Sunday, September 24, 2017

VÕ TỘC CỬU QUANG

Theo lời anh họ Võ Quang Khương hiện sống ở Bảo Lộc - Lâm Đồng, Chúa Nguyễn khi vào Nam đã đặt ra một tiền lệ: Một làng thành lập mới phải có ít nhất ba họ. Làng Ngọc Anh của tôi có các họ: Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu và họ Võ. Ngoài ra, trong làng còn có họ Ngô, Nguyễn Xuân, Nguyễn Đình…đến cư ngụ sau. Các họ được phân ngôi thứ: nhất, nhì, ba, tư. Mỗi họ, khi làm lễ ở đình làng đều phải theo thứ tự này.

Mỗi họ được chia ra nhiều phái. Phái còn được chia nhỏ thành nhiều chi. Những người sống ở cùng thời với nhau gọi là một đời. Ví dụ, tôi thuộc phái ba, chi nhì, đời thứ mười bảy.

Cùng phái, bác họ tôi giữ một chức quan nhỏ triều Nguyễn. Ông ở nhà thờ phái, vì vậy, những ngày lễ lớn, đặc biệt mỗi năm đến ngày chạp, chúng tôi phải có mặt cùng vác cuốc lên núi để giẫy cỏ, thắp hương mộ tổ tiên rồi về nhà ông ăn cỗ.

Con cái của gia đình bác họ tôi đều học hành thành đạt và giàu có.  Anh Võ Quang Hồ là một vị tướng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hồi còn trẻ, nghe nói anh làm việc cùng với các lãnh đạo miền Bắc. Ở miền Nam, anh Võ Quang Hàm cũng là một quan chức thời Bảo Đại rồi trở thành một đại gia trong ngành khai thác gỗ thời kỳ Việt Nam Cộng hòa. Những người còn lại đều giàu có và thành đạt.

Thời kỳ chiến tranh, nhà cửa ruộng vườn của bác đều giao cho cha tôi canh tác để lo việc hương hỏa. Vì thế, sau 30/4/1975, một hôm tôi được yêu cầu mở cửa cho anh Hồ thắp hương bàn thờ phái.

Vừa gặp tôi, anh hỏi: “Con chú Yên phải không?” Tôi gật đầu. Thật lạ, cha tôi mất năm 1971, còn anh theo kháng chiến trước 1945 lúc đang học ở Hà Nội, vậy mà vẫn nhận ra.
Đó là lần gặp đầu tiên. Phải đến năm 1994, tôi mới gặp lại anh. Lúc đó, anh đã nghỉ hưu và sống gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Tôi đến chào anh và báo tin tôi sẽ sang Mỹ du học. Thật ngạc nhiên, lúc tiễn tôi ra cổng, vẻ mặt trầm tư, anh nói: “Chú được đi học, tôi mừng cho sự nghiệp của chú, nhưng chú hãy nhớ lời tôi người Mỹ và Trung Quốc không bao giờ là bạn của dân mình.”

Mỗi người có một cách nhìn về thế giới khác nhau. Tôi là người học và làm việc trong môi trường thương mại quốc tế. Tôi luôn tin rằng giao thương giúp người ta hiểu và có trách nhiệm vun đắp quan hệ, gìn giữ hòa bình.

Tết Đinh Dậu vừa rồi, tôi có dịp về thăm nhà thờ họ Võ làng Ngọc Anh. Bất giác nhìn lên trước cửa, tôi thấy một bức hoành phi mạ vàng trên đó khắc bốn chữ Việt: “Võ Tộc Cửu Quang”, có ghi người tặng là anh Võ Quang Hồ. Được biết anh vừa tạ thế tháng 3 năm 2016.

Tôi thầm nghĩ, cuộc đời vị tướng này đã trãi qua ba cuộc chiến tranh tàn khốc : Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Anh là một người yêu nước, yêu tiếng Việt nên bốn chữ anh để lại cho hậu thế được viết bằng chữ quốc ngữ, khác với nhiều đình chùa ở nước ta vẫn treo những câu đối, hoành phi bằng chữ Hán, mặc dầu chẳng còn mấy ai hiểu trên đó viết gì.

Nghĩ đến đây, tôi tìm thấy giữa anh và tôi có một điểm chung, đó là lòng yêu nước.

Friday, September 22, 2017

Thời của Hoàng Anh

Nhà tôi trồng bốn gốc hoa Hoàng Anh. Thấm thoát đã 15 năm rồi, vậy mà hoa vẫn nở vàng tươi mỗi ngày. Hôm qua, có dịp uống cà phê với người bạn láng giềng, tình cờ tôi phát hiện hai gốc ở bên hông nhà đã già cỗi và một gốc đã khô. Tôi ngạc nhiên vì đây là hai gốc xanh tươi nhất ngày nào. Những nụ hoa vàng, cánh mỏng nở rộ đẹp đến nỗi tôi thường mượn nhà hàng xóm đối diện để ngắm hoa nhà mình. Thế mà sau một thời gian khoe sắc giờ đây chúng trở nên già cỗi.

Trái lại, hai gốc phía trước nhà một thời èo uột bây giờ lại nở hoa mỗi ngày. Tuy không nhiều, nhưng những nụ hoa vàng đong đưa trước gió mỗi sáng mai thức dậy, nhìn ra cửa khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Tôi chợt nhớ cây bàng trước nhà đã bị công ty Điện Lực đốn ngã. Thì ra, cây bàng luôn phủ bóng xanh tươi và những chiếc lá màu vàng, đỏ lúc già đi đã luôn cuốn hút khiến tôi quên mất gốc Hoàng Anh bên dưới.
Tôi chợt hiểu khi bóng râm của cây bàng không còn nữa là thời của gốc Hoàng Anh đón nhận ánh sáng mặt trời để đơm hoa kết nụ.
Tôi bỗng nhớ lại thời sinh viên và những năm đi dạy ở đại học Văn Lang, tôi đã kể cho sinh viên khoa Thương mại câu chuyện của một bạn học, anh Nguyễn Tất Trọng ở Đắc Lắc. Sau khi tốt nghiệp Trọng được phân công về Đắc Lắc, nơi mà không ai muốn nhận. Thế nhưng, anh đã thăng tiến rất nhanh, trở thành một cán bộ lãnh đạo Cục quản lý Đo lường Chất lượng của khu vực miền Trung & Tây Nguyên.
Hồi còn học ở đại học, anh luôn ngủ gục ở trong lớp. Về sau có dịp tâm sự, anh cho biết hàng đêm anh phải thức cùng mẹ và em gái làm bao bì để kịp đưa ra chợ vào sáng mai.
Tôi kể với sinh viên câu chuyện này để nhắc nhở họ đối xử với nhau tốt hơn. Những gì xãy ra hôm nay ở lớp học hay trong đời sống mỗi ngày chưa nói lên điều gì. Thành công của mỗi người cần phải có cơ hội phát huy, cũng như chuyện bốn gốc hoa Hoàng Anh ở nhà tôi vậy.

Tuesday, September 19, 2017

Vinh danh những “Ông Mối ngoại” của Hòa Bình

Chặng đường 30 năm chinh phục đỉnh cao của Hòa Bình có những lúc thăng trầm. Trải qua những giai đoạn như thế, luôn hiện diện những “Ông Mối ngoại”. Họ là những người ngoại quốc đã và đang công tác ở những công ty nước ngoài có mặt ở Việt Nam một thời gian và có cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo Hòa Bình.

Họ là những lãnh đạo công ty, giám đốc dự án, kỹ sư…, nhưng đôi khi họ chỉ là một chuyên viên thương mại đến từ Pháp, Đức, Úc…phổ biến là người châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Khác với đa số người Việt thường coi khinh những “Ông Mối” và gán mác “Dân chạy mánh”, anh Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Hòa Bình luôn coi trọng những người này và đối xử nghĩa tình.

Lúc tôi mới gia nhập Hòa Bình, buổi họp Ban Điều hành đầu tiên, chúng tôi đã gặp một trường hợp gay cấn phải biểu quyết tại phòng họp: Ông Lee, Giám đốc công ty VK Housing Hàn Quốc muốn vay 100.000 đô la Mỹ để trả lương và tiền thuê văn phòng lúc cận Tết. Lúc đó, Hòa Bình cũng gặp khó khăn vì đang ở thời kỳ khủng hoảng thị trường địa ốc.

Trái với quyết định của hầu hết thành viên cuộc họp, anh Lê Viết Hải đã quyết định cho mượn. Anh nói: “Ông Lee đã từng chi khoảng 160.000 đô la Mỹ để cùng Hòa Bình dự thầu công trình xây hầm để xe ở thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ họ đang khó khăn, chúng ta phải giúp đỡ.”

Công tác ở Hòa Bình, tôi đã nhiều lần chứng kiến anh Lê Viết Hải ra nhiều quyết định táo bạo trong hoàn cảnh khó khăn và đầy áp lực mà những người làm kinh doanh thông thường có thể cho là ngớ ngẫn.

Không chỉ có những trái đắng, “Ông Mối ngoại” đã mang lại cho Hòa Bình nhiều quả ngọt vì họ thấu hiểu tấm lòng của anh Hải: Ông Park giúp Hòa Bình làm sơn đá; ông Jung giúp Hòa Bình nắm vững kỹ thuật làm kết cấu cốp pha nhôm ở công trình Kumho Asiana; ông Daniel Lim giúp Hòa Bình ký hợp đồng ngoại đầu tiên ở Myanmar…

Ba mươi năm nhìn lại, Hòa Bình ngày nay đã trở thành một thương hiệu quốc gia trong ngành xây dựng. Năm 2016, với doanh số trên 10.000 tỷ đồng, Hòa Bình đã gia nhập câu lạc bộ Những Nhà thầu lớn của thế giới.

Trả lời cho câu hỏi của nhiều người: “Vì sao?” Xin dẫn câu thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm.”

Viết đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện của anh Trần Sĩ Chương, thành viên Hội đồng quản trị Hòa Bình. Anh nói: “Sự thần kỳ châu Á (thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…) đã làm ngạc nhiên những chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới và họ đã tự hỏi, phải chăng nhờ vào những giá trị văn hóa.”

Nếu quả đúng như vậy, tôi tin rằng những giá trị văn hóa kinh doanh anh Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người sáng lập Hòa Bình đã và đang đặt nền móng sẽ tiếp sức cho Hòa Bình trên đường chinh phục những đỉnh cao mới.


Sunday, September 17, 2017

Cây trứng cá ở công trường bệnh viện Tâm Trí, Nha Trang

Người ta thường nói, khi bạn sống lâu ở một nơi nào đó, bạn sẽ có cảm tình với nơi ấy. Vì thế, những người lập nghiệp ở nơi mới thường nói: “Xin chọn nơi này làm quê hương thứ hai.”

Nha Trang với tôi cũng như thế. Nơi đây tôi đã về công tác sau khi tốt nghiệp đại học, rồi lập gia đình, có con và đặc biệt đã để lại một đứa con trong lòng đất ở nghĩa trang Đồng Bò. Vì vậy, dù sau này chuyển vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi luôn ao ước được làm một việc gì đó cho Nha Trang để đền ơn vùng đất đã nuôi nấng gia đình mình thưở hàn vi.

Cơ hội đã đến lúc tôi cùng kỹ sư, giám đốc dự án Nguyễn Trung Kiên tham gia đàm phán với các chuyên viên dự án của Tập đoàn bệnh viện Tâm Trí để ký hợp đồng xây hai bệnh viện ở Đồng Tháp, và Nha Trang.

