Sơn đang về thăm mạ đấy. Thời sinh viên của tụi con thiếu đói, thường ấm lòng bằng những nồi sắn luột, nải chuối chót ăn đêm. Sơn thường trả công bằng những bài hát làm vui lòng mạ như bài "Mẹ quê" của Phạm Duy, hay "Huyền thoại mẹ" của Trịnh Công Sơn.
Lâu không thấy bạn về nhà ngồi học đêm, mạ hay hỏi thăm Sơn. Con biết mạ thích có Sơn về để đàn hát cho vui nhà. Giọng Sơn đượm buồn, tiếng đàn guitar của Sơn trong vì cây đàn của Sơn đóng bằng gỗ trắc, một loại được coi là thiết mộc, sống ở vùng núi đá khô cằn. Có lẽ suốt bốn năm đại học, cây đàn là người bạn tri kỷ của Sơn để giải tỏa tâm sự buồn vì cảnh nghèo và đơn độc trong hoàn cảnh xã hội còn đang còn tìm kiếm những điểm chung sau nhiều năm đất nước bị chia cắt.
Một vài lần ra công tác Đà Nẵng con đều gặp Sơn. Có một lần Sơn theo con về nghỉ lại để tâm sự ở Khu nghỉ dưỡng SandyBeach gần Hội An. Nửa đêm, bảo vệ phát hiện và yêu cầu Sơn ra khỏi khu nghỉ dưỡng. Rất trầm tỉnh và không hề năn nỉ, Sơn lấy xe máy về nhà ở tận ngoài Cẩm Lệ. Hơn 1 giờ sáng, Sơn gọi điện báo tin đã về đến nhà an toàn.
Cuộc sống khép kín của Sơn thời sinh viên khiến Sơn hầu như không thân với một ai trong lớp. Sau ngày ra trường, là dân Huế nhưng dạy học ở Quảng Nam - Đà Nẵng và nhất là khi Sơn đã phấn đấu trở thành một hiệu phó chuyên môn ở một trường cấp 3 tọa lạc tại một nơi đất chật nhiều nhân tài, khiến Sơn chịu áp lực cạnh tranh công việc không nhỏ. Qua nhiều lần tiếp xúc với Sơn,con có cảm nhận cho dù có vợ, con, học trò, đồng nghiệp nhưng Sơn rất cô đơn. Với Sơn, có lẽ, quá khứ, hiện tại, chỉ có những đứa bạn thưở hàn vi mới chia sẻ được.
Hè năm trước Sơn vào Sài Gòn thăm. Hai đứa đi uống cà phê nghe nhạc. Sơn ngủ lại đêm và ngủ rất ngắn. Sáng sớm đã chào từ biệt để đi thăm mạ và cô em đang tu ở chùa Cần Đước. Thấy màu da của Sơn đen xám, da mặt sần sùi, hút thuốc liên tục, con đã linh cảm chuyện bất thường sẽ xảy ra cho Sơn.
Sáng thứ Tư nhận tin nhắn, "Đinh Văn Sơn đã mất, thứ sáu đưa tang." Đúng lần kỷ niệm ba mươi năm ngày ra trường thì Sơn rời bỏ cuộc đời. Trước khi mất, Sơn vẫn tin rằng mình vẫn vượt qua được, mặc dù giọng nói của Sơn qua trò chuyện điện thoại di động nghe rất yếu. Con vẫn tin thế vì tin ở tài năng của các bác sỹ Khoa tim mạch ở Bệnh viện Huế. Ngoài ra, người ta nói kẻ đã chết sống lại thì sẽ sống rất lâu. Số là Sơn đã chết và được Bệnh viện Đà Nẵng trả về. Về đến nhà Sơn tỉnh lại và được đưa về Bệnh viện Huế. Nhưng đang chờ giải phẩu tim, Sơn đã về thăm mạ.
Tối nay, ngồi viết những dòng kỷ niệm này, con lấy máy điện thoại di động bấm vào danh bạ Sơn Hòa Vang. Một giọng nữ vang lên, "Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau." Cô ấy đâu biết, ngày mai Sơn về thăm mạ. Chắc chắn Sơn sẽ mang theo cây đàn guitar để hát cho mạ nghe và để giải tỏa nỗi cô đơn một đời nơi trần thế.
No comments:
Post a Comment