Wednesday, July 17, 2013

Vinh danh "Ông Mối"


Hồi nước nhà mới mở cửa, tôi có may mắn tham gia hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế ở một tỉnh thuộc miền Trung. Làm việc ở một công ty xuất khẩu, hàng tháng chúng tôi tiếp cả chục đoàn thương nhân đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… hỏi mua sản phẩm. Tuy vậy, các hợp đồng xuất khẩu đa phần ký và thực hiện thông qua các công ty thương mại có văn phòng đặt ở thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải bán trực tiếp cho nhà sản xuất.  

Là các kỹ sư mới chập chễnh bước sang thương trường, hồi đó chúng tôi luôn thắc mắc, không hiểu sao các nhà máy công nghiệp thủy tinh, chế tạo khuôn đúc, chất độn silicat không đến mua trực tiếp sản phẩm của chúng tôi. Do không thể biết được các công ty thương mại đến từ thành phố HCM mua sản phẩm của chúng tôi rồi bán lại với mức giá nào, chúng tôi đoán già đoán non và ao ước được “mua tận gốc, bán tận ngọn”, nghĩa là bán đến tới người tiêu dùng cuối cùng để có giá cạnh tranh nhất. 

Nhiều năm sau, khi tham gia hoạt động kinh doanh ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi dần dần hiểu rằng nhà nhập khẩu mua hàng thông qua các công ty thương mại ở TP. HCM sẽ có giá tốt và tránh rủi ro vì bị phụ thuộc vào nhà cung cấp đơn lẻ như chúng tôi. Giả định có một nhà nhập khẩu mua hàng may mặc từ Miền Nam, nếu chọn được một nhà phân phối ở thành phố HCM, ông ta có cơ hội tìm mua hàng hóa với mức giá cạnh tranh nhất. Sở dĩ như thế vì nhà phân phối này sẽ liên hệ hầu hết các tỉnh thành phía Nam nơi có nhà máy may mặc xuất khẩu và sẽ có nhiều thông tin để đàm phán và tìm ra giá cạnh tranh nhất. Tất nhiên, nhà nhập khẩu muốn mua tận gốc anh ta cũng có thể thực hiện ước muốn của mình, nhưng sẽ có thể chịu rủi ro khi nhà xuất khẩu hàng may gặp sự cố về sản xuất hay một tai họa nào đó.

Một lần khác chúng tôi được tham gia đề tài khoa học của một Viện nghiên cứu ở Hà Nội. Mục tiêu của đề tài là tìm ra mức độ quan trọng của các khâu phân phối lúa gạo xuất khẩu từ các cánh đồng sản xuất ở Đồng bằng Sông Cửu Long đến thị trường xuất khẩu. Sau nhiều tháng trời làm việc, chúng tôi rất ngạc nhiên khi rút ra kết luận rằng vai trò quan trọng nhất trong khâu xuất khẩu gạo nằm trong tay các thương lái.

Dần dần thái độ của chúng tôi đã thay đổi khi làm việc với thương lái và những người đóng vai trò trung gian trong thương mại và dịch vụ. Tuy vậy, thật không công bằng khi trong xã hội ta vẫn còn nhiều người xem nhẹ vai trò của tầng lớp trung gian này và gán cho những từ không mấy thiện cảm như “cò”, “mánh mum”, “môi giới” hay “chạy mánh.” 

Nghĩ lại mà thương cho nhiều bà chị ở quê tôi, hôì thời bao cấp đã phải họp viết kiểm điểm vì hành vi mua gom cây trái ở vườn của các nhà  láng giềng trong làng mang ra chợ bán. “Con bò có một cục u. Người đi buôn bán là ngu như bò.” Các chị đã phải chép cả ngàn lần câu thơ bút tre này vì tham gia mua bán dưới vai trò thương lái.


No comments:

Post a Comment