Tôi chuyển về sống ở TP. HCM giữa
năm 1997. Sau khi tìm được việc làm, mỗi cuối tuần tôi đều chạy xe máy kiếm nhà
để mua nhằm đưa vợ con từ Nha Trang vào chung sống. Do số tiền dành dụm không lớn,
địa điểm tìm kiếm căn nhà có thể mua cứ xa dần khu trung tâm. Cuối cùng, tôi mua
được một căn nhà cấp 4 của một thương binh bán lại qua tay một môi giới ở Tân
Sơn Nhì. Căn nhà vỏn vẹn 36 mét vuông, nhưng bên cạnh còn một khoảng đất trống
sát đường hẽm. Nghĩ rằng khu đất nhỏ nhưng nằm ngay ngã ba, có 2 mặt tiền nên sẽ
thông thoáng, và với sự tư vấn về giá cả của một trùm địa ốc ở cơ quan, việc
mua bán được quyết định chỉ sau 1 lần đàm phán.
Tôi dọn về ở trong căn nhà mới mua từ đầu năm 1998. Phát hiện đầu tiên của tôi là căn nhà rất thấp, phần hông của nó quay về hướng Tây nên rất nóng. Hơn nữa, nền của nó thấp hơn mặt đường nên rất ẩm thấp. Vì vậy, tôi quyết định trồng cây để lấy bóng mát.
Ngày chủ nhật nọ, tôi đi bộ ra đầu hẽm, ghé tiệm bán hoa, cây cảnh để tìm mua loại cây mình cần. Chủ tiệm là một người trạc tuổi trung niên, dáng người có vẻ thầy giáo hơn so với lớp thương nhân từng trải. Với sự tư vấn của chủ hiệu, chúng tôi đã trồng một loại dây leo lá lớn, hoa màu tím không rõ tên. Chẳng bao lâu, dây leo phủ kín căn nhà đến nỗi ở ngoài nhìn vào chỉ thấy một màu xanh của lá. Chúng tôi ở dưới tàn lá đó 5 năm cho đến khi có đủ điều kiện để xây nhà mới.
Nhà xây xong, quay mặt về hướng Tây Bắc nên đầy ánh nắng vào buổi chiều. Tôi lại chạy ra tiệm bán cây cảnh của anh Tuấn để mua cây cảnh trang trí cho có màu xanh. Chợt thấy cây bàng nhỏ đang khô héo bên cạnh tường của tiệm, tôi hỏi mua, nhưng vợ chủ tiệm lại biếu không cho tôi mang về.
Tôi trồng cây bàng sát tường rào phía ngoài đường với hy vọng khi cây lớn lên sẽ che bóng mát cho cả mặt tiền căn nhà. Quả vậy, cây bàng lớn nhanh như thổi, thấm thoát nó đã trở thành chiếc dù che mát nhà tôi. Tôi còn nhớ một người bạn thân từ Nha Trang ghé thăm vẫn nhắc đến bóng mát của cây bàng sau lần hai đứa ngồi nhâm nhi vào một buổi chiều cách đây nhiều năm.
Môt ngày nọ, bỗng dưng Công ty Điện Lực chôn một trụ điện trung thế sát bên cây bàng. Không ngờ đó là tai họa cho cây bàng. Về sau này, mỗi năm cứ đến mùa mưa, công ty lại đến tỉa cành, cắt ngọn. Kì diệu thay, cây bàng nghiêng thân mình dần ra phía đường để né tránh dây điện. Không mọc thẳng được, tàn lá của nó vươn theo chiều ngang, che kín một khoảng đường trước nhà. Những ngày nắng gắt, tán bàng trở thành nơi nghỉ mát của những người bán hàng rong, thu mua phế liệu.
Thấy không gian mát mẽ, thoáng đãng một gia đình ở sâu trong hẽm xin nhờ làm chỗ đặt xe bánh mì vào mỗi sáng. Từ dạo ấy, rạng sáng nào tôi cũng nghe tiếng chổi quét lá quanh nhà. Tôi thầm nghĩ, quanh nhà mình luôn sạch sẽ là nhờ công quét lá của Chị bán bánh mì và cũng là do cây bàng.
Cách đây 2 năm, tôi bị bệnh nên chăm tập thể dục ở nhà mỗi sáng. Đứng trong cửa sổ nhìn ra tàn lá xanh tươi của cây bàng, tôi đã học được nhiều điều từ nó.
Những chiếc lá bàng màu xanh non mơn mỡn vươn lên đón ánh mặt trời, trong khi những chiếc lá đã già trĩu nặng, chúng tạo thành một lớp màu đậm hơn bên dưới. Mỗi ngày, những chiếc lá già nua liên tục đổi màu vàng và rụng xuống. Tôi liên tưởng đến đời người, khi chúng ta già đi thì phải lắng đọng, trải đường làm nền tảng, nhường bước cho lớp trẻ vươn lên.
Khác với cây bàng ở miền Bắc như trong truyện “Nhặt lá bàng” của Thạch Lam, cây bàng nhà tôi đơm hoa kết trái và thay lá quanh năm. Tôi nhận thấy, dù đứng yên một chỗ, cây bàng vẫn giải quyết được chuyện sinh tồn. Cứ một lần bị cưa, chặt cành, cây bàng xơ xác chỉ vài hôm. Sau đó, từng cành non mọc lên xanh tươi, hớn hở đón ánh mặt trời. Lá mọc đến đâu, hoa nở đến đó. Nhờ vậy, cây bàng quyến rũ nhiều lũ chim đến bắt sâu, hút mật. Từng trái bàng có màu xanh âm thầm lớn lên trong tàn lá. Chúng liên tục chuyển sang màu vàng khi chín. Lũ chim bay đến tìm quả chín để ăn. Những cơn gió mạnh cũng làm lá bàng rơi xuống mặt đường. Người phu quét rác gom lá bàng mang về bãi rác, hay những trận mưa xối xả mang mầm sống của giống bàng tái sinh ở đâu đó. Tạo hóa quả tuyệt vời!
Sáng hôm qua, lúc tờ mờ sáng, tôi đã nghe tiếng cười nói trước nhà. Một nhóm công nhân điện lực với xe chuyên dụng được lệnh đốn hạ cây bàng. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, cây bàng đã biến mất. Một lần nữa cây bàng lại dạy cho tôi một bài học cuộc sống. Rõ ràng, cây bàng không hề biết nó bị đốn hạ một ngày nào đó, nhưng ngày hôm qua khi còn tồn tại trên cõi đời nó vẫn đâm chồi, nỡ hoa, sản sinh những trái bàng tươi ngon hấp dẫn lũ chim, những chiếc lá ngả vàng thản nhiên rơi rụng sau khi làm hết trách nhiệm của mình.
Tôi tự hứa, từ nay cho đến cuối đời, tôi sẽ sống theo cách của cây bàng nhà tôi ngày hôm qua.
No comments:
Post a Comment