Friday, March 20, 2009

Phát triển trang web cá nhân trở thành công cụ học tập và nghiên cứu: một xu thế đang phát triển trong cộng đồng sử dụng Internet ở Mỹ Theo số liệu thống kê đến thời điểm tháng 6 năm 2008, thế giới có chừng 1,46 tỷ người sử dụng Internet. Ở Việt Nam với dân số ước chừng 86 triệu người, vào cùng thời điểm có chừng 20 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỷ lệ 23,25%. Bài viết sau đây giới thiệu kết quả nghiên cứu của tổ chức EDUCAUSE và Tổ hợp Truyền thông Mới (New Media Consortium) công bố đầu năm 2009 về những công nghệ đang nổi lên có ảnh hưởng đến ngành giáo dục ở Mỹ với mong muốn các bạn sinh viên, học sinh và những người làm công tác giáo dục cần nhanh chóng ứng dụng những tiến bộ mới nhất của thời đại thông tin vào việc nâng cao trình độ nghiên cứu và học tập ở nhà trường. Trang web cá nhân, thuật ngữ này không chỉ gói gọn ở trong phạm vi trang chủ của một cá nhân với mục đích cung cấp thông tin cho những ai có quan tâm đến cá nhân mình. Sự phát triển của những phần mềm ứng dụng và phần lớn được cung cấp miễn phí, cho phép cá nhân có thể tích hợp các công cụ đơn giản và đưa các ứng dụng này một cách dễ dàng vào trong trang chủ của mình. Các nguồn tư liệu trực tuyến có thể lưu, gắn thẻ (tag), phân loại và tái định hướng mục đích sử dụng một cách dễ dàng mà không cần bất kỳ kiến thức đặc biệt nào cả. Các trang như Wordpress.com và Edublogs, cũng như Twitter, Facebook, Youtube và Flickr đang trở thành những kênh thông tin chủ đạo cho phép người sử dụng không chỉ đọc, mà còn tham gia cùng hợp tác phát triển với người sở hữu trang chủ. Đơn cử một ví dụ, trang Twitter, tác giả soạn sách giáo khoa có thể cho phép người đọc cùng hợp tác để cập nhật nội dung của sách của mình, cho dù chỉ vài dòng hay toàn bộ nội dung quyển sách. Twitter gần đây đã gây nên một cơn sốt ở Mỹ khiến cả giới chính trị cũng “hòa mạng.” Sự phối hợp lẫn nhau thông qua Internet mỗi ngày càng dễ dàng hơn. Ước muốn cùng tham gia soạn thảo một truyện ngắn, một hài kịch, ngay cả một cuốn giáo trình đều có thể làm được với những công cụ thích hợp. Trang chủ Kiến thức Thế giới phẳng (http://www.flatworldknowledge.com), thiết kế để cho công chúng tham gia dịch vụ soạn giáo trình nhằm mục tiêu tiến tới cung cấp sách giáo khoa miễn phí và cùng tham khảo ý kiến trực tuyến trong khi cùng phát triển tác phẩm. Trang WeBook (http://webook.com) cũng có cùng mục tiêu soạn sách tham khảo miễn phí trực tuyến nhưng chủ đề rất đa dạng, từ sách thiếu nhi cho đến cả sách dạy nấu ăn. Sử dụng những công cụ này, tác giả có thể sáng tạo ra và tiếp thị sách của mình ở bất kì chủ đề nào, theo cách riêng tư hay cùng kết nối với người khác để tạo ra tác phẩm. Họ có thể quyết định bán với giá thấp, bán trực tuyến hoặc cho đọc miễn phí. Nhiều trang chủ còn cung cấp dịch vụ in ấn theo nhu cầu của người mua sách. Các công cụ sử dụng phục vụ cho trang web cá nhân cũng rất lý tưởng cho việc nghiên cứu và học tập. Không cần phải có kiến thức hoặc phải tiếp xúc với công nghệ, chức năng gắn thẻ, phân loại và phát hành trực tuyến một cách ngay lập tức cung cấp cho đại bộ phận giảng viên và sinh viên rất nhiều cơ hội để tổ chức thông tin thành những bộ sưu tập có thể hỗ trợ tìm kiếm, chú thích bất kỳ điều gì mình muốn thể hiện. Các công cụ như Delicious (http://delicious.com) và Diigo (http://diigo.com) sử dụng chức năng gắn thẻ như một công cụ để lưu và tổ chức các đường dẫn. Mặc dầu khái niệm này không có gì mới mẻ, nhưng công cụ gắn thẻ trực tuyến này đang rất phổ biến trong giới nghiên cứu. Trang chủ Zotero (http://www.zotero.org) là công cụ tham khảo toàn diện cho phép người sử dụng đưa vào dễ dàng một trình duyệt các đường dẫn, chú dẫn, và mục lục tham khảo khi họ duyệt qua các trang web và cảm thấy cần lưu, ghi chú cho việc nghiên cứu, học tập hay tham khảo về sau. Các công cụ phát hành trực tuyến được khai thác trong lãnh vực giáo dục như là một phương tiện phục vụ công việc nghiên cứu của cá nhân và tập thể. như Twitter, Facebook, YouTube, Flickr, Picasa và còn nhiều nữa ... đang được sử dụng ngày càng nhiều vào mục đích giáo dục. Các công cụ trò chuyện trực tuyến (chat) như Yahoo, Google đang được học sinh sử dụng ngày mỗi nhiều để thảo