Saturday, March 31, 2012

Tàu cau rụng giữa phố và giấc mơ trưa hè

Buổi sáng đi tập thể dục về, trông thấy một tàu cau rụng trên đường. Như một thói quen vô thức, tôi cúi xuống nhặt và kéo lê trên đường.  Mo cau còn ẩm, trắng ngà mịn màng bên trong như màu da con gái dậy thì, bên ngoài ngã vàng vì rám nắng.  Bỗng nhiên bao nhiêu kỷ niệm thơ ấu thời sống ở nông thôn hiện về.

Mẹ tôi thường lượm tàu lá cau mỗi ngày rụng xuống trong vườn gom để dành. Khi rảnh, mẹ dùng dao chuốt bỏ phần lá, giữ lại sống lá rồi bó lại để làm chổi quét.  Mo cau lớn mẹ dùng để nhồi cơm nóng, bó lại để dành cho những chuyến đi xa của cha và con.  Loai mo cau nhỏ hơn, mẹ cắt làm quạt để phe phẩy chống nóng, đuổi ruồi buổi trưa hè. Nhiều đêm hầu như mẹ không ngủ, tay cầm quạt mo cau, phẩy nhè nhẹ, miệng mẹ hát à ơi ru tôi ngũ.
Kéo tàu cau đi một khoảng đường trong khu phố, tôi cũng đành phải bỏ lại nơi đổ rác công cộng vì băn khoăn không biết sẽ làm gì với nó ở nhà. Thế rồi một phụ nữ cũng đi bộ tập thể dục trên đường về nhà lại nhặt nó, không biết làm sao cô ấy có thể cắt bỏ lá, cầm mo cau đi qua trước mặt nhà tôi. Chân nàng bước sải, khuôn mặt có vẻ đầy phấn kích. Ắt hẳn cô ấy cũng có một thời thơ ấu ở nông thôn như tôi và những kỷ niệm đẹp ấy đang dồn dập hiện về trong tâm hồn nàng.

Hình như những kỷ niệm đẹp thường đưa ta vào giấc mơ êm đềm, cũng như những ký ức đau buồn đưa người ta vào cơn ác mộng. Trưa nay, tôi vừa chợp mắt đã có một giấc mơ thật đẹp. Tôi mơ về hàng cau trong vườn, hoa cau trắng tinh, mùi hương thoang thoảng. Tôi còn mơ thấy mình được mẹ giao việc, dùng dao kẹp vào một thân tre để cắt và rong hết phần lá cau vươn sang phần đất của bác láng giềng. Số là giữa nhà tôi và láng giềng ở cạnh nhau, ở gữa có một hàng cau xanh tốt. Mẹ bảo, mình phải cắt các cành lá này để gió mạnh không làm hư mái tranh của nhà bác ấy. Ôi tấm lòng của mẹ và tình làng nghĩa xóm của chúng tôi đẹp như trong chuyện cổ tích.

Sunday, March 18, 2012

Tình tay ba

Kỷ niệm khó quên về Nha Trang ngày tôi mới đặt chân đến năm 1981, có thể nói đó là tình bạn với các anh Quyến, Thọ và mối quan hệ bí ẩn của hai người này với chị Simon Liên, người đã vĩnh viễn ra đi trong cô đơn vào một ngày giá lạnh.

Viết đến đây, tôi bật Internet, tìm giọng hát Tuấn Ngọc trong bài Phôi Pha của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tưởng nhớ đến chị Simon Liên. Hạnh phúc trong tôi dâng trào vì cảm nhận mình vẫn đang sống và hòa mình trong giọng ca, lời hát và âm thanh của bản nhạc ngày xưa chị ấy thích. Simon Liên giờ đã vùi trong lòng đất lạnh giá, chị đâu còn hát thầm thì bài hát này như những đêm chúng tôi cùng ngồi chuyện trò dưới gốc cây vú sữa già trong mảnh vườn thoảng nhẹ hương thơm của hoa sứ của anh Lự hồi còn trẻ.

Tôi là ai trong mối tình tay ba giữa những người bạn thân thương nhưng lạ lẫm ở Nha Trang, ngày tôi mới đến. Tôi gặp anh Quyến trong một chuyến xe từ Đà Lạt về Nha Trang. Ngồi bên nhau trong một chuyến hành trình dài cả ngày, chúng tôi phát hiện hồi nhỏ đều sinh hoạt trong phong trào hướng đạo. Quyến đã là một tráng sinh, còn tôi chỉ mới lên hạng thiếu nhưng chưa bao lâu thì phong trào này chấm dứt sau ngày đất nước thống nhất.  Quyến bắt tay trái theo kiểu hướng đạo và hứa với tôi sẽ thỉnh thoảng cùng nhau đi uống cafe ở Nha Trang. Chủ nhật vừa đến anh đã đạp chiếc xe cà tàng đến gõ cửa nhà tôi ở trọ trong hẽm Núi Một. Quyến chở tôi đến nhà Simon Liên, rồi anh Thọ và chúng tôi quen nhau từ dạo ấy.

