Tháng rồi tôi có dịp về Tiền Giang thăm người thân trong gia đình. Thấy nhà cửa vắng vẻ tôi thắc mắc với chủ nhà và được biết cậu con trai duy nhất của gia đình đã bỏ việc công nhân may ở một công ty trong thành phố để gia nhập đoàn thuyền câu mực ngoài khơi xa.
Vốn là người thích công việc ổn định kiểu công chức, tôi lại càng thắc mắc nhiều hơn. Tại sao anh ta lại bỏ công việc ổn định để tham gia vào nghề câu biển, một nghề vừa bấp bênh lại nhiều bất trắc như thế, nhất là gần đây, chuyện va chạm và bắt giữ ngư dân Việt Nam đối với các nước liên quan trong Biển Đông thường hay được đề cập trên phương tiện truyền thông báo chí.
Tôi còn biết nghề may là nghề của gia đình cha truyền con nối, chắc cậu em cũng cân nhắc lắm mới dám bỏ nghề do chính cha mình dìu dắt. Tuy vậy, theo lời giải thích của người thân, công ty nọ lương vừa thấp lại gần như cố định, không có các chính sách đãi ngộ gì trừ các chế độ bảo hiễm y tế, bảo hiễm thất nghiệp theo quy định của nhà nước hiện thời… và với thu nhập của công nhân may như hiện nay, không biết bao giờ mới có tích lũy đủ để cậu em có thể lập gia đình khi tuổi đã gần 40. Trong khi đó, gia nhập đội thuyền câu mực, bước lên tàu chỉ cần mang theo vài bộ đồ, tất cả mọi thứ từ ăn uống đến sinh hoạt trên tàu,chủ thuyền lo hết. Lênh đênh trên biển vài tháng trời, khi cập bến, toàn bộ số lượng sản phẩm câu được bán cho thương lái bao nhiêu mọi người đều biết rõ. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, chủ thuyền cùng toàn bộ thành viên ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận. Với cách làm ăn này, cậu em cho rằng may ra còn có cơ hội tích lũy để lo cho tương lai.
Đến đây tôi sực tỉnh và liên tưởng đến hoạt động quản trị doanh nghiệp mà tôi cũng là một thành viên trong ban điều hành. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chúng tôi đạt được sau mỗi quý, mỗi năm thường được hoạch định khá chi tiết và khoa học, hay nói khác đi, đa phần, các yếu tố rủi ro bên trong doanh nghiệp có thể kiểm soát được. Kết quả của một chuyến đi câu ngoài biển còn bất định hơn nhiều. Rõ ràng, nghề câu mực ngoài biển khơi rất bấp bênh, nhưng cách ăn chia giữa chủ và thuyền viên rạch ròi khiến người tham gia tin tưởng và dấn thân chấp nhận rủi ro.
Theo tôi, chìa khóa của năng suất hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp nằm ở điểm này. Chúng ta thường kêu gào nào là tái cấu trúc doanh nghiệp, nào là tinh giản bộ máy, nào là ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại tiên tiến để cải tiến năng suất nhưng năng suất hiệu quả của doanh nghiệp vẫn khó được cải thiện,chừng nào người lao động thấy rõ họ được hưởng quyền lợi gì ngoài đồng lương công nhật họ mới gắng sức, để tâm đến năng suất hiệu quả.
Lịch sử phát triển tư bản với việc làm giàu bằng cưỡng chế lao động đã trải qua ở các nước Âu Mỹ không thể lập lại trong xã hội ngày nay. Va chạm giữa chủ - thợ trong quá khứ đã xãy ra bao cảnh đổ vỡ trong xã hội loài người. Vì thế, doanh nhân ngày nay chỉ có một lựa chọn, tìm biện pháp làm sao để người lao động vui vẻ hợp tác cùng doanh nghiệp làm giàu.
Nói đến đây tôi nhớ lại ý kiến của Andrew Carnegie, ông vua thép một thời của Mỹ khi tổng kết cuộc đời kinh doanh củamình trong bài viết ngắn “Bí mật của kinh doanh là quản trị con người”. Ông so
sánh quản trị doanh nghiệp với hình ảnh một đoàn thuyền dong buồm ra khơi. Ông cho rằng quản trị doanh nghiệp cũng giống như quản trị một đoàn thuyền viễn dương. Các thuyền viên trên tàu phải cảm thấy thoải mái, họ không chỉ nhận lương cố định (chính là chi phí trang trải cho họ trên con tàu), mà mỗi người còn được chia phần lợi nhuận của mình khi tàu cập bến.
Có được nhận định này, công ty của ông cũng đã trải qua những xung đột đáng tiếc thậm chí dẫn đến chết người. Qua các biến cố xung đột giữa chủ và thợ, dần dần, Andrew Carnegie nhận ra chân lý và thay đổi cách nhìn về người lao động. Ông lập ra chính sách thu hút người lao động trở thành đối tác của doanh nghiệp và về sau còn đi xa hơn, quan tâm đến sự tương tác của người lao động và chủ, thậm chí của cả các thành viên trong gia đình chủ và gia đình của nhân viên. Ông thường sử dụng câu châm ngôn, “Chúng ta chỉ ghét những người chúng ta không biết.” để khuyến khích các thành viên công ty biết quan tâm lẫn nhau. Và để biến ý tưởng này thành chương trình hành động cụ thể, ông đã thay thế hệ thống trả lương cố định bằng trả lương theo vị trí và giá trị mà người lao động đóng góp cho công ty từ vị trí của mình. Ông kết luận, chính vì sự thiếu hiểu biết các điểm tốt của
nhau giữa các bên đối nghịch đã dẫn đến những tranh chấp xảy ra khắp nơi trên thế giới, giữa các cá nhân, công ty và người lao động, và giữa các quốc gia với nhau.
No comments:
Post a Comment