Sunday, April 20, 2008
Quỹ đầu tư mạo hiểm - Venture Capital
Lịch sử kinh doanh ở Mỹ đã chứng minh, ngành quỹ đầu tư mạo hiểm là một phương thức hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế. Để thu hút vốn vào doanh nghiệp, bạn cần phải hiểu đúng về ngành quỹ đầu tư. Trước tiên, cần phân biệt giữa câu chuyện mơ mộng và hiện thực về nó.
Quỹ đầu tư mạo hiểm, nói gọn là quỹ, là một nguồn tài trợ giúp doanh nghiệp có thể phát triển bằng cách góp vốn để triển khai ý tưởng của doanh nhân mới dựng nghiệp, nhưng không có tài sản đủ lớn để thế chấp vay ngân hàng. Nguồn tiền này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng trưởng một cách nhanh chóng về quy mô cũng như uy tín. Sau một thời gian, quỹ thu hồi vốn bằng cách bán lại cổ phần cho một công ty hoặc đưa công ty chứng khoán vào để đấu giá, phát hành chứng khoán ra công chúng.
Chúng ta hay nghe nói về vai trò thần kỳ của quỹ đầu tư mạo hiểm và sự phát triển của Thung Lũng Silicon bên Mỹ. Chẳng hạn, một doanh nhân nào đó mới dựng nghiệp, anh ta cũng giống như những người đi tìm vàng thời kỳ khám phá miền Viễn Tây nước Mỹ, đi vào một công việc kinh doanh mạo hiểm, đầy hứa hẹn nhưng thiếu vốn. Nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng, nhảy vào giúp người anh hùng dựng nên nghiệp lớn – tất nhiên là cũng thu về phần lợi của mình. Thực tế không hề lãng mạn như vậy!
Hãy nhìn vào Digital Equipment Corporation, Apple, Federal Express, Compaq, Sun Microsystems, Intel, Genentech và cả Microsoft… sẽ rõ, những nhà dựng nghiệp bên Mỹ ngày nay phần lớn là những nhà phát minh, những kỹ sư giỏi, họ đầu tư kiến thức và kinh nghiệm điều hành cũng giá trị không kém gì vốn của mình. Còn các nhà đầu tư mạo hiểm cũng không khác gì người trong ngành ngân hàng, tiền bạc đổ vào những doanh nghiệp phần lớn là những nơi làm ăn bài bản và có ý thức phát triển lâu dài, đi theo hướng ngày một chuyên nghiệp hơn.
Khác với những điều nhiều người tin tưởng như ở câu chuyện tìm vàng kể trên, quỹ đầu tư mạo hiểm đóng một vai trò nhỏ bé trong việc tài trợ cho sự đổi mới. Theo giám đốc công ty Beta Group, 10 tỷ đô la các công ty mạo hiểm đầu tư trong năm 1997, chỉ có 6% đưa vào các công ty mới sáng lập, ít hơn 1 tỷ đô la được đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Vậy phần chính số vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm đi vào đâu? Theo ông, vốn được bơm vào theo sau các dự án do chính phủ chủ trương nhưng chi phí đầu tư vượt quá trù và đưa vào các công ty đã khá vững vàng. Nghĩa là vốn đầu tư mạo hiểm thường đi vào giai đoạn hai trong chu kỳ sống của doanh nghiệp, lúc doanh nghiệp đã khá đủ lông đủ cánh và có thể đưa ra chào hàng ở chợ. Theo tính toán, 80% vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm là để tạo ra cơ sở hạ tầng giúp doanh nghiệp trang trải chi phí đầu tư lấy đà để tăng trưởng (chi phí sản xuất, tiếp thị, bán hàng) cũng như tài trợ để tăng giá trị tài sản cố định và vốn lưu động). Tiền bạc của quỹ đầu tư mạo hiểm không phải là vốn dài hạn. Việc bơm vốn vào là để cải thiện bảng cân đối tài sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ lớn về quy mô và đủ độ tin cậy để bán lại phần hùn cho một công ty hoặc chuyển vốn cho công chúng bằng cách đưa nó lên thị trường chứng khoán. Nói gọn, các quỹ đầu tư mạo hiểm đưa vốn vào doanh nghiệp, nuôi dưỡng trong một thời gian ngắn (khoảng 7 đến 10 năm) và rồi rút ra với sự giúp đỡ của các công ty chứng khoán hay các ngân hàng đầu tư.
Các quỹ đầu tư đi vào thị trường hẹp, nhưng rất cần thiết cho doanh nghiệp bởi vì nhiều doanh nhân, sinh viên có ý tưởng hay phát minh nhưng không có cơ hội để chào bán. Ở nước ta, quy định vay vốn của ngân hàng mặc dù đã có cho vay tín chấp, nhưng đâu có ngân hàng nào cho vay để thành lập doanh nghiệp mới? Ngân hàng thường cho vay để mở rộng quy mô sản xuất và bên đi vay phải thế chấp tài sản để đãm bảo an toàn khoản vay cho ngân hàng. Ngoài ra, mặc dầu gần đây, Ủy ban Chứng khoán đã hạ thấp mức vốn đòi hỏi để cho công ty được phép niêm yết là 10 tỷ, nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm công ty Việt Nam có đủ số vốn ấy? Về phía doanh nghiệp, tuy vốn là rất cần thiết nhưng vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là khi có vốn đầu tư, liệu họ có đủ sức tạo ra một lợi tức cao thỏa mãn yêu cầu của nhà đầu tư mạo hiểm không? Theo kinh nghiệm của các quỹ đầu tư ở Mỹ, lợi suất mong đợi của các quỹ đầu tư tính cho một chu kỳ đầu tư vào khoảng 25-35%/năm.
Sở dĩ đòi hỏi cao như thế vì các quỹ đầu tư nhận lại vốn từ các tổ chức tài chính khổng lồ như quỹ hưu trí do nhà nước quản lý, công ty bảo hiểm, các quỹ hiến tặng, các quỹ đầu tư giáo dục của trường đại học, các quỹ do công ty, cá nhân giàu có, các nhà đầu tư ngoại quốc và chính bản thân các quỹ góp vào. Với mức lợi suất mong đợi cao như thế, các quỹ đầu tư cũng rất bị áp lực trong việc thỏa mãn đòi hỏi của cổ đông trong điều kiện rủi ro có thể chấp nhận được. Đó là lý do các quỹ không phải chú trọng đầu tư vào nơi có người tốt và ý tưởng tốt mà thực tế, đưa vốn vào ngành nào họ đánh giá là tốt. Ngành tốt là ngành có mức tăng trưởng cao nhưng chưa bị cạnh tranh nóng bỏng trên thị trường. Vì thế, quan sát thời kỳ 1980 ở Mỹ, các quỹ đầu tư bơm khoảng 20% vốn vào ngành năng lượng. Còn thời kỳ 1990, các quỹ đầu tư đưa vốn vào các công ty Internet khoảng 25%. Gần đây, họ chuyển sang công nghệ sinh học, dược phẩm và di truyền học. Tuy chưa có số liệu thống kê, nhưng quan sát ở Việt Nam vừa qua, ngành thu hút sự quan tâm của các quỹ là xây dựng, địa ốc, ngân hàng, chế biến gỗ… Trong quá khứ ở nước ta đã có một thời kỳ các quỹ tên tuổi cũng phải rút lui bằng cách sang tay cho quỹ khác vì không thể tất toán vốn khi đến hạn (chưa có thị trường chứng khoán), cũng như không thu được lãi như mong đợi. Tuy thế, một vài quỹ kiên trì bám trụ đã thu được lợi nhuận khổng lồ. Mặc khác, do các quỹ phần lớn đầu tư vào các ngành tăng trưởng cao, nhưng doanh nghiệp ở trong các ngành này thường là doanh nghiệp trẻ, thành công của doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác ngoài chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Đây là lý do thứ hai để đề cập đến chất lượng đội ngũ quản lý doanh nghiệp kinh doanh trong một ngành hấp dẫn đối các quỹ. Dưới đây là một vài tiêu chí về nhân sự quản lý khiến các quỹ muốn đầu tư vốn.
