Sunday, August 16, 2009
Chuyện ngày hè của tôi
Mùa hè đối với nhiều người ở sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, thường là một chuyến đi chơi xa tận miền biển Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc hay lên cao nguyên hưởng thụ cảnh quan thiên nhiên xanh tươi trong bầu không khí mát mẻ. Người có nhiều tiền hơn có thể làm một chuyến ra nước ngoài, sang tận Mỹ, Úc hay châu Âu. Với những người nhập cư như tôi, mùa hè thường lại ít đi xa vì có khá nhiều bạn bè từ miền Trung, hay cao nguyên hẹn ngày tái ngộ.
Hè năm ngoái tôi gặp Lành, một bạn học thời phổ thông ở Huế. Thật ngạc nhiên, Lành cho biết đây là lần đầu tiên bạn ấy đến thành phố này. Nghe nói thế, tôi đã tập hợp bạn bè cùng học với Lành hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh họp mặt cùng ôn nghèo kể khổ. Đức Minh, một bạn cùng lớp, lên kế hoạch gặp lại Lành ở Huế. Anh Thu, cựu lớp trưởng còn dặn dò tôi, "Tao là dân kinh doanh nên bận rộn lắm. Mày đưa cô ta đi siêu thị mua chút quà trước khi về quê nhé."
Bẵng đi mấy tháng liền không gặp, một hôm Minh gọi điện cho tôi tâm sự. "Lần sau về Huế tao sẽ không gặp cô Lành nữa đâu. Ở Sài Gòn này mình thoải mái gặp nhau như thế, nhưng khi về Huế tao gọi Lành, cô ta lánh mặt. Tức quá tao đến nhà cô tìm hiểu mới tá hỏa ra là thằng chồng nó ghen, gã không muốn cô ấy sinh hoạt bạn bè gì hết."
Nghe Minh nói thế tôi cũng hơi ớn, nhưng cuối cùng quyết định gọi điện hỏi Lành cho ra lẽ. Lành đã khóc và bộc bạch, "Vào Sài Gòn, thấy các bạn sinh hoạt mình cứ tưởng như sống lại thời son trẻ. Nghĩ lại bao nhiêu năm sống trong cảnh kinh tế khó khăn, lại bị chồng cấm đoán gặp gỡ bạn bè mình tủi hổ quá."
Tết vừa qua cả tôi và Minh cùng trở về Huế. Chúng tôi họp mặt bạn bè nhân ngày giỗ đầu của mẹ tôi. Lần này Lành có mặt. Minh hỏi đùa, "Ủa ly dị rồi hả?" Tôi chưa kịp ngăn Minh lại thì Lành đã vui vẻ đáp trả, "Cũng gần như thế! Mẹ con mình đã bàn bạc và cùng thành lập liên minh đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Anh ta bắt đầu xuống nước. Mình cảm ơn các bạn đã truyền cho mình sức mạnh ấy."
Hè năm nay tôi tiếp mẹ con Thi, bạn cùng lớp hồi đại học. Thi hiện là giáo viên cấp ba ở một huyện miền núi ở Quảng Nam. Cô ấy vào thành phố vài hôm rồi cùng con gái theo học đại học trở về miền Trung. Thi đến thăm gia đình tôi, cô ấy vui vẻ hoạt bát như hồi sinh viên. Vẫn giọng ca thánh thót, cô ấy hát karaoke gia đình say sưa, trò chuyện mãi khuya mới về.
Từ lần gặp đó đến nay, tôi hay nhận tin nhắn của Thi. Khi thì vài lời tiếng Pháp, khi thì vài dòng tiếng Việt. Sáng nay, Thi nhắn tin, cơn hen trở lại hành hạ cô ấy. Số là Thi bị hen thời còn đi học. Nhớ lại cảnh Thi lên cơn hen hồi còn học chung ở Huế tôi rất thông cảm bèn nhắn tin bảo cô ấy nên chuyển vào Nam sống để giảm bớt hen do thời tiết trong Nam ít biến động. Không ngờ cô ấy lại than thở về lực cản rất lớn đó chính là người chồng của mình. Thi cho biết sẽ không dám làm bất cứ điều gì thay đổi để cho cô con gái duy nhất yên tâm học xong đại học. Cô ấy viết, "Vì đứa con gái yêu, mình đã chịu đựng sống với người chồng vũ phu hai mươi năm rồi." Tôi gọi điện cho Thu Hà, bạn thân của Thi đề hỏi về hoàn cảnh của cô ấy. Hà xác nhận nỗi đau của Thi. Người chồng của cô trẻ hơn Thi vài tuổi. Anh ta cũng là giáo viên. Bình thường tính tình hòa nhã, nhưng sau khi uống rượu, anh ta trở nên hung dữ, đối xử thô bạo với Thi.
Người phụ nữ thứ ba tôi có dịp gặp gỡ mùa hè này chính là Thu Hà, bạn của Thi. Hà là một kỹ sư làm công tác quản lý thí nghiệm vật liệu xây dựng trong 28 năm liền. Từ khi công ty cổ phần hóa, Hà kiên trì đấu tranh kiểu làm ăn chân trong chân ngoài của một vài kỹ sư lãnh đạo trong doanh nghiệp của mình. Thêm vào đó, không chịu nỗi cảnh một số cán bộ trẻ do mình đào tạo bỏ ra ngoài mở phòng thí nghiệm cạnh tranh với cơ quan cũ, làm ăn dối trá, Hà xin nghỉ vì lý do sức khỏe để về Sài Gòn làm việc, tiếp sức cho hai con đang theo học đại học.
Dù đã sắp xếp công việc tiếp ở thành phố Hồ Chí Minh gần một năm, hôm qua, sau khi đi làm được mười ngày, Hà gọi điện báo tin muốn nghỉ việc. Hà cho biết, công ty cô đang công tác dự định cho một nhân viên năng động nghỉ vì lý do nghi ngờ về việc mất mát vật tư ở bộ phận của cô ấy. Quyết định đã được trưởng phòng tổ chức chuẩn bị và giám đốc cũng đã ký nhưng chờ công bố vào ngày hôm sau. Sáng hôm đó, Hà có được bằng chứng không hề có sự mất mát vật tư mà do cán bộ kiểm thiếu. Cô đã khóc và gặp lãnh đạo để can ngăn nhưng sau đó lại bị trưởng phòng tổ chức khó chịu vì cho rằng công việc của anh ta bị người khác can thiệp.
Những câu chuyện đời thường thế này xãy ra với những người phụ nữ coó học, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Còn bao nhiêu câu chuyện tương tự như thế ở trong tầng lớp phụ nữ ít học và đang sống ở nông thôn tôi và bạn còn chưa hay biết?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment