Một đại biểu khác là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty xây dựng lớn nhất nhì thành phố HCM cũng nêu ra những khó khăn của công ty ông trong việc tham gia đấu thầu và nhắc đến vai trò của hiệp hội. Ông cho biết, các công trình nhận thầu của công ty trước đây là những dự án quy mô lớn và đa phần là do chỉ định thầu nhờ vào uy tín thương hiệu. Tình hình cạnh tranh càng cao, các chủ đầu tư có nhiều lựa chọn. Kinh tế khó khăn chủ đầu tư lại quan tầm nhiều hơn đến giá cả trong việc chọn nhà thầu thi công. Công ty của ông hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn, với tỷ lệ thắng thầu chừng 10%, nghĩa là cứ 100 công trình đấu thầu, chỉ có chừng 10 công trình trúng thầu. Nếu công ty có 30 dự án đang thi công, đội ngũ phòng dự thầu đã phải tham gia đấu thầu tương đương 300 công trình. Khối lượng công việc làm hồ sơ dự thầu sẽ như núi, không thể có đủ nhân lực gồm kỹ sư, chuyên viên kinh tế xây dựng để tham gia. Hơn nữa, chi phí quản lý sẽ tăng và nếu chọn các dự án quy mô nhỏ để tham gia đấu thầu, công ty phải cạnh tranh với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành (hiệp hội). Vì thế, công ty của ông quyết định chuyển hướng sang mảng hạ tầng, công nghiệp vì quy mô những dự án này lớn nhưng việc làm hồ sơ dự thầu có thể đơn giản hơn mảng xây dựng dân dụng nhiều. Ông tâm sự, nhiều lúc ông định nhờ hiệp hội đứng ra tổ chức cho các nhà thầu tổng hợp trong nước cùng ngồi lại để bàn thảo kế sách đấu thầu, vì theo ông, “mấy ông nhà thầu trong nước đấu nhau, người sứt đầu, kẻ mẻ tráng. Rút cục, các dự án thi công lớn đều rơi vào tay nhà thầu ngoại quốc.”
Nhớ lại, trước đó, trong một lần làm việc với nhà tư vấn KPMG, ông John Ditty, tổng giám đốc KPMG có gợi ra một ý rất hay. Ông nói, khi kinh tế khó khăn, nhà thầu đứng trước rủi ro rất lớn trong việc thu hồi nợ từ các chủ đầu tư. Vì thế, nếu thông qua hiệp hội có thể cùng nhau thỏa thuận một mức tạm ứng cao hơn tỷ lệ thông thường. Như thế, vừa không vi phạm luật chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh mà còn bảo vệ được các nhà thầu khỏi nguy cơ thiếu vốn hoạt động khi chủ đầu tư chậm thanh toán có thể dẫn đến phá sản các nhà thầu xây dựng.Vai trò hiệp hội mỗi nước mỗi khác nhưng xét ra rất cần để tham gia. Chẳng hạn, tại hội nghị liên hiệp nhà thầu ASEAN (ACF), chủ tịch liên hiệp nhà thầu ASEAN và nguyên chủ tịch hiệp hội nhà thầu Philippines (PCA), Jorge Consunji chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng sức mạnh của hiệp hội. Ông cho biết, với quá trình hơn 50 năm kinh nghiệm, PCA đã tham vấn cho chính phủ điều kiện gia nhập WTO của Philippines rằng nhà thầu xây dựng các nước khác chỉ được đưa công nhân, kỹ sư vào tham gia dự án ở Philippines với điều kiện vốn của các dự án do quốc gia đó tài trợ. Đây là một điều kiện để hạn chế cạnh tranh không cân xứng khi nhà thầu trong nước yếu về vốn và Philippines là nước đông dân, cần bảo vệ công ăn việc làm cho người dân trong nước. Trái lại, tại hội nghị lần thứ 4 hiệp hội nhà thầu Malaysia ở Kuala Lumpur vừa qua, các nhà thầu nước này phàn nàn rằng các dự án thi công lớn đều lọt vào tay các nhà thầu Hàn Quốc, Nhật…nhờ giá thấp trong khi Malaysia vẫn rất cần tạo công việc làm cho lao động có kỹ năng.
Khi ôn lại những câu chuyện kể trên, tôi thật sự lo lắng cho các nhà thầu Việt Nam. Với lãi suất vay vốn trong nước cao ngất trời, nguồn vốn tự có chưa tích lũy đủ lớn, công nghệ thi công còn chưa làm chủ một cách chắc chắn, làm thế nào các nhà thầu nội có thể đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu quốc tế.
No comments:
Post a Comment