Ban Xuất khẩu cát do ông làm trưởng ban.

Ròng rả ba tháng liền, Tuấn tham gia viết luận chứng khoa học kỷ thuật cùng với một đồng nghiệp, sau khi trình chính phủ, tỉnh Khánh Hòa được chia một nửa mỏ cát trắng Cam Ranh. au đó, bằng uy tín và cách thuyết phục có tình, có lý, toàn bộ xưởng chế biến titan nhỏ nhoi của Tuấn được sát nhập vào Ban Cát rồi sau này trở thành Công ty xuất khẩu khoáng sản Khánh Hòa.

Từ chỗ xuất khẩu thử nghiệm vài chuyến hàng sang Đài Loan, chỉ vài năm sau công ty có nhà máy tuyển rửa cát với hệ thống khai thác, vận tải cơ giới hoàn thiện với doanh số cả triệu đô la Mỹ, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho tỉnh Khánh Hòa. Cũng nhờ chuyến tham quan các nhà máy chế biến sản phẩm từ cát trắng ở Hinchu và tận mắt sự phát triển của đảo quốc Đài Loan, cuộc đời của Tuấn lật sang một trang mới.

Saturday, July 16, 2011

Bí mật của Trí Nỗ

Trí Nỗ cùng sống với Tuấn ở Khu tập thể Sở Lương thực, 52 Yersin Nha Trang. Đây là một trung tâm truyền tin của quân đội Sài Gòn được tận dụng làm văn phòng của Sở Lương Thực. Về sau, khi di chuyển sang cơ sở mới xây trên đường Lê Thánh Tôn, nơi này được phân cho cán bộ nhân viên làm phòng ở.

Những cán bộ có công lớn với chế độ, có chức vụ,…được phân diện tích ở lớn. Trí Nỗ còn trẻ nhưng anh cũng được hưởng tiêu chuẩn như cán bộ cao cấp. Nghe nói vợ anh là con của một quan chức ngành ngân hàng. Bản thân Trí Nỗ cũng tham gia ngành lương thực. Hắn nỗi danh là Trí Nỗ vì ăn nói táo tợn và bốc. Kiểu giang hồ, dám chơi, dám chịu, dám nói, dám làm.

Vợ chồng Tuấn được phân một phòng khoảng 16 mét vuông. Anh thường đi công tác liên tục và do ở nhờ cơ quan vợ nên không có quyền đòi hỏi. Lúc vợ anh có con đầu, anh xin về văn phòng một thời gian để chăm sóc gia đình. Nhờ vậy, bắt chước Trí Nỗ, anh nuôi khoảng chục con gà công nghiệp trong khoảng đất sau phòng ở. Hàng đêm, Tuấn vừa học thêm vừa chăm cho gà ăn.

Tri Nỗ ở gần nhà Tuấn, hằng đêm hắn quan sát thấy Tuấn tay cầm sách hoặc mở băng cat-xét học tiếng Anh trong bếp, thấy thế hắn thầm nể nang và có cảm tình.

Ngày Tuấn nhận thư báo tin trúng tuyển học bổng, anh vừa mừng rỡ vừa bối rối vô cùng. Trước hết, về phía công ty, nhiều người bỗng dưng tránh tiếp xúc với anh. Tin đồn anh được học bổng của Mỹ khiến họ thắc mắc. Vì sao người Mỹ cho Tuấn học bổng? Tuân đã làm gì cho họ. Tại sao học bổng này không được phổ biến rộng rãi. Tại sao nhiều cơ quan chức năng của Tỉnh không biết mà Tuấn lại có thông tin…

Người giám đốc công ty, ông Hải, đứng trước sự phản ứng gay gắt của các đảng viên cọng sản trong cấp ủy. Tại sao ông không thông báo việc Tuấn xin học bổng cho chúng tôi biết trước? Họ thắc mắc và kết luận, nếu muốn đi du học anh phải xin nghỉ việc và tự làm hồ sơ để đi học.

Tuấn đứng trước những trở lực rất lớn. Muốn đi học anh phải có quyết định của Tỉnh để làm hồ sơ xuất ngoại. Phòng Tổ chức công ty từ chối làm hồ sơ cho anh vì đã nhận chỉ thị của cấp ủy. Nhiều lần, Tuấn đến Phòng Tổ chức tỉnh để xin quyết định của Ủy Ban Tỉnh. Anh nhận được câu trả lời, “Cậu về nói tổ chức công ty làm công văn lên đây. Cá nhân không thể tự xin quyết định của tỉnh mà phải được công ty giới thiệu.”

Đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, một hôm đứng tần ngần trước của Văn phòng Ủy ban Tỉnh Khánh Hòa, bỗng dưng Tuấn nghe tiếng hỏi, “Ông làm gì ở đây?” Tuấn chảy nước mắt trình bày hoàn cảnh của mình cho Trí Nỗ. Nghe xong hắn xẵng giọng, “Ông về đi. Tối qua nhà gặp tôi.”

Tối ấy, Tuấn qua nhà Trí Nỗ. Vừa bước vào nhà, hắn hất hàm, “Ông cầm bao nhiêu tiền đấy.” “Một trăm ba chục ngàn”, Tuấn trả lời rụt rè. “Chừng ấy làm sao uống bia cho đủ?” “Thôi được, ông leo lên đây tôi chở đi rồi tính.”

Trí Nỗ tính rất nhanh. Một chai ông già chống gậy, một tuýt 555. Phần tiền lẻ hắn mua một gói chả Bắc ở chợ Mới kèm một gói dưa cải chua và một gói thuốc lẻ. Cả hai đến nhà người cán bộ tổ chức tỉnh. Chủ nhà không có mặt. Trí Nỗ tự lấy chén bát, bày trên bàn một dĩa chả Bắc, một dĩa dưa cải và xin vợ chủ nhà một xi rượu thuốc ngâm hải mã. Cả hai ngồi chờ. Khoảng một tiếng sau, chủ nhà về tới. Ông ta cũng đã uống rượu ở đâu đó rồi. Trí Nỗ vào đề ngay, “Thằng này rất chịu khó. Hắn vừa nuôi gà vừa tự học. Nó nghèo nhưng sống rất mẫu mực ở khu tập thể, anh ráng giúp nó.”

Chủ nhà sau khi nghe Trí Nỗ nói thế đã đổi giọng xưng hô với Tuấn, ông bày vẽ rất cặn kẽ cách làm thế nào để gặp trực tiếp chủ tịch tỉnh để xin phê duyệt vào đơn xin đi du học. Ông còn đưa số điện thoại thư ký riêng của chủ tịch và hứa sẽ báo cáo trước để sắp xếp cho Tuấn gặp chủ tịch xin ký đơn để cho anh du học.

Ông Nguyễn Thiết Hùng nguyên là giáo viên, hiệu trưởng ở Đại học Thủy sản Nha Trang. Ông được gởi sang Nga đào tạo với học vị phó tiến sĩ.  Do là người địa phương, ông chuyển công tac về tỉnh Khánh Hòa và được chọn là chủ tịch Tỉnh. Có được số điện thoại do vị trưởng phòng tổ chức tỉnh cung cấp, Tuấn liên lạc và gặp thư ký riêng của ông Hùng là anh Thắng để sắp xếp gặp chủ tịch.

Giờ đây, nhớ lại hoàn cảnh lúc đó, Tuấn thầm cảm ơn số phận vô cùng. Cả ông Hùng, anh Thắng là những người học thức làm chính trị.  Việc một người kỹ sư trong tỉnh nhận học bổng của Harvard là một điều cả hai ông ắt sẽ hãnh diện và trong lòng họ đã có thiện cảm với Tuấn.

Theo lịch hẹn, Tuấn hồi hộp bước vào phòng chủ tịch.  Ông Hùng nói ngay, “Tôi đã nghe báo cáo và đã cho kiểm tra ngoài trung ương. Đây là học bổng có thực theo thỏa thuận của Thủ tướng và Bộ ngoại giao với Mỹ. Bây giờ tôi hỏi anh ba câu hỏi, nếu anh trả lời được, tôi sẽ cấp quyết định cho anh đi du học.” 
Thứ nhất, hãy giới thiệu về anh, anh đã có bao năm làm việc ở Khánh Hòa và anh đã đóng góp những gì cho Tỉnh.  Vì sao anh biết được tin học bổng này mà tỉnh cũng không hề hay biết? Tại sao anh lại xin đi du học và vì sao lại Mỹ mà không phải là nước khác?

