Sunday, October 22, 2006

Talking about Vietnamese street culture

Văn hoá đường phố Kẹt xe, trước hết là vấn đề đau đầu của chính bạn, người tham gia giao thông nhiều hơn các cấp quản lý vì bạn là một người chạy xe máy dưới trời Sài gòn, Hà Nội, trong khi các sếp ngồi xe hơi máy lạnh có bộ lọc không khí. Bất cứ ai chạy xe máy như tôi mỗi ngày 30km trong không khí ngột ngạt khói bụi mới đồng cảm với nhận định này. Là nhân viên công sở, chúng ta lo trước tiên là vấn đề đãm bảo đi làm đúng giờ. Không ai muốn đi làm muộn để rồi bị đồng nghiệp và quản lý cơ quan đánh giá thấp thành quả lao động của mình vì sai lầm này. Kết quả là người tham gia giao thông chúng ta phải cộng thêm thời gian đi lại trên đường đi từ nhà đến công sở. Theo thống kê của chúng tôi, nhân viên ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội trung bình mất một giờ để đi lại trong ngày. Kế đến là vấn đề ô nhiễm vì khói bụi. Thật kinh khủng nếu không may bạn đi xe máy và bị kẹt xe mà không mang lấy một chiếc khẩu trang. Ô nhiễm không khí ở các nút giao thông trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành vấn nạn. Thêm vào đó, nếu bạn đi dưới ánh nắng thiêu đốt hay trong những cơn mưa vuốt mặt không kịp của Sài gòn mà không vừa chạy vừa tìm một khoảng trống hiếm hoi cho mình trên đường, quả bạn là một vị thánh hay là một con rô-bô. Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội đã đầu tư giải quyết một phần vấn nạn nầy bằng cách mở rộng đường phố và mua sắm thêm xe buýt kể cả xe buýt hai tầng. Tuy nhiên, đường hẹp, xe buýt thì to dềnh dàng và hiện đã quá tải. Thế nên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Các cấp chính quyền hiện đang tiếp tục gỡ khăn này bằng bài toán quy hoạch đô thị. Bây giờ bàn về vấn đề vấn đề văn hoá giao thông. Theo định nghĩa văn hoá là ý tưởng, là các hoạt động và cách hành xử đặc biệt của nhân dân trong một quốc gia hay một vùng. Nếu định nghĩa này là không thể tranh cãi, bạn là người tham gia giao thông, bạn sẽ đồng cảm rằng chúng ta vẫn có văn hoá đường phố đấy chứ! Là một người hay vừa đi vừa suy nghĩ, tôi rất hay được người đi đường nhắc nhỡ, chẳng hạn, “Đá chống lên anh ơi.” Hay “Tắt đèn xi-nhan đi chú ơi!” Trên tuyến quốc lộ, ở đâu cảnh sát giao thông xuất hiện là các tài xế ra dấu cho nhau để tránh nạn. Chúng ta trả lời việc lấn trái và vượt đèn đỏ của người đi đường hiện nay như thế nào? Theo tôi, vấn đề lấn trái là do chúng ta hành xử theo sự thuận tiện. Văn hoá nổi trội của chúng ta là văn hoá tập thể, gia đình. Chúng ta, đất chật người đông nên bất luận làm việc gì cũng sợ liên quan đến tập thể và người bên cạnh. Luật giao thông cấm lấn trái nhưng nếu không thấy cảnh sát và việc bạn lấn trái không ảnh hưởng đến người đi bên cạnh thì chẳng có việc gì phải lo! Hơn nữa, để di chuyển trong cơn nắng bụi mưa dầm của đường phố Sài gòn, Hà Nội mà không tìm cách di chuyển nhanh mới là chuyện lạ. Còn vấn đề vượt đèn đỏ? Rất nhiều lần quan sát tôi thấy người đi đường mỉm cười sung sướng vì “lỡ vượt đèn đỏ” mà không bị cảnh sát thổi. Người không vượt được đèn đỏ luôn cảm thấy tiếc, hoặc nếu được quẹo phải, người tham gia giao thông không ngần ngại leo lên lề để tranh thủ. Một nhà báo nhân kể chuyện tham gia giao thông còn kể một câu chuyện vui. Trong khu phố của anh có một bạn trẻ trộm gà và bị phát hiện. Họp khu phố anh ta bị phê bình và mọi người đều đồng thuận anh ta đã nêu gương xấu cho các bạn trẻ khác. Tuy nhiên, một giám đốc trẻ khác bị cơ quan thuế mời lên phạt cả trăm triệu vì khai gian thuế thì mọi người trong khu phố xuýt xoa thông cảm. Qua những lý giải trên, xin đề nghị thêm hai giải pháp nhằm giảm bớt thái độ thiếu tích cực của người tham gia giao thông. Trước hết, cảnh sát giao thông nên sử dụng phương pháp nhắc nhở, giáo dục trước và giam xe, phạt tiền sau. Điều này có lẽ chúng ta chưa làm được. Ở xứ ta, chưa thấy ai kể chuyện xem cảnh sát là người bạn đường! Ở các nước như Singapore, Mỹ sử dụng biện pháp phạt nặng, nhưng người vi phạm đóng tiền phạt nhanh chóng và không bị ức chế vì chứng cớ không rõ ràng. Giải pháp tiếp theo là sử dụng “hiệu ứng bầy đàn” để tăng cường ý thức của người tham gia giao thông. Nên chăng các câu lạc bộ thanh niên, sinh viên, đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội tự nguyện vận động thành viên mỗi khi thấy đèn đỏ gương mẫu dừng lại để những người đi sau bắt chước theo. Chúng tôi đã tự thử nghiệm nhiều lần thành công. Nếu thấy đèn vàng bạn cố vượt, người đi sau sẽ làm theo. Nhưng nếu bạn dừng lại, cả nhóm ở sau cùng dừng. Theo tôi, cán bộ công sở ở các cơ quan trong nước và nước ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà nội nên nêu gương trước. Muốn vậy, xin đề nghị báo giới tham gia làm một cuộc vận động xã hội. Sài Gòn Doanh Nhân có thể góp tiếng nói vậy. Võ Đắc Khôi (Posted in Saigon Doanh Nhan Cuoi Tuan)

No comments:

Post a Comment