Thursday, October 23, 2008
Đối sách kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Barack Obama và John McCain
Trong lúc nước Mỹ đang gặp khủng hoảng tài chính. Người dân Mỹ cũng như trên thế giới có lẽ quan tâm nhất những đối sách kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống mà đằng sau họ chính là những cố vấn kinh tế.
Một trong những cố vấn kinh tế của Barack Obama là giáo sư kinh tế Đại học Chicago, Austan Goolbee, năm nay mới 39 tuổi. Goolbee tốt nghiệp thạc sĩ ở Yale nănm 1991 và lấy bằng tiến sĩ kinh tế ở MIT năm 1995. Goolbee đã từng là một trong những thành viên thuộc nhóm cố vấn kinh tế Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ. Ông chuyên viết bài cho báo New York Times, giành được học bổng Fulbright và thường xuất hiện trên kênh truyền hình Lịch sử với chuyên đề Lịch sử kinh doanh. Goolbee được đánh giá là thế hệ các nhà kinh tế có tầm nhìn và kỹ năng của thế kỷ 21. Ông cùng Giáo sư Richard Thaler, sáng lập viên của trường phái kinh tế học hành vi hoặc Cass Sunstein, giáo sư trường luật Đại học Chicago...là những nhà kinh tế tập trung nghiên cứu hành vi của công chúng đối với các vấn đề như thuế thu nhập, ảnh hưởng của internet và hệ thống kết nối xã hội. Các nhà nghiên cứu này dựa vào ứng dụng công nghệ mới trong y học để xác lập mối quan hệ của hệ thần kinh và hành xừ của con người khi làm quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Theo họ, hành xử của con người thường là "mặc định" trước các lựa chọn rủi ro và lợi nhuận, chứ không phải lúc nào cũng có lý như những kết luận trước đây.
Một trong những đề nghị của Goolbee là đơn giản hóa cách khai thuế cho đại bộ phận người dân Mỹ. Mọi người có lẽ đã biết, sở thuế Mỹ tạm trừ trước một khoản thu nhập của người dân, cuối năm cá nhân phải khai thuế để nhận lại khoản tiền tính bị dôi ra, hoặc đòi thêm khoản bù thu nhập theo quy định. Nhờ vào cơ sở dữ liệu thuế, cơ quan thuế sẽ tính và trả trước các đối tượng bị đóng thuế một khoản tiền còn dư cùng với thông tin giải thích liên quan, người đóng thuế thường chọn giải pháp chấp thuận. Nói khác đi, lựa chọn của họ trở nên "mặc định". Với cách làm này, sẽ tiết kiệm cho người dân 225 triệu giờ và 2 tỷ đô mỗi năm.
Về vấn đề toàn cầu hóa và an ninh kinh tế của nước Mỹ, Goolbee cho rằng, dựa trên kết quả nghiên cứu, cho thấy toàn cầu hóa không có tội tình gì. Nếu Mỹ không nhập hàng tiêu dùng của Trung Quốc thì cũng nhập của một nuớc nào khác, chẳng hạn, Việt Nam, hay Mexico... Để củng cố an ninh kinh tế, theo ông, nước Mỹ cần thay đổi trong việc tạo ra nhu cầu đối với lao động có kỹ năng và sử dụng lợi thế công nghệ. Nhưng nếu chọn giải pháp này, sẽ có 75 đến 85% người Mỹ có thu nhập trung bình sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Vì thế, về lâu dài, chìa khóa để giải quyết vấn đề này là đầu tư vào giáo dục và làm cho thu nhập người dân có tính lưu động.
Nếu thắng cử, chính sách kinh tế của Obama sẽ tập trung giải quyết khiếm khuyết hiện tại của xã hội Mỹ, khi mà 2/3 kỹ sư và tiến sĩ khoa học tốt nghiệp không phải là công dân Mỹ. Tiếp đến là vấn đề tuổi trung bình tốt nghiệp đại học ở Mỹ hiện nay là 31 chứ không phải là 25 như trong quá khứ. Theo Goolbee, đây là hậu quả của việc giảm đầu tư ngân sách vào nghiên cứu khoa học tám năm qua, cũng như sự cam kết của chính phủ trong đầu tư vào chương trình đào tạo nâng cao bị thả lỏng. Ba lãnh vực sẽ dành được nhiều ưu tiên trong giáo dục và đào tạo của Mỹ là y học, công nghệ sinh học và khoa học tính toán.
