Ở Nha Trang, tôi có hai người anh họ. So với đời sống của nước
ta trước năm 1975, họ có thể xếp vào lớp người giàu có. Vì thế, tôi thường hay
lui tới để tìm hiểu.
Ông anh họ thứ nhất có 3 bà vợ, sinh được 17 người con. Giờ
đây, nhìn lại ai cũng thành đạt và đóng góp cho đời. Vì thế, tôi kể chuyện này là
để tôn vinh người phụ nữ, chứ không phải là ca ngợi những đấng mày râu nhiều vợ.
Sự thành công của bác Võ Quang Tiềm ở Đà Lạt, đã khiến cho
người trong dòng họ và người cùng quê lũ lượt kéo nhau di cư vào Lâm Đồng lập
nghiệp. Ông anh họ của tôi cũng đưa cả vợ con vào Đà Lạt.
Ở Huế, tuy nhà nghèo, nhưng vốn là gia đình nho giáo nên ông
vẫn được học chữ. Sau đó, ông theo nghề làm guốc.
Ở Đà Lạt, thời tiết lạnh, đất bazan dẻo, lại hay mưa nên
không ai dùng guốc. Ông phải đổi qua nghề làm giày. Hồi đó, Đà Lạt mở rộng, nghề
làm rừng, xây dựng phát triển nên ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chuyển sang
bán vật liệu xây dựng và đồ kim khí.
Thành công về mặt kinh doanh, nhưng lâm sơn chướng khí của
vùng đất mới đã làm ông trở thành gà trống nuôi con. Một gia đình có con gái thấy
ông là người hiền lành lại giỏi giang nên đã nhờ người mai mối để gả con cho
ông.
Bà vợ kế của ông không những giúp cho gia thế của ông thêm vững
mà còn sinh cho ông một bầy con. Năm 1955, một làn sóng người Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định
Geneve. Nắm bắt quy luật phát triển của vùng đất mới, ông đã đưa gia đình về
Nha Trang, tiếp tục mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng và đồ kim khí. Nhà ở gần
bến xe, nên ông mở nhà trọ, cũng là nghề ông học được từ ông Võ Quang Tiềm.
Theo lời ông kể, bà vợ thứ hai đau nặng, chữa chạy không khỏi.
Thấy mình gần đất xa trời không biết chết lúc nào, con cái còn nhỏ, nên bà yêu
cầu ông cưới một người bạn để về chăm sóc. Thật lạ thay, ông đồng ý bà lại
không chết.
Rút cuộc ông có 3 bà vợ!
Ông anh họ thứ hai, nguyên là con quan nên học hành đỗ đạt mới
ra làm quan chức. Con cái đều du học ở Pháp. Ông sống ở Đường Đệ, Hòn Chồng -
Nha Trang. Nhà ông là một biệt thự, chia một phần quả đồi của Đại Chủng viện
Nha Trang, nay là đại học Thủy Sản.
Ông thường nói: “Thứ Bảy, Chủ nhật chú ghé thăm anh, để anh kể
chuyện dòng họ mình”. Theo lời ông, khai thác gỗ ở Tây Nguyên, người của ông phải
liên lạc cả hai chính quyền: bộ đội hạ cây xong, lính Cộng hòa hành quân để kéo
gỗ về. Chuyện này làm tôi bán tín bán nghi, nhưng một chuyện có thật xãy ra sau
1975, người con rể đã bị kết tội phá rừng làm lộ bí mật cách mạng. May thay,
ông này có quốc tịch Pháp nên phải rời Việt Nam mà không bị tù.
Cũng như ông anh họ kia, ông cũng có bà vợ kế. Nhờ vậy, lúc cả
hai già yếu, các con lớn đều ở xa, người con của bà này đã chăm sóc và hiện nay
quản lý nhà cửa của gia đình.
No comments:
Post a Comment