Friday, March 21, 2008

We are remarkably irrational creatures!

"Đời là bể khổ" Nàng là người hạnh phúc nhưng luôn than buồn, chán! Chàng là một doanh nhân thành đạt vẫn than khổ. Vì sao? Tháng Giêng năm ngoái (2007), một nhóm khoa học gia của Đại học California ở thành phố Los Angeles (Mỹ) đã trình bày kết quả nghiên cứu tổng hợp về thần kinh học, kinh tế học hành vi với sự hỗ trợ của máy quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI-magnetic resonance imaging). Nhóm khoa học gia này đã làm thí nghiệm hàng ngàn lần đo lường sự thay đổi về kích thước và hình dạng của não bộ của những nhóm người tham gia thí nghiệm chơi trò đỏ đen theo kiểu năm ăn, năm thua. Máy quét gửi tín hiệu hình ảnh hai giây một lần, sau đó tín hiệu này được xử lý thống kê so sánh với một mô hình chuẩn đã được thiết lập, rồi sau đó chuyển tín hiệu thành hình màu minh họa hình thái của não bộ. Nhóm khoa học gia này quan sát rằng khi khả năng thắng tăng lên có sự gia tăng của hoạt chất dopamine liên quan đến yếu tố động viên và khen thưởng. Còn khi khả năng thua tăng, hoạt chất nói trên giảm rõ rệt trong não bộ người tham gia trò chơi. Hoạt chất dopamine được tiết ra từ cùng một cấu trúc não bộ. Họ kết luận, cá nhân khác nhau về thái độ chống lại rủi ro bởi do sự khác nhau hàm lượng chất hóa học do hệ thần kinh này tiết ra. Vì thế, nhiều người trong chúng ta hầu như khó thay đổi khi đối mặt với rủi ro cao hay thấp trong đời sống hàng ngày. Kết quả thí nghiệm này giải thích được hành vi tài chính của nhà đầu tư trước các biến động trên thị trường chứng khoán. Khi giá chứng khoán giảm, những người yếu bóng vía tìm cách tháo chạy (não bộ của họ giảm lượng dophamine khi lo sợ tăng lên), nhưng có người vẫn lì đòn giữ chứng khoán không chịu bán (não bộ những người này thuộc loại thần kinh thép, nghĩa là vẫn tiết ít lượng dopamine). Sự việc này đưa đến cả hai kết quả tốt và xấu liên quan đến hậu quả tài chính của nhà đầu tư. Nghĩa là khi giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư tháo chạy trước mất mát ít hơn nhà đầu tư lì lợm bán sàn (do họ là người dám thách thức với rủi ro). Ngược lại do bỏ chạy khỏi sàn, nhà đầu tư sợ rủi ro không còn cơ may nắm giữ cổ phiếu khi giá lên. Thí nghiệm này đưa đến việc chấp nhận giả thuyết, con người là một tạo vật vô lý! (Chứ không phải là hợp lý như giả thuyết con người kinh tế trước đây trong việc làm quyết định khi đối mặt rủi ro. Cũng cần nói thêm rằng, năm 1979, các nhà kinh tế học hành vi, Daniel Kahnerman và Amos Tversky đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình và kết luận rằng hầu hết con người chúng ta có thái độ chống lại rủi ro gấp đôi thái độ phấn khởi khi hài lòng. Nghĩa là, người ta cảm thấy đau khổ khi mất mát nhiều hơn (gấp bội) sự hài lòng khi được lợi lộc. Đấy cũng là cách lý giải cho tình trạng hoảng loạn trên thị trường chứng khoán thế giới và ở nước ta khi giá cổ phiếu giảm. Kết luận này cũng giải thích vì sao ta hay nghe câu nói: “Đời là bể khổ” hoặc câu hát, “Đường vào tình yêu, có trăm lần vui, có vạn lần sầu!”

