Gia đình tôi rủ nhau lên nghỉ mát ở Đà Lạt. Mỗi ngày, đến giờ ăn, chúng tôi lại kéo nhau ra Chợ Đà Lạt để ăn trưa. Có lẽ món ăn ngon và chế biến sạch sẽ nên thực khách rất đông. Thấy chúng tôi tần ngần chưa tìm được chỗ ngồi, một chị bán nước giải khát đon đả chào mời, “Gia đình anh chị cứ ngồi ở đây, ăn món gì kêu rồi em bưng sang cho.” Có cảm tình với cô bán hàng tốt bụng, chúng tôi không quên gọi thêm mấy ly giải khát.
Ngày hôm sau chúng tôi chọn một quán ăn khác và may mắn kiếm được chỗ ngồi. Dù quán không đông khách nhưng chỉ một mình chủ quán phục vụ nên cũng phải ngồi đợi món ăn. Chủ quán bên cạnh do vắng khách nên chuyển sang phụ rửa bát, lau bàn và chuyền thức ăn cho khách. Tôi nửa đùa, nửa thật hỏi, “Sao không về bán quán nhà mình mà sang làm giúp cho người ta?” Chị mỉm cười hồn nhiên, “Hôm nay quán nó bận, ngày mai quán tui đông nó lại sang giúp.”
Hành xử của các cô tiểu thương Đà Lạt làm tôi thán phục quá chừng. Thay vì cạnh tranh, giành giật họ biết phối hợp tạo điều kiện cho nhau mua bán kiếm tiền. Nguyên tắc thương mại này rất nhiều chủ doanh nghiệp chúng ta bỏ quên vì mãi lo cạnh tranh giành giật khách hàng và mở rộng thị phần. Câu chuyện cá basa ở đồng bằng Sông Cửu Long làm một ví dụ điển hình.
Do điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho việc nuôi cá da trơn ở đồng bằng Sông Cửu Long, mặt hàng cá basa trở thành thủy sản độc tôn của Việt Nam trên khắp thị trường các châu lục. Tuy vậy, thay vì phối hợp, phân công lẫn nhau trong các khâu nuôi trồng, chế biến, và xuất khẩu, các chủ doanh nghiệp chúng ta có xu hướng đầu tư khép kín theo kiểu “Lọt sàng xuống nia” và cạnh tranh lẫn nhau trong việc đưa hàng đến cùng thị trường để tiêu thụ. Rốt cục, giá bán cá basa càng ngày càng giảm trong khi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các dịch vụ chế biến, đóng gói, vận chuyển tăng khiến cho ngành nuôi cá basa của chúng ta hiện nay gần như phá sản vì người nuôi lỗ nặng, hàng loạt hộ nuôi khốn đốn. Theo thông tin trên trang chủ của Bộ NN&PTNT, ngày 29-6-2013, giá cá tra loại 1 chỉ còn khoảng 18.500 - 19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 3.000 - 3.500 đồng/kg; dù giá cá giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn khó bán bởi các nhà máy hạn chế thu mua. Hơn nữa, dù bán lỗ nhưng các nhà máy vẫn kỳ kèo từ 1,5 - 2 tháng mới thanh toán tiền.
Tại một hội thảo gần đây ở TP. HCM, khi được nghe doanh nghiệp Việt yêu cầu hỗ trợ để cho hàng thủy sản Việt Nam đi vào châu Âu thuận lợi hơn, một nhà ngoại giao Bỉ đã ám chỉ tác hại của việc cạnh tranh quá mức giữa các doanh nghiệp chúng ta. Ông nói, “Thay vì tận dụng thế độc quyền thương mại về mặt hàng cá basa, các bạn lại cạnh tranh lẫn nhau làm cho mặt hàng này rớt giá." Ông cho biết, trước đây quả Kiwi của New Zealand khi xuất khẩu sang các nước cũng bị tình trạng tương tự. Tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp trong nước cùng ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tránh phá giá và giành giật thị trường. Từ đó, việc trồng và xuất khẩu trái kiwi của nước này đi vào ổn định và phát triển.
No comments:
Post a Comment