Tháng cuối năm vừa rồi đi thăm
Yangon, tôi rất ngạc nhiên về thái độ hành xử của nhà cầm quyền xứ này về chuyện
ô tô tay lái phải, tay lái trái. Số là ở
Myanmar chính quyền cấm xe máy ở nội thị Yangon. Từ giá một vài trăm ngàn đô la
Mỹ trong thời cấm vận, một chiếc ô tô, nay chỉ còn vài chục ngàn, thậm chí vài
ngàn đối với xe đã qua sử dụng, đa số nhập từ Nhật. Khi thấy xe ô tô tay lái phải,
tay lái trái, đều chạy bon bon trên đường, tôi hỏi, ”Sao chính quyền ở đây
không cấm tay lái nghịch?” Một người bạn Myanmar trố mắt nhìn tôi, “Sao anh lại
bảo là tay lái nghịch? Tay lái ở bên phải hay ở bên trái đều dùng để điều khiển
ô tô thôi mà. Miễn sao xe chạy đúng luật giao thông là được.”
Một góc phố Yangon
Đến đây, tôi chợt nhớ lại, một thời
làm trong ngành giao thông ở tỉnh Phú Khánh, nay tách lại như cũ, thành hai tỉnh
Phú Yên và Khánh Hòa, nhà máy đại tu ô tô Phú Khánh rất tự hào quảng bá thành thích “Chuyển đổi
tay lái nghịch”. Không ít sáng kiến xung quanh việc tạo ra các chi tiết cơ khí
để đưa toàn bộ vô lăng của các xe ô tô chở khách nhập từ Nhật ở phía phải sang bên
trái. Một công việc khá tốn kém nhưng chẳng
giải quyết việc gì khác hơn ngoài việc điều khiển chiếc ô tô di chuyển. Hơn nữa, trên thế giới chẳng ai gọi là tay
lái thuận, tay lái nghịch như ở nước ta, vì không riêng gì ở Myanmar, ở Nhật Bản
tay vô lăng ô tô đều nằm bên phải. Qua chuyện này, tôi nhận ra một kinh nghiệm,
tay lái trái-phải đều có thể chấp nhận được vì chúng đạt mục tiêu cơ bản là giúp
ô tô chuyển động để vận chuyển hàng hóa hay hành khách mà thôi.
Nói thế chứ mỗi người chúng ta đều
có thói quen nghiêng về một phía. Cách đây nhiều năm, tôi được tham gia một
khóa tập huấn về quản lý, ông thầy phát cho mỗi người một bức vẽ đen trắng. Ông
hỏi học viên,”Các anh chị thấy gì trong bức tranh đó?” Xoay bức vẽ theo chiều dọc,
tồi xoay bên chiều ngang, tôi nhận ra bức tranh vẽ một mụ phù thủy vừa già vừa xấu
xí. Hứng chí, tôi la lên như thể Archimedes
tìm ra sức đẩy của nước. Một lát sau, một học viên khác đưa tay, cô ta chỉ ra
cho cả lớp rằng bức ảnh vẽ một nàng tiên xin đẹp. Quả vậy, bằng sự hướng dẫn của cô bạn cùng lớp,
tôi cũng nhận ra rằng người họa sĩ đã vô cùng tài tình, thể hiện một nàng tiên
vô cùng xinh đẹp. Ông thầy kết luận,
“Cùng một bức tranh, chúng ta người nhìn thấy nàng tiên, người khác nhận ra bà
phù thủy.” Vì thế, trong quan hệ xã hội, nhất là trong kinh doanh, chúng ta cần
chấp nhận sự khác biệt vì góc nhìn của người khác không giống như chúng
ta. Đôi khi chính sự phiến diện này nảy
sinh chủ quan làm cho chúng ta đánh mất cơ hội từ việc khai thác lợi thế của
phía kia.
Sau này tôi có dịp chiêm nghiệm lời
thầy dạy. Nhà tôi ở ngay đầu hẽm, phía phải và phía trái láng giềng mở hai quán
cà phê cóc. Mỗi ngày, mới 5 giờ sáng, tiếng
cười nói đã rộn rã. Nếu không dậy sớm cùng thời điểm để tập thể dục mỗi buổi
sáng, ắt tôi phải bực mình lắm vì tiếng ồn làm tôi mất ngủ. Tôi là người thuận
tay phải, mỗi buổi sáng, sau khi tập thể dục về, ghé quán bà Chín, phía tay phải,
uống một cốc cà phê sữa nóng, đọc qua hai tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ trước khi
đi làm, lâu ngày đã thành thói quen thường nhật.
Tuy vậy, một ngày nọ, khi quán bà
Chín bận rộn, tôi ghé quán Kim Tuyến, phía tay trái, và rất ngạc nhiên khi được
phục vụ một cốc cà phê sữa đậm đặc, ngon không thua kém gì quán bà Chín bên phải
và cũng cần kể thêm, quán bên trái này báo đọc còn phong phú các hơn cả quán bên
phải.
Từ những chuyện nho nhỏ kể trên,
tôi rút ra kết luận: cạnh tranh nhau để
thu hút khách làm cho dịch vụ của hai quán cà phê cóc của láng giềng bên phải và bên trái nhà
tôi tốt lên. Còn tôi, “bán bà con xa, mua láng giềng gần”, cỏn con như chuyện uống
cà phê sáng, bên phải hay bên trái, tôi đều phải cân nhắc điều chỉnh thói quen,
chấp nhận sự tồn tại của hai quán phía phải và phía trái sao cho đẹp lòng cả
hai cô chủ.
No comments:
Post a Comment