Wednesday, March 19, 2008

Con người kinh tế[1] Sau Tết âm lịch, giá cả tiêu dùng ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh. Ly cà phê Highlands ở các cao ốc văn phòng tăng từ 18.000 đồng trước Tết thành 26000 đồng. Phở 24, không còn giá 24000 đồng như lúc ban đầu nữa! Một số đồng nghiệp làm công ăn lương của tôi bắt đầu, có người cố thủ trong các cubic vào buổi trưa, kẻ mang cơm theo, người gọi phone mang cơm đến tận sở làm. “Con người kinh tế” trong mỗi cá nhân bắt đầu xuất hiện. Tôi cũng được một anh bạn nổi tiếng là hay có những khám phá về những cái mới ở trong khu vực quanh sở làm rủ ăn trưa ở một nơi đặc biệt: “ngon mà rẻ”. Vừa tin vừa ngờ tôi theo chân anh bạn vào con hẻm chỉ rộng 1,5 mét ở Phố Điện Máy Huỳnh Thúc Kháng. Cô chủ quán lúc nào cũng tươi cười, quán chật chỉ ngồi một lúc được 5 người, nên cô rất dễ phục vụ vừa nhanh vừa chiều theo ý khách hàng. Quả thật anh bạn tôi đã đúng. Thức ăn mới và gạo nấu cơm quả ngon thật. Và một phần ăn ở mức giá sàn 13.000 đồng là có thể vừa lòng thực khách. Còn ngạc nhiên hơn, từng mâm cơm của cô còn được đưa đi và về hầu như khắp khu phố đông đúc vào bậc nhất của Sài Gòn, len lỏi vào tận các cao ốc nơi nhân viên có lương tháng bằng cả trăm đô la Mỹ. Dễ hiễu thôi, các bà các cô môi son má phấn ai vào trong hẽm này ngồi dùng cơm được! Tôi chú ý ngay về quán ăn đặc biệt này. Hoàn cảnh kinh tế tạo ra con người kinh tế. Cô chủ kinh doanh trong một môi trường chật hẹp và rất dễ bị xóa sổ nếu đem tiêu chuẩn vệ sinh áp vào để quản lý. Vì thế, cô đã làm hết sức mình thỏa mãn nhu cầu của thực khách. Sự thỏa mãn của khách hàng đối với cô là tối thượng, là lẽ sống còn. Nhiều tạo vật trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên, cũng đã biết biến khó thành khôn giống như cô. Người dân nhiều vùng ở nước ta có điều kiện sống ít thuận lợi cũng biết tìm cách để tồn tại và phát triển. Nước Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc, Singapore với tài nguyên không lấy gì giàu có, cũng đã tìm thế riêng biệt để đưa nền kinh tế của họ trở thành rồng và hổ. Các nhãn hiệu hàng đầu như Sony, Nikon, Samsung, Accer, Hyundai… đã ra đời từ những nhà khởi nghiệp kinh doanh với nhiều hoàn cảnh éo le của đất nước họ. Câu chuyện của quán ăn đặc biệt này cũng làm tôi nhớ lại câu chuyện gần đây của một người quen. Số là con đường mới mở của thành phố phóng ngang mảnh đất của tổ tiên ông để lại. Đất hóa thành vàng. Vị này nhanh chóng nhảy dù xí chỗ ngay không cần hội ý, bàn bạc với gia tộc. Qua thời gian, công việc làm ăn của ông không phát triển mà có chiều sa sút. Con cái không học hành thành đạt. Họ hàng xa cách dần vì cách đối xử thiếu công bằng của ông. Nhiều người còn cho đó là do quả báo nhãn tiền. Một lần nữa, bài học về con người kinh tế có tác dụng. Sống trên tài nguyên phong phú nhưng không chuẩn bị con người có những kiến thức kinh doanh nền tảng để khai phá và phát triển kinh tế, trước sau cũng sẽ là một thảm họa. [1] Homo economicus: Mô hình kinh tế căn bản giả thiết rằng con người luôn tìm thấy sự hợp lý và luôn nỗ lực để tối đa hóa sự hiệu dụng cho mình.

