Saturday, June 23, 2012

Ông Đội 2 Chiêu


Ông Đội hai chiêu

Thân tặng các anh em tổ khoan

“Ông Đội hai chiêu” là biệt danh được anh em tổ khoan địa chất tặng cho Ông Đội sau một sự kiện rất đáng nhớ trong đời khảo sát. Trước đó nhiều năm, khi còn khảo sát nền móng Nhà máy đường Đồng Bò ở Hòa Phong, Tuy Hòa, một hôm Ông Đội được Phạm Thái Linh nài nỉ mời đến nhà bạn gái của anh ta để ăn tối. Thật ra, mục đích của Linh là dùng sự xuất hiện của Ông Đội để ngầm giải thích cho cha mẹ cô Loan (sau này là vợ anh ấy), quan hệ của Linh với Loan là nghiêm túc.

Gia đình Loan sống ven sông Ba, gần cầu Đà Rằng. Buổi ăn tối ngoài món gà vườn luộc lá chanh, còn thêm canh cá chép nấu chua, do ông già vừa kéo lưới bắt được từ dưới sông lên. Đời khảo sát với bếp ăn tập thể đã quen “canh toàn quốc” và cá, mực muối nên được một bữa ăn ngon với vài ly rượu gạo do gia đình Loan tự nấu, Ông Đội ngủ rất say.

Sáng sớm tinh mơ, Ông Đội bỗng bị thức giấc bởi tiếng đấm đá thình thịch sau bức tường ngăn giữa nhà trên và chái dưới. Ắt mọi người còn nhớ, nhiều ngôi nhà ở Phú Yên, Bình Định đều có mái sau được kéo dài thêm để làm kho chứa cuốc xẻng, hay lương thực, thậm chí làm phòng ngủ của con gái. Căn nhà của cô Loan khá đặc biệt vì phía sau là phòng tập võ. Hóa ra, cha con chủ nhà đang luyện võ công vào sáng sớm.

Bị kích động quá mức, Ông Đội nép bên cửa liếp, lén nhìn trộm. Bất ngờ, ông già xoay người, nắm lấy vai lôi Ông Đội vào phòng tập. “Vào đây chớ nấp làm gì. Ông Đội có biết võ không?”  Vừa lắc đầu ra hiệu không biết,  ông đã gạt chân làm Ông Đội ngã lăn trên sàn đất.  Chưa đứng vững ông đã gạt tay, lên chỏ khiến Ông Đội ngã lăn quay thêm một lần nữa.  Ông bảo, hai chiêu võ này chỉ để phòng thân khi gặp nguy khốn, chủ yếu bất ngờ đánh gục đối thủ để chạy thoát thân. Vừa nói xong, ông đóng vai làm địch thủ để Ông Đội thực tập.

Nhiều năm sau đó, một hôm đội khoan được điều đến khảo sát Đập Suối Hành ở Cam Ranh.   Đập Suối Hành dài chừng hơn cây số, vừa thi công xong, sau một cơn lũ đã bị vỡ. Cuộc khảo sát nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao con đập không chịu nỗi sức nước theo tính toán thiết kế.

Trận lũ quét không những xé tan thân đập mà còn khiến làng quê đã nghèo còn thêm điêu tàn, xơ xác. Cả đội trú ngay tại công trường, trong chiếc lán lợp tranh dùng cho công nhân thi công đập trước đây bỏ lại. Một quán cà phê trước đây phục vụ công trường, dường như còn tiếc nuối thời sinh hoạt đông đúc vẫn chưa đóng cửa.  Nhờ vậy, cả đội vừa kéo đến là đã sà vào quán để vừa ăn uống vừa nắm tình hình địa phương, nhất là khâu hậu cần. Lúc đó, trong quán có vài thanh niên vừa uống rượu, vừa có thái độ khiếm nhã với một phụ nữ có lẽ là chủ quán.

Chủ quán thấy các chàng trai khảo sát đến mừng rỡ ra mặt. Chị cho biết đám thanh niên kia thường đến ăn uống nhưng không chịu trả tiền. Mỗi khi mẹ con chị lên tiếng đòi tiền, chúng dọa đốt quán.  Nợ chưa thu được, đóng cửa dọn đi là mất, đấy là lý do chị lần lữa chưa dọn đi nơi khác.

Bốc đồng vì chút hơi men và ỷ vào số đông, Ông Đội gọi một thanh niên đến và yêu cầu nhóm thanh niên giữ trật tự. Một gã to con nhất trong đám hất hàm hỏi, “Mày muốn gì?” Hắn đứng phắt dậy, tiến gần phía Ông Đội, khoa tay múa chân định xông vào đánh. Ông Đội bất ngờ dùng thế võ hộ thân học được hồi còn ở Tuy Hòa ra áp dụng. Đối thủ ngã gục, hắn lồm cồm bò dậy và kêu cả nhóm đứng dậy ra khỏi quán.

Bà chủ quán đem rượu ra mời.  Cả tổ ăn uống xong trở về lán nghỉ ngơi. Khoảng 9 giờ tối, lúc mọi người đang ngủ say, ai nấy phải bật dậy vì tiếng la hét ở bên ngoài lán. Đám thanh niên hồi tối bỏ đi, chúng quay lại với nhiều thành viên hơn, mỗi đứa cầm trên tay hung khí và một vài ngọn đuốc sáng rực. Chúng yêu cầu Ông Đội ra để gặp.  Một tay có vẻ là trưởng nhóm dõng dạc nói, “Hồi chiều ông nào đánh gục học trò tôi, xin mời ra đấu trực tiếp với tôi.” Nghe rõ mồn một lời hắn nói, Ông Đội hết sức lo lắng. Nếu không ra gặp, chúng điên tiết đốt lán, chết hết cả tổ. Nếu ra đánh đấm, Ông Đội còn miếng võ nào nữa đâu để thi thố. Hai chiêu võ học của ông già, ra đòn xong là phải chạy thoát thân kia mà. 

“Nước loạn mới biết tôi trung.” Cường Hải Phòng bước ra cửa, vừa đi vừa chửi “Đ.M! Mấy ông biết mấy giờ rồi không?  Ông Đội của tao say quá đã ngủ rồi! Có gì sáng mai gặp nhau giải quyết, tụi bây về đi.” Đám thanh niên dùng dằng không chịu về. Đuốc cháy hừng hực.  Cường hét lớn. “Đ.M. Tụi bây có về không tao bắn đây.” Biết địch thủ có súng, nhóm thanh niên mới chịu rút đi.

Những năm sau ngày đất nước thống nhất, đội khảo sát cầu đường được cấp hai khẩu súng, một AR15 và một khẩu các-bin. Cụ Hải còn có riêng một khẩu Colt 45.  Lý do dùng súng là để phòng khi vào rừng gặp thú dữ hoặc đụng độ với lính Fulro. Súng nặng, chẳng ai muốn giữ. Minh Xụi thường xung phong mang súng để đi săn.  Thành tích săn bắn của Minh Xụi không nhiều, nhưng cũng cải thiện đời sống phần nào cho cả đội khảo sát.  Là một kỹ sư trẻ, loại thư sinh trói gà không chặt, Ông Đội chưa bao giờ đụng đến súng đạn.  Hồi ở tổ khảo sát, thỉnh thoảng, ông Đội được Minh Xụi rủ đi theo rình bắn cá ban ngày hoặc thú rừng vào ban đêm.

Thật ra, lúc Cường dọa nạt đám thanh niên kia, tổ khoan làm gì có súng. Trước đó mấy năm đã có lệnh của nhà nước thu hồi vũ khí từ các đơn vị dân sự. Tuy vậy, sáng hôm sau, tổ khoan được trang bị đầy đủ “vũ khí”. Nào là tay quay, ống típ, cà lê … Cả đội đến quán cà phê ngồi từ rất sớm. Lũy, một công nhân to lớn nhất tổ có vẻ mặt lầm lì có thể là người đóng vai “Lê Lai cứu chúa” đứng ra đôi co với địch thủ và cũng để ra uy. Thật ra, Lũy cũng có ít võ thiếu lâm hay thần quyền gì đó do anh Tường truyền lại.

Có lẽ thấy quân khảo sát “sung” quá, đối phương chủ động giảng hòa. Ông Đội vô cùng mừng rỡ và thầm cảm ơn anh em trong tổ đã không ngại hiểm nguy, có tinh thần đoàn kết bên Ông Đội và đặc biệt có tinh thần Lục Vân Tiên, tỏ thái độ trước những việc bất công. Còn mẹ con chủ quán trước cách cư xử của các chàng trai tổ khoan, họ vô cùng mừng rỡ và coi anh em như những người anh hùng.

No comments:

Post a Comment