Ai đã từng đến Huế, hoặc ai đã từng sống ở đây một thời gian, khi ra đi đều có một tình thương sâu lắng về miền đất này. Quan sát này của tôi đã lập đi, lập lại gần ba mươi năm sống xa Huế. Dưới đây xin nêu một vài quan sát của người viết về những tấm lòng sâu nặng với Huế.
Một buổi sáng nọ trên xe buýt, tôi tình cờ tôi ngồi cạnh một phụ nữ. Sau khi tìm được một chỗ ngồi ổn định, tôi lấy sổ tay ghi lại những việc sẽ làm trong ngày. Theo thói quen, tôi thường ghi sổ bằng tiếng Anh vì tiếng Anh ngắn gọn hơn tiếng Việt. Đây cũng là cách thầy cô dạy ngoại ngữ thường khuyên chúng tôi hồi nhỏ.
Xe chạy được một quãng đường, tôi nhận cuộc điện thoại từ một người bạn ở Huế. Tất nhiên câu chuyện của chúng tôi trao đổi theo giọng Huế. Câu chuyện vừa dứt, người phụ nữ bên cạnh chủ động làm quen, cô nói. "Cậu là người Huế mà nãy giờ tôi tưởng là người Hàn Quốc vì thấy cậu ghi sổ bằng tiếng Anh." Người phụ nữ này tâm sự, cô là con gái xứ Huế, là cựu nữ sinh Đồng Khánh, lấy chồng rồi chuyển vào Nam và sống xa quê đã nhiều năm. Chồng mất hồi còn chiến tranh, từ 1975, khi cô mới hai mươi lăm tuổi. Cô đã sống độc thân từ ngày đó và đã tần tảo nuôi hai con học hành và nay họ đều thành đạt.
Cô ấy bảo tôi, "Tôi thường khuyên con trai Huế hãy giữ giọng nói của xứ mình. Tôi đã hỏi nhiều phụ nữ trong Nam, ai cũng nói họ thích nghe giọng con trai Huế. Cậu biết không, mỗi khi nghe người nói giọng Huế, lòng tôi cảm thấy xao xuyến lạ thường."
Vâng, dù ở Sài Gòn, cô ấy có cùng tâm trạng với ông Hà Huyền Chi sống bên Mỹ:
“...Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ
Mà chiêng mà trống dậy hồn quê
Hương cau màu trúc xanh thôn Vỹ
Áo mới xênh xang giữa hội hè.”
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng ca ngợi giọng nói của Mạ (mẹ), thường được Vân Khanh ngâm mỗi lần họp hội đồng hương.
“...Tuổi con gái Mạ từng uống nước sông
Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt
Giọng Huế nghe còn một chút gì trong
Bao đắng cay pha vào chưa đục được ...”
Tô Kiều Ngân thèm nghe lời ru giọng Huế và rồi chết cũng bằng lòng!
“...Nếu lại được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành không hối tiếc chi mô.”
Người Huế thường có thiên hướng về văn chương nghệ thuật. Nhưng có điều lạ là phần lớn những câu thơ nổi tiếng, mô tả cảnh sắc thiên nhiên độc đáo và nét đặc sắc của con người, cùng với sự luyến lưu với xứ Huế, thường không phải do chính người Huế sáng tác ra. "Tạm biệt Huế" của nhà thơ Thu Bồn đất Quảng Nam có câu,
“Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh mãi nhớ trong mơ.”
Bùi Giáng cũng có những câu thơ mộc mạc, ngộ nghĩnh, nhưng đi vào lòng người nhẹ tênh như hơi thở.
“Da thưa phố Huế bây giờ
Vẫn là núi Ngự bên bờ sông Hương.”
Hai câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ quê Xứ Nghệ nhưng sống ở Huế thường được các bạn rượu nhắc đến mỗi khi chân bước liêu xiêu trên những nẻo đường của Huế.
Sông Hương hoá rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say.
"Đây Thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ Hàn Mặc Tử, hầu như những ai cắp sách đến trường ở Việt Nam đều biết là người quê ở Quy Nhơn, Bình Định.
Không chỉ có thơ ca, người viết cũng phát hiện có sự trùng hợp trong lĩnh vực ca nhạc. Nếu bạn kết nối Internet, gõ tìm những giọng ca nổi tiếng hát về Huế, đa phần ca sĩ không hẵn là người sinh trưởng ở Huế mới yêu Huế: Duy Khánh với bài "Sầu Cố Đô". Hoàng Oanh-"Ai ra xứ Huế", hay Hương Lan-"Huế Xưa". Những ca sĩ trẻ thời nay như Vân Khánh, Ánh Tuyết, Quang Linh, Quang Lê… còn sản xuất cả những dĩa CD hát về Huế và họ ắt cũng đã một thời đã qua ở Huế.
No comments:
Post a Comment