Dù vẫn còn đang có nhiều ý kiến về tính hiệu quả về mô hình quản lý công ty mẹ-con của các tập đoàn kinh tế (TĐKT) ở Việt Nam, hiện trong nền kinh tế đang tồn tại các tập đoàn xuyên quốc gia như Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG) và Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt). Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng đã hình thành và đang phát triển như FPT, Đồng Tâm, Kinh Đô, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Vincom, Trung Nguyên…
Theo tác giả Nguyễn Trung, đến tháng 9/2008, nước ta có 8 TĐKT quốc doanh (thuộc sở hữu Nhà nước). Cả nước có 18 tổng công ty 91 và 73 tổng công ty 90 mang dáng dấp các TĐKT quốc doanh hoặc công ty mẹ - công ty con. Toàn bộ các đơn vị kinh tế này chiếm khoảng 54% về vốn, 62% doanh thu và 73% tiền nộp ngân sách trong tổng số 5.970 DNNN hiện nay (khu vực kinh tế quốc doanh.
Trong một thế giới kết nối ngày nay, cả tập đoàn kinh tế và công ty vừa và nhỏ đều có cơ hội thành công như nhau. Vấn đề là ở chỗ chọn đúng lĩnh vực ngành nghề, ra đời đúng thời điểm và sau đó cung cấp cơ cấu tổ chức và phong cách lãnh đạo công ty đúng.
Vì nếu là các công ty nhỏ, nhưng các nhà lãnh đạo chung nhau tạo ra liên minh liên kết dưới các hình thức liên doanh; tổ hợp nghiên cứu phát triển, đối tác chiến lược với các công ty trong nước và cả các quốc gia khác nhau, họ cũng tạo ra được sức mạnh trong tiếp thị, mua bán nguyên liệu, thành phẩm và cả trong sản xuất chế tạo, không thua gì các tập đoàn lớn. Trái lại, nếu là các tập đoàn lớn, với nhiều lợi thế gồm sản xuất số lượng lớn, nguồn lực tài chính, nhân sự có kỹ năng, bí quyết công nghệ, hoạch định dài hạn, và ổn định, lãnh đạo các tập đoàn này cũng phải hành động như lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ (nhưng có tốc độ tăng trưởng lớn). Đồng thời, cần phải đầu tư công sức xây dựng mô hình tổ chức trong đó các thành viên của tập đoàn là các tập hợp nhỏ, độc lập và có thể quản lý được.
Đối với các tập đoàn hiện nay ở nước ta, cần nên nghiên cứu đưa mô hình tổ chức theo cơ chế liên bang vào thực tiễn quản lý doanh nghiệp. Quan sát cho thấy, hầu hết các tập đoàn trên thế giới hiện đứng vững qua cơn khủng hoảng là nhờ kết hợp các đặc tính tốt nhất của cả hai loại hình công ty nhỏ và lớn. Ngoài sức mạnh nhờ có tất cả lợi thế do quy mô lớn, mô hình này cung cấp tính uyển chuyển, khả năng ứng phó và thích nghi nhanh chóng trong thời kỳ kinh tế đầy biến động vì có những đặc điểm của tập hợp các doanh nghiệp nhỏ.
Coca-Cola, HP, ABB… là những tập đoàn xây dựng thành công theo mô hình này. Công ty mẹ (liên bang) được hình thành từ nhiều công ty nhỏ được trao quyền bán tự chủ. Tất cả hợp tác với nhau và gắn bó với nhau bởi một tầm nhìn và sứ mạng kinh doanh chung. Quyền lực của tập đoàn được khuếch tán đến từng thành viên bán tự chủ chứ không tập trung hết ở trung ương. Mỗi khi ra quyết định kinh doanh, các đơn vị thành viên và trung ương đều chia sẻ với nhau. Do có tầm nhìn và mục tiêu kinh doanh rõ ràng và hầu hết được viết ra thành văn bản, tập đoàn cũng như các công ty thành viên xây dựng các nguyên lý hoạt động rõ nét theo hướng hài hòa vì mối lợi chung. Các công ty thành viên hiểu rõ ranh giới của mình đến đâu, dựa trên sản phẩm hay lĩnh vực kinh doanh gì như ABB hay trong trường hợp của Coca-Cola là ranh giới địa lý. Quyền lực giữa các công ty thành viên với nhau và cả với trung ương được giữ cho cân bằng nên không có tình trạng đơn vị này lấn át đơn vị kia. Các công ty thành viên có độc lập tự chủ nhưng không vi phạm nguyên tắc hoạt động chung của công ty mẹ.
Mô hình này cũng có những hạn chế nhất định nhất là khi tình hình khủng hoảng tài chính, nhiều lúc cần có một sự tập trung quyền lực lớn ở cơ quan đầu não. Điều này đòi hỏi rất nhiều về vai trò của các nhà lãnh đạo. Lãnh đạo ở cơ quan đầu não của tập đoàn không thể lãnh đạo theo kiểu họ là tướng và lãnh đạo các công ty thành viên là quân. Lãnh đạo của tập đoàn là lãnh đạo của lãnh đạo. Vì thế lãnh đạo tập đoàn không thể là người duy nhất ra các quyết định quản lý cho toàn hệ thống. Họ cần tạo ra một môi trường trong đó các lãnh đạo của công ty thành viên cũng góp phần có tiếng nói trong việc ra quyết định. Một môi trường trong đó tất cả các lãnh đạo thành viên đều được trao quyền lãnh đạo. Lúc đó, lãnh đạo cơ quan đầu não của tập đoàn là những người tạo ra công việc từ câu hỏi Tại sao và Việc gì, còn các lãnh đạo công ty thành viên là người trả lời câu hỏi Làm như thế nào?
No comments:
Post a Comment