Friday, December 19, 2008
Việt Nam chưa ký hiệp định tự do song phương với một nước riêng rẽ nào
Kể từ những năm 1990 đến nay, giữa các quốc gia thành viên cũng như chưa gia nhập WTO đã hình thành nhiều hiệp định thương mại khu vực (RTA) và hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Hiện có khoảng 380 FTA đã được thông báo cho GATT/WTO. Trong số này, 204 FTA đang có hiệu lực. WTO dự báo, đến năm 2010 sẽ có xấp xỉ 400 FTA đi vào thực hiện. Trong số đó, hình thức khu vực thương mại tự do chiếm hơn 90% và hình thức liên hiệp thuế quan chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Trong khu vực Đông Nam Á, cho đến thời điểm tháng 10 năm 2008, đã có 156 RTA/FTA ký bởi các thành viên ASEAN. Trong đó, có 49 hiệp định đang trong giai đoạn thực hiện. Sau đây là sơ lược tình hình phát triển của các RTA/FTA.
1. Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).
Mặc dầu AFTA là nền tảng và chất xúc tác cho việc giải phóng thương mại của ASEAN, tăng trưởng ngoại thương bên trong khu vực chỉ chiếm 1/4 tổng khối lượng xuất khẩu của ASEAN. Đầu tư trực tiếp giữa các nước trong ASEAN cũng chỉ chiếm tỷ trọng 9,69%. Dòng chảy FDI của ASEAN chủ yếu đến từ các khu vực và quốc gia bên ngoài ASEAN, dẫn đầu là EU, thứ nhì là Nhật Bản. Thành viên ASEAN thu hút đầu tư trực tiếp FDI lớn nhất là Singapore, tiếp đến là Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Nhìn chung, có thể nhận định: tiến tới một thị trường chung ASEAN cần có nhiều nỗ lực và con đường vẫn còn dài. Có lẽ vì thế mà bên trong AFTA cũng đã hình thành các hệ thống quan hệ song phương để thúc đẩy cho cả hệ thống cùng tiến tới mục tiêu chung. Chẳng hạn, từ tháng 02/2002, Thái Lan và Singapore tuyên bố hình thành Hệ thống tăng cường quan hệ kinh tế Singapore-Thái Lan (STEER ). Tháng 4/2003, Thái Lan hình thành “Chiến lược phát triển kinh tế” với Lào, Campuchia và Myanmar. Theo sau các nỗ lực này, tháng 10/2003 Hội nghị ở Bali, các lãnh đạo ASEAN đã đồng ý hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm tiến tới loại bỏ hoàn toàn thuế quan và các hàng rào phi thuế (NTBs) vào năm 2020.
2. Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).
Tháng 11 năm 2002, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Hiệp định khung này làm cơ sở để tiến tới hình thành RTA giữa ASEAN và Trung Quốc, viết tắt là ACFTA. Sau nhiều lần đàm phán bổ sung, ACFTA đi vào hiệu lực chính thức ngày 1 tháng Giêng năm 2005. Việc thực thi hiệp định thương mại này dự kiến hoàn toàn tuân thủ vào năm 2010 cho các thành viên ASEAN thuộc nhóm gia nhập trước và nhóm CLMV vào năm 2015.
Trong 10 năm, từ 1996-2006, thương mại ASEAN –TQ đã tăng trưởng ở mức kỷ lục khoảng 700%. Đặc biệt trong năm ba năm (2004-2006), kể từ sau khi ký Hiệp định khung, trung bình xuất khẩu ASEAN vào Trung Quốc tăng 45,88%/năm và nhập khẩu 34,43%/năm. Tuy nhiên, cùng thời kỳ, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN chỉ chiếm xấp xỉ 2% trên tổng FDI của ASEAN. Yếu tố này mặc dầu không gây ấn tượng nhưng lại phản ảnh thực tế, Trung Quốc và các nước ASEAN đang cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút FDI.
3. ASEAN-Nhật Bản (AJFTA).
ASEAN và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ không chính thức từ năm 1973. Đến tháng 3/1977 hai bên tham gia diễn đàn chính thức ASEAN-Nhật Bản. Từ đó đến nay, ASEAN và Nhật Bản liên tục là các đối tác quan trọng về thương mại. Ngày 15 tháng 4 năm 2008, Nhật Bản và ASEAN đã ký Hiệp định Khung Hợp tác Kinh tế Toàn diện sau 5 năm đàm phán giữa các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản. Việc ký kết đã hoàn tất thủ tục cần thiết để phê chuẩn hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) dự kiến sẽ được ký kết trong cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào kì tới.
Khi AJFTA đi vào hiệu lực, dự kiến thuế của 90% hàng hóa xuất khẩu của ASEAN vào Nhật sẽ giảm xuống mức bằng không. Điều này tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản được thuận lợi hơn, nhưng đồng thời giúp Nhật Bản cân bằng thâm hụt thương mại với ASEAN. Bình quân tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN vào Nhật trong vòng 10 năm (1996-2006) tăng 88,38%, nhưng nhập khẩu của ASEAN từ Nhật chỉ tăng 9,8%. Nhật đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp FDI vào ASEAN. Đầu tư của Nhật vào ASEAN cũng dẫn đầu, khoảng 11 tỷ đô la Mỹ hàng năm [9]. AJFTA sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các tổng công ty của Nhật đầu tư vào ASEAN theo xu thế chuyển các ngành sản xuất chế tạo thâm dụng lao động từ Nhật Bản sang ASEAN. Trong khi đó, các quốc gia nhóm CLMV sẽ có cơ hội tiếp nhận FDI từ Nhật Bản về đầu tư cơ sở hạ tầng.
