Sunday, March 25, 2018

THÁNG BA, NỖI ĐAU CỦA MẸ

Mẹ tôi được sinh ra ở Huế, nhưng là dân ngụ cư vì ngoại tôi phải bỏ xứ mà đi sau tai nạn chìm thuyền ở cửa Thuận An. Quê gốc của ngoại tôi ở làng biển Nghi Xuân, Nghệ An. Gia đình có thuyền buồm chở hàng nông thổ sản ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An vào kinh đô Huế để bán. Không may trên đường trở về, thuyền gặp gió chướng ở cửa Thuận An, Huế mất hết tài sản đành phải trốn biệt xứ.

Ngoại tôi sinh được hai người con gái, một người cao đặt tên Dài, còn mẹ tôi người nhỏ thó lại thấp nên đặt tên Ngắn. Mẹ tôi sinh được tám người con, 3 đến 5 năm sinh nở một lần. Duy nhất, anh Hùng là vỡ kế hoạch vì anh được sinh ra sau chị Thu vừa tròn một năm. Theo lời kể của mấy chị, anh Hùng mới sinh người nhỏ như con mèo, khóc suốt đêm nên mấy chị không dám lại gần. Mẹ tôi lại đau nặng, phải nằm nhà thương. May nhờ dì Lài (dì tôi đi làm đổi tên là Lài) làm ở bệnh viện nên được chăm sóc tận tình mới qua khỏi.

Anh tôi chậm lớn nên đi học muộn.  Tôi đi theo anh vào trường làng để học chữ mặc dù tôi kém anh ba tuổi. Sau biến cố Mậu Thân, anh bỏ học, theo học nghề sửa xe vespa ở Đà Nẵng.

Sau 1975, nghề sửa xe máy không còn hợp thời, anh về quê làm ruộng, rồi theo học trường công nhân máy kéo ở Quảng Bình. Năm 1979, trường này đưa anh vào bộ đội tham gia cuộc chiến ở Campuchia.

Mẹ tôi không biết chữ nên một ngày đi học về, mẹ đưa bức thư của anh Hùng cho tôi đọc. Tôi đã dối mẹ không đọc đoạn thư: “Mạ ơi! Khi mạ đọc thư này, có lẽ thằng Hai của mạ không còn nữa. Đêm nào tụi con cũng đánh nhau với bọn Miên.” Quả thật, đó là bức thư duy nhất và cũng là cuối cùng của anh.

Năm 1994, tôi nhận học bổng Fulbright. Cũng như lần chuẩn bị đi xa năm 1981 (tôi đã nói mẹ xây lăng cho cha trước khi tôi vào Nha Trang làm việc), tôi đã tự mình đi tìm mộ của anh Hùng. Mấy năm trước lúc đọc thư báo tử của đơn vị, tôi nhớ anh được chôn ở nghĩa trang Tây Ninh. Vì thế, tôi bắt đầu ở Sở Thương binh Xã hội Tây Ninh để lần tìm. Theo gợi ý của cán bộ Sở, tôi chọn nghĩa trang ở Trảng Bàng để bắt đầu cuộc tìm kiếm.

Người ta nói, giữa người chết và người sống có mối liên hệ về phần hồn. Không biết có đúng không, tôi thắp một nén hương cầu nguyện, rồi bắt đầu đi vào nghĩa trang, nơi có hàng ngàn ngôi mộ. Thật ngạc nhiên, tôi vừa rẽ phải đi được vài chục mét đã thấy ngôi mộ đề tên anh. Tôi nhìn thẳng về phía trước, thấy hơn chục ngôi mộ cùng đơn vị của anh. Như thế, tôi dự đoán các anh đã bị lọt vào ổ phục kích hay đã chiến đấu trong một trận đánh không cân sức.

Tháng Ba năm nay, gia đình tôi lại kỷ niệm ngày mất của anh Hùng. Tuần rồi, trên ti vi đài Nhật Bản NHK đưa tin và hình ảnh cuộc tập trận bộ binh có xe tăng và trực thăng của lính Campuchia và Trung Quốc. Tôi giật mình, đất nước này chưa yên vì hiểm họa chiến tranh vẫn còn.

Mong sao con người bớt thù hận để cùng nhau chung sống hòa bình.

Wednesday, March 14, 2018

CHUYỆN VỀ HAI KIẾN TRÚC SƯ NHẬT VIỆT

Có lẽ tôi là người không có duyên với đất nước Nhật Bản. Hồi Việt Nam mới mở cửa, tôi đã có cơ hội làm việc với rất nhiều công ty Nhật như Sumitomo, Nisho Iwai, Tokuyama … và được họ mời sang thăm. Năm 2006, tôi đã làm visa rồi vẫn không đi được vì dịch cúm SARS; Gần đây, nhiều cơ hội được tháp tùng anh Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tham dự hội nghị nhà thầu ở Nhật Bản thì tôi bị bệnh.

Nhớ lại, một lần trên đường bay từ Mỹ về, máy bay bị trục trặc kỹ thuật, hãng hàng không đã sắp xếp cho hành khách ở lại Nhật một ngày. Nhờ vậy, tôi đã được trải nghiệm thoáng qua vườn nhà và lối sống của người Nhật.

Đầu năm nay, qua đài truyền hình NHK, tôi tình cờ nghe ông Tamura Akinori, Tổng giám đốc công ty Tư vấn Thiết kế Nikken Sekkei kể chuyện thiết kế tháp truyền hình cao nhất thế giới ở Tokyo. Ông nói, đất ở Tokyo rất đắt, sau nhiều phương án nghiên cứu, ông đã đề xuất kết cấu tháp được xây trên ba chân đế để chúng chiếm diện tích nhỏ nhất.
Bài học tiết kiệm của giải pháp thiết kế là văn hóa của người Nhật. Ngoài ra, thế ba chân còn đạt tiêu chuẩn bền vững như câu nói của tiền nhân:
Dù ai nói ngã nói nghiêng,
Ta đây vẫn vững như kiềng ba chân.”

Đến đây, tôi liên tưởng đến KTS Lê Viết Hải, người đã thiết kế logo HBC, công ty do anh sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Logo của HBC có sự trùng hợp với tác giả thiết kế tháp truyền hình Tokyo. Ba ký tự HBC được anh Hải vẽ thành ba yếu tố tượng trưng cho một nụ hoa ba cánh, kiềng ba chân và sự giao thoa của các đường cao tốc. Nếu nụ hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, đường cao tốc tượng trưng cho tốc độ, kiềng ba chân tượng trưng cho tính bền vững.

Có một sự trùng hợp nữa, đó là, tháp truyền hình Tokyo cao nhất thế giới. Công ty Tư vấn Thiết kế của KTS Tamura Akinori là công ty hàng đầu của Nhật Bản. Mới đây, Nikken Sekkei được chọn là nhà thiết kế sân vận động quốc tế ở Tây Ban Nha. Còn Tập đoàn Hòa Bình hiện là doanh nghiệp xây dựng dân dụng hàng đầu của Việt Nam và bắt đầu vươn ra thị trường xây dựng quốc tế ở Malaysia, Myanmar và Trung Đông.

CHUYỆN NHIỀU VỢ

Ở Nha Trang, tôi có hai người anh họ. So với đời sống của nước ta trước năm 1975, họ có thể xếp vào lớp người giàu có. Vì thế, tôi thường hay lui tới để tìm hiểu.

Ông anh họ thứ nhất có 3 bà vợ, sinh được 17 người con. Giờ đây, nhìn lại ai cũng thành đạt và đóng góp cho đời. Vì thế, tôi kể chuyện này là để tôn vinh người phụ nữ, chứ không phải là ca ngợi những đấng mày râu nhiều vợ.

Sự thành công của bác Võ Quang Tiềm ở Đà Lạt, đã khiến cho người trong dòng họ và người cùng quê lũ lượt kéo nhau di cư vào Lâm Đồng lập nghiệp. Ông anh họ của tôi cũng đưa cả vợ con vào Đà Lạt.
Ở Huế, tuy nhà nghèo, nhưng vốn là gia đình nho giáo nên ông vẫn được học chữ. Sau đó, ông theo nghề làm guốc.
Ở Đà Lạt, thời tiết lạnh, đất bazan dẻo, lại hay mưa nên không ai dùng guốc. Ông phải đổi qua nghề làm giày. Hồi đó, Đà Lạt mở rộng, nghề làm rừng, xây dựng phát triển nên ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chuyển sang bán vật liệu xây dựng và đồ kim khí.
Thành công về mặt kinh doanh, nhưng lâm sơn chướng khí của vùng đất mới đã làm ông trở thành gà trống nuôi con. Một gia đình có con gái thấy ông là người hiền lành lại giỏi giang nên đã nhờ người mai mối để gả con cho ông.
Bà vợ kế của ông không những giúp cho gia thế của ông thêm vững mà còn sinh cho ông một bầy con. Năm 1955, một làn sóng  người Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định Geneve. Nắm bắt quy luật phát triển của vùng đất mới, ông đã đưa gia đình về Nha Trang, tiếp tục mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng và đồ kim khí. Nhà ở gần bến xe, nên ông mở nhà trọ, cũng là nghề ông học được từ ông Võ Quang Tiềm.
Theo lời ông kể, bà vợ thứ hai đau nặng, chữa chạy không khỏi. Thấy mình gần đất xa trời không biết chết lúc nào, con cái còn nhỏ, nên bà yêu cầu ông cưới một người bạn để về chăm sóc. Thật lạ thay, ông đồng ý bà lại không chết. 
Rút cuộc ông có 3 bà vợ!

Ông anh họ thứ hai, nguyên là con quan nên học hành đỗ đạt mới ra làm quan chức. Con cái đều du học ở Pháp. Ông sống ở Đường Đệ, Hòn Chồng - Nha Trang. Nhà ông là một biệt thự, chia một phần quả đồi của Đại Chủng viện Nha Trang, nay là đại học Thủy Sản. 
Ông thường nói: “Thứ Bảy, Chủ nhật chú ghé thăm anh, để anh kể chuyện dòng họ mình”. Theo lời ông, khai thác gỗ ở Tây Nguyên, người của ông phải liên lạc cả hai chính quyền: bộ đội hạ cây xong, lính Cộng hòa hành quân để kéo gỗ về. Chuyện này làm tôi bán tín bán nghi, nhưng một chuyện có thật xãy ra sau 1975, người con rể đã bị kết tội phá rừng làm lộ bí mật cách mạng. May thay, ông này có quốc tịch Pháp nên phải rời Việt Nam mà không bị tù.
Cũng như ông anh họ kia, ông cũng có bà vợ kế. Nhờ vậy, lúc cả hai già yếu, các con lớn đều ở xa, người con của bà này đã chăm sóc và hiện nay quản lý nhà cửa của gia đình.  

Tuesday, March 06, 2018

HOA CỦA AI?

Tết này, một người bạn học cũ đến thăm. Cô ta nhắc lại mong ước của tôi hồi còn đi học, khi về hưu sẽ trở về quê hương trồng hoa làm vườn.

Ý tưởng này xuất hiện trở lại trong lần công tác và nghỉ đêm ở một resort ngoài Mũi Né, Phan Thiết.
Hôm đó, sau một đêm an giấc, nhìn ra ngoài thấy một người làm vườn tưới nước cho hoa, tôi chợt nghĩ, ước gì sau này về hưu mình có một việc làm tương tự thế này. Sở dĩ tôi nghĩ thế bởi vì cảm nhận sự say mê công việc của ông ta. Dường như ông ta buông bỏ hết thảy những gì quanh mình, để đưa những tia nước mát tưới lên những luống hoa.

Đêm 30 Tết Mậu Tuất, cùng gia đình đi uống cà phê với ý nghĩ sẽ đón giao thừa đặc biệt mừng năm vợ chồng tôi tròn 60 tuổi trong trạng thái tinh thần tỉnh táo. Trên đường về, chợt thấy nhiều chậu hoa Tết để ra ngoài đường rất đẹp, tôi đề nghị bà xã cũng làm tương tự.

Mấy ngày Tết, tôi thấy việc làm này đã mang đến nhiều niềm vui trong năm mới. Sáng mồng một, có cô gái áo đỏ đứng tạo dáng chụp hình bên chậu hoa. Nhiều người đi bộ, tôi thấy ai cũng đứng lại nhìn rồi đi tiếp. Bà xã tôi sợ hoa héo bèn đặt một công thức, tưới hoa hai lần một ngày sáng tối.

Quan sát việc tưới hoa, tôi có thể cảm nhận tâm thức của người chăm hoa: Phần lớn không ai giống người công nhân tôi đã gặp ngoài Mũi Né, mà họ làm vì nể nang.

Qua đây cũng cho chúng ta suy ngẫm về lời Phật dạy: Không có gì là của ta cả (vô ngã), hạnh phúc chính là con đường đi từ của tôi (ngã) đến của đời (đại ngã). Người làm vườn chú tâm làm công việc chăm hoa mà không hề lo nghĩ hoa của ai nên ông ta là người hạnh phúc.

Ở Mỹ và các nước phát triển ở châu Âu, người giàu ngày càng có xu hướng coi việc làm từ thiện là một cách đạt được hạnh phúc trong cuộc đời. 

Sunday, March 04, 2018

CÂU CHUYỆN TỪ HAI TỜ LỊCH

Nhiều năm qua, cứ đến dịp Tết, ông bạn người Hàn thường mang tặng tôi mấy quyển lịch treo tường của doanh nghiệp Hàn Quốc. Năm nay, chờ mãi không thấy, liên lạc với ông mới biết ông không được khỏe, phải đi chữa bệnh ở xa.

Hôm treo tờ lịch mới của một doanh nghiệp trong nước vào chỗ cũ, tôi chợt nhận ra sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp giữa hai nước Việt Hàn.

Tờ lịch Việt phải nói là rất đẹp, mang đậm nét văn hóa và có tính nhân văn cao. Lấy ví dụ tờ lịch thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: mới nhìn vào đã thấy ngay nét bút đậm viết bằng tay một câu nói có ngụ ý Thiền. Bên dưới là lời giải thích ý nghĩa của câu nói. Toàn bộ hai phần này của tờ lịch được in trên một bức tranh thủy mạc. Một phần ba tờ lịch dùng để in ngày tháng.

Lướt qua một vòng các tờ lịch treo tường của một vài doanh nghiệp đều thấy giống nhau. Phần lớn, tờ lịch thường được in sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đang cung ứng ra thị trường.
Cũng như tờ lịch văn hóa, tờ lịch của doanh nghiệp đều không chú trọng in cỡ lớn con số về ngày tháng mà trái lại quá chú trọng về hình thức, màu sắc và cả nội dung muốn gửi đến người nhận như là một thông điệp từ phía người làm ra tờ lịch.

Tờ lịch của doanh nghiệp Hàn Quốc thì họ làm ngược lại: nhìn vào tờ lịch cách xa khoảng hai mét vẫn đọc được thứ, ngày. Còn hình ảnh sản phẩm, dịch vụ và địa chỉ liên lạc thì họ bố trí một cách khiêm tốn trên tờ lịch.

Từ việc quan sát văn hóa doanh nghiệp của hai nước ở trên, tôi nhận thấy, nếu mục đích của tờ lịch là để theo dõi ngày tháng thì doanh nghiệp chúng ta đã sai vì qúa chú trọng hình thức văn hóa nghệ thuật.

Đứng về mặt kinh doanh, doanh nghiệp chúng ta đã đi sai mục tiêu: “Bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có”.
Từ đó, chúng ta cũng có thể hiểu vì sao Hàn Quốc trở thành một quốc gia phát triển với tốc độ thần kỳ, từ một quốc gia có GDP/ đầu người là 100USD năm 1963, nước này đã đạt trên 30,000 USD vào năm 2017.

TỪ CHUYỆN SÂN CỎ ĐẾN HỌC ĐƯỜNG

Tôi không quen Bầu Đức, nhưng biết ông đã lâu. Nhiều năm trước đây, chúng tôi hay tụ tập uống cà phê ở sảnh tầng trệt khách sạn Rex, nhưng tôi chưa bao giờ chủ động làm quen với ông bởi lẽ không muốn bị mang tiếng “Thấy người sang bắt quàng làm họ”. Tuy vậy, qua bạn bè tôi biết ông nguyên là một thầy giáo bỏ nghề để sang làm kinh doanh.

Thời gian gần đây, uy tín của công ty Hoàng Anh Gia Lai sụt giảm, giá cổ phiếu HAG chỉ ở mức hơn 8.000 đồng. Tuy Bầu Đức gặp khó, nhưng cảm tình của tôi dành cho ông không giảm bởi hai lý do:
-      - Bầu Đức là doanh nhân tổ chức Lễ khánh thành khu Thương mại Việt Nam đầu tiên ở Yangon, Myanmar.
-        - Bầu Đức mở Học viện Bóng đá Quốc tế tư nhân (có lẽ là đầu tiên) ở Việt Nam. Nghe nói, Học viện của ông đã cung cấp 6 cầu thủ của đội bóng U23 Việt Nam. Ông đã tìm & mời huấn luyện viên Hàn Quốc, Park Hang-seo, người đã đưa U23 Việt Nam giành giải Á quân AFC vừa qua.

Chuyển sang chuyện học đường, Tổng thống Mỹ, Donald Trump hồi tháng 11 năm 2017 đã phát biểu khi đến Việt Nam rằng “Sinh viên Việt Nam học giỏi nhất ở các trường Đại học Mỹ”.

