Việt Nam được giới đầu tư quốc tế chú ý vì nhiều lý do, nhưng theo tôi một trong những lý do thu hút dòng vốn trung dài hạn là do Việt Nam có phần đông dân số là lớp trẻ. Hãy nhìn vào phân bố cơ cấu dân số có độ tuổi 0-14 của năm 2011-2012 của các nước sau đây sẽ thấy rõ:
Việt Nam: 25,2%
Mỹ: 20.1%
Pháp: 18.5%
Trung Quốc: 17,6%
Hàn Quốc: 15,7%
Đài Loan: 15,6%
Nhật: 13,1%
Quốc gia có cơ cấu dân số trẻ cao là nguồn cung cấp lao động dồi dào cho phát triển kinh tế theo hướng chọn những ngành sử dụng nhiều lao động. Các công ty của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật... có xu hướng thiết lập các khu công nghiệp, các xưởng gia công ở Việt Nam có lẽ họ cũng đang nhắm đến yếu tố này. Thiết nghĩ, đây cũng là lựa chọn phát triển trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi vốn tài chính còn hạn chế.
Ở góc độ vĩ mô, nhà nước cần tiếp tục chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo hướng khai thác tài nguyên lao động dồi dào. Một trong những việc cấp bách cần làm là điều chỉnh giá thuê đất để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp và ưu đãi về giá thuê đất cho các dự án xây nhà cho công nhân để tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư vào giáo dục cấp cơ sở, dạy nghề cho người lao động để từng bước nâng cao tay nghề cho người lao động. Đây cũng chính là cơ sở nền tảng để đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp vào 2020.
Cũng cần nói thêm, về mặt kinh tế học, quốc gia có cơ cấu dân số trẻ cao chịu áp lực giải quyết công ăn việc làm, giáo dục, y tế nặng nề. Vì nếu không đáp ứng nhu cầu này của giới trẻ sẽ dẫn đến nạn trộm cắp, băng đảng, mầm mống của bất ổn xã hội.
No comments:
Post a Comment