Tuổi nhỏ, ông rất thông minh, học
đâu nhớ đó, hiếu học, hiếu thảo, có tính tự lập tự cường, không ỷ lại một ai và
luôn lấy chữ Tín làm đầu vì đã thấm nhuần đao đức Nho giáo trong ngũ luân ngũ
thường và lấy đó làm kim chỉ nam để lập thân. Ông có tật bẩm sinh là nói ngọng
nên có người xấu thường chế giễu và nhại tiếng nói của ông, họ có ngờ đâu người
tật là người có tài.
Năm 1923 ông vào Đà lạt làm nghề
may mặc chung với người anh họ. Trong 5 năm, ông dành dụm được môt số vốn kha
khá rồi mới tính chuyện lấy vợ và trở về Huế năm 1927 để thăm quê nhà. Ông tự sắm
lễ vật nhờ cha mẹ xuống làng An Lưu hỏi vợ. Đó là một cô gái hằng ngày gánh
hàng lên bán ở chợ Mới (Vỹ Dạ), chợ Mai (Nam Phổ), mỗi ngày hai lần đi về qua
làng Ngọc Anh. Ông thấy cô gái này người thanh lịch, đoan trang, nết hạnh, trai
tráng có trêu ghẹo gì cũng mặc không bao giờ có chuyện lẳng lơ, chỉ lo bán buôn
giúp đỡ gia đình. Ông thấy hợp nhãn hợp tình mới liều một phen may ra thành
công, chứ con gái trong làng ai cũng chê vì ông có tật nói ngọng. Đặc biệt, có một
cô họ Nguyễn có sắc đẹp tương đối lại nói phủ mặt “Gái này làm gì không lấy được
tấm chồng lành lặn mà phải lấy anh thợ may nghèo có tật như vậy!”.
Vậy là chưa đầy một tháng sau, lễ
dặm cũng là lễ thành hôn được thực hiện nhanh chóng.
Cưới xong, sau ba ngày về nhà gái
lạy mặt ông bà nội, cha mẹ cô dâu và làm lễ tại nhà thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng
rồi ông xin phép đưa vợ vào Đà Lạt vào cuối năm 1927.
Lúc đầu vợ chồng ông vào Đà Lạt
sinh sống bằng nghề may mặc và buôn bán nhỏ, sau thấy buôn bán phát đạt thì
chuyên tâm vào buôn bán, may mặc giao cho học trò làm.
Khi làm ăn phát đạt, nhà phố trệt
kênh lên thành 3,4 lầu và lấy hiệu là Long Uyên ý ông tự ví mình như con rồng ở
vực sâu chỉ chờ có thời cơ là tung mây lướt gió, tha hồ vùng vẫy, và hiệu buôn
đặt tên Vĩnh Hưng nghĩa là vĩnh viễn hưng thịnh tiền phát.
Lúc khởi nghiệp ở Đà Lạt năm 1923,
ông làm chung việc may mặc với người anh. Ông rất siêng năng, thức khuya dậy sớm,
may mặc ngày càng hợp thời. Thường ông dậy lúc 3 giờ sáng, phần mình làm xong, ông
làm thêm phần của anh mình vì lúc đó ông anh bận việc công ở bưu điện Đà Lạt
nên việc tay trái có chậm trễ mà ông rất trọng chữ tín đối với khách, hứa với
ai điều gì là giữ đúng điều đó, ngày thử áo nhận áo lúc nào cũng đúng giờ được
khách hàng tín nhiệm nên việc may mặc luôn phát đạt.
Thì giờ còn dư ông còn may sẵn quần
áo đủ cỡ rồi kèm thêm mắm muối, rượu mang xuống M’lon, Dran để bán hoặc trao đổi
với người Thượng. Ông phải đi bộ vì bấy giờ chưa có xe cộ vận chuyển người và
hàng hóa như bây giờ. Khi trao đổi có nhiều hàng hóa thì ông thuê người dân tộc
mang vác lên Đà Lạt.
Khi người dân tộc thiểu số K’hor,
Chourou ... không có tiền mua áo quần thì họ xin đổi chát vật dụng làm ra như
cung tên giáo mác, gùi, ché, chum thì hai bên thỏa thuận trao đổi cho nhau.
Ông biết ý người Pháp thích trang
trí ở phòng khách các vật dụng do người Thượng làm ra. Thế là một vốn hai lời,
thấy việc mua bán trao đổi vật dụng có lợi tức nhiều hơn may mặc, từ đó chí hướng
của ông đã chuyển qua việc buôn bán là cứu cánh còn nghề may mặc là phụ.
Đặc biệt ông luôn lấy chữ tín làm
đầu với mọi người nên ai cũng kính phục rủ nhau đến cửa hàng của ông để mua bán
hay đổi chát gì đó.
Sau một thời gian buôn bán lẻ
ngày càng phát đạt ông chuyển qua buôn bán lớn, đại lý gạo, nước mắm, muối, rượu,
thuốc lá.
Nhà cửa hiệu buôn phải kênh lầu
mà vẫn không đủ chỗ chứa, phải thuê nhà thuê kho để chứa hàng. Mãi về sau ông mới
xây phố cho thuê, một vài căn để chứa hàng, vì có lúc hàng hóa cả mấy gon xe lửa
đến một lúc, nếu không có nhà kho để chứa hàng thì hàng hóa phơi nắng sẽ bị hư
hại, bằng mọi giá luôn có đủ chỗ chứa hàng, nên hàng hóa thực phẩm của cửa hàng
ông lúc nào cũng tươi tốt, khách hàng đông đảo chọn mua, nên giàu lại càng giàu
thêm.
Nhiều người thấy ông làm ăn mau
giàu có thì đồn thổi là ông Tiềm được túi bạc của khách hàng bỏ quên mới mau
giàu như thế. Sự thật không hề có chuyện đó. Ông làm ăn chân chính và luôn giữ
chữ Tín làm đầu, hàng tốt nói giá tốt, hàng xấu nói giá rẻ, không có lừa dối, gian
lận bao giờ nên được khách hàng tín nhiệm, cửa hàng lúc nào cũng đông khách, có
lúc bán hàng không kịp nên mới giàu to.
Chuyện buôn bán của ông Võ Quang
Tiềm là người Việt Nam duy nhất ở Đà Lạt mới địch nổi với sự buôn bán của người
Tàu. Nhiều hiệu buôn của người Tàu còn đến cầu cạnh để ông rót cho họ một ít
quota rượu, thuốc lá, gạo, mắm muối để họ bán lẻ, nhất là các hiệu buôn người
Tàu ở các huyện xã tỉnh Đồng Nai Thượng.
Khi làm ăn giàu có lớn, ông chuyển
qua ngành địa ốc, chuyên xây nhà phố khách sạn để cho thuê.
Tại thành phố Đà Lạt, ông đã xây
được 54 căn phố, tại Dran có một dãy phố trên 10 căn mua lại của người Pháp, các
cửa hàng đại lý buôn bán lẻ ở các huyện xã đa số là của ông. Ở Sài Gòn cũng có
1 căn phố lầu ở đường Nguyễn Văn Sâm này là đường Nguyễn Thái Bình. Ở tận Paris
Pháp cũng có 1 biệt thự cho thuê mỗi năm được 1 triệu Franc Pháp. Ngoài ra, ông
còn sắm 1 xe Mercedes để đi chơi, 1 xe Peugeot để chở hàng đến phân phối ở các
đại lý trong tỉnh, còn tiền vàng tích lũy bao nhiêu không ai rõ . Tại quê nhà,
ông còn mua thêm ruộng đất để làm hương hỏa.
Nói đến ông, người trong họ luôn
coi ông là tấm gương, là người lao đông chăm chỉ không nề hà vất vả khó nhọc
luôn lấy chữ Tín làm kim chỉ nam, đền ơn trả nghĩa đâu đó rất phải đạo, bản
tính rất hiếu thảo.
Khi cha mẹ già yếu qua đời chỉ
mình ông lo liệu vì một anh qua đời sớm, một anh nghèo. Ông làm lễ tang theo
đúng nghi thức tôn giáo và phong tục dân gian, tốn kém bao nhiêu một mình gánh
vác không nề hà.
Khi xây lăng đắp mộ đẹp đẽ, bia mộ
ông khắc là tất cả con cháu đồng lập mộ. Ông nói có làm như thế thì con cháu mới
đoàn kết, chứ để tên một mình thì không hay và các cháu sau này chẳng quan tâm
đến phần mộ của ông bà.