Xin kể ở đây một vài trường hợp tôi được biết:

-        Bạn tôi đang công tác trong ngành dầu khí có cô con gái, cháu học Lê Hồng Phong và xin được học bổng du học ở Mỹ. Tốt nghiệp Đại học xong, cháu thi vào MBA ở Columbia và gia đình tự trang trãi học phí. Sau khi tốt nghiệp, cháu được mời làm việc ở New York.

-        Con gái của một người bạn khác ở thành phố Hồ Chí Minh, cháu học Trần Đại Nghĩa và đi du học tự túc Nha khoa ở Mỹ. Tốt nghiệp xong, cháu được hai trường danh tiếng ở Mỹ cấp học bổng bậc Cao học, học ở Columbia và Chicago. Hiện nay, cháu đang học chương trình Tiến sĩ Dược ở Đại học Boston.

-        Con trai của bạn tôi ở Quảng Trị, cháu đã thi đỗ vào Y khoa Huế. Học xong năm thứ nhất, cháu xin bỏ học vào thành phố Hồ Chí Minh thi vào ngành Tin học. Cháu đã nhận được học bổng du học Singapore. Học xong, cháu được tuyển dụng ở lại làm việc  và sau đó được Hãng IBM đưa sang Mỹ làm việc.

Từ những  thiếu niên bình thường đến những cầu thủ bóng đá U23 và chuyện học hành của một số trường hợp kể trên, tôi rút ra một chân lý: THẦY GIỎI – TRÒ MỚI GIỎI và để làm nên kỳ tích, ngoài việc thầy giỏi trò giỏi phải có lòng quyết tâm chiến thắng.

Mong rằng những người có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý giáo dục của đất nước Việt Nam thấu hiểu.

TÂM PHẬT

Tôi có chú em út kém tôi 6 tuổi. Do cách biệt về tuổi tác, hồi nhỏ tuy ở cùng nhau dưới một mái nhà, tôi chẳng giúp đỡ gì em mình, đặc biệt là trong việc học tập.

Khi tôi tốt nghiệp đại học và đi làm xa, đúng là lúc em tôi cần sự định hướng cũng như động viên tinh thần trong hoàn cảnh gia đình và cả xã hội đang ở vào thời kỳ khó khăn nhất.

Em tôi theo bạn bè bỏ học đi buôn chuyến trên tàu Thống Nhất Bắc Nam. Do không có kinh nghiệm, cả vốn lẫn lời bay mất hết. Đau lòng nhất là mất định hướng cuộc sống, đâm ra quẩn trí rượu chè đánh lộn đến nỗi mọi người đặt cho biệt hiệu “Tư Lửa”.

Tết Mậu Thân, cha tôi sau vụ chết hụt, ông đã quy y theo Phật. Nhà tôi có thêm bàn thờ Phật từ đó. Ông đã thỉnh kinh và sắm một bộ chuông mỏ để ngày rằm, mùng một gõ mỏ tụng kinh.

Có một lần về thăm quê nhân ngày giỗ của ông, tôi phát hiện bàn thờ Phật đã sắp xếp gọn vào bàn thờ tổ tiên. Tôi nghĩ, trong thời kinh tế khó khăn, xã hội đã thay đổi, làm thế cũng phải.

Mùa hè năm qua, anh em tôi đã đóng góp sửa lại nhà thờ tổ tiên. Dù sức khỏe của tôi không còn như trước, tôi đã về quê dự lễ khánh thành và kỷ niệm ngày mất của cha mình luôn thể. Thật ngạc nhiên, ở gian giữa căn nhà xuất hiện bàn thờ Phật như thời của cha tôi ngày trước. Chú em mời tôi lại gần bàn Phật, đánh lên một hồi chuông quen thuộc, giống như đã nghe hồi nhỏ. Chị cả của tôi lại gần mỉm cười nói, “Chuông mỏ của cha, cậu út đã bán đi, bây giờ rất mừng là cậu đã tỉnh tâm khôi phục lại.”

Ở cơ quan tôi, cũng có một chuyện liên quan đến chữ Tâm.

Cách đây nhiều năm, tôi được dự một cuộc họp cuối năm để bàn kế hoạch hoạt động của mỗi phòng ban cho năm tới. Một Trưởng phòng đã đề nghị cho một nhân viên của phòng mình nghỉ việc vì dư biên chế theo mô hình hoạt động mới. Thật ngạc nhiên, Tổng Giám đốc nói, “Bây giờ là thời gian cận Tết. Hãy để cậu ấy ăn Tết vui vẻ, xong rồi hãy cho nghỉ.”

Đầu năm trước, tôi cũng gặp một hoàn cảnh tương tự. Theo chỉ đạo của CFO, bộ phận kế toán của đơn vị tôi quản lý đã thảo một quyết định cho một nhân viên nghỉ việc để tiết kiệm chi phí. Tôi đã học và làm theo quyết định của Tổng Giám đốc ngày trước. Cẩn thận hơn, tôi đã xin ý kiến của người Giám đốc tiền nhiệm. Thật ngạc nhiên, người này đề nghị kéo dài thời gian thêm 6 tháng để anh ta có thời gian tìm công việc mới. Tôi đã nghe theo lời đề nghị này.
Đến thời điểm tháng 6, tôi chờ mãi vẫn không thấy quyết định cho thôi việc để ký. Thì ra, anh ấy đã nghỉ việc mà không cần bất cứ một thủ tục gì từ phía công ty.

RỦI RO Ở ĐỈNH CAO

Ngọn núi Everest cao nhất thế giới 8.868 mét, đã trở thành một biểu tượng của lòng quyết tâm chinh phục đỉnh cao của loài người.

Tuy vậy, tạo hóa đã cho loài người thấy rõ một bài học về sự đổi thay. Đức Phật gọi đó là vô thường. Tổ tiên của chúng ta gọi đó là “Tang bồng hồ thủy”, tạm dịch là “Biển cả hóa nương dâu”.

Người La Mã cổ đại một thời đã xây dựng nên đế chế La Mã ở Ý. Người Mỹ muốn chứng tỏ ngày nay nước Mỹ là đại diện của một đế chế ngày xưa. Vì vậy, họ đã khôi phục các kiến trúc La Mã ở thủ đô Washington. Tòa nhà Quốc hội Mỹ là một biểu tượng điển hình. Từ tòa nhà này đến Phủ Tổng thống gọi là Nhà Trắng còn có một Tháp bút, nhìn giống như một cây bút chì dựng ngược.

Lúc tôi đến thăm thủ đô Washington, một hướng dẫn viên du lịch đã nói: “Tháp bút có một bí mật, nó nhắc nhở cho người Mỹ rằng rủi ro nằm ở đỉnh cao. Lúc nước Mỹ thịnh vượng nhất, người Mỹ nên khiêm tốn, chớ tự cao tự đại vì đó cũng là lúc dễ rơi vào đáy vực thẳm.” Nói rồi, anh ta chỉ cho tôi bóng của Tháp bút hiện ra ở trên mặt hồ có hình phản chiếu ngược lại.

Ở đỉnh núi Everest, các lớp đá nằm nghiêng xếp thành địa tầng. Các nhà khoa học đã chứng minh chúng là đáy biển bị đẩy lên cao, có tuổi 400 triệu năm. 

NÉN HƯƠNG LÒNG

O Mai mất ngày hôm qua, muốn thắp một nén hương tiễn đưa linh hồn của O về miền quê cũ, nhưng không thể đi được. Thôi thì đành thắp một nén hương lòng.

Cách đây khoảng một tháng, trên Facebook của Lĩnh, thấy O nằm bất động, tôi có ý muốn thăm O lần cuối. Chưa làm được, hình ảnh của O cứ hiện mãi. Nhưng đó là hình ảnh của một O Mai lúc còn khỏe: O luôn cười nói, tìm cách làm vui lòng con cháu. Tôi hiểu, vì không có chồng con, phải dựa vào tình thương của những người thân nên O luôn hướng về người khác để làm vui lòng họ, đổi lại, O xóa đi được nỗi cô đơn của một kẻ không nhà và gia đình.

Biết vậy, nên tôi thương O nhiều, mặc dù O và tôi không có quan hệ huyết thống.

Hôm nay qua Facebook của Thiện, biết O đã từ biệt cõi trần. Tôi cảm thấy buồn, nhưng mừng cho O đã ra đi thanh thản. Tôi biết chắc chắn như vậy vì thấy O nằm thoải mái như đang ngủ.

Tôi nhớ lại cách đây nhiều năm, có một Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ được tôi dẫn đi thăm Tòa thánh Tây Ninh. Khi nghe tôi giải thích về tập quán của đạo Cao Đài, họ hát ca cổ (cải lương) mỗi khi có người qua đời vì cho rằng trần gian là cõi tạm, chết mới được vào cõi vĩnh hằng (thiên đường), ông đã nằng nặc nhờ tôi mua một quyển kinh Cao Đài để dịch ra tiếng Anh. Ông đã đổi tên Cao Đài thành Hạnh Phúc và nói: “Ước gì lúc về hưu tôi trở lại và theo đạo này.”

Dù O Mai không phải là tín đồ Cao Đài, tôi vẫn mong rằng O ra đi và sẽ đến bến bờ hạnh phúc!

HÀO QUANG

Hồi còn nhỏ, khi cha tôi lập bàn thờ Phật, ông đã mang về một bức ảnh màu vẽ hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi tọa thiền dưới một gốc bồ đề. Vào thời đó, hầu hết sách vở, tạp chí chỉ có màu trắng đen. Tuy vậy, bức ảnh thờ lại vẽ màu với gương mặt Đức Phật điềm tĩnh. Xung quanh đầu ngài là một vầng hào quang ngũ sắc khiến tôi rất tò mò.

Vào Nha Trang làm việc, tôi ở tạm nhà O Hến. Vừa bước vào nhà, tôi thấy ngay một bức ảnh Chúa Giêsu, trên đầu Người cũng vẽ một vầng hào quang trắng sáng.

Từ đó đến nay, tôi luôn tự hỏi, phải chăng Đức Phật và Chúa Giêsu là những đấng tối cao, có một luồng hào quang linh thiêng luôn phát ra từ đầu họ?

Tôi đã tự tìm câu trả lời này qua kinh thánh, bài giảng của các thiền sư, nhất là thầy Thích Nhất Hạnh. Ngoài ra, nhiều năm qua tôi đã làm quen, kết bạn tương tác với các tín đồ Công giáo và Phật giáo để trải nghiệm những lời răn & giáo huấn của Chúa, Phật.

Tôi nhận thấy ở các tín đồ ngoan đạo có một đời sống đức hạnh. Họ hướng thiện, bao dung, có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Những lúc khó khăn, họ vẫn không nao núng, đánh mất chính mình…Tôi có thể kể ra một vài ví dụ: Bác tôi đã từ bỏ căn nhà sống mấy chục năm chỉ vì ông đã được ở mà không mua nó. O Hến đã cho tôi ở nhờ, ăn uống mà không bao giờ đòi hỏi ở tôi bất cứ điều gì. Luật sư Võ Văn Qưới, thầy giáo Huỳnh Huy Việt chăm làm công tác thiện nguyện. Đặc biệt, Sếp tôi, ngoài 70 ban chỉ huy thi công khắp cả nước, ông có một đội chuyên đi xây chùa mà chỉ tính tiền để trả công thợ.

Từ những câu chuyện ở trên, nếu các bạn hỏi tôi hào quang là gì, có thật không, tôi sẽ trả lời là có thật. Theo tôi, hào quang không phải là quầng ngũ sắc hay luồng ánh sáng tỏa ra từ đầu của Phật, Chúa. Đó là, những lời răn để giáo huấn con người sống tốt đẹp với nhau.
Những câu nói như: “Người ta không chỉ sống bằng bánh mì, mà có thể sống bằng những lời thốt ra từ miệng của Thiên Chúa.” Câu nói này đã giúp rất nhiều tín đồ Công giáo, trong đó có bạn tôi, vượt qua những năm tháng khó khăn. Hay lời của Đức Phật: “Đời là bể khổ.”, “Có vô vàn sinh linh trong một giọt nước, …có hằng hà sa số chư Phật …”đã được khoa học ngày nay chứng minh là đúng.

Tôi chợt nghĩ mỗi người chúng ta đều có hào quang. Chúng xuất hiện dưới những câu kinh, bài thơ, câu hò, lời hát. Chúng cũng là những tác phẩm văn học lịch sử hay khoa học mà mỗi người chúng ta để lại cho đời trước khi ra đi.

Hào quang của Đức Phật đã tồn tại 2.562 năm. Hào quang của Chúa Giêsu cũng đã tồn tại 2.018 năm. Tôi tin rằng hào quang của Phật, Chúa vẫn tiếp tục tỏa sáng chừng nào con người tìm thấy bình an và hạnh phúc khi làm theo những lời giáo huấn của Người.

HAI CON NGƯỜI, MỘT LỜI KHUYÊN


Trái đất đang nóng dần lên, nhiều hiện tượng thời tiết diễn ra mỗi ngày bất thường so với nhiều thập niên qua. Băng tan ở Bắc cực làm cho luồng khí lạnh ở phương Bắc lan tỏa về phía Nam nhiều hơn. Trong khi Canada và các thành phố Đông Bắc của Mỹ có chế độ thời tiết kiểu Bắc cực, băng tuyết xuất hiện đầu tiên ở Florida và Texas.

Tổng thống Barack Obama là người rất quan tâm đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông đã đưa nước Mỹ gia nhập hiệp định toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Paris. Vào cuối nhiệm kỳ, Ông đã cùng chuyên gia dạy kỹ năng sinh tồn nổi tiếng thế giới là Bear Gril người Anh đi thăm một sông băng ở Alaska. Theo lời kể của Bear Gril, trong 8 năm nhiệm kỳ tổng thống của Obama, băng đã tan lộ ra đất đá dài 10 cây số.

Ở giữa thiên nhiên cùng với chuyên gia Bear Gril, tổng thống lần đầu tiên sau 8 năm được giải thoát khỏi những bủa vây của lực lượng bảo vệ an ninh và cả những công việc bề bộn của một vị nguyên thủ quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Bear Gril đã cho tổng thống ăn cá hồi nướng, là thức ăn thừa của một chú gấu nào đó nhặt được bên bờ suối. Hai người đàn ông tâm sự với nhau về bản thân và gia đình. Khi được hỏi Ông có lời nhắn nhủ nào cho hai cô con gái, tổng thống Obama nói, “ Tôi mong hai con luôn học hỏi với tinh thần thắng không kiêu, bại không nản”.

Nghe đến đây, tôi chợt nhớ câu nói của Cố Chủ tịch danh dự Tập đoàn xây dựng Hòa Bình Lê Mộng Đào, mà năm nào viết báo cáo thường niên chúng tôi cũng đưa vào như một thông điệp để nhắc nhở cán bộ nhân viên của Tập đoàn:
“Thành công không tự mãn.
  Thất bại chớ nản lòng.”

Tôi nhận ra một chân lý, con người càng vĩ đại càng giống nhau. Họ luôn đơn giản trong cách nói và việc làm. 

Chuyện vui: SAO PHẢI GIẤU?


Đảo Phú Quốc nổi tiếng có cảnh quang thiên nhiên tuyệt đẹp. Ở đây còn có một giống chó rất thông minh. Nghe nói, ngư dân trên đảo những ngày biển động không ra khơi đánh bắt, đảo lại xa đất liền nên không có gì ăn. May thay, nhờ những chú chó đi săn, mang về cho chủ chim rừng, thỏ hoang … để làm thực phẩm.

Một Việt kiều Mỹ về thăm quê nghe tiếng đồn về giống chó Phú Quốc, anh ta chợt nghĩ, nếu đem được  giống chó này về Mỹ để nuôi và gây giống, biết đâu mình sẽ giàu to.

Trải qua nhiều thủ tục hải quan phức tạp, cuối cùng một chú chó Phú Quốc cũng đã đưa được vào Mỹ. Vừa bước vào nhà, chú chó Phú Quốc đã bị sốc khi nghe tiếng của đồng loại ồm ồm hỏi: “Chú mày từ đâu đến?”
Chó Phú Quốc rụt rè đáp: “Tôi đến từ Việt Nam, quê tôi tận ngoài đảo Phú Quốc!”.
Ở Việt Nam nghèo đói lắm sao chú mày ốm nhom vậy? Chó Mỹ hỏi.
Ừ! Ở Phú Quốc chủ tôi nuôi nhưng chẳng cho ăn gì cả. Tôi hàng ngày ra đường, bạ gì ăn đó. Còn anh, tại sao cổ anh lại bị xích?
Ở đây là đất nước văn minh, luật quy định nếu chủ dắt cho ra đường không buột dây xích sẽ bị phạt 200 đô la Mỹ.

Nghe đến đây, chó Phú Quốc thở dài buột miệng nói: “Tao nghĩ đến nước Mỹ tự do sẽ sung sướng, rồi đây cũng bị xích cổ như mày! Biết vậy, thà ở Việt Nam sướng hơn! Mày biết không, chủ tao tuy chẳng cho tao ăn gì nhưng bọn chó cái ở trong xóm đều là vợ tau cả!”

Chó Mỹ đưa tay lên miệng ra dấu im lặng. “Đừng nói! Mày biết không, ở đây ngay cả Tổng thống Trump cũng khốn đốn vì lắm bồ nhiều vợ đấy!”