Tôi đã may mắn gặp và được nghe hai người anh trong dòng họ kể chuyện làm ăn khi về công tác ở Nha Trang từ năm 1981. Tuy cùng thứ bậc trong họ và tôi gọi bằng anh, nhưng hai người này hơn tôi vài chục tuổi. Nghĩa là cả hai đều bôn ba xứ người khi tôi còn chưa được cha mẹ sinh ra. Điều thú vị là cả hai đều muốn tôi truyền lại câu chuyện của họ cho đời sau. Anh Võ Quang Hàm nói, "Cuối tuần chú hãy sang nhà tôi chơi để tôi kể chuyện của cha ông mình cho chú nghe. Tôi e rằng những câu chuyện của tôi nếu không kể ra, ắt sẽ theo tôi xuống mồ." Rất tiếc do phải đi công tác xa thường xuyên nên tôi chỉ nghe được một vài chuyện như thế.
1. Tận dụng lợi thế nghề nghiệp - chuyện của ông Hàm:
Do bác tôi là quan cửu phẩm triều đình Huế nên ông Hàm được ăn học tử tế và được bổ nhiệm vào công tác trong ngành nông lâm nghiệp các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vợ ông Hàm tận dụng vốn liếng và quan hệ địa phương, mở các nhà máy xay xát và kinh doanh lúa gạo ở các tỉnh trong vùng . Con rể của ông mở công ty khai thác lâm sản ở Tây Nguyên.
Thời chiến tranh, đấu thầu khai thác gỗ phải tiến hành bằng máy bay trực thăng. Các nhà thầu cùng bay chung chuyến và đỗ trực thăng trên một ngọn đồi. Sau khi chấm tọa độ trên bản đồ, xác định các lô khai thác xong, cả đoàn bay về thành phố để họp và đặt giá thầu. Ông kể, "Chú biết không, khi nào tôi cũng thắng thầu với giá thấp vì các nhà thầu khác tranh nhau đặt giá cao ở các khu rừng xanh tốt. Tôi thì chọn các khu rùng vàng vọt, cây thấp với lý luận, cây cũng như người, già thì còm lưng, gầy yếu nhưng xương cốt chắc chắn. Vì thế tôi thường bỏ thầu thấp nhưng trúng thầu với lợi nhuận rất cao. Thêm một yếu tố nữa là rủi ro khi khai thác những khu rửng rậm vì đó có thể là nơi trú quân của bộ đội quân giải phóng. Sau khi trúng thầu xong, tôi cho người cưa hạ cây. Đốn xong, tôi trả tiền cho lính Sài Gòn tổ chức trận càn vào kéo gỗ ra khỏi rừng."
Ông Hàm cho biết, trong đợt cải tạo tư sản sau 1975, con rể của ông bị tù vì phạm tội phá rừng nơi trú quân của bộ đội. Rất may, người này mang quốc tịch Pháp nên được chính phủ Pháp can thiệp và cho di cư sang Pháp."
2. Gây chú ý để bán hàng -chuyện khởi nghiệp của ông Võ Song.
Khác với ông Hàm, ông Song mồ côi cha mẹ rất sớm. Cũng may là cha làm thầy giáo nên ông được học vỡ lòng khi còn nhỏ. Lớn lên ông học nghề đẽo guốc. Ở miền Trung, guốc làm bằng thân cây mứt. Đây là một loại cây thân gỗ màu trắng, chắc nhưng khá nhẹ nên được trồng lấy gỗ làm guốc mộc.
Nghe đồn ở Đà Lạt làm ăn khá dễ dàng, ông tìm cách tìm vào kiếm cách làm ăn. Đến nơi mới vỡ lẽ ra rằng Đà Lạt là xứ lạnh, đường đất bazan dẽo dính nên không đi guốc không thích hợp. Vì vậy, ông chuyển sang nghề khâu vá sửa giày.
Nghề giày không mang lại thu nhập cao. Ngồi bên lề đường giá lạnh, nhìn sang bên kia đường, thấy cửa hàng vật liệu xây dựng người vào ra tấp nập, ông tự nghĩ, "Sao mình không thử nghề này?" Ông quyết định tìm đến hai người bà con trong họ khá thành đạt để vay vốn mở cửa hàng.
Cửa hàng vật liệu xây dựng Tân Lập mở ra cả tháng trời chẳng ai đến mua. Lòng như lửa đốt vì vốn vay phải đến ngày trả lãi. Bỗng dưng ông nghĩ ra một ý định táo bạo. Gom hết lưỡi cưa đặt ở vị trí cao khoảng hai mét. Vào lúc cửa hàng vật liệu bên kia đường người dân tộc thiểu số mua bán tấp nập, ông cho người xô đổ kệ chứa đầy lưỡi cưa. Ầm! Lưỡi cưa văng tung tóe. Mọi người quay lại nhìn vì hiếu kỳ, người đi đường xúm lại nhặt giúp, một vài người hỏi mua. Ông kín đáo bán với giá thấp chút xíu so với đối thủ cạnh tranh.
Vài tuần sau, khách mua vật dụng chủ yếu là người dân tộc thiểu số quay lại, cửa hàng bắt đầu có khách cho đến khi ông trở nên giàu có nhiều năm sau đó.
No comments:
Post a Comment