Tuấn lần lượt trả lời các câu hỏi. Anh hầu như thuyết phục được ông khi nói về thành tích lập luận chứng kinh tế kỹ thuật để xin quyền khai thác mỏ cát trắng Cam Ranh cho Khánh Hòa; tờ giấy chiêu sinh đến từ trường đại học nơi ông từng là hiệu trưởng. Tuy vậy giữa ông và Tuấn nảy sinh một tranh luận nhỏ khi Tuấn so sánh sự thành công của đảo quốc Đài Loan và tình trạng nghèo nàn của nền kinh tế Việt Nam. Khi nghe ông nói, “Mình nghèo là phải, mình nghèo là vì đất nước lâm vào hoàn cảnh chiến tranh.”, Tuấn đã phản bác.  Anh nói, “Thưa chủ tịch chiến tranh đã qua khá lâu, gần hai mươi năm rồi. Mình nghèo là do mình chưa biết cách làm giàu.  Tại sao một đảo quốc như Đài Loan, không có tài nguyên, họ sản xuất máy bán khắp thế giới.  Thiếu đất, phải đào đá để tạo mặt bằng làm nông, họ lại xuất dưa hấu sang Mỹ.”

Tuy có vẻ chưa chịu thua cách trả lời của Tuấn, ông vẫn giải thích rất cặn kẽ anh phải viết một đơn như thế nào để ông có thể phê ý kiến chấp thuận cho Tuấn làm thủ tục du học.

Friday, July 15, 2011

Lắng nghe mệnh lệnh của con tim

Có thể nói nghề khảo sát cầu đường là một trong những nghề gian khổ nhất. Việc chọn lao động phổ thông vào đội khảo sát chỉ cần hai yếu tố, trẻ và biết làm tính. Nếu một người có điều kiện được chọn lấy một nghề trong xã hội, ít ai muốn đi vào nghiệp này. Ngoài việc sống lang thang đây đó, ở vùng núi Phú Yên, Khánh Hòa, nghề khảo sát đồng nghĩa với sốt rét rừng, vì hầu như ai làm việc trong nghề này đều mang bệnh sốt rét. Tuấn cũng là một người bị nhiễm căn bệnh quái ác ấy.

Có lẽ với những lý do như thế, các thành viên đội khảo sát của Tuấn cũng xuất thân từ nhiều nguồn rất đặc biệt. Những người lính của chế độ cũ, Minh “xụi:, Vinh, Quang, Tường, Chờ …họ tham gia nghề khảo sát là lựa chọn tốt nhất để khỏi phải thất nghiệp và nếu không có việc làm họ sẽ bị đưa đi khai phá các vùng kinh tế mới. Những thành viên trẻ hơn gia nhập đội khảo sát có thể vì không thi đậu đại học, hoặc không đủ điều kiện kinh tế theo học trung học.

Hoàn cảnh của Đức, một thành viên trẻ nhất đội, rất đặc biệt. Đức ít nói và thường tránh xa các cuộc tụ họp đàn hát hay nhậu nhẹt tập thể. Tuy nhiên, do khỏe mạnh và lớn xác, Đức thường xung phong mang vát những thứ nặng nhất nên anh không bị ganh ghét hay bị cô lập trong tập thể. Ngoài những ưu điểm này, một chút vật chất đời thường cũng dễ làm mềm lòng những người khác, lúc nào Đức cũng sẵn sàng chia sẻ thuốc lá, cà phê cho những ai cần đến.

