Wednesday, March 19, 2008
Con người kinh tế[1]
Sau Tết âm lịch, giá cả tiêu dùng ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh. Ly cà phê Highlands ở các cao ốc văn phòng tăng từ 18.000 đồng trước Tết thành 26000 đồng. Phở 24, không còn giá 24000 đồng như lúc ban đầu nữa! Một số đồng nghiệp làm công ăn lương của tôi bắt đầu, có người cố thủ trong các cubic vào buổi trưa, kẻ mang cơm theo, người gọi phone mang cơm đến tận sở làm.
“Con người kinh tế” trong mỗi cá nhân bắt đầu xuất hiện. Tôi cũng được một anh bạn nổi tiếng là hay có những khám phá về những cái mới ở trong khu vực quanh sở làm rủ ăn trưa ở một nơi đặc biệt: “ngon mà rẻ”. Vừa tin vừa ngờ tôi theo chân anh bạn vào con hẻm chỉ rộng 1,5 mét ở Phố Điện Máy Huỳnh Thúc Kháng. Cô chủ quán lúc nào cũng tươi cười, quán chật chỉ ngồi một lúc được 5 người, nên cô rất dễ phục vụ vừa nhanh vừa chiều theo ý khách hàng. Quả thật anh bạn tôi đã đúng. Thức ăn mới và gạo nấu cơm quả ngon thật. Và một phần ăn ở mức giá sàn 13.000 đồng là có thể vừa lòng thực khách. Còn ngạc nhiên hơn, từng mâm cơm của cô còn được đưa đi và về hầu như khắp khu phố đông đúc vào bậc nhất của Sài Gòn, len lỏi vào tận các cao ốc nơi nhân viên có lương tháng bằng cả trăm đô la Mỹ. Dễ hiễu thôi, các bà các cô môi son má phấn ai vào trong hẽm này ngồi dùng cơm được!
Tôi chú ý ngay về quán ăn đặc biệt này. Hoàn cảnh kinh tế tạo ra con người kinh tế. Cô chủ kinh doanh trong một môi trường chật hẹp và rất dễ bị xóa sổ nếu đem tiêu chuẩn vệ sinh áp vào để quản lý. Vì thế, cô đã làm hết sức mình thỏa mãn nhu cầu của thực khách. Sự thỏa mãn của khách hàng đối với cô là tối thượng, là lẽ sống còn. Nhiều tạo vật trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên, cũng đã biết biến khó thành khôn giống như cô. Người dân nhiều vùng ở nước ta có điều kiện sống ít thuận lợi cũng biết tìm cách để tồn tại và phát triển. Nước Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc, Singapore với tài nguyên không lấy gì giàu có, cũng đã tìm thế riêng biệt để đưa nền kinh tế của họ trở thành rồng và hổ. Các nhãn hiệu hàng đầu như Sony, Nikon, Samsung, Accer, Hyundai… đã ra đời từ những nhà khởi nghiệp kinh doanh với nhiều hoàn cảnh éo le của đất nước họ.
Câu chuyện của quán ăn đặc biệt này cũng làm tôi nhớ lại câu chuyện gần đây của một người quen. Số là con đường mới mở của thành phố phóng ngang mảnh đất của tổ tiên ông để lại. Đất hóa thành vàng. Vị này nhanh chóng nhảy dù xí chỗ ngay không cần hội ý, bàn bạc với gia tộc. Qua thời gian, công việc làm ăn của ông không phát triển mà có chiều sa sút. Con cái không học hành thành đạt. Họ hàng xa cách dần vì cách đối xử thiếu công bằng của ông. Nhiều người còn cho đó là do quả báo nhãn tiền. Một lần nữa, bài học về con người kinh tế có tác dụng. Sống trên tài nguyên phong phú nhưng không chuẩn bị con người có những kiến thức kinh doanh nền tảng để khai phá và phát triển kinh tế, trước sau cũng sẽ là một thảm họa.
[1] Homo economicus: Mô hình kinh tế căn bản giả thiết rằng con người luôn tìm thấy sự hợp lý và luôn nỗ lực để tối đa hóa sự hiệu dụng cho mình.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment