Có thể nói tôi không gặp may từ những ngày đầu công tác ở Xí
nghiệp Khảo sát Thiết kế Giao thông Vận tải Phú Khánh, nay là Công ty Tư vấn
Thiết kế Giao thông Khánh Hòa. Tuy vậy, sau hơn 30 năm nhìn lại, tôi thầm cảm
ơn số mệnh đã đưa tôi vào lò khảo sát dưới sự dẫn dắt của quái kiệt đất Nha
Trang, cụ Trần Huy Hải và nhiều cộng sự của ông tiếp sau đó.
Điều không may đầu tiên xảy ra cho tôi từ tấm tem phiếu mua
vải thời bao cấp. Là sinh viên mới ra trường, tôi mang theo mảnh tem được mua 4
mét vải nộp cho chị Dung, nhân viên Phòng Hành chính, để đổi từ tem sinh viên
sang tem cán bộ. Chị đã cất nó ở một nơi nào đó và quên mất. Khi đến lượt của hàng công nghệ phẩm thông
báo bán vải, tôi đến nhờ mua và bị chị mắng cho một trận là tên dối trá, nói
không thành có. May mắn thay, bác Dũng,
cũng ở Phòng Hành chính sau đó phát hiện tấm tem phiếu và thông báo cho tôi đến
nhận.
Chuyện không may thứ hai xảy ra ở Thành phố Tuy Hòa. Sau một
năm lăn lộn với đội khảo sát địa hình của anh Binh, tôi được cụ Hải gọi lên để
kiểm tra tay nghề. Cụ bảo, “Tốt rồi, bây
giờ cậu được phép làm công việc theo chuyên môn của mình.” Thế là tôi được phân công về một tổ khoan đất
với vai trò tổ trưởng. Thời đó, các hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức thành từng
đội sản xuất nên đối với người dân Tuy Hòa, tôi được gọi là Ông Đội.
Ông Đội bắt chước kỹ sư Xuân, Phụng… rất ham học, thích nghe
chương trình dạy tiếng Anh vào ban đêm qua làn sóng radio. Lợi dụng đặc điểm
này, một số công nhân lớn tuổi sắp xếp cho Ông Đội một căn phòng ở vị trí cao
nhất trong tòa nhà và sau đó dẫn gái về nuôi ăn và vui vẻ dưới tầng hầm. Tài Mập,
trẻ nhất nhưng ham vui đã bị vướng bệnh.
Anh Trung, Công đoàn phát hiện trong một đợt đến thăm nên ông Đội phải chịu
đòn khiển trách.
Phải nói đời khảo sát hết sức khó
khăn về vật chất. “Cái khó ló cái khôn”, đôi khi sự sáng tạo mang đến từ việc đối
phó với hoàn cảnh khó khăn như thế. Một
hôm, tổ khoan địa chất được điều quân đột xuất đến xã Hòa Thắng để khảo sát nền
móng sau khi hố móng Cầu Đá Trắng gặp phải một tầng bùn lỏng chưa xác định được
độ dày. Là một cây cầu nông thôn, ngân sách có hạn, việc điều thiết bị đóng cọc
đến vị trí thi công cầu rất tốn kém sau khi tổ khoan hoàn tất công việc. Vì thế,
ông Đội đã đề xuất với đơn vị thi công, chuyển đổi công năng của dàn khoan
thành dàn máy đóng cọc. Ý tưởng được thực hiện ngay và việc dùng dàn khoan đóng
cọc thi công cầu nông thôn nhanh chóng lan về Sở Giao Thông. Lãnh đạo các cấp của
Sở, nhân dân địa phương đến xem và hết lời khen ngợi, nhưng việc đóng cọc nằm
ngoài chức năng của tổ khoan nên cũng đã bị cụ Hải phê bình.
Đời khảo sát sống nay đây mai đó. Được về sống ở thành phố là một điều quá diễm
phúc đối với những chàng trai khảo sát.
Tuy nhiên, đóng quân lâu ngày, tiền chi cho cà phê, thuốc lá, rượu cũng
bay đi nhanh chóng vì đồng lương ít ỏi. Không những thế, đội khảo sát còn lâm
vào tình trạng thiếu chất đốt để nấu ăn tập thể. Túng làm liều, anh em phải rảo
quanh khu vực sinh sống để kiếm củi đốt, thực chất là đi trộm củi.
Kế hoạch đột nhập Phòng Lương thực Tuy Hòa đóng trước văn phòng
của xí nghiệp được hoạch định khá hoàn hảo.
Ông Đội được giao nhiệm vụ tán tỉnh một cô nhân viên (sau này trở thành
vợ). Lũy, Hùng, Thượng… lẻn vào khiêng củi. Không may, vừa hoàn thành xong nhiệm
vụ thì bị du kích đến lục soát văn phòng và đòi gặp ông Đội để lập biên bản. Ông Đội trốn trên máng xối, nơi giao nhau giữa
hai căn nhà, không dám xuất đầu lộ diện.
Lúc đó, cụ Trần Huy Hải vừa đi công tác Sông Hinh về, ghé qua văn phòng.
Trông thấy cán bộ địa phương, cụ “nỗ” đến văng mảnh. “Các anh cứ về đi, tôi sẽ
điều tra kỹ chuyện này, nếu đúng như các anh đã nói, tôi sẽ kỷ luật cả đội. Tuy
vậy, xin báo cho các anh biết, đội này là một đội công nhân lao động xã hội chủ
nghĩa ưu tú của công ty tôi đấy. Nếu
không đúng, các anh cũng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm!”
Nằm trên máng xối, ông Đội thầm nghĩ, “Quả là tướng thế nào,
quân thế đó!” Thế mới có câu thơ dặn dò các cô gái trẻ, “Khảo sát, địa chất, lái xe. Trong ba thằng đó chớ nghe thằng nào.”
No comments:
Post a Comment