Sunday, June 28, 2009

Xây dựng thái độ làm du lịch

Trong việc phát triển kinh tế của các địa phương theo hướng lấy du lịch làm mũi nhọn, một khía cạnh quan trọng cần chú ý, đó là xây dựng thái độ của người dân khi tham gia hoạt động du lịch. Theo kinh tế học hành vi, con người thường sẽ hành động ngay khi cảm thấy lo sợ mất mát một điều gì đó. Nếu không, họ sẽ bình chân như vại, thậm chí, sẽ có thái độ chủ quan, coi thường rủi ro. Đưa nguyên lý kinh tế này vào trong bối cảnh phát triển ở các thành phố, tỉnh có thế mạnh về du lịch ở miền Trung, theo tôi, các nhà lãnh đạo địa phương cần phải làm sao chỉ cho người dân thấy nguy cơ tụt hậu, thua kém các nơi khác để từ đó xây dựng thái độ thích hợp khi tham gia làm kinh tế du lịch ở địa phương. Cần phải thẳng thắn rằng đã có nhiều lời ta thán về hành vi đối xử với khách du lịch đến Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt và nhiều nơi khác ở nước ta, ngay cả Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, nhiều chị em tiểu thương, anh em đạp xích lô thường đưa giá dịch vụ cao hơn nếu nhận ra đối tượng là khách du lịch từ nơi khác đến qua quan sát cách ăn mặc hoặc giọng nói. Người viết bài này đã phải can thiệp với một công ty taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh đòi lại tiền “xin đểu” của một lái xe đối với một khách quốc tế trên đường từ Sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn New World năm ngoái. Khi về tham dự lễ hội Lăng Cô Huyền Thoại Biển, công bố Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp trên thế giới, người viết bài này đã tận mắt chứng kiến một cảnh đôi co giữa nhân viên khách sạn ở Lăng Cô với thực khách đến tham quan. Rất khôi hài khi quan sát sự việc xảy ra, thực khách phàn nàn công tác phục vụ của nhà hàng “RẤT CHẬM”, nhân viên phục vụ lại nghe nhầm là “RẤT CHUẨN”. Thay vì làm vui lòng khách hàng, nhân viên này lại tự cho rằng công tác dịch vụ của nhà hàng nơi anh ta công tác là “CHUẨN” và không hề nhận lấy sai sót. Cũng tại buổi lễ này, nhà báo Chiến Hữu của Báo Thừa Thiên Huế cũng tận mắt chứng kiến, cảnh thực khách uống bia nhấm mực ống hấp bằng tay thay vì dùng đũa hoặc nĩa. Mặc dù, dịch vụ du lịch này tự phát và do người dân địa phương cung cấp. Tất nhiên, có người sẽ nói, những chuyện như thế xảy ra khắp nơi, đâu riêng gì ở một vài địa phương. Là một người có may mắn đi đến những xứ làm du lịch nổi tiếng, tôi khẳng định nhận xét này chưa đúng với những nơi coi du lịch là mủi nhọn kinh tế. Không cần đi đâu xa, chỉ đến thăm Hội An, bạn sẽ nhận ra điều này. Người dân Hội An rất vô tư khi mua bán, đối xử với khách du lịch, nếu không muốn nói là có thái độ đứng về phía khách du lịch mỗi khi giao dịch. Người dân ở các thành phố du lịch như Bangkok, ở Thái Lan, San Francisco hay Boston ở Mỹ… những nơi tôi đã đi qua, đều quan sát họ rất niềm nở chỉ dẫn tận tình cho khách du lịch mỗi khi cần thiết. Một vấn đề cần nữa cần nêu ra và theo tôi cần phải xây dựng thái độ tích cực hơn, đó là thái độ không chịu trách nhiệm về những vấn đề văn hóa xã hội ở chính nơi mình sống. Antoine de Saint Exupéry, một văn sĩ kiêm phi công người Pháp, trong cuốn “Bay đêm” đã viết, “Là con người, chúng ta phải sống có trách nhiệm. Ngay cả những vấn đề đôi khi không phải tự mình gây ra.” Nhiều người đang sống ở chính quê hương mình lại cho rằng “người ở đâu đến” gây ra, chứ dân xứ tôi không có những hành vi như thế. Theo tôi, thái độ này cần phải thay đổi theo chiều hướng tích cực, nếu không, những nỗ lực nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của các địa phương bị phản tác dụng, chưa nói đến là “công dã tràng xe cát”. Hãy thử tưởng tượng, chính quyền và một số cơ quan du lịch, văn hóa ra sức tổ chức các sự kiện theo hướng đề cao, tôn vinh nét đẹp truyền thống của quê mình để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, khi đến nơi và tiếp xúc với người dân địa phương, khách du lịch gặp phải thái độ đối xử khác với những gì họ kỳ vọng, ngành du lịch sẽ mất mát to lớn vô cùng. Xin mượn lời vị giám đốc công ty Yamato, Nhật Bản khi nói về việc xây dựng thái độ của công dân Nhật sau Thế chiến Thứ hai để kết luận cho ý kiến này. Ông nói, “Khi chiến tranh kết thúc, tôi mới hai tuổi. Khi lớn lên và đi học ở trường, chúng tôi luôn luôn được thầy cô nhắc nhỡ, tiền xây cất trường học, bệnh viện, đường giao thông…hiện nay, là do chúng ta vay mượn của ngân hàng thế giới. Khi lớn lên, các em có trách nhiệm phải trả lại.” “Nhờ có ý thức này, nước Nhật mới có ngày hôm nay” Ông kết luận.

No comments:

Post a Comment