Sunday, March 16, 2008

Phân tích các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán

Các bạn thân mến! Các bạn muốn mua bán cổ phiếu? Bạn nên học một chuyên đề kế toán, phân tích tài chính và chứng khoán. Tuy nhiên, nếu không có thì giờ, hoặc không để bị lạc vào mê hồn trận của các công cụ phân tích, bạn hãy tập trung vào phân tích các chỉ tiêu căn bản để hiểu về tình hình một công ty cụ thể gồm bốn bước căn bản sau đây: 1. Xác định hoàn cảnh chung của nền kinh tế. 2. Xác định hoàn cảnh của ngành nghề. 3. Xác định tình hình tài chính của công ty. 4. Xác định giá trị cổ phiếu của công ty. 1. Phân tích kinh tế Nền kinh tế được nghiên cứu để xác định xem thử hoàn cảnh của nền kinh tế có tốt cho thị trường chứng khoán không. Có thể tập trung các câu hỏi căn bản sau đây: Liệu có quan tâm về tình hình lạm phát không? Lãi suất có thể tăng hay giảm? Sức mua (tiêu dùng) có tăng không? Cán cân thương mại xuất nhập có theo chiều thuận lợi không? Cung tiền đang thu hẹp hay bành trướng? Có thể làm nghiên cứu trên mạng thông qua trang web của các định chế tài chính có uy tín như World Bank, IMF, ASEAN, UNDP. Tất nhiên, các cơ sở dữ liệu tốn phí có đầy đủ thông tin nhất, nhưng đôi khi họ cũng cho không để quảng bá thương hiệu như trường hợp cơ sở dữ liệu ProQuest dành cho các trường kinh tế. 2. Phân tích ngành nghề Ngành nghề của công ty có ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của công ty trước mắt và lâu dài không. Ngay cả các cổ phiếu tốt nhất trên sàn có thể sẽ tạo ra phần thưởng không đáng kể nếu ngành nghề công ty đang kinh doanh đang vật lộn với nhiều khó khăn. Người ta thường nói rằng một cổ phiếu yếu trong một ngành mạnh tốt hơn là một cổ phiếu mạnh trong một ngành yếu. Trong hoàn cảnh chưa có các công ty làm dịch vụ cung cấp số liệu phân tích ngành, để làm phân tích, bạn nên tích lũy báo cáo tài chính công bố trên website của Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) tại địa chỉ http://www.vse.org.vn, và Hà Nội (HASTC) tại địa chỉ http://www.hastc.org.vn/ . Trên các trang này cũng có bảng ký hiệu mã chứng khoán và mô tả ngành nghề sẵn. Hãy phân các công ty thành từng nhóm để tiện việc so sánh. Từ đó hình thành cho mình các chỉ số tương đối về ngành nghề. 3. Phân tích công ty Sau khi xác định hoàn cảnh kinh tế và ngành nghề công ty quan tâm, bạn cần phân tích công ty để xác định sức khỏe tài chính. Việc này luôn được tiến hành bằng cách nghiên cứu các báo cáo tài chính của công ty. Từ các báo cáo này, một số các chỉ số tài chính được tính toán để rút ra nhận xét. Các tỷ số được phân loại thành năm nhóm chính để đánh giá: tính lợi nhuận, chất lượng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận (giá bán), tính thanh khoản, đòn bẩy tài chính, và tính hiệu quả (sử dụng vốn và tài sản). Khi phân tích chỉ số thực hiện tài chính của công ty, các tỷ số này nên phải so sánh với các công ty khác giống hay tương tự cùng ngành để có cảm giác công ty thế nào được coi là “bình thường”. Ít nhất một trong số các chỉ tiêu phổ biến từ mỗi phân loại dưới đây cần phân tích và so sánh. Tỷ suất lợi nhuận ròng. Tỷ suất lợi nhuận ròng của một công ty được tính bằng cách chia lợi nhuận ròng cho doanh thu sau khi đã loại bỏ các khoản giảm trừ. Tỷ số này chỉ ra bao nhiêu lợi nhuận công ty có thế chắt lọc từ mỗi đồng doanh thu. Ví dụ, tỷ suất lợi nhuận ròng 30%, chỉ ra rằng công ty thu được ba chục hào lợi nhuận của một đồng doanh thu. Tỷ số P/E. P/E được tính bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của bốn quý trước. Tỷ số P/E Ratio chứng tỏ bao nhiêu một nhà đầu tư phải trả để “mua” một đồng lợi nhuận của công ty. Chẳng hạn, nếu giá cổ phiếu hiện giờ là 20.000 đồng và EPS của bốn quý trước là 2000 đồng, P/E sẽ là 20 (20000/2000). Điều này có nghĩa là bạn phải trả 20 đồng để “mua” một đồng lợi nhuận của công ty. Dĩ nhiên, nhà đầu tư kỳ vọng thành quả tương lai của công ty. Yếu tố tâm lý đó đóng một vai trò rất lớn trong việc xác định chỉ số của P/E hiện thời của công ty. Một phương pháp phổ biến là so sánh P/E của các công ty trong cùng ngành. Khi so sánh như thế, công ty có chỉ số P/E thấp hơn sẽ có giá trị tốt hơn. Giá trị sổ sách trên cổ phiếu. Chỉ số này được tính bằng cách chia tổng tài sản trừ các khoản nợ cho tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tùy vào phương pháp kế toán được sử dụng và thời gian sử dụng của tài sản, giá trị sổ sách có thể giúp xác định xem cổ phiếu bị trên giá hoặc dưới giá. Nếu một cổ phiếu đang mua bán ở một giá thấp nhiều so với giá trị sổ sách, có thể là một chỉ báo rằng nó đang vị dưới giá. Tỷ số thanh toán. Tỷ số thanh toán của một công ty được tính bằng cách chia tài sản lưu động cho nợ ngắn hạn của nó. Chỉ số này nhằm đo lường khả năng trả nợ của công ty khi đến hạn thanh toán. Tỷ số càng cao khả năng thanh khoản càng lớn. Ví dự, tỷ số này bằng 2 có nghĩa là công ty có thể đử sức để trả các khoản nợ đến hạn tới hai lần. Tỷ số nợ. Chia tổng nợ cho tổng tài sản ta có tỷ số đòn bẩy. Tỷ số này do lường mức độ trong đó tổng tài sản của công ty được tài trợ từ nợ. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ 40% chỉ rằng 40% tài sản của công ty được tài trợ từ vốn vay mượn bên ngoài. Nợ là con dao hai lưỡi. Trong những thời điểm kinh tế căng thẳng hay lãi suất tăng cao, các công ty với tỷ lệ đòn bẫy cao có thể bị vấn đề tài chính. Tuy nhiên, trong những thời điểm kinh tế thuận lợi, nợ có thể làm tăng tính lợi nhuận bằng cách tài trợ tăng trưởng ở chi phí thấp. Vòng quay tồn kho. Vòng quay tồn kho là tỷ số hiệu quản được tính bằng cách chia giá vốn hàng bán cho tồn kho. Tỷ số này phản ánh công ty quản lý hiệu quả thế nào tồn kho của nó bằng cách nhìn vào số lần trong một năm tồn kho được quay (hay thay thế). Tất nhiên, tỷ số này từ thuộc rất lớn vài ngành nghề. Một hệ thống cửa hàng bán tạp hóa phải có tỷ số này cao hơn công ty chế tạo máy. Như đã nói trước đây, điều quan trọng là so sánh các công ty trong cùng ngành với nhau. 4. Định giá cổ phiếu Sau khi xác định hoàn cảnh và viễn cảnh của nền kinh tế, ngành nghế và công ty, bước cuối cùng là xác định xem cổ phiếu của công ty bị trên giá, dưới gia hay đúng giá trị. Nhiều mô hình đã được phát triển để giúp xác định giá trị của cổ phiếu. Các mô hình này gồm, mô hình cổ tức, tập trung vào giá trị hiện tại của dòng cổ tức kỳ vọng, mô hình lợi nhuận, tập trung vào giá trị hiện tại của dòng lợi nhuận kỳ vọng, mô tình, mô hình tài sản tập trung vào giá trị của tài sản công ty. Mô hình dòng tiền tự do (chẳng hạn mô hình Morning star tập trung vào dòng tiền tự do kỳ vọng trong tương lai. Không nghi ngờ gì nữa rằng các yếu tố nền tảng này đóng một vai trò quan trọng chủ yếu trong việc định giá của một cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu bạn định hình kỳ vọng của mình về giá cổ phiếu dựa trên các yếu tố nền tảng, điều quan trọng bạn cũng nên nghiên cứu lịch sử giá cổ phiếu, nếu không bạn có thể đi đến sở hữu một cổ phiếu dưới giá, nhưng sau đó nó vẫn bị dưới giá sau khi mua. Chúc các bạn may mắn!

