Đây là lần thứ hai tôi sang Iskandar, Malaysia qua cửa khẩu Singapore. Đón tôi ở sân bay Changi vẫn là Sunny Wee, chủ doanh nghiệp một thành viên, nghĩa là công ty chỉ duy nhất có một mình ông vừa là chủ vừa là nhân viên mà thôi.
Ở Singapore khá phổ biến loại hình doanh nghiệp này. Đây là một mô hình kinh doanh độc đáo vì nó đòi hỏi rất cao tinh thần hợp tác, tin cậy lẫn nhau và tinh thần trách nhiệm giữa các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh.
Ngồi chung xe do ông tự lái, chuông điện thoại đổ liên hồi, lúc thì từ Thượng Hải, lúc thì Indonesia, Malaysia... Điện thoại được tích hợp vào xe hơi nên không gây trở ngại gì. Hai lần chạy xe, chở tôi xuyên khắp đảo quốc Singapore, từ Nam lên Bắc, ông không hề tỏ ý chuyện chi phí xăng cộ, ăn uống, phí cầu đường, phí hải quan mỗi lần qua biên giới…và tất cả đều trả bằng thẻ điện tử. Lấy làm ái ngại, tôi nói, “Tôi sang đây là đi làm ăn, đề nghị ông gửi cho công ty tôi toàn bộ chi phí để chúng tôi hoàn trả.” Sunny cũng chẳng gợi ý tôi phải cam kết điều gì, cũng chẳng tỏ ra đồng ý hay không với ý kiến của tôi, dường như chỉ một quyết tâm hỗ trợ chúng tôi trúng thầu để ông có thể cung cấp cốp-pha cho công trình xây dựng, công việc hiện ông đang làm.
Ngồi trong xe hơi, nhìn ra cảnh phồn vinh, hiện đại nhưng ngăn nắp của Singapore, tôi thầm nghĩ, góp phần làm cho đảo quốc này trở thành một nơi giàu nhất thế giới có lẽ nhờ vào tập quán kinh doanh của những doanh nhân năng động, dám chấp nhận rủi ro, hết sức làm hài lòng khách hàng. Thử hỏi, cho dù chúng ta có mặc cảm về hoạt động môi giới thương mại, làm sao có thể “qua cầu rút ván” với những doanh nhân Singapore như Sunny Wee?
Buổi tối, Sunny đưa đến trọ tại một khách sạn có giá phòng phải chăng, bao quanh bởi rất nhiều quán ăn của nhiều nước khác nhau nằm trên đại lộ Bờ Đông thuộc khu Katong. Đây là khu khá phổ biến cho khách du lịch quốc tế thích giá phòng rẻ, đi lại dễ dàng và ăn uống đa dạng như kiểu các phố Tây ở Việt Nam.
Trên dãy phố cổ với kiến trúc thời thực dân Anh ở Singapore tôi phát hiện quán ăn LeViet. Như thường lệ, khi ra nuớc ngoài, thấy quán ăn của đồng hương, chúng ta thường sà vào ngay. Tuy nhiên, thật ái ngại khi thấy quán ăn này vắng hoe, không một thực khách, tần ngần một lúc, tôi đành bỏ đi. Bước vài mét sang quán ăn sát bên cạnh, nằm cùng dãy, bày bán thức ăn của người Hoa, tiếp đến là nhà hàng Ý, khách đến ăn đông nghẹt. Tản bộ một thêm một đoạn ngắn, tôi quyết định quay lại, vừa quan sát vừa tìm hiểu vì sao thực khách không chọn món ăn Việt. Ở trong nước tôi thường được nghe, món ăn Việt nổi tiếng khắp năm châu. Nem rán, phở được phong là vũ khí văn hóa của Việt Nam trên bước đường tiến ra chinh phục thế giới.
Vị trí quán không thông thoáng, nhân viên phục vụ ăn mặc hơi luộm thuộm và thiếu thái độ đon đả chào mời có thể làm cho thực khách không chú ý. Hơn nữa, bán món ăn đặc thù dân tộc có lẽ chỉ phù hợp với dân Việt. Vì thế, để thu hút thực khách người Việt, chủ nhân nên chú trọng quảng bá cho đông đảo sinh viên, học sinh Việt Nam du học ở Singapore thông qua wesite, tờ bướm phân phát trong khuôn viên đại học…Nghe nói Sài Gòn Tourist phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar tổ chức các buổi tối ở khách sạn năm sao để tiếp thị văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nếu thế, chủ quán LeViet này cũng nên tìm sự hỗ trợ của cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Singapore để biến quán ăn của mình trở thành một nơi giao lưu văn hóa ẩm thực và tất nhiên là để tăng doanh số.
Quả thật, không chỉ quán LeViet đơn độc ở Singapore, các doanh nhân nước ta do không biết cách phối hợp trong kinh doanh, trở nên đơn độc không những ở xứ người và cả ngay ở xứ mình. Trong khi đó, một mình một ngựa, doanh nhân điển hình như Sunny Wee của Singapore đã và đang thành công trong nền thương mại kết nối toàn cầu.
No comments:
Post a Comment