Trước mắt, nếu trở thành tổng thống, Obama hứa trả lại mỗi công nhân $500 hoặc $1000 đô la cho mỗi gia đình để thúc đẩy tiêu dùng. Chi 50 tỷ đô la thông qua các dự án của tiểu bang và liên bang về cầu đường, trường học, và các dự án tạo công ăn việc làm trong nước. Hoãn trả nợ cho các chủ hộ không có khả năng chi trả để họ đàm phán làm quyết định giữ hay chuyển nhượng tài sản. Cho phép mỗi gia đình rút đến 10.000 đô la từ tài khoản nghỉ hưu bất cứ khi nào trong một năm để chi tiêu mà không bị tiền phạt. Cung cấp một khoản trợ thuế 60 tỷ đô la cho các doanh nghiệp tạo công ra việc làm trong nước. Tạo ra một ngân quỹ khẩn cấp để cho vay trực tiếp đến doanh nghiệp nhỏ và mở rộng cho vay có bảo đãm thông qua tổ chức Quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ.
Đối với ứng viên McCain, nếu thắng cử, trước mắt ông hứa sẽ chi 300 tỷ đô la để mua lại tài sản của các chủ hộ không có khả năng trả tiền nhà để họ đàm phán lại về cách thanh toán tiền nhà dựa trên giá trị tài sản hiện có. Cho phép người dân tuổi từ 59 trở lên rút tiền từ khoản tiết kiệm nghỉ hưu cá nhân và chỉ chịu thuế suất 10% thay vì 35% theo luật thuế hiện hành. Giảm thuế đánh vào phần tăng giá của cổ phiếu từ 15% xuống còn 7,5%. Tăng khoản giảm thuế để bù cho việc mất giá cổ phiếu đến 15.000 đô la một năm. Luật hiện tại quy định mức giảm trừ chỉ đến 3.000 đô la Loại bỏ thuế đánh vào khoản trợ cấp do mất việc làm. Tạm thời hoãn quy định đòi hỏi người Mỹ trên tuổi 70 và có khoản thời gian quy định là sáu tháng để bắt đầu bán các khoản tiết kiệm nghỉ hưu cá nhân, giúp họ tránh khỏi phải bán ra các cổ phiếu đang trong thời kỳ giá thấp.
Nhạc trưởng kinh tế của McCain hiện là Tiến sĩ Douglas Holtz-Eakin. Ông là chuyên viên nghiên cứu cao cấp ở Viện Kinh tế Quốc tế Peterson từ 2007 đến tháng Ba 2008. Từng là giám đốc của Văn phòng Ngân sách Quốc hội nhiệm kỳ 2003–05. Giữ chức Kinh tế trưởng ở Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Bush (2001–02) trong một khoảng thời gian 18 tháng và là chuyên viên kinh tế cao cấp của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bush trong hai năm (1989–90). Holtz-Eakin là giám đốc công ty DHE Consulting, LLC do ông làm chủ. Đã từng được bổ nhiệm làm công tác nghiên cứu ở Đại học Columbia và Princeton, chủ tịch và giáo sư kinh tế, ủy viên hội đồng quản trị kiêm phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách công Maxwell ở Đại học Syracuse. Ông đã giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Địa kinh tế Maurice R. Greenberg và được tôn vinh chức danh giáo sư kinh tế quốc tế mang tên Paul A. Volcker ở Ủy ban quan hệ đối ngoại. Ông cũng đã là cố vấn cho nhiều chính phủ tiểu bang ở Mỹ.
Một điều thú vị là trong lúc hai ứng viên tổng thống đang đi vận động tranh cử, hai cố vấn kinh tế đã được mời đến Đại học Columbia hôm thứ hai 20/10 để tranh luận về khả năng thực hiện các giải pháp kinh tế của các ứng viên tổng thống. Mặc dầu có dịp để hùng biện về tính thuyết phục của các giải pháp kinh tế do họ đề ra, cả hai đều thừa nhận rằng cho dù là ai thắng trong cuộc bầu cử này, khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ làm cho lời hứa của hai ứng viên khó có thể thực hiện được trong 4 năm tới.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment