Xa thương
Mang quốc tịch Mỹ, trở về Việt Nam làm việc từ năm 1991, đến nay anh Nhân đã qua lại Mỹ không biết bao lần. Vừa rồi, theo phái đoàn Việt Nam sang Mỹ công tác, khi đến sân bay Los Angeles, thấy lô gô của Việt Nam Airlines song hàng với các hãng máy bay quốc tế khác, anh mừng quá, kéo cả đoàn đến nhìn. Hết sức ngạc nhiên, anh Nhân kể, trên mặt các thành viên trong đoàn không có một chút xúc cảm nào. Mấy ngày sau, trong một cuộc họp, vị trưởng đoàn, nửa thật nửa đùa, nói với toàn thể thành viên đoàn công tác, “Tôi thấy anh Nhân, còn yêu nước hơn cả chúng ta, là người mang quốc tịch Việt Nam và đang công tác trong một công ty hàng đầu của quốc gia.”
Anh Nhân kể thêm, hồi năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, gần 300 sinh viên Việt Nam biểu tình phản đối làm náo loạn cả trường đại học anh đang theo học ở Mỹ. May nhờ một vị quản lý cấp cao của trường can thiệp nếu không cả nhóm đã bị đuổi học. Năm 1991, khi Việt Nam Airlines còn vận hành các loại máy bay do Liên Xô cũ sản xuất, các chuyến bay từ Thái Lan về Việt Nam, khách quốc tế không chịu đi, họ cứ nằm lì ở Bangkok, chờ chuyến bay của các hãng khác mới bay. Sống chết có số, anh vẫn cứ về quê trên những chuyến bay đôi lúc chỉ có các tổ lái và vài hành khách.
Nhân tâm sự, không chỉ mình anh mới là người yêu quê hương. Câu chuyện trên đây chỉ là một trong vô số trường hợp minh chứng rằng khi đi xa, mỗi người chúng ta ai cũng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Rất nhiều người nỗ lực làm việc, học tập, vươn lên trong cộng đồng xứ người cũng vì lòng yêu quê hương, tha thiết đóng góp cho gia đình, lo tích cóp để về thăm quê hương khi có điều kiện. Nhiều người còn so sánh quê mình với xứ người rồi sinh lòng tự ái, quyết tâm vươn lên để không bị thua thiệt trên xứ người.
Gần thường
Chưa qua hết mấy ngày mồng của năm Nhâm Thìn, tôi đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại báo tin tai nạn của vợ một người bạn hồi đại hoc. Chị này đi lễ chùa, trên đường về, khi băng qua đường thì bị xe máy tông ngã lăn trên đường gây chấn thương sọ não. Rất ngạc nhiên, các cuộc điện thoại đến từ Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Quảng Trị, Nha Trang… không có cuộc điện thoại nào từ thành phố Đà Nẵng, nơi đang có nhiều người bạn của chúng tôi đang làm việc cùng với anh ấy.
Thấy tôi có vẻ trách các đồng liêu ở Đà Nẵng, một người bạn khác, đang công tác ở Lâm Đồng giải thích, “Có gì đâu, xa thương, gần thường, con người ta ai cũng thế mà.” Tôi giật mình nhìn lại. Quả thế thật! Lấy những ngày Tết làm ví dụ. Người người đổ xô đi lễ chùa, đi thăm các sếp, nhưng ít người bước sang nhà láng giềng thăm hỏi nhau. Bán bà con xa, mua láng giềng gần. Lời dạy của tiền nhân là thế nhưng ít ai nhận lấy.
Tệ “gần thường” còn xãy ra trong giáo dục, trong hành vi tiêu dùng. Các thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta được đào tạo ở các trường hàng đầu đôi khi không được lắng nghe, hoặc tuyển dụng với mức lương tương xứng chỉ vì là tóc đen, mắt nâu như đồng bào của họ. Nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng không thua kém hàng nhập của ngoại quốc vẫn bị bán thấp giá so với hàng ngoại. Liệu chúng ta có thể thay đổi thói thường này không nhỉ?
No comments:
Post a Comment