Cuốn tự truyện
đã xong, nhưng tôi vẫn còn áy náy vì chưa nhắc đến kỷ niệm với hai người “bạn” Mỹ,
có lần đã tiếp xúc trong quá trình làm việc ở Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại
thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Thượng nghị sĩ John McCain và bà Luella Davis,
Giám đốc các Trung tâm Tư liệu khu vực Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Người Việt
chúng ta ai cũng biết Thượng nghị sĩ John McCain là tù nhân chiến tranh Việt
Nam và hiện đang là Thượng nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ. Ông có một cảm tình đặc biệt
với Việt Nam. Thời kỳ tôi còn làm việc ở Tổng Lãnh sự Quán, đã có nhiều lần Ông
đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, duy nhất một lần tôi được nói chuyện trực tiếp với
Ông.
Hôm đó, sau khi
thăm Tây Nguyên về, phóng viên hãng Thông tấn AP hẹn lịch phỏng vấn Ông ở văn
phòng Tổng Lãnh sự. Lúc đó, ông Tổng Lãnh sự Seth Winnick đang đi nghỉ ở nước
ngoài. Sếp của tôi cũng đi vắng. Chúng tôi mượn phòng làm việc của Ông Tổng
Lãnh sự để cho Thượng nghị sĩ ngồi tạm trong thời gian phỏng vấn. Một cán bộ
ngoại giao Mỹ và tôi ngồi ngoài cửa để canh chừng giữ im lặng và theo dõi cuộc
phỏng vấn.
Tôi có một người
bạn cùng làm việc từ năm 1982 ở Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế Giao thông Phú
Khánh là anh Phan Ngọc Toàn. Toàn hay đến gặp tôi để tâm sự về chương trình định
cư qua Mỹ theo luật McCain sửa đổi. Toàn là con trai của một Chủ tịch hội đồng
tỉnh Bình Định trước năm 1975. Sau khi học tập 9 năm, cha Toàn và gia đình được
di dân qua Mỹ. Toàn lấy vợ ở thành phố Hồ Chí Minh. Do Toàn không có tên trong
hộ khẩu nên bị kẹt lại. Nhờ Thượng nghị sĩ McCain xin Quốc hội Mỹ sửa đổi luật
McCain nên những người kẹt lại như trường hợp của Toàn tiếp tục được theo cha mẹ
vào Mỹ.
Lúc Thượng nghị
sĩ McCain phỏng vấn xong, Ông bước ra cửa. Tôi đứng dậy buột miệng nói, “Thưa
Ông nghị sĩ, tôi đã chăm chú nghe Ông nói về những đóng góp cho quan hệ hai nước
Việt – Mỹ. Tôi rất cảm ơn Ông. Tuy nhiên, tôi nghĩ là Ông còn nói thiếu một điều
quan trọng.”
Nghe tôi nói
xong, Thượng nghị sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nói ngay, “Ông chưa nói về luật
McCain sửa đổi. Nhờ nỗ lực của Ông mà rất nhiều bạn trẻ người Việt Nam được
đoàn tụ gia đình. Thay mặt họ, tôi xin cảm ơn Ông”. Thương nghị sĩ rất vui, Ông
nói, “Đúng rồi! Tôi quên.”
Sau lần gặp
này, trở lại văn phòng tôi bị một đồng nghiệp Mỹ phê bình vì đã dám nói chuyện
trực tiếp với Thượng nghị sĩ. Tuy vậy, tôi chống chế, “Tôi xin lỗi vì không hiểu
quy tắc ngoại giao. Nhưng cô vẫn thấy đấy, Ông nghị sĩ rất vui khi nghe tôi nói
chuyện.”
Cũng cần nói
thêm một chút về Toàn. Toàn đã ở lại Việt Nam vì hồ sơ bảo lãnh của cha mẹ Toàn
chưa xong thì cả hai đều mất.
Người Mỹ thứ
hai để lại cho gia đình tôi ấn tượng đẹp, đó là bà Luella Davis.
Mỗi năm một lần,
bà Luella Davis đến Trung tâm của chúng tôi để vừa kiểm tra công việc vừa huấn
luyện chuyên môn. Những lần như thế, chúng tôi thường tạo điều kiện cho Bà tiếp
xúc với cơ quan Việt Nam ở các trường đại học và thư viện tỉnh. Bà Luella Davis
là người Mỹ gốc Phi. Tôi tìm thấy ở Bà sự khiêm tốn và chân tình nên đã cố gắng
tìm cách đưa Bà đi xa tận Huế, Đà Nẵng và cả Đà Lạt. Sau mỗi lần tập huấn, tôi
thường bố trí cho Bà đi thăm thư viện và thưởng thức những món ăn địa phương.
Một lần đi thăm
Huế, tôi đưa Bà đi ăn ở quán Không Gian Xưa. Bà rất ngạc nhiên vì phát hiện thức
ăn ở Huế có vị cay giống ở Thái Lan. Tuy nhiên, Bà khen món mực một nắng ở Việt
Nam ngon hơn nhiều nơi Bà đã đến.
Một lần khác,
Bà thăm và làm việc ở Đại học Đà Lạt. Lúc tôi đưa Bà đến thư viện tỉnh Lâm Đồng,
Bà rất cảm động vì phát hiện những quyển sách cũ trước năm 1975 vẫn được bảo quản
tốt và dấu USIS màu đỏ vẫn còn y nguyên. Sau đó, cán bộ thư viện, anh Thắng đưa
Bà đi ăn trưa. Tôi chọn món gà nướng ống tre ăn với xôi. Bà rất thích.
Rời Đà Lạt bằng
máy bay. Lúc chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Bà kéo tôi lại nói, ”Tôi hiểu rồi!”.
Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn Bà. Không để tôi hỏi, Bà nói, “Tôi đã hiểu vì sao
nước Việt Nam của anh lại bị nhiều lần chiến tranh xâm lược đến thế! Vì đất nước
anh đẹp tuyệt vời!”.
Nhiều năm sau,
tuy không còn làm việc với nhau, Bà vẫn sẵn lòng đón vợ tôi và đưa đi tham quan
ở San Jose lúc Trúc sang Mỹ thăm con gái Mỹ Ngọc đang học ở đại học Houston,
Texas. Thỉnh thoảng, giờ đây chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau qua Facebook.