Thursday, March 13, 2008

Hãy giữ Văn Phong thành khu du lịch sinh thái

Chúng tôi đã khai phá Đầm Môn từ rất sớm. Dưới sự quản lý của Ban Tài Chính Tỉnh Ủy Phú Khánh, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tìm cát đen (ilmenit), cát trắng thủy tinh và cát vàng khuôn đúc. Nguyên là cán bộ kỷ thuật dự án, biết chút tiếng Anh, chúng tôi có dịp tiếp cận các đoàn khảo sát của các công ty nước ngoài đến tìm hiểu Đầm Môn, Vịnh Văn Phong từ những năm 1980 và 1990. Lúc ông Võ Văn Kiệt còn làm thủ tướng, những tập đoàn lớn như Total (Pháp), Sumitomo (Nhật), SsangYong (Hàn Quốc), cũng như các công ty vừa và nhỏ khác của Đài Loan, Hàn Quốc, Philippine, Nhật Bản… tất cả đều đã được đưa đến bán đảo Hòn Gốm nhằm tìm cách phát triển Đầm Môn và vịnh Văn Phong.
Kết quả của công việc khảo sát dẫn tới dự án xây dựng cầu trút cát xuống tàu, xuất sang Nhật (xem ảnh) thông qua hợp đồng giữa Công ty Khoáng Sản Khánh Hòa và Công ty I&W Enterprise của Nhật Bản, hiện nay vẫn đang tiếp tục thực hiện.


Gần đây, báo chí bàn nhiều việc xây dựng cảng trung chuyển container, và nhà máy thép, chúng tôi thấy cần góp ý kiến của mình. Vịnh Văn Phong sâu, kín gió nhưng cửa vào vịnh hẹp, có nơi chỉ rộng từ 800 mét đến 1 ki lô mét, hai bên bờ đá dựng đứng. Không rõ lấy đâu ra chiều dài để xây dựng cảng trung chuyển vì cung dài nhất của bãi cát ở thôn Đầm Môn hiện tại chỉ dài khoảng hơn 2 km. Vùng cát trắng phía sau bãi cát cũng chỉ rộng vài chục hecta. Vậy lấy đâu ra vị trí để xây bãi chứa container? Theo tiến sĩ Trương Đình Hiển, Viện Khoa học Công Nghệ Việt Nam, cứ 10 mét cảng cần có 1 ha đất để xây dựng kho bãi. Vậy chỉ cần 2 km cầu cảng cần phải có 200 ha đất làm bãi. Tôi cũng nhớ lại , trong lần đi khảo sát cảng Tai Chung, Đài Loan, chúng tôi phải đi bằng ô tô vì cầu cảng dài trên 15 km. Gần cảng Tai Chung là các khu công nghiệp và đường cao tốc nối với cảng. Chúng tôi muốn đề cập đến các dịch vụ sau cảng và tình trạng phát triển cơ sở hạ tầng của Huyện Vạn Ninh và vùng phụ cận. Vậy không lẽ chỉ biến Đầm Môn thành chỗ gửi tạm container theo đúng nghĩa trung chuyển. Về mặt địa hình, vùng biển trước cảng không rộng, lại có các hòn đảo nhỏ (Hòn Gốm, chẳng hạn) làm giảm khả năng quay trở của các tàu vào ra trả và nhận hàng. Giả sử tất cả các yếu tố trên đều có thể giải quyết, do hình dáng Vịnh là một cái túi có miệng là cửa ra vào đại dương, dầu thải của tàu vào ra sẽ gây ô nhiễm toàn bộ vùng nước từ Vạn Giã đến Đèo Cổ Mã khiến cho việc nuôi trồng hải sản sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến gió mùa Đông Bắc, cát mịn bay theo gió sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa tồn kho trên bãi.

Còn về việc xây dựng nhà máy thép, theo chúng tôi lại càng không thuyết phục. Xây nhà máy sẽ phải xây cảng tiếp nhận nguyên liệu, bốc dỡ hàng hóa, khu đổ xỉ thải, khu hành chính, nhà máy điện. Khói thải của nhà máy vào mùa Đông Bắc sẽ bay vào Thị Trấn Vạn Giã, Ninh Hòa. Mùa gió nồm thổi theo hướng Tây Nam sẽ làm cho khu vực biển dọc bán đảo Đầm Môn không còn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Cảnh quan thiên nhiên chắc chắn rồi cũng sẽ bị phá vỡ.

Không hiểu vì sao chúng ta không thuê một đơn vị độc lập đánh giá tác động môi trường của cả hai dự án lớn như thế. Cũng càng khó hiểu khi nghe nói tập đoàn này mời một đoàn cán bộ lão thành sang thăm nhà máy để lobby cho việc xây dựng. Nghe nói một đoàn cán bộ chính trị ở trung ương cũng đã vào thăm và cho ý kiến?

Tôi còn nhớ, ông Ray Chen (người thứ ba từ trái qua phải), hiện đang giữ vị trí Tổng Giám Đốc Nhà Máy Shinan Casting ở Tainan, Đài Loan có nói với chúng tôi khi đi khảo sát cát khuôn đúc ờ vùng này năm 1993. “Phải gìn giữ vùng biển này thành nơi nghĩ dưỡng cho chúng tôi và cả thế giới. Chúng tôi vì đã lao vào phát triển công nghiệp khiến cho môi trường vùng biển Tainan giờ đây đã bị hủy hoại. Chúng tôi đã phải trả giá. Hãy đừng lập lại con đường này của chúng tôi!

Mời các bạn xem ý kiến của tôi tại http://baodulich.net.vn/Story/vn/chuyentrongnghe/chuyentrongnghe/2008/3/1412.html


và Ô. Võ Văn Kiệt tại http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=247950&ChannelID=3

Sunday, March 09, 2008

NGHĨ CÁCH LÀM GIÀU CHO HUẾ


Có một thời người Huế loay hoay đi vỡ núi, phá rừng trồng khoai sắn. Có một thời người Huế tìm cách mở cảng nước sâu để vươn ra biển lớn, hay đón những con tàu viễn xứ xa xôi. Cả nước, các tỉnh thành láng giềng như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng... cũng đều ra sức làm như thế, sao ta có thể ngồi yên? Các nhà lãnh đạo và cả người dân ở Huế bồn chồn lo lắng, ra Bắc vào Nam, ngược xuôi tìm vốn, tìm cơ hội đầu tư để phát triển kinh tế quê nhà. Huế là mảnh đất cuối cùng của triều đại vua Nguyễn. Thậm chí, kinh thành, lăng tẩm, ca hát cung đình cũng đưa vào phục vụ phát triển kinh tế. Thế nhưng, qua một thời gian nhìn lại, ngày nay xứ Huế vẫn chưa giàu lên được. Làm gì để Huế khá lên? Liệu Huế có thể giàu mà không dựa vào khu công nghiệp, cảng nước sâu, sân bay quốc tế như các nơi khác? Nói ngắn, Huế có thể làm giàu từ đâu?

