Monday, March 28, 2011

Hiểu về tự do

Câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do.” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành quen thuộc trong người Việt chúng ta.


Để có được độc lập và tự do về bờ cõi, dân tộc Việt Nam đã hy sinh xương máu của bao thế hệ kể từ khi lập quốc thời Đinh, Ngô, Lý, Trần cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên để có được một xã hội tự do, trong đó, con người lễ độ, liêm khiết, trung trực, trọng công ích, danh dự, tín nghĩa, như hành xử của công dân Nhật như trong các tuần vừa qua trước thảm họa động đất, sóng thần và hư hại lò phản ứng các nhà máy điện hạt nhân, người Việt chúng ta cần phải hiểu thêm mấy chữ “tự” nữa rồi mới hiểu vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, "Không có gì quý hơn độc lập, tự do."


Trước hết, tinh thần chủ động sáng tạo chỉ có được khi một cá thể đạt được một trình độ hiểu biết nhất định về công việc mình làm, hoặc có ý thức đầy đủ về hậu quả do hành vi của mình gây ra, để biết cách kiềm chế bản thân trước những cám dỗ, hay biết chấp nhận những quan điểm, ý kiến khác biệt của các thành viên trong xã hội.  Trong một tập thể, để có được tinh thần tự chủ, các thành viên của tập thể phải trải qua một quá trình tiến hóa, trong đó, hiểu lầm, tranh cãi, thậm chí xung đột để rồi đi đến những điểm chung là điều không thể tránh khỏi. Đi qua các giai đoạn phát triển đòi hỏi mỗi thành viên phải quan sát, học hỏi tiếp thu cái mới để hành xử khi tương tác trong cộng đồng.  Để đạt đến mức độ tự giác cao của các thành viên trong xã hội, người Nhật đã tích cực học hỏi, tiếp cận văn minh phương Tây với quá trình phát triển hàng trăm năm. Phương pháp làm việc có hệ thống Taylor, cách kiểm soát chất lượng theo thống kê của Deming đã được ứng dụng rất sớm ở Nhật.
Tự chủ là nền tảng có thể tiến đến đích tự do, nhưng để có được năng lực này, mỗi cá thể trong xã hội phải có được sự tự tin. Nhà kinh doanh trên thương trường phải nắm vững ngành nghề kinh doanh của mình mới tự tin hành động. Ở thương trường quốc tế, không những phải nắm vững chuyên môn ngành nghề của mình mà cả luật lệ, ngoại ngữ, doanh nhân mới có được tự tin vươn ra biển lớn. Công nhân nắm vững chuyên môn sẽ có được tự tin trong công việc ở nhà máy. Nông dân có kiến thức về thị trường sẽ tự tin trong sản xuất mùa vụ thích hợp, sinh lợi cao. Học sinh hiểu bài sẽ có được tự tin trong việc trình bày lại cho bạn bè, thầy cô kiến thức của mình. Người lính được huấn luyện kỹ trong thao trường sẽ có đủ bản lĩnh, tự tin trong chiến đấu. Như vậy, để có được tự tin, mọi người cần phải học và nắm vững điều mình còn thiếu và/hoặc khao khát được biết.


Tự tin vẫn chưa đủ giúp chúng ta thu phục người khác nếu thiếu lòng tự trọng. Không có lòng tự trọng có thể dẫn đến hành vi xấu gây tổn thương nhân cách của chính mình và cộng đồng. Trước đây đã có nhiều lần báo chí trong nước đưa tin một vài du khách Việt Nam khi đi ra nước ngoài do không thoát khỏi cám dỗ đã lấy cắp hàng hóa bày bán trong siêu thị, để rồi bị quay phim và lập biên bản, quy kết tội ăn cắp. Người đi ăn tiệc tự chọn dù chưa quen nhưng có tự trọng sẽ không chen lấn hoạc lấy quá nhiều thức ăn để rồi bỏ dỡ vì không thể ăn hết. Ở trường đại học bên Mỹ, sinh viên với lòng tự trọng sẽ sử dụng giấy in, bút chì… có chừng mực cho dù chúng luôn được để sẵn ở thư viện hay phòng lab. Thực ra, chi phí hành chính đã được thống kê và kiểm tra ở trong một mức độ cho phép. Nếu sinh viên thiếu lòng tự trọng đến một mức nào đó, chắc chắn nhà trường sẽ có cách xử lý khác. Người có lòng tự trọng sẽ không ăn cắp văn, ý tưởng của người khác, biến chúng thành của mình…sinh viên, học sinh với lòng tự trọng sẽ không quay cóp hoặc nhờ xin sự giúp đỡ của người khác. Lòng tự trọng cũng sẽ giúp cho chúng ta không khúm núm hay khiếp sợ trước quyền uy, sự giàu sang của người khác. Người viết bài này còn nhớ, nguyên đại sứ Mỹ ở Hà Nội một lần đã chỉnh cách dùng từ của một nhân viên Việt Nam khi anh này xum xoe, khoe rằng anh ta đã từng làm việc cho người tiền nhiệm của ông. Ông Đại sứ nói, “Anh nên nói, anh đã làm việc với tiền nhiệm của tôi chứ không phải làm việc cho ông ấy.”


Những câu chuyện về hành xử của công dân Nhật trong cơn thảm họa vừa qua, có thể cho thấy rằng, người Nhật không tham của rơi là do họ có được lòng tự trọng. Không kêu than, ta thán, bỏ cuộc trong nỗ lực phục hồi đất nước sau thảm họa là đức tính tự tin và bình tĩnh trước mọi khó khăn gian khổ, không có hành vi gây mất trật tự an ninh xã hội là tinh thần tự chủ. Nếu những bản sắc văn hóa tốt đẹp đó có nền tảng từ triết lý Khổng giáo và tinh thần võ sĩ đạo, chúng ta nên học hỏi và đưa vào môn học giáo dục công dân trong hệ thống trường học của nước mình.

1 comment:

  1. Cháu thấy thật phục người Nhật bác ạ!

    Sau khủng hoảng họ vẫn cư xử văn hóa, không bán tăng giá mà ngược lại bán giảm giá và miễn phí nhu yếu phẩm :) điều mà nhiều quốc gia như Chile, Haiti, New Zealand hay cường quốc như Anh, Mỹ đều không có được khi xảy ra tai họa những năm gần đây.

    Đó là thành quả của việc tôn trọng các giá trị truyền thống trải qua nhiều thế hệ mà người dân và chính phủ Nhật xây dựng.

    Nhìn về nước mình khi có thiên tai, đặc biệt là miền Trung và Huế thì đồng bào cả nước mình đều phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, mình vẫn phải học tập Nhật như những điều trên mà bác nói :)

    Một lần nữa cháu được đọc 4 CHỮ TỰ mà thanh niên phải có :) Cảm ơn bài học của bác :)

    ReplyDelete