Tôi có một anh bạn, làm nghề tư vấn doanh nghiệp. Anh bận đến
nỗi không thể ngồi yên một chỗ để gõ máy vi tính. Gần đây, anh xử dụng phần mềm
trong điện thoại thông minh để trả lời những thắc mắc của tôi bằng cách đọc vào
máy để máy tự động ghi lại thành chữ. Sau đó, chỉnh sửa đôi chút và gửi luôn
cho tôi. Ngặt nỗi, anh là Việt kiều Mỹ nên bản tiếng Anh đọc chuẩn hơn.
Một người bạn khác là người Hàn Quốc. Nhiều năm trước đây, mỗi
lần ghé thăm thường dẫn theo một phiên dịch. Cuối năm vừa rồi, anh đến một
mình. Cũng như người bạn Việt kiều, anh này sử dụng điện thoại thông minh thay
cho phiên dịch. Mỗi lần trả lời, anh nói vào điện thoại bằng tiếng Hàn, điện
thoại phát ra câu thoại bằng tiếng Việt. Có một số từ máy không hiểu, anh liền
cho máy hiện chữ rồi đưa tôi đọc.
Hai câu chuyện ở trên,
cho thấy bước tiến về công nghệ đã ảnh hưởng tích cực tới đời sống của
con người ngày nay thế nào: Công nghệ sinh học ứng dụng trong y khoa, nông nghiệp;
tự động hóa ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, xây dựng và khám phá không
gian; phần mềm ứng dụng trong thương mại, vận tải và đặc biệt trong tài chính -
ngân hàng …
Đồng thời với những mặt tích cực, A.I. đang tạo ra cơn bão
cho xã hội loài người với những hệ lụy khôn lường mà hầu như chưa được chuẩn bị
để đối phó.
Bất ổn xã hội: Ở các nền kinh tế, giàu cũng như nghèo, một bộ
phận khá lớn cư dân bỗng dưng trở nên thừa. Ở các nước phát triển, theo lời bà Christine
Lagarde, Tổng giám đốc IMF số lượng này là 9% đối với nam và 20% đối với nữ. Ứng
dụng tự động hóa đã thay thế con người làm những công việc lập đi lập lại. Chẳng
hạn, dây chuyền sản xuất ô tô nay chỉ cần 6 người. Những ngành sử dụng nhiều
lao động nữ như ngân hàng, bán hàng … bị ảnh hưởng nhiều vì những lý do tương tự.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, cư dân có xu hướng tập trung ở
những trung tâm đô thị. Những người này tạo thành một giai cấp trong xã hội
phát triển gọi là giai cấp trung lưu, giờ đây đại bộ phận bỗng trở nên thừa vì
không theo kịp phát triển công nghệ. Ở châu Âu nảy sinh nạn kỳ thị người nhập
cư và biểu tình đòi cải cách. Dân Anh đòi tách khỏi châu Âu. Đó cũng là lý do
đưa ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Nghèo đói và thất nghiệp: Trong khi cơn bão A.I. thổi qua những
nước giàu tạo ra những rạn nứt về cơ cấu xã hội, các nước nghèo thì lún sâu vào
nạn nghèo đói và thất nghiệp. Người dân các nước châu Phi, Trung Mỹ tìm cách di
dân vào châu Âu và Mỹ tạo ra làn sóng phản đối ở các nước này. Các phe phái
chính trị sử dụng vấn nạn này để tạo thế lực, gây ra tranh chấp thương mại quốc
tế, đưa thế giới trở về thời kỳ chiến tranh lạnh.
Ngụ ý cho doanh nghiệp: Cơn bão A.I. tạo ra sự hủy diệt, nhưng
cũng mang đến cơ hội vô cùng to lớn cho doanh nghiệp. Hãy nhìn vào giá cổ phiếu
của những công ty khổng lồ như GE, GM … và những công ty như Amazon, Microsoft,
Google ở Mỹ; hay Alibaba, Tencent … của Trung Quốc, bạn sẽ hiểu nên làm thế
nào!