Thông thường, là một công ty xây dựng, Hòa Bình cũng như các nhà thầu khác, luôn đòi hỏi chủ đầu tư chứng minh có đầy đủ vốn và chứng từ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, phía Tập đoàn bệnh viện Tâm Trí cho biết họ chỉ có đủ vốn 60%. Phần còn lại 40% họ muốn Hòa Bình vay ngân hàng với điều kiện họ sẽ cung cấp bảo lãnh và phí lãi vay. Điều kiện này chưa từng có tiền lệ ở Hòa Bình. Tuy vậy, với kinh nghiệm làm việc ở ngân hàng trước đây, tôi đã thuyết phục Tổng Giám đốc đồng ý tiến hành ký hợp đồng thi công.

Ngày động thổ công trường, tôi gặp kỹ sư Nguyễn Đức Toại chỉ huy trưởng. Biết Toại là người ở Khánh Hòa, tôi rất mừng vì cảm nhận chúng tôi đã một thời sống ở vùng đất này, như vậy ắt Toại cũng có tình cảm với quê hương.

Trực giác này của tôi đã đúng. Rất nhiều cuộc họp Ban Điều hành, Cố vấn Lê Viết Hưng thường than thở một cách tế nhị: “Mấy công trình của Hòa Bình ở miền Trung chưa hiệu quả, trừ công trình của anh Toại.”

Tôi hiểu để có được lời khen này của anh Hưng, Ban chỉ huy công trường của Toại đã cật lực tiết kiệm trong điều kiện thi công ở đô thị. Chẳng hạn, anh nhường văn phòng của Ban chỉ huy cho một đối tác ở thành phố Hồ Chí Minh ra quản lý công trình. Khi nào họp với các bên anh mới vào văn phòng chung đặt ở trong một container, tiếp khách hay giải quyết công việc anh thường ngồi dước gốc cây trứng cá ở ngay cổng ra vào. Nhiều lần ghé thăm công trường chúng tôi đều ngồi dưới tàn lá dày đặc của cây trứng cá. Thỉnh thoảng, cả khách và chủ đứng dậy hái những quả chín mọng hồng thắm, bỏ vào miệng nhai một cách ngon lành.

Tôi còn phát hiện Ban chỉ huy đã khôn khéo để cho chủ đầu tư quảng bá Hòa Bình, thông qua hình ảnh marketing công trường trên những vách dựng hàng rào.

Không chỉ đối mặt với những đòi hỏi khắc khe từ phía chủ đầu tư, Ban chỉ huy công trường còn phải thỏa mãn yêu cầu về chất lượng từ phía lãnh đạo công ty. Một lần tôi cùng anh Trương Quang Nhật ghé thăm công trình, lúc đang vào giai đoạn hoàn thiện. Nhìn một bộ cửa nhôm mẫu mới lắp, anh Nhật đề nghị phải thay vì khung nhôm có bề dày mỏng. Như thế sẽ tăng chi phí cho công trường, nhưng đổi lại sẽ giữ được uy tín cho công ty khi công trình đi vào hoạt động.

Tôi chợt hiểu, làm nghề thi công xây dựng thật khó. Không chỉ: “Mồ hôi đổ xuống, công trình vươn cao.” Để tồn tại và phát triển như quy mô của công ty hiện nay, Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ kỹ thuật, quản lý phải có lòng yêu nghề sâu đậm mới vượt qua muôn vàn trở lực trong hoạt động hàng ngày.

Riêng đối với kỹ sư Nguyễn Đức Toại, ngoài lòng yêu nghề anh còn thể hiện trách nhiệm với công ty & một người con của quê hương Khánh Hòa. Vì thế, anh cùng anh em Ban chỉ huy công trường đã hy sinh những tiện ích để công trình không bị lỗ ở một thị trường xây dựng mà các anh là người khai phá.

Có lẽ kỹ sư Toại đã đồng cảm với lời nhắn nhủ của tôi lúc lần đầu gặp nhau. Sau này chúng ta sẽ già đi, một mai ghé thăm Nha Trang, chúng ta sẽ tự hào chỉ cho người thân, bạn bè và nói: “Công trình này là do Hòa Bình xây dựng đấy!”.

Nhỡ một mùa hoa Dã Qùy

Tháng 11 năm 2015, tôi theo đoàn kiến trúc sư người Pháp gốc Việt lên Đà Lạt với một đề nghị làm ăn khá hấp dẫn, nhưng không kém phần lãng mạn. Đó là khôi phục tuyến đường sắt để làm du lịch. Dĩ nhiên, hiện đang có loại hình du lịch này từ ga Đà Lạt lên trại Mát và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dịch vụ cần bổ sung để làm hài lòng du khách và giữ chân họ lưu lại lâu hơn ở thành phố.

Lúc rời thành phố ra ngoại ô cũng như trên đường ra sân bay Liên Khương tôi để ý hai bên đường mọc đầy một loài hoa dại có màu vàng sẫm. Thoạt nhìn khá giống hoa Hoàng Anh mọc quanh hàng rào nhà tôi. Tuy nhiên, màu hoa đậm đà, mộc mạc mà nếu so sánh hai loài hoa với hai người con gái thì loài hoa dại như một người thiếu nữ hiền hòa, giản dị làm xao xuyến khách lãng du và những chàng trai đã từng lên rừng xuống biển, giang hồ lãng tử hay những ai có tâm hồn thi sĩ.

Không biết tên hoa là gì, nhưng tôi nuôi hy vọng sẽ trở lại Đà Lạt đúng vào mùa này để ngắm hoa và hỏi bạn tôi, một người hay làm thơ về tên hoa luôn thể.

Nhân dịp chuẩn bị sang định cư ở Hoa Kỳ, vợ chồng bạn tôi là anh Trần Xuân Mỹ giới thiệu tôi với bác sĩ Lê Hùng. Xem qua bệnh án, bác sĩ nói: “Thôi anh cứ đi chơi ở đâu được thì đi.” Nghe lời bác sĩ, và được bà xã động viên, chúng tôi thăm Huế, Đà Nẵng, Nha Trang.
Tại Nha Trang, chúng tôi gặp vợ chồng bạn Trương Văn Nhân, người mà tôi dự định gặp ở Đà Lạt trong một chuyến du lịch tương lai. Nghe Nhân nói rằng sân bay Liên Khương đã có trợ giúp xe nâng cho người đi lại khó khăn, tôi bán tín bán nghi, đành thử liều một chuyến trở lại Đà Lạt.

Để chuyến đi có thể mỹ mãn, tôi đã gọi điện kiểm tra thời tiết vì phải đợi mùa mưa ở cao nguyên chấm dứt mới an tâm. Lúc máy bay hạ cánh ở sân bay Liên Khương, tôi đưa mắt nhìn ra hai bên đường băng, nhưng không thấy màu hoa năm cũ. Chỉ có một điều mừng là sân bay đã trang bị xe nâng rất mới.

Trên đường về thành phố Đà Lạt, tôi tiếp tục nhìn ra hai bên đường. Lúc đó, trời đổ mưa, ở giữa đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt tôi lại thấy hoa Hoàng Anh nở rộ thay cho màu hoa tôi mong gặp lại. Thì ra, mùa mưa năm nay kéo dài hơn cho nên hoa dại bên đường vẫn còn ngủ yên lúc tôi trở lại.

Thấm thoát đã gần một năm trôi qua. Hôm qua ngồi trên taxi nhìn ra đường, tôi thấy một cô gái mặc chiếc áo có màu vàng giống màu hoa dại ở Đà Lạt năm trước. Tiếc rằng tôi không thể nhớ nỗi tên hoa là gì. Đó là biểu hiện của tuổi già vì chỉ mới một năm tôi đã quên. Gọi điện hỏi Nhân, anh nói: “Đó là hoa Quỳ, nhiều người hay gọi là hoa Dã Quỳ”. Nhân còn nói đùa: “ Nhiều ông đi với bồ nhí lên thăm Đà Lạt thường mang hoa này về tặng các cô vợ già vì “Giả Quỳ” là “Quỷ Gìa”.

Bất ngờ Cam Ranh

Phía Bắc bán đảo Cam Ranh là một dải cát trắng, nơi tôi là một trong những người đầu tiên khai phá khi hòa bình lập lại từ sau năm 1975.

Hồi đó, chúng tôi lập luận chứng kinh tế kỹ thuật để xin Hội đồng Bộ trưởng cấp phép cho tỉnh Khánh Hòa xuất khẩu cát trắng. Lúc đất nước còn bị cấm vận, một chuyến tàu cát trắng xuất qua Đài Loan, Hàn Quốc chỉ mang về vài trăm ngàn đô la Mỹ nhưng quý hóa vô cùng. Cũng nhờ việc này, chúng tôi có dịp tiếp cận thương lái nước ngoài và được lãnh đạo chính quyền địa phương ưu ái. Tôi được tháp tùng Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Trung sang Đài Loan dự hội nghị kêu gọi đầu tư và làm việc với đối tác để lập nhà máy tuyển rửa cát ở Cam Ranh.

Rời Khánh Hòa năm 1994, đến năm 2007, tôi lại có dịp đáp máy bay xuống sân bay Cam Ranh để đón Đại sứ Mỹ Michael Marine rồi đi cùng ông thăm tỉnh Khánh Hòa. Tôi còn nhớ sau khi tham quan khu du lịch Bãi Dài, trở về văn phòng ủy ban Tỉnh, vừa ngồi xuống Đại sứ đã nói ngay: “Tôi sắp về hưu, muốn mua một lô đất ở Bãi Dài để làm nhà nghỉ được không?” Lãnh đạo tỉnh ghi nhận yêu cầu, nhưng trả lời phải xin ý kiến ngoài Trung ương.

Tháng 12 năm 2013, tôi lại về Cam Ranh để làm lễ động thổ khu biệt thự Riviera Beach Resort do Hòa Bình thi công. Lúc đó, nguyên một dải đất từ sân bay đến chân núi Cù Hin, gần như đây là công trình đột phá chỉ sau Mia Resort.

Tuần trước tôi trở lại Cam Ranh, ở ngay căn biệt thự sát biển của Riviera Beach Resort do đồng nghiệp chúng tôi xây dựng cách đây hơn ba năm. Hết sức ngạc nhiên, một vùng cát trắng như hoang mạc giờ đây được phủ xanh với những hàng dừa và cây cảnh. Đêm mưa văng vẳng tiếng ểnh ương. Sáng thức dậy bởi tiếng chim hót. Tôi ngồi ở trong phòng nhìn ra biển đón ánh bình minh buổi sớm mai, nắng như dát vàng lên ngọn cỏ.

Theo lời một nhân viên, Riviera Beach Resort có khách quanh năm với tỉ lệ bình quân công suất phòng khá cao nhờ Công ty mẹ đã có kinh nghiệm tổ chức tour du lịch quốc tế nhiều năm. Hôm tôi đến ở, mặc dù vào thời điểm giữa tuần nhưng Resort đón khách rất đông, đa số đến từ Nga và Trung Quốc.

Tôi mừng cho Cam Ranh, mừng cho chủ đầu tư Riviera Beach Resort. Cảm ơn những người doanh nhân như anh Nguyễn Đức Chi, anh Đặng Hiếu … đã dám mạo hiểm biến vùng đất bỏ hoang trở thành dáng dấp một đô thị nghỉ dưỡng trung tâm ngang tầm quốc tế.
Hơn thế nữa, sân bay Cam Ranh đang được mở rộng xứng tầm để đón khách du lịch quốc tế đến từ các châu lục.

Tôi mong một lần trở lại cùng với đồng nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình đóng góp sức mình để xây dựng Cam Ranh thêm giàu đẹp.

Chuyện Mạnh Tử

Hồi nhỏ, tôi được nghe chuyện Mạnh Tử lúc thiếu thời: Mẹ của ông rất nghèo, nhưng muốn ông học hành để trờ thành một người tốt nên đã chuyển nhà sống gần trường học. Về sau, Mạnh Tử trở thành một đại học giả lưu danh muôn thuở ở Trung Hoa.