Đức thường gần gũi Tuấn để học thêm về ban đêm. Qua đó, Tuấn nhận thấy anh ta rất thông minh và có chính kiến trong những câu chuyện xãy ra hàng ngày trong độ,i mặc dù Đức ít khi tham gia phát biểu.  Tình bạn xuất hiện giữa hai người trẻ tuổi nhất trong đội. Tuấn và Đức thường thức đêm đọc sách, học tiếng Anh hoặc đi cà phê với nhau mỗi khi về nghỉ ở thành phố Nha Trang. Xa nhà, có thêm một nơi để lui tới, Tuấn cũng cảm thấy bớt cô đơn mỗi khi rảnh rỗi. Cũng chính từ tình bạn ấy, Tuấn khuyên Đức nên học thêm bổ túc văn hóa để hoàn tất chương trình cấp 3. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đức cũng đã tiếp tục ghi danh vào đại học bách khoa ngành cầu đường, hệ tại chức.

Thấm thoát đã bốn năm, một hôm Đức vẻ mặt như người mất hồn đến gặp Tuấn để hỏi ý kiến, về việc ông Chuẩn, trưởng phòng tổ chức cán bộ của xí nghiệp thông báo sẽ không cấp giấy giới thiệu cho anh vào Sài Gòn dự thi tốt nghiệp. Lý do ông nêu ra khá nghiêm trọng, Đức không đạt tiêu chuẩn là công nhân tiên tiến trong 5 năm liền. Anh có số ngày nghỉ việc nhiều trong năm và lại không phải là đoàn viên thanh niên… Tìm hiểu thêm, Tuấn phát hiện lý do tiềm ẩn người cán bộ tổ chức kia không chịu nêu ra, Đức đã dính líu vào một việc liên quan đến pháp lý khi còn chưa đủ tuổi thành niên. Anh bị đuổi học khỏi trường Võ Tánh, sau này đổi tên là trường Lý Tự Trọng.  Đức gia nhập vào đội quân khảo sát cũng chính từ lý do ấy.

Tuấn đã suy nghĩ rất nhiều các giải pháp để giúp Đức hoàn thành chương trình đại học. Anh hiểu Đức là người có tư chất thông minh và đã chứng kiến Đức nỗ lực như thế nào trong quá trình bốn năm qua nên hết sức thông cảm. Hơn thế, anh tin rằng Đức là người tốt,việc anh phạm sai lầm trong quá khứ có thể do nhiều hoàn cảnh đưa đến. Khi thấy Đức dáng vẻ thiểu não, anh sợ hắn ta phẩn uất có thể dẫn đến tự tử thì nguy.

Lúc ấy, năm 1988, vào thời điểm cả nước sục sôi vì Trung Quốc lấn chiếm quần đảo Trường Sa. Tuấn gợi ý cho Đức viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tuấn thừa hiểu trong số người tình nguyện, Đức ít có khả năng được chọn vì quá khứ của cậu ta đã có vết chàm. Tuy vậy, để mọi chuyện xảy ra theo ý muốn và có kết quả thật đãm bảo, Tuấn còn đề nghị Viên, kết nạp Đức vào đoàn trước khi nhập ngũ. Trong mắt mọi người ở công ty, Đức giờ đây thật đáng là một anh hùng.

Mọi chuyện diễn ra êm thắm, Đức nộp đơn xin vào thành phố HCM dự thi tốt nghiệp và anh đã hoàn thành mục tiêu học tập của mình. Một thời gian sau khi tốt nghiệp đại học, Đức được chuyển sang phòng thiết kế. Về sau anh di dân sang Úc. Từ đó đến nay, Tuấn chưa hề gặp lại anh bạn trẻ đầy cá tính này.