4. Hiệp định thương mại tự do EU-ASEAN.
Vào tháng 4 năm 2005, Chủ tịch EU, Mandelson và các Bộ trưởng ASEAN thành lập nhóm công tác gồm các nhà kinh tế cao cấp với mục đích chính là nghiên cứu khả thi sáng kiến mới thành lập FTA để tăng cường gắn kết kinh tế. Hai bản nghiên cứu khả thi đã được lập, cung cấp các yếu tố nền tảng cho các cuộc đàm phán về FTA trong tương lai giữa EU và ASEAN. Trong tháng 10 năm 2006, EU phát hành thông điệp “Châu Âu Toàn cầu, Cạnh tranh trên thế giới” xác định ASEAN là một đối tác FTA ưu tiên. Nhóm công tác đặt mục tiêu giải phóng đầy tham vọng bao gồm cả giải phóng du lịch và đầu tư. Ngày 23 tháng 4 năm 2007 Ủy ban EU ủy quyền cho cho Hội đồng EU bắt đầu đàm phán FTA với ASEAN. Ủy ban Hỗn hợp được thiết lập và tiến hành hai lần họp và dự kiến trong năm 2008 sẽ tiến hành 4 cuộc đàm phán.
5. ASEAN-Mỹ.
Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu về xuất khẩu của ASEAN. Tính theo giá trị ngoại thương, Mỹ hiện đứng vị trí thứ hai sau Nhật. Đầu tư của Mỹ vào ASEAN xếp hàng thứ ba nếu tính luôn cả đầu tư bên trong khối ASEAN với nhau và đứng vị trí thứ thứ hai nếu tính các nước bên ngoài đầu tư vào ASEAN.
Từ 1977 đến 2004, Mỹ - ASEAN đã tiến hành 17 lần đối thoại thông qua các Hội nghị Bộ Trưởng và các diễn đàn của lãnh đạo cấp cao. Tổng thống Mỹ đã đồng ý triển khai chương trình Nâng cao Quan hệ Hợp tác ASEAN-Mỹ về mọi mặt, chính trị, ngoại giao. Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế, hai bên đồng ý tiếp tục chương trình Sáng kiến kinh tế ASEAN (EAI) , xem đó là cơ chế để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và ASEAN, ký kết Hiệp định Khung ASEAN–Mỹ về Thương mại và Đầu tư vào 8/2006. Mỹ cũng đã ký riêng FTA vào 2003 và đang trong giai đoạn đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Mỹ cũng đã ký Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư với Philippines (1989), Indonesia (1996), Brunei (2002), Thái Lan (2002), Malaysia (2004), Campuchia (2006), và Việt Nam (6/2007). Tổng thống Mỹ mới đây đã đề cử Đại sứ đầu tiên của Mỹ làm việc ở văn phòng Ban Thư ký ASEAN [9].
6. Các FTA khác của ASEAN.
ASEAN hiện đang duy trì đối thoại hợp tác với các nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Canada, Nga và Pakistan... Mặc dầu giao thương với các nước này còn chưa cao nhưng các bên đã duy trì đối thoại thông qua các ghi nhớ, tuyên bố chung và các diễn đàn khu vực.
Một số nhận định:
Đông Nam Á là một khu vực kinh tế năng động với xấp xỉ 50 hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương. Các hiệp định này hình thành dựa trên các nguyên tắc nền tảng của WTO. Chúng nhắm đến mục tiêu giải phóng thương mại từng phần của nền thương mại thế giới, khi các cuộc đàm phán đa phương chưa tìm được tiếng nói chung.
ASEAN hiện đang thực hiện RTA với Trung Quốc, đang đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU… là những nền kinh tế lớn. Mặc dầu Nhật đã thành công ký hiệp định thương mại song phương với Singapore và đã đầu tư rất sớm, từ thập kỷ 80 vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Nhật cũng thấy áp lực khi giữa ASEAN và Trung Quốc đã hình thành ACFTA. Trong bối cảnh đó, nếu ASEAN chưa đủ năng động, rất có khả năng Nhật, Mỹ sẽ thúc đẩy đàm phán riêng rẽ để tiến tới FTA với các nước thành viên ASEAN như Malaysia và Thái Lan để tránh bị hiệu ứng chệch hướng thương mại (trade diversion effect) khi giữa ASEAN và Trung Quốc hoàn toàn đi vào thực hiện ACFTA vào năm 2010 và 2015 đối với nhóm CLMV.
Bài học rút ra cho Việt Nam:
Trong khi Việt Nam nỗ lực gia nhập ASEAN vào năm 1995 và WTO năm 2007 theo hướng đa phương hóa quan hệ ngoại thương, thế giới và khu vực lại có xu thế chuyển sang hình thành các RFA và FTA. Trước bối cảnh đó, Việt Nam không thể chậm chân trong việc tranh thủ thời cơ thuận lợi sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Cần tiến hành phân tích và tận dụng khai thác các RTA/FTA đã có trong khu vực trên cơ sở các lợi thế riêng của quốc gia. Chậm chân trong việc thích ứng với động thái ngoại thương của khu vực sẽ bị cuốn hút vào vòng xoáy ngoại thương của các nền kinh tế đang mạnh lên trong khu vực và bị trở thành “sân sau” cho các nền kinh tế này. Trên thực tế, ngoài AFTA, ACFTA, AKFTA là các hiệp định thương mại tự do khu vực Việt Nam đang tham gia cùng các nước ASEAN với Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam hiện chưa ký được một FTA với bất cứ quốc gia nào.
VĐK
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment