Tuesday, September 26, 2006
Story about the Ho Chi Minh City bus system
Một vài góp ý để tăng cường sức thu hút cho hệ thống xe buýt thành phố
Chiều thứ hai, khoảng 5 giờ 30 ngày 25 tháng 9 đường Cách Mạng Tháng 8 đoạn Ngã rẽ Ga Hoà Hưng – Tô Hiến Thành bị tắc nghẽn giao thông gần hai tiếng đồng hồ. Trời mưa rỉ rách, học sinh tan học về nhà, có em ngồi xe đạp đội mưa ướt rũ trông thật thảm hại.
Ngồi trên xe buýt, tôi tranh thủ bật máy hỗ trợ cá nhân PDA vừa nghe nhạc vừa viết tiếp một đoạn bài viết về những ưu và khuyết điểm của hệ thống xe buýt với hy vọng góp một phần ý kiến về giải pháp giao thông đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Thật ra các con tôi đã sử dụng xe buýt từ khi thành phố rầm rộ vận động người dân tham gia sử dụng phương tiện công cộng. Trước đây, mỗi thành viên gia đình chúng tôi chi mỗi tháng khoảng 160.000 đến 200.000 đồng tiền xăng xe máy. Do nhu cầu chi tiêu cá nhân tăng nhưng không được bổ sung ngân sách, cô con gái lớn có sáng kiến sử dụng phương tiện đi lại bằng xe buýt để tiết kiệm và chuyển phần ngân sách dôi dư sang tiêu dùng cá nhân. Nghĩa là mỗi tháng cô ta chỉ chi khoảng 40-45000 đồng tiền vé xe buýt và đưa phần tiết kiệm được vào chi dùng cá nhân.
Mặc dầu được các con thuyết phục, tham khảo ý kiến bạn bè, đồng nghiệp về việc sử dụng xe buýt, tôi nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Khen ít, chê nhiều. Chẳng hạn, xe buýt bẩn, chạy chậm vì hay kẹt đường, chật chội nên dễ bị móc túi! Tài xế xe buýt chạy ẩu, hay ép thậm chí còn gây sự với người đi đường. Một anh bạn còn mỉa mai, “Ối giời! Ông sẽ là người giàu nhất trên xe buýt!”
Việc gì đã khiến tôi quyết định sử dụng xe buýt? Cách đây hơn một tháng, vào một buổi chiều cuối tuần, tôi nhận một cú điện thoại từ Bệnh viện Cấp cứu Sài Gòn cho hay có một người thân bị tai nạn xe máy. Hoá ra đây là một anh bạn thân đang làm giáo viên thỉnh giảng ở các trường đại học trong thành phố. Nhìn người bạn bất tỉnh trên băng ca bệnh viện, nằm chờ xe cứu thương chuyển lên bệnh viện tuyến trên gần hai tiếng đồng hồ, trước thái độ “tỉnh táo” của các y bác sĩ, tôi chợt nhận ra quá nhiều rủi ro khi tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân trong thành phố gần 10 triệu dân này! Sau hơn một tuần bị sốc vì nghe tin anh bạn đã qua đời sáng hôm sau ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi quyết định sử dụng xe buýt.
Tôi đã cảm nhận gì về hệ thống xe buýt trên một số tuyến đã đi qua? Trước hết, hiện tượng móc túi là không có thật. Xe buýt chật chội vào các giờ cao điểm, nhưng không đến nỗi “chật như nêm” như tuyến xe buýt Hà Nội – Hà Đông thời bao cấp. Đi xe buýt có máy lạnh nên tránh được nóng, ô nhiễm không khí và bụi. Là một chuyên gia huấn luyện về quản lý thời gian cá nhân, tôi nhận thấy ngồi xe buýt ta có thể tranh thủ đọc sách báo, nghe radio, nghe nhạc và thậm chí nghe những câu chuyện đời thường mỗi ngày từ những người đồng hành. Đi xe buýt chỉ chậm khi tắc nghẽn giao thông vì không thể luồn lách như đi xe máy! Nhưng bù lại với rủi ro tai nạn giao thông và ô nhiễm, xe máy không thể thuyết phục nỗi tôi nữa rồi!
Trở lại tìm hiểu lý do tắc nghẽn nói trên, sau gần hai tiếng đồng hồ khai thông, chúng tôi phát hiện nguyên nhân kẹt xe là do một xe hơi bốn chỗ chết máy nằm ngay giữa đường trong giờ cao điểm. Tôi chợt nhớ những điều đã quan sát ở Đài Bắc (Đài Loan) và San Francisco (Mỹ) và đề nghị chính quyền thành phố có thể đưa vào áp dụng.
Ở Đài Bắc, thủ phủ của Đài Loan, những năm 1990, trong khoảng thời gian cao điểm, sáng từ khoảng 7 giờ đến 8 giờ và chiều từ 5 giờ đến 6 giờ, thành phố cấm xe hơi tư nhân bốn chỗ lưu thông trên đường. Trên các đại lộ, đường có vạch sơn chỉ dành ưu tiên cho xe buýt. Như vậy, các doanh nhân và những người có phương tiện ô tô riêng phải đi sớm về muộn để giúp cho công nhân và học sinh được đúng giờ. Còn ở California, mặc dầu đường sá rộng thênh thang, vẫn được phân luồng ưu tiên dành cho xe 12 chỗ trở lên trong giờ cao điểm.
Ngoài ra, để tránh tình trạng chạy đua rước khách trên đường phố, chính quyền thành phố không nên để các hợp tác xã hay công ty xe buýt cạnh tranh với nhau trên cùng một tuyến đường. Cạnh tranh là tốt, nhưng chỉ nên xãy ra khi bỏ thầu chọn tuyến. Khi đã trúng thầu, mỗi công ty hay hợp tác xã trọn quyền khai thác tuyến trúng thầu trong một thời gian hạn định. Tài xế các đơn vị khác nhau vì thế không bị áp lực doanh thu đè lên tay lái, họ sẽ có thái độ lái xe thận trọng hơn.
Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tham gia sử dụng phương tiện công cộng và thực hành nếp sống văn minh đô thị. Tài xế và phụ lái nên được huấn luyện dịch vụ khách hàng kết hợp xem phim hoặc cho đi tham quan các nước trong khu vực về cung cách phục vụ. Phụ xe không nên có thái độ khác nhau giữa trả tiền ngay và mua vé tháng. Mỗi xe buýt cần nên có sọt đựng rác, phiếu góp ý tài xế và phụ xe, bản đồ tuyến đường, số điện thoại của công ty hay hợp tác xã xe buýt để tiện liên hệ phản ảnh.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment