Mẹ tôi được sinh ra ở Huế, nhưng là dân ngụ cư vì ngoại tôi
phải bỏ xứ mà đi sau tai nạn chìm thuyền ở cửa Thuận An. Quê gốc của ngoại tôi ở
làng biển Nghi Xuân, Nghệ An. Gia đình có thuyền buồm chở hàng nông thổ sản ở
vùng Thanh Hóa, Nghệ An vào kinh đô Huế để bán. Không may trên đường trở về,
thuyền gặp gió chướng ở cửa Thuận An, Huế mất hết tài sản đành phải trốn biệt xứ.
Ngoại tôi sinh được hai người con gái, một người cao đặt tên
Dài, còn mẹ tôi người nhỏ thó lại thấp nên đặt tên Ngắn. Mẹ tôi sinh được tám
người con, 3 đến 5 năm sinh nở một lần. Duy nhất, anh Hùng là vỡ kế hoạch vì
anh được sinh ra sau chị Thu vừa tròn một năm. Theo lời kể của mấy chị, anh Hùng
mới sinh người nhỏ như con mèo, khóc suốt đêm nên mấy chị không dám lại gần. Mẹ
tôi lại đau nặng, phải nằm nhà thương. May nhờ dì Lài (dì tôi đi làm đổi tên là
Lài) làm ở bệnh viện nên được chăm sóc tận tình mới qua khỏi.
Anh tôi chậm lớn nên đi học muộn. Tôi đi theo anh vào trường làng để học chữ mặc
dù tôi kém anh ba tuổi. Sau biến cố Mậu Thân, anh bỏ học, theo học nghề sửa xe vespa
ở Đà Nẵng.
Sau 1975, nghề sửa xe máy không còn hợp thời, anh về quê làm
ruộng, rồi theo học trường công nhân máy kéo ở Quảng Bình. Năm 1979, trường này
đưa anh vào bộ đội tham gia cuộc chiến ở Campuchia.
Mẹ tôi không biết chữ nên một ngày đi học về, mẹ đưa bức thư
của anh Hùng cho tôi đọc. Tôi đã dối mẹ không đọc đoạn thư: “Mạ ơi! Khi mạ đọc
thư này, có lẽ thằng Hai của mạ không còn nữa. Đêm nào tụi con cũng đánh nhau với
bọn Miên.” Quả thật, đó là bức thư duy nhất và cũng là cuối cùng của anh.
Năm 1994, tôi nhận học bổng Fulbright. Cũng như lần chuẩn bị
đi xa năm 1981 (tôi đã nói mẹ xây lăng cho cha trước khi tôi vào Nha Trang làm
việc), tôi đã tự mình đi tìm mộ của anh Hùng. Mấy năm trước lúc đọc thư báo tử
của đơn vị, tôi nhớ anh được chôn ở nghĩa trang Tây Ninh. Vì thế, tôi bắt đầu ở
Sở Thương binh Xã hội Tây Ninh để lần tìm. Theo gợi ý của cán bộ Sở, tôi chọn
nghĩa trang ở Trảng Bàng để bắt đầu cuộc tìm kiếm.
Người ta nói, giữa người chết và người sống có mối liên hệ về
phần hồn. Không biết có đúng không, tôi thắp một nén hương cầu nguyện, rồi bắt
đầu đi vào nghĩa trang, nơi có hàng ngàn ngôi mộ. Thật ngạc nhiên, tôi vừa rẽ
phải đi được vài chục mét đã thấy ngôi mộ đề tên anh. Tôi nhìn thẳng về phía
trước, thấy hơn chục ngôi mộ cùng đơn vị của anh. Như thế, tôi dự đoán các anh
đã bị lọt vào ổ phục kích hay đã chiến đấu trong một trận đánh không cân sức.
Tháng Ba năm nay, gia đình tôi lại kỷ niệm ngày mất của anh
Hùng. Tuần rồi, trên ti vi đài Nhật Bản NHK đưa tin và hình ảnh cuộc tập trận bộ
binh có xe tăng và trực thăng của lính Campuchia và Trung Quốc. Tôi giật mình,
đất nước này chưa yên vì hiểm họa chiến tranh vẫn còn.
Mong sao con người bớt thù hận để cùng nhau chung sống hòa
bình.
No comments:
Post a Comment