ü Bản thân doanh nhân là người hiểu biết sâu về ngành nghề
ü Câu chuyện dựng nghiệp của doanh nhân hấp dẫn và có thể trình bày một cách thuyết phục với nhà đầu tư (cả hai, bản thân câu chuyện dưng nghiệp và người kể chuyện đều rất thuyết phục)
ü Có uy tín và có thể cung cấp thông tin tham khảo để chứng tỏ tài năng và trình độ chuyên môn
ü Làm việc với quyết tâm theo đuổi mục tiêu cao nhưng có sự linh hoạt khi cần thiết
ü Có ý thức làm việc trên tinh thần đồng đội (vì như thế mới chấp nhận người của quỹ gia nhập vào hội đồng quản trị và thu hút những người có kỹ năng khác nhau cùng làm việc)
ü Thân thiện với các nhóm đầu tư
ü Hiểu hoàn cảnh và cách thức vận hành trên thị trường vốn của các quỹ
ü Bản thân nhà doanh nghiệp hiểu sự cần thiết đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đến thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng để quỹ có thể rút vốn
ü Được nhiều quỹ để mắt đến
Doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện trên sẽ có nhiều lợi thế khi đàm phán với các quỹ. Trong hoàn cảnh đó, doanh nhân cũng nên cân nhắc để chọn được ý trung nhân cho mình. Dưới đây là một số gợi ý,
ü Quỹ muốn tham gia vốn sẽ cử ai là người đại diện vào công ty, vị trí của thành viên quản trị này ở quỹ là gì?
ü Quỹ hiện đã tham gia vào bao nhiêu hội đồng quản trị?
ü Quỹ có tham gia viết và tài trợ đề án cho chính mình thành công không?
ü Nếu vì hoàn cảnh nào đó, quỹ có thể tham gia điều hành trực tiếp hoặc cung cấp kinh nghiệm kỹ thuật cho ngành muốn tham gia vốn không?
ü Uy tín của quỹ như thế nào khi tham gia vốn với các doanh nghiệp nhưng không thành công trong quá khứ?
Sở dĩ cả hai đều phải thận trọng tìm hiểu lẫn nhau là do sự thành công hay thất bại của họ đều gây ảnh hưởng đến người thứ ba, là các nhà đầu tư vào quỹ. Vì thế, doanh nghiệp nhận được vốn đều phải đi kèm điều kiện bảo vệ nhà đầu tư. Chẳng hạn, quyền đòi hỏi phần vốn đã đầu tư vào tài sản, công nghệ, các điều kiện quy đổi vốn thành nợ cho đến khi quỹ rút được vốn ra khỏi doanh nghiệp, hoặc nợ chuyển thành vốn khi phát hành chứng khoán ra công chúng, hoặc quyền bầu cử không căn cứ vào tỷ lệ vốn, liên quan đến việc bán công ty hay chọn thời điểm phát hành lần đầu… Những điều kiện nói trên có vẻ đặt ra cho doanh nghiệp nhiều bất lợi, nhưng ngày càng có nhiều người gửi đề án gọi vốn hơn tỉ lệ thực sự nhận được tài trợ từ các quỹ (Ở Mỹ vào khoảng 1/10). Cũng dễ hiểu, vì khi đã có đủ trình độ kỹ thuật và kỹ năng quản lý vững vàng từ các trường đại học, lớp thanh niên trẻ ở Mỹ khá tự tin để khởi nghiệp với tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu thắng, phần thưởng kinh tế sẽ vô cùng to lớn. Nếu thua cũng không sao, vì khác với các công ty ở Châu Á và Châu Âu, công ty Mỹ ít khi cho là nỗi nhục nhã nếu thành viên của nó nỗ lực và thất bại khi bỏ ra ngoài để thành lập một xí nghiệp mới. Ra đi và trở về đối với các công ty Mỹ đều đáng được tưởng thưởng. Steve Jobs của công ty máy tính Apple là một ví dụ điển hình.
Bài viết dừng lại với câu hỏi, trong bối cảnh thuận lợi của nước nhà, nền kinh tế có nhiều ngành có mức tăng trường hấp dẫn nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm như hiện nay, ngành giáo dục đại học Việt Nam cần phải làm gì để cho ra đời những cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ chuyên môn vững chắc để giúp họ tự tin dựng nghiệp từ kiến thức nền tảng của mình? Doanh nhân Việt Nam cần chuẩn bị gì để có thể thu hút vốn của các quỹ?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment