Sunday, June 12, 2016

Bác tôi

Mùa đông năm 1982, tôi nghỉ phép, lên Đơn Dương thăm người Bác ruột suốt nhiều năm chưa gặp mặt.

Hồi chiến tranh, việc đi lại giữa địa phương này với nơi khác rất khó khăn. Không chỉ vấn đề kinh tế, an toàn trong lúc đi lại là quan ngại rất lớn vì sợ mìn bẫy dọc đường.

Bác tôi vào Lâm Đồng lập nghiệp, thỉnh thoảng về quê lo việc mồ mả. Khi tôi lớn lên cũng vào thời điểm chiến tranh Việt Nam đến hồi quyết liệt qua những biến cố như Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, rồi Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước… nên gia đình phân tán, chưa một lần có điều kiện đoàn tụ.

Hồi ở Huế, mỗi năm đi chạp mộ một lần, tôi thường để ý ghi chép ở trên bia mộ nào cũng có tên của Bác tôi là người phụng lập. Ngay cả ngôi nhà rường làm nơi thờ tự, theo lời cha tôi, cũng do công sức của Bác dựng nên.

Vì thế, khi vào công tác ở Nha Trang, ao ước của tôi là được một lần gặp Bác. Tôi tưởng tượng cảnh Bác tôi sống trong một căn nhà lớn kiểu Pháp, xung quanh một khu vườn rộng… Thế nhưng, khi ô tô dừng lại ở chợ Đơn Dương, người ta cho biết Bác tôi vào trong rừng cất nhà sống cách đó vài cây số.

Theo chuyến xe ngựa, tôi tìm đến xã Phú Thuận rồi men theo đường ray xe lửa thời Pháp bỏ hoang để tìm đến nhà Bác.

Ngôi nhà tranh thấp dựng ở ven đồi thông, phía dưới chân đồi có khe nước chảy, một mảnh ruộng trồng lúa và khoai môn chạy dọc theo dòng suối màu nước vàng đục do mang nặng đất phù sa. Phía sau đồi, dưới những gốc thông, là những luống dứa được trồng vừa lấy quả, vừa giữ đất khỏi bị xói mòn.

Sống vài ngày trong thung lũng hoang vắng, tôi giúp Bác làm vườn, mỗi chiều xách chiếc cần câu đi dọc bờ suối kiếm vài con cá trê làm thức ăn. Tuy vậy, Bác còn làm thịt thỏ, gà đãi tôi nên so với bữa ăn ở bếp tập thể tại Nha Trang, thật là sung sướng hơn nhiều.

Hàng ngày, khoảng 4 giờ chiều, thung lũng bị bao phủ bởi một màn sương mờ khiến bóng tối đến rất nhanh. Hầu như bữa cơm chiều nào cũng diễn ra dưới ánh đèn dầu rồi mọi người lên giường rất sớm. Khoảng 3 giờ sáng, tôi thấy Bác đốt đèn đọc Kinh Thánh cho đến tận sáng.

Sáng chủ nhật, Bác vác chiếc xe đạp lên vai ra tận quốc lộ để đạp xe về Đơn Dương. Tôi thức dậy nhìn ra thung lũng, màn sương vẫn còn dày đặc. Tôi ngạc nhiên vì không hề thấy Bác rủ tôi đi lễ nhà thờ. Sáng chủ nhật lần sau, tôi chủ động xin Bác đi theo. Bác đồng ý, nhưng tôi đành phải theo xe ngựa vì đường lên thị trấn rất dốc. Khi tôi vào nhà thờ, mọi người đã ngồi chật kín. Khác với nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin Lành thường nhỏ, chứa được vài chục giáo dân. Tôi thấy Bác đứng trên bục giảng, yêu cầu mọi người mở Kinh Thánh nghe Bác giải thích. Cuối buổi lễ, toàn bộ mọi người đồng thanh hát một bài thánh ca. Tôi vẫn còn nhớ như in đến tận ngày hôm nay bài hát, “Xin Chúa hãy kéo tôi lại gần”. Sở dĩ tôi có ấn tượng sâu sắc đến như vậy là do một nữ giáo dân, có lẽ là người gốc Quảng Ngãi, mỗi khi đến điệp khúc kéo tôi lại gần, giọng của chị the thé, khiến tôi không chịu được.

Mấy ngày sau, tôi cố gần gủi Bác để tìm hiểu nguyên nhân Bác trở thành mục sư bất dắc dĩ. Thì ra, từ khi Bác về Đơn Dương làm công việc thu tiền thuê nhà hàng tháng cho người anh em trong họ, Bác nhận làm giúp việc cho một mục sư người Mỹ và được ông này dẫn dắt trở thành một tín đồ Tin Lành. Sau ngày Giải phóng, xét thấy ngôi nhà mình đang ở không phải là chủ sở hữu, Bác đã tự mình giao nộp cho nhà nước rồi sau đó dựng nhà trong thung lũng để sống lại thời thơ ấu ở nông thôn ngoài Huế. Việc Bác trở thành người giảng giải ý nghĩa của những câu chuyện trong Thánh Kinh cũng bộc phát có thể vì tuổi tác và sự kính trọng mọi người dành cho Bác.

Một buổi sáng trước khi rời Đơn Dương tôi đã dậy sớm ngồi bên cạnh Bác. Bác gấp cuốn Kinh Thánh lại, chậm rãi nói với tôi, “Năm nay con lên đây còn gặp Bác, năm sau, nếu có lên thăm chưa chắc đã gặp Bác.”

Tôi về lại Nha Trang tiếp tục công việc, một buổi chiều mùa đông, tôi nhận một mẫu giấy điện tín, vỏn vẹn mấy chữ, “Bác mất rồi”. Lúc đó, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh năm sau. Nhiều năm rồi, tôi vẫn luôn tự hỏi, làm sao Bác tôi lại có một dự cảm về ngày ra đi của mình như thế.