Ở quê tôi,
ngày chạp là một lễ quan trọng của gia đình, họ, phái. Khác với người Trung
Hoa, tiết Thanh Minh mới là ngày chạp, người quê tôi quan niệm ngày Tết là dịp
đoàn tụ gia đình, vì thế linh hồn người đã chết cũng sẽ về nhà ăn Tết cùng với
người sống. Nếu người sống làm vệ sinh, trang hoàng lại nhà cửa, mồ mả người chết
cũng phải được nhổ cỏ, quét dọn, gọi là ngày chạp mả.
Vào ngày đó,
con cháu nội ngoại tập trung lại cùng nhau lên núi vào nghĩa trang làm vệ sinh
các lăng mộ của tổ tiên. Phụ nữ lo chuyện bếp núc, làm cỗ dâng lên bàn thờ lúc
đám đàn ông đi núi trở về.
Tùy theo điều
kiện kinh tế và cơ số của mỗi gia đình, khá giả và đông thường làm cả con heo,
thậm chí cả con bê. Nhà tôi, do bà con nội ngoại ít vì làm ăn xa nên mẹ tôi chỉ
mua vài kg thịt heo luộc và nấu một nồi xôi là đủ.
Nhiều gia
đình trong làng có truyền thống luân phiên lo tổ chức lễ chạp hàng năm. Vào ngày
đó, sau lễ chạp, ông trưởng tuyên bố thu chi do con cháu đóng góp rồi phân công
một gia đình nhận nhiệm vụ dùng tiền chi còn lại mua một con heo giống để nuôi dùng
cho lễ chạp tới.
Tập quán này
có vẻ hay vì đoàn kết, nhưng cũng đã xãy ra những hệ lụy dẫn đến chết người.
Theo lời kể của mẹ tôi, trong xóm đã xãy ra một chuyện đau lòng. Nhà bác V có
nhiều anh em, một số làm ăn thịnh vượng, họ hãnh tiến và xem thường một thành
viên ở quê là ông B giữ từ đường. Ông B đã vất vả thực hiện nhiệm vụ được giao
phó. Lễ cúng tổ tiên ngày chạp đã xong, đến khi mọi người ăn uống no say mới nhận
ra ông B vắng mặt. Thì ra, quá uất ức vì bị coi thường, ông B đã ra bụi tre trước
nhà thắt cổ tự vẫn.
Bỏ qua chuyện
đau lòng nói trên, ký ức tuổi thơ về ngày chạp của tôi luôn nhớ về miếng thịt
heo luộc dày, thơm béo ngậy vì heo được nuôi bằng cám gạo, thân chuối bằm nhỏ
và rau dại chấm với nước mắm ngon hoặc tép chua. Mỗi khi ăn xong vẫn còn tiếc
nuối, nấn ná nắm thêm cục xôi để ăn trên đường về nhà.
No comments:
Post a Comment