luận về bài tập, bài giảng sau giờ lên lớp. Công cụ như Swurl (http://swurl.com) hoặc FriendFeed (friendfeed.com) lôi kéo tất cả tư liệu một người nào đó đã công bố trên mạng vào trong dòng chảy thông tin của người muốn dùng. Sinh viên, học sinh có thể sử dụng những công cụ này để cùng liên kết với nhau theo đuổi một dự án trực tuyến nào đó. Hệ thống đại học California hiện đang sử dụng công cụ tham khảo FRESCA (http://bssapps.sfsu.edu/fresca) phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Việc phát hành sách trực tuyến đòi hỏi nhiều đầu tư về thời gian, công sức cũng như tiền bạc hơn so với các công cụ phát triển trên trang web cá nhân. Mặc dù có nhiều khó khăn khác liên quan đến bản quyền, sở hữu, xem xét nội dung của đội ngũ chuyên nghiệp, sách giáo khoa nguồn mở, sổ ghi chép bài giảng trên lớp và các dự án hợp tác cùng soạn thảo sách giáo khoa trên mạng dần dần thu được nhiều sự đồng tình trong giới học thuật. Các dự án như thế càng được ủng hộ nhiều hơn trong bối cảnh giá bán của sách giáo khoa càng ngày càng tăng và nền kinh tế thế giới đang suy giảm. Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của hầu hết các lĩnh vực chuyên môn, sách giáo khoa trực tuyến cho phép tác giả biên tập, bổ sung hoặc thay đổi cho phù hợp với tình hình đang diễn ra và cả khi cần thay đổi mục đích của bài giảng cho phù hợp đối tượng theo học, giúp cho sinh viên nhận được các bản sao phù hợp với tình hình phát triển của xã hội lẫn thị trường. Ở một vài môn học, chính giáo sư và sinh viên cùng nhau sáng tạo ra sách giáo khoa dạng trực tuyến, quá trình này hóa ra lại làm cho sinh viên càng hiểu bài giảng sâu hơn vì chính họ cũng là đồng tác giả của giáo trình đó. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về ứng dụng công cụ web cá nhân vào giáo dục hiện đang áp dụng ở Mỹ: Học ngoại ngữ: Một nghiên cứu ở đại học Montclair State University đang khảo nghiệm tiềm năng sử dụng PageFlakes, (http://www.pageflakes.com/) một công cụ để tích hợp các nguồn tư liệu đa phương tiện và các trang web vào trong một trang web làm giáo trình học ngoại ngữ. Ngành thư viện: Thay vì mua sách giáo khoa, các sinh viên học môn Nghiên cứu thư viện cao cấp ở Đại học Buffalo State College chỉ cần sử dụng một USB. Họ lưu cả trình duyệt Firefox và các ứng dụng khác cùng các ứng dụng khác vào trong USD để làm công cụ nghiên cứu. Tham khảo địa chỉ http://sites.google.com/site/lib300site để tìm hiểu thông tin về cách sử dụng và các công cụ đánh dấu trang web. Ngành truyền thông: Phòng Lab mở ở Viện Nghiên cứu Công nghệ Rochester, (http://opl.cias.rit.edu/projects), đang tiến hành một loạt các dự án mới trong lĩnh vực truyền thông và xuất bản gồm một trang báo mạng, công cụ để tập hợp và xuất bản nội dung trang web dưới dạng sách điện tử, hướng dẫn xuất bản trực tuyến và trò chơi kết nối cộng đồng. OpenSophie http://opensophie.org là phần mềm nguồn mở và tài liệu truyền thông phong phú trong một môi trường kết nối. Trang này do Quỹ Mellon, MacAthur và Đại học California ở thành phố Los Angeles tài trợ. Soạn thảo kế hoạch học tập, hội thảo: Đại học West Floria thuê 70-80 giáo viên mỗi học kỳ để dạy cho sinh viên năm nhất. Trang web http://collegewriting.us cung cấp thông tin cho giảng viên và sinh viên về kế hoạch học tập và giáo trình cập nhật. Trang này cũng ghi lại và thông báo cho giảng viên tình hình truy cập của sinh viên để giúp họ đánh giá và theo dõi việc học tập của sinh viên. Bảo tồn bảo tàng: Omeka http://omeka.org là trang web chứa các công cụ xuất bản trực tuyến dành cho học giả, cán bộ thư viện, chuyên viên lưu trữ, chuyên gia bảo tồn, bảo tàng, các nhà giáo, những người nhiệt thành với hoạt động Cam văn hóa. Xây dựng và duy trì bởi Trung tâm Lịch sử và Truyền thông mới của Đại học George Mason, Omeka là một công cụ xuất bản rất mạnh cho việc tạo ra các nguồn tư liệu trực tuyến. Học lịch sử: http://smarthistory.org gắn kết lời thoại, hình ảnh, phim trích đoạn, đường dẫn, và nhiều nguồn khác cho dự án thay thế sách giáo khoa lịch sử cũ. Võ Đắc Khôi Nguồn tài liệu: The 2009 Horizon Report. New Media Consortium and EDUCAUSEAUSE Learning Initiative An EDUCAUSEAUSE Program, © 2009, The New Media Consortium.

No comments:

Post a Comment