Làm
việc ở Hòa Bình, tôi rất ấn tượng về Cố vấn Ban Tổng Giám đốc Lê Viết Hưng, người
đã gắn bó với Hòa Bình từ khi thành lập công ty. Anh đã để lại rất nhiếu bài học
về đối nhân xử thế đối với CBCNV, từ những thành viên kỳ cựu đến nhân viên mới
gia nhập vào Hòa Bình, nhất là câu chuyện ly cà phê của Anh.
Trong
30 năm phụ trách công tác quản trị và điều động nguồn nhân lực, mỗi khi có vấn
đề nhân sự, Anh thường chia sẻ với họ qua ly cà phê do Anh mời.
Bên
ly cà phê đậm đà buổi sáng, hay buổi trưa nồng, Anh đã tìm được nhiều lời giải
để chia sẻ với nhân viên về những gút mắc của họ trong công việc, những khó
khăn mà họ gặp phải, hay những đề xuất mà họ chưa dám đưa ra. Anh cũng đã lắng
nghe những tâm tư của anh em CBCNV, thấu hiểu cuộc sống, công việc của họ để có
những lời động viên phù hợp. Không ít lần, những cuộc nói chuyện thân mật và
đơn giản với nhân viên giúp Anh hóa giải nhiều vấn đề phát sinh.
Cũng
từ ly cà phê chia sẻ này, mà trong suốt ba thập kỷ làm công tác nhân sự, Anh
chưa bao giờ ký quyết định buộc thôi việc một nhân viên nào. Từ sự chia sẻ thân
tình, đối tượng sẽ hiểu và tự làm đơn xin thôi việc bởi nhận ra sự không phù hợp
của mình trong guồng máy hoạt động của công ty.
Đó
là một trong những nền tảng đạo đức văn hóa mà Hòa Bình xây dựng để CBCNV luôn
ghi nhớ trong hành xử của mình, dựa trên cái Tâm của sự chân thành, cái Tâm
trong công việc. Anh nói, “Các hình thức khiển trách về hành chính là cần thiết
mạnh mẽ hơn, nhưng không thể thu phục nhân tâm của mỗi người bằng chính cách
hành xử văn hóa, đạo đức của mình.” Và mỗi lần nghe lại những cuộc nói chuyện của
Anh với các nhân viên trong công ty, tự tôi đã thầm cảm phục.
Theo
tôi, nếu con người có thể xác và linh hồn, doanh nghiệp cũng mang trên mình hai
yếu tố đó. Từ những trải nghiệm đã qua ở ngân hàng ACB, đến làm việc ở Tập đoàn
Hòa Bình, tôi càng thấy cảm nhận này là thật. Và quả không ngoa nếu tôi gọi anh
Lê Viết Hưng là linh hồn của Hòa Bình. Hầu như mọi suy nghĩ, hành động của Anh
đều dồn hết cho Công ty. Nhất là những khi doanh nghiệp gặp khó khăn vì vấn đề
chi phí hoạt động tăng cao hay gặp sự cố về an toàn lao động. Những lúc như thế,
Anh gần như không ngủ vì những tin nhắn của Anh đến Ban Điều hành đều phát đi
vào những giờ mọi người đang say giấc.
Và
một câu chuyện khác, về cái Tâm trong sáng của anh Lê Viết Hưng, lúc Anh vì lý
do sức khỏe, không thể tiếp tục giữ cương vị quan trọng ở Hòa Bình, Anh đã tặng
cho anh Lê Viết Hải 500.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, anh Lê Viết Hải đã cảm ơn và
muốn đưa số cổ phiếu này làm chi phí tặng thưởng cho anh chị em CBCNV Hòa Bình
có thâm niên gắn bó và làm việc có hiệu quả. Điều làm tôi thật sự xúc động, là
những anh chị em có liên quan đều xin phép không nhận phần thưởng này, mà muốn
đưa số cổ phiếu làm chi phí hoạt động công ty hay Quỹ hỗ trợ Giáo dục Lê Mộng
Đào. Anh Lê Viết Hưng sau khi biết câu chuyện đã rất cảm động bởi tính cách
chân tình của anh chị em CBCNV vì sự phát triển chung của công ty, không nhận
những giá trị mà không tự mình làm ra.
Tập
đoàn Hòa Bình mỗi năm mỗi lớn mạnh. Bộ phận quản lý nguồn nhân lực đối mặt với
những thách thức rất lớn, khi mà tổng số CBCNV và công nhân thầu phụ tăng lên
trên 20.000 người trải rộng khắp cả nước.
Việc
quản lý nguồn nhân lực giờ đây đòi hỏi phải sử dụng giải pháp công nghệ thông
tin và những kỹ năng hiện đại khi doanh nghiệp tiến hóa sang giai đoạn quản trị
chuyên nghiệp. Tuy vậy, theo tôi, nền tảng văn hóa doanh nghiệp lấy con người
làm trung tâm của sự phát triển mà anh Hưng đã ươm mầm vẫn mãi mãi tồn tại ở
Hòa Bình.