Dựa vào vốn văn hóa của mình để phát triển du lịch.
Trước Tết Đinh Hợi, tôi có dịp thăm Huế. Nhà văn Trần Thuỳ Mai giới thiệu tôi Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, đang bận rộn khai trương. Gặp hoạ sĩ Lê Bá Đảng, tôi nói ngay, “Chúc mừng Bác có một trung tâm để trưng bày tác phẩm, nhưng cũng mừng cho Huế có nơi cho khách du lịch tham quan và thưởng ngoạn nghệ thuật.” Nghe tôi nói thế, nhà văn Trần Thuỳ Mai hào hứng gợi ý, “Anh đã đi thăm nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị chưa?” Tôi bộc trực hỏi ngay, “Thế còn nhà trưng bày tác phẩm Trịnh Công Sơn, có chưa?”
Huế sẽ có nhà trưng bày tác phẩm Trịnh Công Sơn, các viên chức văn hoá ở Huế xác nhận như vậy. Và như thế, Huế lại càng thêm giàu có về vốn văn hoá phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Có điều xin lưu ý, rút kinh nghiệm thành công của Nhà trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng, theo tôi các trung tâm trưng bày nghệ thuật tương lai, cơ quan nhà nước nên kết hợp với các thành viên còn lại của gia đình các nghệ nhân để duy trì và phát triển chúng cho bền vững. Nhân đây, xin đề cập về việc quản lý kinh thành Huế. Nên chăng, có sự kết hợp giữa nhà nước và gia tộc vương triều Nguyễn trong nỗ lực trùng tu kinh thành và kể cả lăng tẩm các vua nhà Nguyễn? Chẳng hạn, Tử Cấm Thành trong đại nội, đã bị san phẳng thời chiến tranh, và nghe nói, hiện có dự án xây lại từ viện trợ của chính phủ Nhật Bản. Nên chăng chính quyền mời thêm cả con cháu hoàng tộc triều Nguyễn tham gia vào dự án, vừa giám sát và có thể quản lý nó sau khi hoàn thiện công trình? Phải nói, vốn làm du lịch văn hoá ở Huế rất phong phú, nhưng hình như hiện nay Huế vẫn còn thiếu cơ chế để khai thác nguồn nhân lực nhằm quản lý chúng một cách hiệu quả. Một vài thành công ở Huế, có thể hé mở các loại hình và cơ chế hoạt động khả dĩ có thể khơi dậy niềm đam mê của con người trong việc khai thác vốn văn hoá để làm giàu cho Huế.
Quán Cà phê Sông Như của hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu nằm bên bờ sông Như Ý, cạnh Đập Đá. Sâu trong hẽm, núp dưới tàn lá, nhưng quán vẫn có khách viếng đều đặn mỗi ngày. Quán do gia đình hoạ sĩ tự doanh. Khách đến uống cà phê vừa thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật do chính tác giả sáng tác. Khách còn được tham quan nơi sáng tác của hoạ sĩ mặc dù hơi nghèo. Trong một không gian như thế và tấm lòng mến khách của vợ chồng chủ quán, một khách du lịch người Mỹ đã tự mình lấy thông tin của quán để đưa vào sách hướng dẫn du lịch cho du khách quốc tế khi đến Huế và Việt Nam.
Dựa vào môi trường thiên nhiên để phát triển
Trong ba ngày lưu lại Huế, vợ chồng người khách Mỹ liên tục lập đi lập lại, “Thật ấn tượng.” Hoặc, “Thành phố của bạn thật xinh đẹp.” Những căn biệt thự, những toà nhà kiến trúc kiểu Pháp hoà quyện với thiên nhiên Huế tạo nên một bức tranh thật hữu tình. Ai đến Huế cũng nhìn nhận đuường phố có nhiều cây xanh. Công viên hai bờ sông Hương sạch và vắng lặng. Môi trường như thế quả là khuôn mẫu mơ ước của các thành phố thế kỷ 21. Trong khung cảnh đó, cần làm cho Huế trở thành một không gian sống phù hợp cho giới tri thức và các thành viên chính của nền kinh tế dịch vụ trong tương lai. Nghĩa là, nếu khéo léo kết hợp môi trường thiên nhiên và ước muốn của con người, Huế có thể bỏ qua giai đoạn phát triển sản xuất công nghiệp để tiến thẳng vào nền kinh tế dịch vụ. Vậy, nếu chấp nhận luận cứ này, Huế sẽ phải làm gì để phát triển?
Trước hết phải nhìn lại hệ thống các trường đại học ở Huế. Các ngành y; nghệ thuật; khoa học xã hội và nhân văn; sư phạm là những thế mạnh truyền thống của trường đại học ở Huế. Ngay cả trong khoa học tự nhiên, ngành toán lý thuyết có thời đã tạo ra tiếng vang cho Huế với các giải Olympic quốc tế. Đây cũng là các ngành Huế có lơị thế cạnh tranh trong nước và ngay cả với toàn cầu. Ngành tin học tuy còn khá mới ở Huế, nhưng cũng là ngành có tiềm năng phát triển rất tốt. Các chuyên viên tin học ngồi miệt mài trên máy tính rất thích thư giãn trong một không gian yên tĩnh, nhiều cây xanh. Đấy là lý do tại sao khu Tam giác nghiên cứu ở Duham, Bắc Carolina, Mỹ thu hút các công ty tin học lớn như IBM, Nortel, đến đặt cơ sở làm việc.
Để cho các ngành kể trên của Đại học Huế hấp dẫn, cần một hạ tầng thông tin tốt và một môi trường quốc tế để các chuyên gia có thể yên tâm làm việc. Hạ tầng thông tin với đường truyền internet băng thông rộng là yếu tố tiên quyết để các chuyên gia có thể chuyển tin hay sản phẩm phần mềm tin học nhanh chóng và không bị gián đoạn. Môi trường quốc tế trong đó cần có trường học dạy bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, Trung Quốc là then chốt để cho con cái của các chuyên gia quốc tế có nơi học tập. Đây cũng là điều kiện để Huế thu hút sinh viên quốc tế. Một trong những lý do Intel vào Việt Nam và chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi đầu tư vì con em của chuyên gia có thể học ở trường các quốc tế như Nam Sài Gòn, British International High School. Ngoài ra, điều tế nhị nhưng không thể thiếu đó là các hộp đêm, vũ trường, nơi giải trí cho giới trẻ thời nay.
Hợp tác cùng phát triển: Huế - Đà Nẵng – Quảng Trị là một dàn hợp xướng trong bài ca phát triển kinh tế du lịch
Hầm Hải Vân đã thông, nếu cải tạo quốc lộ I tốt, Đà Nẵng – Huế chỉ đi ôtô một tiếng đồng hồ. Nếu Huế làm du lịch văn hoá giỏi, khách du lịch sẽ đến Đà Nẵng nhưng nghỉ ngơi thưởng ngoạn văn hoá ở Huế. Nếu Huế làm dịch vụ dở, khách sẽ ra Huế chơi mà quay về Đà Nẵng để nghỉ. Tương tự như thế, Quảng Trị với Đường 9, Khe Sanh, Cầu Hiền Lương, sẽ là những điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình du lịch đến Huế. Hành lang Đông Tây đã thông xe, Đà Nẵng – Huế – Đông Hà sẽ là những điểm dừng của khách. Nếu cả ba nơi biết dựa vào nhau để làm dịch vụ, tạo nét riêng của mỗi nơi, sức thu hút du lịch sẽ nhân lên rất nhiều lần.
Thoả mãn các đòi hỏi như thế, các tỉnh cần ngồi lại, và cần một nhạc trưởng. Nói đến khía cạnh hợp tác, con đường phát triển của Huế có lẽ còn xa lắm. Vâng, đường đi có thể dài. Tuy nhiên, trong một chuyến hành trình, nếu không biết mình sẽ đi đến đâu, chúng ta sẽ không bao giờ đi tới đích. Hơn nữa, nếu chúng ta đi sai đường, câu chuyện kết thúc còn đau buồn hơn. Cư dân khúc ruột miền Trung đi xứ người phần lớn đều khá thành đạt. Đấy là do khả năng tư chất và môi trường sống hun đúc từ nhiều thế hệ. Thế nhưng, nhiều bạn miền Trung và đặc biệt ở Huế than thở với tôi. Đi xa xứ thì khá, ở lại quê thì nghèo. Chứng tỏ rằng Huế nói riêng và miền Trung còn thiếu môi trường để cho chính người dân có thể làm giàu.
Hơn bao giờ hết, biết sử dụng vốn liếng văn hoá, môi trường sống của chính mình, và biết dựa vào các nhau để làm dịch vụ du lịch trên cơ sở tìm ra những nét riêng, nhất định Huế nói riêng và Quảng trị, Quảng Nam Đà nẵng nói chung sẽ giàu.


