Ngày mồng 6 Tết, nghe lời thầy phong
thủy, tôi theo đoàn công tác xuất hành hướng Nam để công việc làm ăn được hên cả
năm. Tuy vậy, sau chuyến đi này, đến ngày
hôm nay, đã “hết mùng” mà lòng tôi vẫn trĩu nặng. Chia sẻ câu chuyện đầu năm
cùng cộng đồng trên blog doanh nhân dưới đây cũng là cách xả stress. Nhưng, hơn thế nữa, tôi mong mỏi được chia sẻ
cùng cộng đồng doanh nghiệp một tình huống kinh doanh đầy kịch tính và cũng khó
tin vì sự đổ vỡ của một doanh nghiệp lại xuất phát từ việc quá thành công
trong kinh doanh. Vì chuyện tế nhị, tên nhân vật trong câu chuyện
này chỉ là hư cấu.
Vào những năm đầu 1990, khi Việt Nam
theo đuổi chính sách mở cửa kinh tế, đón các công ty ngoại quốc vào đầu tư, nhiều
nhà khoa học và những người với vốn ngoại ngữ tốt có nhiều cơ hội tiếp xúc với
các công ty nước ngoài. Xuân là một trong số những người đó. Cô tốt nghiệp Đại
học Khoa học ở Sài Gòn, lại có mẹ là cán bộ cao cấp, lão thành cách mạng, nên
được cấp trên yên tâm bố trí làm việc với đối tác nước ngoài, là một công ty
chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng kỹ thuật cao.
Qua nhiều lần tiếp xúc và được tin
tưởng, phía đối tác đề nghị Xuân đứng ra thành lập liên doanh sản xuất hàng hóa
của họ tại Việt Nam. Xuân quyết định nghỉ việc nhà nước, thành lập
công ty tư nhân vốn tỷ lệ 30/70. Phía Xuân chủ yếu là góp mảnh đất vài ngàn mét
vuông ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh do tổ tiên của cô để lại.
Liên doanh làm ăn vô cùng thành đạt.
Do lấy nguồn nguyên liệu tốt từ công ty mẹ ở một quốc gia tiên tiến, các sản phẩm
sau khi đưa vào môi trường thiên nhiên Việt Nam khảo nghiệm đã nhanh chóng chiếm
lĩnh thị trường. Công ty có biểu đồ tăng trưởng doanh số bình quân trên 60% một
năm. Lợi nhuận thu về còn tốt hơn theo
kiểu “một vốn, bốn lời”. Phía nước ngoài
rất hoan hỉ vì cứ một đồng lợi nhuận họ chia về cho công ty mẹ ở nuớc mình đến
70%. Xuân được phía đối tác kính trọng với nhiều lời khen cao quý. Chẳng hạn
như “Hoàng hậu” của ngành kinh doanh này trên thế giới. Liên doanh còn nhận được bằng khen của Bộ Chủ
quản, của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và lọt vào Top 40 thương hiệu
do một tạp chí có uy tín tổ chức. Trước thành quả kinh doanh quá thành công này,
công ty mẹ đã trình lên chính phủ của mình để xin hỗ trợ vốn ưu đãi nhằm mở rộng
sản xuất, nghiên cứu và bán hàng ở thị trường tiêu dùng hấp dẫn của gần 90 triệu
dân này. Kết quả là một nhà máy hiện đại,
đầu tư khép kín, thiết kế theo công nghệ châu Âu được dựng lên trong một khuôn
viên đất sản xuất khoảng 20 hec-ta.
Câu chuyện tốt đẹp này chưa kết thúc
nếu Xuân không bị xãy ra sự cố về sức khỏe. Qua tuổi ngũ tuần, phụ nữ hay nam
giới thường nảy sinh sự cố “đột quỵ” do làm việc quá tải. Chứng bệnh tai quái này đã khíến cô phải ngừng
công việc một thời gian. Công ty được ủy quyền cho một Việt Kiều cũng là người
thân của Xuân đề cử để quản lý.
Là một người được lớn lên trong môi
trường giáo dục đề cao tính minh bạch trong kinh doanh. Dưới sự điều hành của
Mike, công ty liên doanh hầu như không che dấu bất cứ một giao dịch nào từ khâu
khảo nghiệm nguyên liệu đến chế biến và phân phối thành phẩm. Qua số liệu báo
cáo tài chính, phía đối tác nước ngoài hết sức ngạc nhiên vì nhận ra rằng công
ty liên doanh của họ chỉ là một mắt xích trong khâu sản xuất và chế biến sản phẩm.
Từ nhiều năm qua, Xuân đã thành lập hai doanh nghiệp sân sau làm nhiệm vụ khảo
nghiệm sản phẩm để tìm cách nắm lấy nguồn nguyên liệu gốc. Sau khi khảo nghiệm
xong, sản phẩm được giao cho liên doanh để đưa vàp sản xuất. Thành phẩm của
liên doanh lại được kín đáo bán cho một công ty sân sau khác của Xuân để phân
phối trên thị trường.
Theo một thông tin chưa kiểm chứng,
lợi suất của khảo nghiệm đầu vào khoảng 50% và lợi suất của khâu phân phối
không dưới 30%! Không rõ có phải vì lý
do này hay không, công ty đối tác ngoại quốc nằng nặc đòi chấm dứt hợp tác kinh
doanh, giải thể doanh nghiệp. Xuân đứng
trước hoàn cảnh này phải đồng ý đề nghị giải thể doanh nghiệp vì cô là đối tác
có số vốn góp nhỏ. Tuy vậy, cô vẫn ấm ức
vì cho rằng nếu không có các doanh nghiệp
sân sau này, phía liên doanh không thể đủ sức cáng đáng hết các khâu trong dây
chuyền sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc
được chia lời theo tỷ lệ 30% là chưa tương xứng với giá trị đóng góp của mình.
Ai đúng, ai sai, tôi cần thêm thông tin
để phán xét. Tuy vậy, đứng truớc một nhà máy và cơ ngơi sản xuất hiện đại giá
trị hàng triệu đô la Mỹ, nhưng vắng lặng như tờ như thế, làm sao ai có thể vui
được trong những ngày xuân này.