Tuesday, July 05, 2011

Từ Angkor Watt nghĩ về Việt Nam

Trải qua nhiều thời đại vương quốc Khmer từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 12, hằng trăm đền tháp đẹp và hoành tráng được xây dựng để tôn vinh hai tín ngưỡng lớn xuất phát từ Ấn Độ, đó là đạo Hindu và đạo Phật. Ngày nay, quần thể đền đài ở Siemriep mà Angkor Wat là điển hình đã được UNESCO công nhận là kì quan thế giới.
Vật liệu xây đền là các khối sa thạch lớn, được vận chuyển từ một vùng núi cách xa khoảng 50-60 cây số.  Không có máy móc thiết bị, nhưng chúng được nâng, xây ghép chồng lên nhau thành những đền tháp có độ cao khoảng 45-50 mét. Các mạch đá gắn khít khao đến nỗi theo một anh bạn của tôi, chúng ta không thể chèn một danh thiếp vào được.
Vô số tượng đá hình các linh vật như khỉ, sư tử, rắn thần, cùng với tượng phật các kiểu được tạc từ đá sa thạch rất có hồn. Hàng trăm tượng tiên nữ với các kiểu tóc không hề trùng lắp. Bức tranh tạc bằng đá dài hàng chục mét mô tả toàn cảnh đời sống của người Khmer xưa trong thời chiến tranh cũng như hòa bình. Các hoa văn, họa tiết tài hoa, sắc nét và đẹp khiến chúng ta ngẩn ngơ. Thêm vào đó, bao quanh đền đài là các hồ nước được đào ngay ngắn tạo nên cảnh quan phản chiếu cảnh đền tháp linh thiêng dưới ánh nắng ban chiều.
Chính vì quá đẹp và hoành tráng như thế, mỗi năm, có hàng trăm ngàn khách du lịch đến Angkor để chiêm ngưỡng kiệt tác của nền kiến trúc Khmer và đã khiến cho thành phố Siemriep trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thế giới với các thương hiệu khách sạn 5 sao danh tiếng.
Anh bạn đồng hành hỏi tôi, “Theo anh có thể rút ra bài học gì khi đến viếng Angkor?” Tôi nói ngay, đối với một công trình vĩ đại như thế, không có lòng kiên định, e khó có thể hoàn thành được.  Quả thật, Angkor Wat được xây với thời gian 37 năm. Nghe nói, cuối cùng thì người dân xây đền nổi loạn vì thiếu lương thực do mất mùa đói kém, khiến cho một vài chi tiết điêu khắc trong đền chưa kịp hoàn thành.
Thế ở Việt Nam chúng ta có gì để so sánh? Anh bạn hỏi tiếp.  Chùa một cột! Chùa một cột vĩ đại ở chỗ nào? Anh hỏi dồn. Tôi triết lý, “Sự đơn giản chính là sự vĩ đại.” Những thành viên khác cùng đi trong đoàn cười ồ.  Không ngờ, anh bạn tôi chậm rãi cắt nghĩa theo chiều hướng ấy. Các vua chúa Việt Nam ngày xưa vì nghèo và thương dân đã không bắt họ lao động khổ cực xây nên những công trình gì to lớn. Trái lại, chỉ có những người cuồng tín nếu không nói là điên rồ như mấy ông vua Khmer mới dốc hết tài nguyên, nhân lực xây nên những công trình vĩ đại như thế này để rồi đưa đất nước đến chỗ diệt vong. 
Nói thế, nhưng anh đã chia sẻ nhiều trải nghiệm đáng quý.  Theo anh, bài học đầu tiên có thể rút ra từ cuộc thăm viếng Angkor Wat là tài năng, trí tuệ của con người chúng ta có thể là vô hạn, vượt cả không gian lẫn thời gian nếu nhà lãnh đạo biết khơi dậy đúng cách.  Mặc dầu động lực của sự sáng tạo ra quần thể Angkor Wat có thể xuất phát từ niềm tin tôn giáo, nhưng những kiệt tác điêu khắc trên đá cách đây cả ngàn năm khiến chúng ta ngày nay phải sửng sốt. Nửa đùa nửa thật, bạn tôi so sánh với các công trình do chúng ta xây nên ở Sài Gòn, Hà Nội ngày nay.  Anh nói, tài năng, trí tuệ và năng lực tổ chức lao động trên các công trình xây dựng của chúng ta ngày nay chắc gì đã giỏi hơn những người Khmer xưa, những người đã xây nên các đền đài ở Cambodia mà Angkor Wat là một điển hình.  Vâng, ngày nay, ở mỗi công trình chúng ta có các bên, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu, quản lý dự án, quản lý chất lượng, nhưng chắc gì chúng ta làm nên một công trình có chất lượng bền vững cả ngàn năm như Angkor.
Tuy vậy, thành tựu của Angkor cũng cho chúng ta thêm một bài học thứ ba nếu nhìn từ mặt trái của nó, đó là, trên đời này không có gì là bất biến, nhà lãnh đạo ngày nay cần phải rút tỉa bài học cay đắng của các vương triều Khmer, đó là, cần tạo ra một sự chuyển đổi đất nước, tổ chức một cách thích ứng, đúng thời điểm, đúng cách mỗi khi hoàn cảnh hoặc thời thế thay đổi. 
 Giữa Tiên và Phật!

Friday, July 01, 2011

Những năm tháng bình yên và bão tố đầu đời

Tân binh
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tuấn được phân công về tỉnh Phú Khánh. Đối với nhiều người, đây là một đặc ân vì Phú Khánh có thành phố Nha Trang xinh đẹp và hiền hòa, khí hậu quanh năm mát mẻ.
Đến trình diện ở Sở Giao Thông Phú Khánh, người cán bộ tổ chức rất dễ chịu khi ông đề nghị với Tuấn, "Thôi, còn mấy ngày nữa là hết năm. Cậu muốn đi đâu chơi cho thoải mái để ngày đầu tiên của năm mới về nhận công tác cũng được." Được lời như mở tấm lòng, Tuấn đón xe đi Đơn Dương, Lâm Đồng thăm người bác và đón Noel lần đầu ở xa nhà. Đúng ngày hẹn, Tuấn đến nhận việc ở Xí nghiệp Khảo sát Thiết Kế Giao thông Phú Khánh. Tuy nhiên, chỉ lưu lại chưa đầy một tuần để làm quen, Tuấn được chuyển đi Phú Yên, tham gia đội khảo sát, đo đạc cầu đường.
Những ngày đầu công tác, dù tốt nghiệp đại học, Tuấn phải tham gia nhiều việc như một thành viên khác không kém phần vất vả như kiếm củi, thổi cơm, chặt cây rừng để đẽo cọc... Sau vài tuần thử lửa, Tuấn được phân công kéo thước, đóng cọc theo tim con đường dự kiến mở. Công việc "cao cấp" nhất của Tuấn có lẽ là chạy mia (thước đo độ cao) và đo mặt cắt tự nhiên của lề đường và sau đó vẽ lên giấy kẻ ly để tính khối lượng đào đắp.
Gần một năm trôi qua, một hôm vị giám đốc đến thăm, ông gọi Tuấn để kiểm tra công việc chuyên môn. Sau một hồi, ông kết luận, "Được đấy! Bây giờ cậu sẽ phải về văn phòng để thành lập riêng một đội làm đúng chuyên môn của mình." Đến đây, Tuấn mới hiểu cách huấn luyện nhân viên của người giám đốc này. Ông muốn Tuấn nắm rõ toàn cục công việc khảo sát thiết kế cầu đường để sau này phục vụ tốt hơn. Thực tình mà nói, một năm trải qua, Tuấn hầu như không sử dụng gì mấy kiến thức của mình ở trường, anh gần như học thêm một công việc mới. 
Ông Đội
Việc thành lập một đội khảo sát nền móng cầu đường tạo cho Tuấn được gọi bằng một tên mới, ông Đội.  Ở nông thôn, chức vụ này khá quen thuộc vì thời đó toàn bộ nông dân phải làm việc dưới hình thức hợp tác xã. Mỗi thôn được tổ chức thành một đội. Ông Đội, vì thế khá có uy dưới con mắt của dân làng. Câu chuyện liên quan ông Đội đã tạo ra những giai thoại rất ngộ nghĩnh nhưng cũng không ít cay đắng trong những năm đầu đời của Tuấn.
Đi ăn cỗ
Do tá túc ở nhà dân dọc theo các trục giao thông hoặc những nơi có công trình cầu, cống cần khảo sát, ông Đội thường được dân làng mời ăn cỗ.  Mỗi lần như thế cả đội thường bày mưu tính kế để được "ăn theo". Chẳng hạn, chờ cho Tuấn vào nhà trước, khi bắt đầu bữa tiệc, cả nhóm đứng ngoài cổng gọi vào.  Giữ phép lịch sự, chủ nhân mời cả nhóm vào nhà tiếp đãi trà nước, bánh trái và đôi khi được mời cùng ăn cỗ. Những chuyện như thế dưới con mắt thời nay thật buồn cười, nhưng khi ở trong thời bao cấp là chuyện toan tính có thật. Dù có chuẩn bị thực phẩm khi rời thành phố nhưng không bao giờ anh em trong đội có thể ăn no hoặc đầy đủ chất bổ dưỡng. Họ thật sự cần những bữa ăn có chất mà đồng lương công nhân không thể đãm bảo.