Chào Thầy Khôi,

Em đã đọc bài viết này của Thầy(*). Em rất tâm đắc. Cũng như em có nói với Thầy thực ra Huế như là một resort khổng lồ mà đã được Thiên nhiên ban tặng & đã được Ông Bà ta tạo ra, con cháu chúng ta chỉ cần khôi phục & làm sống lại những Giá trị Văn hóa phong phú đã có + với một năng lực chất xám về đầu tư kinh doanh = ngành công nghiệp không khói ===>>> chính là phương cách sở trường & chủ lực để Huế làm giàu hiệu quả nhất & nhanh nhất, mà không một nơi nào trên hành tinh này có được!

Như vậy bài toán duy nhất mà chúng ta cần làm lúc này là hoạch định một cơ chế thích hợp & hấp dẫn nhằm tạo điều kiện cho những năng lực chất xám về đầu tư kinh doanh xuất hiện. Bước tiếp theo, trong số đó chúng ta chỉ việc nghiên cứu, lựa chọn một cách công minh một năng lực chất xám về đầu tư kinh doanh nào mà có khả năng làm được việc khôi phục & làm sống lại những Giá trị Văn hóa phong phú đã có. Đến đây bài toán duy nhất đã được giải, và như vậy Huế sẽ có được và vận hành được một phương cách làm giàu hiệu quả nhất & nhanh nhất, mà không một nơi nào trên hành tinh này có được!

Vài dòng chia sẽ với Thầy về Huế.

(*) Bài viết Nghĩ cách làm giàu cho Huế đã đăng trên Báo Du Lịch và Tạp chí Sông Hương, tại

Mother's funeral

To her tomb


Going to underworld


Leaving home village
Passing Old Vida Cafe

Her limo

Dap Da Hue


Leaving home

Leaving home

Leaving hamlet


Leaving hamlet


Her brother

Her sons

Her grand-children

Leaving home


Ngoc Anh Village public service team