Lúc còn là một sinh viên, một hôm đang ngủ say, tôi nghe tiếng chị Thu gọi nhỏ, tay chị đụng vào người. Chị nói: ”Ba ơi! Có một người ngỏ ý muốn thương tau!”

Trời đã gần sáng, tôi nghĩ, có lẽ chị Thu đã trằn trọc suốt đêm, khi gần sáng mới dựng tôi dậy để vừa tâm sự vừa hỏi ý kiến. Chị cho biết, người ngỏ ý với chị là con trai của một bạn hàng mua trái cây ở các vườn nhà rồi bán lại cho chị. Tôi hỏi: ”Anh ấy ở đâu?” chị cho biết, nhà anh ở sau trường tiểu học Thế Dạ.

Lúc ấy, tôi liên tưởng đến câu chuyện Mạnh Tử liền im lặng không phản đối. Tôi còn nhớ lại chuyện hôn nhân của chị Vàng với anh Hoàng do bác họ tôi mai mối.

Bác họ tôi là một vị quan nhỏ của triều Nguyễn. Nghe nói, ông là bạn của cụ Phan Bội Châu. Hai người thường gặp nhau bàn về thời sự và hay dùng dịch lý Trạng Trình để nói về tương lai. Theo lời cha tôi, bác đã gieo quẻ để xem cho người con nuôi là anh Hoàng và đã thuyết phục cha tôi gả chị Vàng cho anh ấy.

Bác nói: “Không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời.”và giảng giải rằng không nên nhìn vào gia thế hiện tại để quyết định chuyện hôn nhân của con cái. Nghe lời, cha tôi đã “ép” chị Vàng lấy chồng. Ngay hôm đám cưới, chị ấy vẫn còn khóc tức tưởi.

Tiếp nối chuyện Mạnh Tử, vợ chồng chị Thu ngày nay vẫn sống sau trường Thế Dạ, vẫn tiếp tục mua bán trái cây, nhưng tất cả bốn đứa con đều học hành đàng hoàng. Tháng Sáu năm nay, đứa con út vừa tốt nghiệp đại học và có việc làm ngay.

Bạn có tin vào dịch lý không? Gia đình chị Vàng hiện nay rất vững vàng như lời phỏng đoán của bác họ tôi ngày trước. Mặc dầu anh chị vẫn bán khoai sắn và nuôi heo mỗi ngày nhưng con cái đều thành đạt, có đứa là bác sĩ, kỹ sư, thậm chí là tiến sĩ.

Đất lành chim đậu

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong quy hoạch phát triển đô thị, nhưng đã không kiên định trong việc thực hiện. Khắp nơi ở nội đô các chung cư vẫn mọc lên như nấm. Các lô đất có diện tích lớn như trại lính của Việt Nam Cộng Hòa, kho hàng, chợ… ở các quận đã dần dần bị lấp đầy bởi các chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng. Hậu quả là các con đường ở thành phố luôn bị nạn kẹt xe mặc dầu đã mở rộng hai bên hoặc làm cầu vượt ở những giao lộ đông đúc.

Mặt khác của việc quy hoạch cho thấy tính chủ quan trong việc phát triển. Chẳng hạn, những tòa cao ốc được xây bằng vốn của thành phố ở quận 2 lại không có người đến ở.

Tổ tiên ta đã có câu: “An cư lạc nghiệp”. Tuy vậy, trong quy hoạch cần vận dụng câu: “Đất lành chim đậu”. Rõ ràng, nhiều khu quy hoạch được xây bằng vốn nhà nước vẫn bỏ hoang nhan nhãn khắp nơi vì đã không được xây ở những nơi phù hợp với cuộc sống của người dân.

Việt Nam vẫn là quốc gia đi lên từ nông nghiệp. Tính cộng đồng, văn hóa làng xã, gia đình vẫn còn là nền tảng. Rất mong những nhà quy hoạch và chính quyền dựa vào yếu tố này để phát triển đô thị phù hợp với văn hóa và trình độ dân trí.

Đây cũng là đáp án cho việc giãn dân ở nội đô và vấn nạn giao thông đô thị của thành phố.