Đối với một người sống đơn độc, không gia đình, bạn bè, mới đến Nha Trang, cuộc gặp gỡ những người bạn đứng đắn, có học thức và chân tình như thế này thật quý hóa xiết bao. Thật ra, tuy là quan hệ mới nhưng chúng tôi có chung một nền tảng lịch sử, văn hóa vì tất cả chúng tôi đều là người gốc Huế lưu lạc về Nha Trang. Simon Liên tốt nghiệp khoa tiếng Anh Đại học Sư phạm Huế về Nha Trang theo gia đình. Thọ, Quyến công tác ở Sài Gòn, sau 1975 các anh về đoàn tụ cùng gia đình ở đây.

Quyến (trái) và Khôi ảnh chụp ngày 19/03/2012 tại Sài Gòn

Quyến sôi nổi, chủ động trong mọi việc. Thọ trầm ngâm và triết lý. Simon Liên sâu kín. Chỉ có tôi là hời hợt. Tôi tham dự hầu hết những cuộc uống trà tay ba, Quyến-Simon Liên hoặc Thọ-Simon Liên và tôi.  Đôi khi Simon Liên rủ tôi cùng đạp xe dọc đường biển dài hàng cây số nhưng chúng tôi chẳng biết nói với nhau chuyện gì. Giá như hồi đó tôi nói thật lòng ý nghĩ của mình cho Simon Liên, rằng chị nên yêu anh Thọ.  Trước sự chủ động của Quyến, Thọ dù có tình ý vẫn nể nang và câm lặng.  Tuy vậy, anh là người cao thượng và có trách nhiệm với những quyết định của mình. Simon Liên là phụ nữ, cô không thoát khỏi nhược điểm của hầu hết phái đẹp là thích nghe, thích được hồ hỡi nhiệt tình săn đón. Điều này, Quyến hơn hẵn Thọ. Vì thế, mối tình tay ba này đã không mang lại một kết thúc tốt đẹp.

Giờ Simon Liên đã về với cát bụi. Quyến và Thọ đều thành gia thất. Nghe nói, ngày Simon Liên mất, hai người bạn trai này đều đến lo tang lễ cho nàng. Tôi tin rằng, nhìn lại đời mình,  cả hai người đàn ông này ắt sẽ ngậm ngùi tiếc cho tình yêu thoáng qua thời tuổi trẻ.

Saturday, March 17, 2012

Doanh nhân Việt cần thay đổi tư duy tiếp thị từ tên cá nhân

Trong một buổi ăn tối thân mật cùng anh em kỹ sư của Công ty HBC đang công tác tại Malaysia, anh Phan Văn Trường, Việt kiều Pháp, cố vấn công ty khuyên một ý nhỏ khi kinh doanh trong môi trường quốc tế. Anh khuyên anh em nên đặt thêm tên nước ngoài để dễ giao tiêp. Anh kể, "Hồi tôi còn trẻ, làm việc trong một công ty của Pháp. Tôi rất thất vọng không biết vì sao mình làm việc không thua kém đồng nghiệp nhưng rất lâu vẫn không được cất nhắc.  Tâm sự với một đồng nghiệp anh phát hiện ra một trong những lý do là tên của anh rất khó đọc, khó nhớ đối với người nước ngoài. Vì thế, trong các cuộc họp của cấp điều hành, đồng nghiệp không nhắc tên. Theo lời khuyên của đồng nghiệp này, anh đã lấy tên là Thomas. Quả nhiên, về sau anh được thăng tiến rất nhanh, lên đến vị trí giám đốc công ty.
Mẫu chuyện trên đây khiến tôi liên tưởng đến những người bạn Trung Quốc, Hàn Quốc khi còn học chung ở bên Mỹ. Hết thảy những người bạn của tôi đều lấy tên gọi nước ngoài như David, Annie, Nancy, Peter... kèm với tên họ trong giao tiếp.

Có thể sự thành công trong thương mại quốc tế bắt đầu đơn giản chỉ một cái tên hay sao? Tất nhiên không hẵn thế, nhưng xét về mặt giao tiếp, đây chính là điều cần thiết.  Thử hỏi những tên dài dòng như Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Hà, Trương thị Ước Nguyện, Hà Trần Vũ Long... làm sao người nước ngoài có thể đọc nổi, chứ đừng nói đến chuyện nhớ... Vì thế, dùng một tên nước ngoài ngắn, dễ đọc rất cần thiết nếu chúng ta muốn tạo sự gần gũi trong giao tiếp.

Về mặt tiếp thị, trong quan điểm hướng về khách hàng, nghĩa là chúng ta tiếp thị cái khách hàng cần và muốn, chứ không phải thứ chúng ta có và muốn cung cấp. Nếu bạn đặt mình là một người nước ngoài, ắt bạn đồng ý với anh Thomas Phan và tôi (Vandy Vo) rằng chúng ta cần phải chọn cho mình một cái tên ngoại quốc khi giao tiếp quốc tế.

Không hề sính ngoại.  Liệu chúng ta có thể thay đổi nhận thức về chuyện đặt tên nước ngoài này không. Và để thêm thuyết phục, xin bạn hãy điểm lại các tên tuổi doanh nhân Việt kiều về làm ăn thành đạt hiện nay ở Việt Nam cũng có hiện tượng tương tự. Họ là Alan Phan, David Thai, Andy Ho, Don Lam, Tony Do... và rất nhiều tên khác.


Saturday, March 10, 2012

Con hư tại cha mẹ

Ắt hẵn chúng ta ai cũng biết chuyện Mạnh Tử nhờ mẹ khéo dạy dỗ mà nên người trong Liệt Nữ truyện. Người mẹ đã dời nhà ba lần từ khu vực nghĩa địa, đến chợ, rồi cuối cùng đến trường học. Bà còn làm gương cho con về tính trung thực, tinh thần cần cù, , thái độ nhẫn nại, khắc phục khó khăn gian khổ để học tập và trở thành đại hiền triết. Nói chung, "Dạy con từ thuở còn thơ", cha mẹ là tấm gương sống, luôn nỗ lực tìm ra môi trường sống thích hợp để con cái thực hành những thói quen tốt, trở thành những người đức hạnh mong muốn về sau.

Thế nhưng, ở xã hội nước ta hiện nay, chuyện chạy trường mẫu giáo cho con, chuyện thi hộ, mua bằng, xin điểm trong giáo dục gần như trở thành tập quán xã hội. Chuyện hối lộ để mua vị trí làm việc, thậm chí chuyện quan chức dùng bằng dõm để thăng tiến, chuyện doanh nhân làm từ thiện nhưng nợ nông dân bạc tỉ… xãy ra nhan nhãn. Trách nhiệm xuất phát từ các đấng cha mẹ.

Một người bạn đang công tác trong ngành giáo dục đã nhận định, “Chúng ta đã quen thuộc với những thói hư tật xấu trong xã hội đến nỗi không còn phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai trái để chỉ dạy cho con cái.”

Nhớ lại, lúc con tôi còn học cấp hai, vì muốn cho cháu được chuyển trường sang một nơi có chương trình trao đổi văn hóa với Singapore, tôi đã thay mặt cháu viết thư cho thầy hiệu trưởng.  Trong thư nêu bật các ưu điểm cá nhân của cháu để dễ thuyết phục. Tôi còn nhớ, cháu đã không ký đơn khi tôi viết rằng nó là một thành viên của đội bóng chuyền của nhà trường. Nó yêu cầu tôi sửa lại, “là một cổ động viên tích cực” mới ký đơn.  Tương tự như thế, một người bạn khác kể rằng, khi đưa con đến một khu vui chơi của trẻ bên Mỹ, vì thấy con mình thấp, nhỏ nhắn, nên khi được hỏi con bà bao nhiêu tuổi, bà nói rằng cháu 12 tuổi để khỏi phải mua vé vào cửa. Đứa trẻ nghe câu trả lời đã không chịu đi vào, yêu cầu mẹ mua vé, vì nó đã 15 tuổi.

Không những không phân biệt sai trái, chúng ta đôi khi còn quên cả những thói quen tốt được dạy dỗ và làm quen từ nhỏ. Vừa qua, khi đến Đà Lạt, tôi rất ngạc nhiên vì thấy người bạn hẹn gặp đang đi đến cổng khách sạn bỗng dừng lại. Tôi ngơ ngác không hiểu tại sao. Chợt thấy một đám ma đang đi ngang trước nhà thờ, tôi mới chợt hiểu rằng ngày còn nhỏ, chúng tôi được dạy, mỗi khi thấy đám ma đi qua phải dừng lại ngã mũ chào vĩnh biệt người chết.  Ước gì con cái chúng ta lại sống trong một môi trường như thế.

Wednesday, March 07, 2012

Lời hứa hướng đạo sinh

Giữ lời hứa là một trong những điều răn đối với hướng đạo sinh.  Tôi cũng là một hướng đạo sinh được tuyên hứa, nghĩa là đã được qua thử thách, nhưng càng trưởng thành tôi càng thấy khó khăn khi thực hiện lời hứa của mình. Vậy tốt nhất là đừng hứa hẹn với ai điều gì và phải biết dũng cảm nói "Không" với người khác.