Chuồng cu dành cho Ông Đội
Mùa hè ở miền Trung rất nóng. Căn nhà giao cho cả đội tạm trú ở thành phố Tuy Hòa nằm sâu bên một mái dốc của quốc lộ 1A, chủ nhân căn nhà xây thêm một căn phòng nhỏ nhô cao hơn phần mái bằng để hóng gió mát, mọi người thường gọi là chuồng cu.  Một số thành viên trong đội nhường cho Tuấn phòng này để anh nghỉ ngơi. Nhưng sau này Tuấn mới hiểu ra là anh đã bị mắc bẫy.  Do những thành viên lớn tuổi trong đội có nhu cầu  quan hệ trai gái, họ chọn cho Tuấn vị trí xa và cách biệt nhất để dễ hành động. Mãi một hôm về Nha Trang làm hồ sơ thiết kế, Tuấn mới nghe được chuyện xầm xì. Sau này, một thành viên trong đội bị bệnh giang mai, lúc đó cả đội và đặc biệt là Tuấn bị nhiều tiếng xấu.
Món quà bất ngờ
Một hôm tiến hành khảo sát vị trí xây cầu ở xã Hòa Thắng, Tuấn tình cờ phát hiện một điểm có đất sét trắng làm nguyên liệu sành sứ. Anh quyết định mang đến Hợp tác xã sành sứ Thiên Thanh một bao đất để giới thiệu. Chủ nhiệm hợp tác xã nguyên là một thầy giáo rất vui mừng. Ông nói, "Tôi chưa biết vật liệu này có thể dùng được không, nhưng tôi quyết định thưởng cho anh vì lòng nhiệt tình của anh với HTX chúng tôi."
Khoản tiền thưởng này dù chỉ  đủ cho anh mua một chiếc quạt trần chống nóng mang về cho gia đình ở Nha Trang, nhưng là một kỷ niệm đẹp đầu đời. Nó thúc đẩy sự sáng tạo và lòng tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống và công việc hàng ngày.
Cũng tại vị trí khảo sát cầu Hòa Thắng, Tuấn nhận được nhiều lời khen của nhân dân trong vùng cũng như đơn vị thi công cầu đường của tỉnh nhờ sáng kiến dùng máy khoan để đóng cọc thi công móng cầu nông thôn.  Trước đó, do thiếu phương tiện và hiểu biết, một đơn vị hợp tác xã quyết định xây cầu vận chuyển lúa qua một con mương có khẩu độ chừng 8-10 mét. Khi đào hố móng, họ phát hiện ra sau tầng đất sét là bùn nhão. Công việc thi công tạm dừng. Hợp tác xã liên lạc Sở Giao Thông để giúp đỡ về kỹ thuật. Đội của Tuấn được điều đến để khảo sát và đề xuất giải pháp nền móng.
Sau khi có kết quả khảo sát, Tuấn đề nghị dùng luôn máy khoan để đóng cọc thi công móng, vừa đáp ứng tiến độ thi công, vừa tiết kiệm chi phí do phải vận chuyển máy móc xa cả trăm cây số nhưng chỉ xây một chiếc cầu nhỏ. Giải pháp được hợp tác xã và cấp Sở đồng ý.  Đội khảo sát cầu đường trở thành một đội thi công móng cọc bất đắc dĩ. Công việc thành công nên từ đó về sau, hễ có sự cố móng ở đâu, Tuấn đều được Sở giao thông mời đến khảo sát và đưa ra biện pháp xử lý nền móng.